Minh Dũng
Trong vòng 1 tuần quân Taliban lần lượt đã chiếm từng thành phố của Afghanistan và thế tiến của họ giống như chẻ tre khi các thành phố thuộc quân chính phủ lần lượt bị thất thủ. Tất cả các thành phố lớn của nước này đều dễ dàng bị đánh bại trước đà tiến quân gần như không thể cản của Taliban. Và thủ đô Kabul đang trong vòng vây của phiến quân.
Tình báo Mỹ đã từng nói rằng thủ đô Kabul sẽ bị thất thủ trong 90 ngày sau khi vây hãm 30 ngày. Trước đó CIA đánh giá rằng, phiến quân Taliban phải mất 6 tháng mới có thể đạt được mục tiêu này.
Trước đó, các cuộc không kích hạn chế của Mỹ vào Afghanistan bằng máy bay không người lái, máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến đấu AC-130 trong những ngày gần đây để giải cứu một số thành phố bị Taliban bao vây nhưng vẫn không tránh khỏi sụp đổ.
Tuần trước, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đổ lỗi cho quyết định rút quân “đột ngột” của Hoa Kỳ là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của an ninh ở nước này.
Một quan chức Mỹ nói với báo giới rằng “mọi thứ đang đi sai hướng”.
Trong khi đó hàng trăm nghìn người dân nước này phải chạy trốn do chiến sự leo thang. Tại thủ đô Kabul tràn ngập người di tản. Tại biên giới với các quốc gia láng giềng, dòng người dân chạy di tản
Nhà Trắng phải gửi 5.000 lính thủy quân lục chiến đến Afghanistan để giúp người Mỹ di tản khỏi nước này.
Với những diễn biến chiến sự đang diễn biến tại quốc gia Trung Á này, người ta không thể không liên tưởng tới Sài Gòn năm 1975.
Tất nhiên có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt giữa hai cuộc chiến này.
Cuộc chiến lâu dài và dai dẳng
Trong cả hai cuộc chiến này, người Mỹ can thiệp khá dài, với độ dài cùng là 20 năm. Tuy nhiên tính việc can dự và chiến đấu trực tiếp thì quân đội Mỹ ở Afghanistan lâu hơn, đúng 20 năm. Riêng cuộc chiến tại Việt Nam, người Mỹ đưa đưa quân đội trực tiếp chính thức từ năm 1965 và rút quân vào năm 1973.
Với cuộc chiến khủng bố toàn cầu, mà Afghanistan chỉ là một phần chính, Mỹ đưa quân lật đổ Taliban khi nhóm phiến quân này chứa chấp trùm khủng bố Bin Laden. Với cuộc chiến ở Afghanistan, quân đội Mỹ bước đầu đã thành công khi lật đổ được chính quyền Taliban nhưng Bin Laden đã trốn thoát. Mãi đến tận 10 năm sau, vào năm 2011 người Mỹ mới tiêu diệt được trùm khủng bố này trên đất nước láng giềng Pakistan.
Các nước liên quan trong cuộc chiến khủng bố cũng không nằm ngoài 1 quốc gia, ngoài Afghanistan, còn gồm cả Iraq, Pakistan và một số quốc gia Trung Đông.
Đối với cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến ý thức hệ, cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe Cộng Sản và Tự do. Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam cũng với mục đích là ngăn chặn làn sóng cộng sản như những quân bài Domino tràn xuống Đông Nam Á.
Cả hai quốc gia đều là di sản của những cuộc chiến trước đó. Với Việt Nam thì Mỹ gần như theo sau người Pháp, còn với Afghanistan thì trước đó là Liên Xô.
Phạm vi của chiến tranh Việt Nam là ở Đông Dương, gồm cả Lào và Campuchia. Việt Nam chia làm 2 phe thì Lào và Campuchia cũng chia thành 2 phe, phe cộng sản và phe chống cộng. Do đó, bản thân cuộc chiến về ý thức hệ thể hiện rất rõ ở cuộc chiến này.
Cả hai cuộc chiến này, Mỹ đều được đồng minh ủng hộ và gửi quân tham chiến. Tại cuộc chiến Việt Nam, nhiều đồng minh Mỹ cũng tham chiến như Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thái Lan, Philippines… Còn tại cuộc chiến Afghanistan, Mỹ cũng có quân đội khối NATO hỗ trợ.
Còn quân đội Bắc Việt có được chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc hỗ trợ.
Nhưng có điểm khác biệt là tại cuộc chiến Việt Nam, phân định rất rõ giới tuyến. Việt Nam bị chia cắt tạm thời thành 2 quốc gia và được ngăn bởi vĩ tuyến 17. Quân Bắc Việt sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh trên cả đất Lào để di chuyển quân vào Nam Việt Nam. Còn tại Afghanistan, cuộc chiến diễn ra trên cả nước Afghanistan.
