Chút suy ngẫm về thói quen nói dối của người Việt

Quang Minh

Có một người bạn từng nói rằng, trong xã hội Việt Nam ngày nay, người ta “đồng lòng nói dối”… Tất nhiên, có thể nhiều người sẽ không đồng ý với quan điểm đó, nhưng nếu thử nhìn quanh thì ta sẽ phát hiện ra rất nhiều ví dụ “gần gũi”, “bình dân” quá mức chạnh lòng… Những câu chuyện từ trẻ con mẫu giáo đến người lớn trưởng thành đang hiện hữu trong xã hội ngày nay là một thực tế khiến ta cần suy ngẫm.

“Ăn nhanh lên không ông ba bị bắt” có lẽ là một câu nói cửa miệng của rất nhiều người bà khi dỗ cháu ăn dặm. “Đánh chừa cái bàn làm em đau” cũng là một câu thường thấy để dỗ bé nín khóc. “Con không … thì mẹ không yêu đâu”. “Nuốt hạt là cây mọc trong bụng đấy”… Đây là vài câu chuyện bình dân thời “mẫu giáo”.

Đến giai đoạn tiểu học, người ta sẽ cho trẻ tiếp xúc với truyện dân gian kiểu “Nói dối như cuội”, “Trạng Quỳnh”… mà trong đó đánh đồng “thông minh” với sự khôn lỏi, gian dối, hay thậm chí là ác độc đến mức giết người. Các em cũng được trải nghiệm những bài tập làm văn kiểu “tả con mèo mà nhà em không nuôi”, “tả bà mà tóc phải bạc”. Rồi những bài thủ công, những tờ bích báo “của phụ huynh”. Rồi những giờ giảng mẫu được dàn dựng từ trước…

Trong “lò luyện” trung học, học sinh lại trải qua sự rèn giũa với các sách giải bài tập, sách làm văn mẫu, các giờ học thêm. Và để đảm bảo thành tích, sẽ không thiếu những chuyện “thả cho chép”, cũng không thiếu những màn coi cóp, nhắc bài. Những đứa trẻ sẽ bắt đầu biết đến việc bố mẹ phải “đi thầy”, “đi cô”, hay thậm chí là “đi hiệu trưởng”. Và chúng cũng sẽ trải qua những kỳ thi, những lần chạy điểm, những trường chuyên lớp chọn phải đi kèm với những khoản “đầu tư” không nhỏ.

Và khi chuẩn bị bước vào thực tế cuộc sống, các sinh viên của chúng ta đã rèn luyện thành những “kỹ năng” chuyên sâu hơn: trốn học, điểm danh hộ, bộ đề khóa trên, học hộ, thi hộ, đồ án thuê… Tiếp theo đó tất nhiên là những “nghiên cứu khoa học” vô thưởng vô phạt, những lần tự mình đi thầy đi cô để rồi cho ra lò những cử nhân giấy, thạc sĩ giấy, tiến sĩ giấy.

Rồi bước chân ra khỏi cánh cửa đại học, không thiếu trường hợp phải đối mặt với việc bỏ hàng trăm triệu để “xin một chân”, để đi cửa sau, để “mua quan bán chức”. Người ta cũng phải hô khẩu hiệu, làm báo cáo trên giấy, tranh đấu hơn thua.

Và để có được lợi ích lớn hơn, một bộ máy công ty sẽ lao vào những vụ đấu thầu quân xanh quân đỏ, những chuyện “lại quả”, những thứ “phải trả giá”.

Tất nhiên, trước những sự kiện lịch sử hay thời sự đau lòng thì phải có những khuôn từ sáo rỗng về cái sự “đúng đắn”, “sát sao”.

Người dân cũng quá quen thuộc khi những người có trách nhiệm buông lời nói dối về những vấn đề nhạy cảm nhưng bức thiết, khi báo chí và truyền thông dẫn hướng dư luận, khi xảy ra những thảm họa về an sinh và môi sinh. Thậm chí dân Việt luôn “lạc quan vui tươi” đến bất ngờ, bởi vì không thiếu chuyện được lấy làm “chuyện cười” dưới ánh đèn sân khấu.

Người ta buông xuôi, chấp nhận và chai lì với những lời nói dối…

Rồi người ta sinh con, trở thành phụ huynh.

Và những đứa trẻ lại được giáo dục như thế…

Quang Minh

Related posts