Tuy vậy, có một điểm giống nhau là quân Bắc Việt có những căn cứ tại vùng nông thôn miền Nam Việt Nam. Tương tự vậy, Taliban chiếm vùng nông thôn hẻo lánh ở Afghanistan.
Do chiếm cứ vùng nông thôn, nên chiến thuật cả hai sử dụng là chiến tranh du kích. Hình thức này khá hiệu quả và gây tổn thất cho lực lượng chiếm đóng của Mỹ.
Còn có điểm khác biệt lớn nữa là quân đội Bắc Việt có nhiều trận chiến đối kháng trực tiếp với quân đội Mỹ, như Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Trận Khe Xanh, cũng như các trận đánh với Quân đội Việt Nam Cộng hòa, như chiến dịch Lam Sơn 719 (Chiến dịch đường 9 – Nam Lào), hay trận An Lộc, Komtum.
Mỹ cũng thực hiện một số chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam như Chiến dịch Sấm rền, Chiến dịch Chiến dịch Linebacker.
Do vậy tính khốc liệt và thương vong của Chiến tranh Việt Nam lớn hơn nhiều. Ước tính có hơn 3 triệu nhân mạng bị chết của tất cả các bên, gồm cả dân thường. Dân thường thiệt mạng dao động từ 966.000 đến 3 triệu, 58.220 quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng, và 1.626 người khác vẫn mất tích.
Còn thương vong trong cuộc chiến tại Afghanistan tương đối nhỏ. Tính đến tháng 5/2020 có 3.502 lính của liên quân đã thiệt mạng tại Afghanistan, trong đó lính Mỹ chết 2.355, lính Anh chết 456.
Xây dựng quân đội và nguồn tài chính
Tại quốc gia chiếm đóng, Hoa Kỳ đã giúp đỡ xây dựng quân đội địa phương, với nỗ lực quân tại đây có thể tự lực chiến đấu với đối phương.
Tại Afghanistan, người Mỹ đã giành 20 năm để xây dựng, giúp đỡ quân đội nước này. Hiện tại thời điểm quân chính phủ có 300.000 so với quân của Taliban chỉ có khoảng 75.000. Theo ước tính, Chính phủ Mỹ cũng đã chi hơn 143 tỷ USD vào các nỗ lực tái thiết tại Afghanistan, trong đó có 88 tỷ USD chi vào huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho lực lượng an ninh Afghanistan.
Từ khi bắt đầu vào năm 2001 đến tháng 4 năm 2021, cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn của người nộp thuế Hoa Kỳ khoảng 2,261 nghìn tỷ đô la, theo ước tính của Đại học Brown.
Tương tự ở Nam Việt Nam, người Mỹ đã giúp xây dựng và hỗ trợ Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1970, quân đội Nam Việt Nam đứng thứ 4 thế giới.
Với cuộc chiến Việt Nam, từ năm 1953 đến năm 1975, Hoa Kỳ ước tính đã chi 168 tỷ đô la cho cuộc chiến (tương đương 1,4 nghìn tỷ đô la vào năm 2020).
Còn Taliban có nguồn tiền chính từ buôn bán ma túy. Quân đội Mỹ cho biết, 60% tài chính của tổ chức này là từ hoạt động ma túy. Số tiền còn lại đến từ khai thác mỏ, tiền thuế tại những địa phương mà phiến quân này chiếm đóng, tiền ủng hộ của cá nhân từ các nước Ả Rập, Pakistan, Qatar và từ chính phủ các nước như Iran, Nga, Pakistan.
Trong cuộc chiến Việt Nam, phía Quân đội Bắc Việt được phe XHCN ủng hộ. Liên Xô và Trung Quốc gần như cung cấp mọi vũ khí, hậu cần, nguyên liệu, tài chính cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để duy trì cuộc chiến.
Phong trào Phản chiến
Cuộc chiến Việt Nam có điểm khác biệt là Bắc Việt Nam được cả khối CNXH và nhiều phong trào thế giới thứ 3 ủng hộ. Ngay trong lòng nước Mỹ cũng có phong trào phản chiến, kéo dài từ thập niên 60 đến hết cuộc chiến. Đặc biệt sau Trận Mậu thân (1968), phong trào này diễn ra rất mạnh. Nó không chỉ diễn ra tại Hoa Kỳ, mà còn xuất hiện cả ở nhiều nước phương Tây khác. Phong trào phản chiến đóng vai trò chính trị quan trọng, góp phần lớn trong việc khiến Mỹ ký hiệp định hòa bình và rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam vào năm 1973.
Đối với phiến quân Taliban thì gần như không được ủng hộ trên thế giới. Trong 5 năm cầm quyền ngắn ngủi tại Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, tổ chức này chỉ được nước láng giềng Pakistan công nhận. Nước Mỹ hiện cũng đã cảnh báo Taliban rằng, nếu họ chiếm quyền lực bằng vũ lực, họ cũng không được Mỹ và quốc tế công nhận.
Rũ bỏ
Có thể quá mệt mỏi với cuộc chiến dài ngày, gây tổn thất về nhân mạng cũng như tài chính, nước Mỹ đã quyết định rút lui.
Trước khi rút quân, cả 2 cuộc chiến người Mỹ đều kỳ hiệp định hòa bình để chấm dứt chiến tranh.
Với cuộc chiến Việt Nam, Hiệp định Hòa bình Paris 1973 được ký bởi 4 bên, gồm Mỹ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng hòa Miền nam Việt Nam. Còn với cuộc chiến tranh chống khủng bố, Hiệp Định Doha 2020 được ký giữa Hoa Kỳ và Taliban.
Cả hai Hiệp định Hòa bình có điểm chung là: 1. Mỹ rút quân, 2. Các bên ngừng bắn, 3. Đàm phán nội bộ các bên còn lại để đạt được hòa bình.
Người Mỹ đã tôn trọng hiệp định hòa bình khi rút quân ở cả hai cuộc chiến. Tuy vậy, trong cả hai cuộc chiến thì các bên còn lại đều vi phạm Hiệp định Hòa bình. Đặc biệt là thỏa thuận ngừng bắn và thỏa thuận về cam kết không thôn tính lẫn nhau. Hai năm sau khi quân đội Mỹ rút lui, Quân đội Bắc Việt đã chiếm Sài Gòn, tái thống nhất lãnh thổ. Tại Afghanistan, trong khi Mỹ đang rút quân, Taliban vẫn tiến hành tấn công quân chính phủ Afghanistan hiện đang tiến vào thủ đô Kabul. Có vẻ như số phận của Kabul giống hệt như của Sài Gòn năm 1975.
Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden cho biết ông không hối hận về quyết định rút quân khi nhấn mạnh rằng quân Afghanistan phải “chiến đấu vì quốc gia của mình”.
Khi được hỏi liệu có điểm giống nhau giữa cuộc chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam và cuộc chiến ở Afghanistan khi trong những ngày này tình hình ở Afghanistan giống hệt như Nam Việt Nam năm 1975, ông Biden đã đưa quan điểm khác biệt.
“Không hề liên quan chút nào”, ông Biden nói. “Taliban không phải là quân đội Bắc Việt”. “Sẽ không có chuyện quý vị chứng kiến người được chở đi từ mái nhà đại sứ quán của Hoa Kỳ ở Afghanistan”.
Di sản của hai cuộc chiến
Có thể nói, cả hai cuộc chiến gây ra vết thương trong lòng nước Mỹ. Với người Mỹ, cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 kiến gần 3.000 người thiệt mạng là một vết thương khó lành, và hệ lụy của nó kéo dài và dai dẳng. Ngoài Al-Qaeda, những thập niên sau đó, người Mỹ vẫn phải chiến đấu với những tổ chức khủng bố trên toàn cầu khác, gần nhất là nhà nước khủng bố hồi giáo IS.
Cuộc chiến Việt Nam khiến nước Mỹ tổn thất hơn 58.000 quân. Chiến tranh Việt Nam gây di chứng nặng nề cho nước Mỹ, từ vấn đề xã hội, văn hóa, kinh tế, cho đến học thuyết quân sự của nước này. Nước Mỹ luôn ám ảnh với cuộc chiến ở Việt Nam qua nhiều thế hệ và có ảnh hưởng rất lớn tới các cuộc chiến tranh sau này.
Mỹ đã thua cuộc ở Việt Nam, hình ảnh người Mỹ phải di tản trên nóc tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn năm 1975 là một biểu tượng thất bại, mà trong mắt nhiều người đó là một thất bại nhục nhã.
Tuy vậy, chỉ hơn 15 năm sau, Hoa Kỳ đã giành chiến thắng trong Chiến tranh lạnh khi Liên Xô chính thức sụp đổ. Trước đó, biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh, bức tường Berlin chia cắt nước Đức làm 2 nơi, cũng bị kéo đổ. Như một câu nói nổi tiếng, “Chúng tôi thua một trận đánh, nhưng chúng tôi thắng cuộc chiến tranh”. Hoa Kỳ thua 1 trận đánh (Chiến tranh Việt Nam), nhưng họ đã thắng 1 cuộc chiến tranh (Chiến Tranh Lạnh).
Với cuộc chiến chống khủng bố, người Mỹ tuyên bố chiến thắng từ năm 2002, nhưng cuộc chiến kéo dài đến tận 20 năm cho đến tận bây giờ. Khủng bố có lẽ không phải là một kẻ thù nguy hiểm của họ nữa. Nhưng hiện tại nước Mỹ có một cuộc chiến còn khó khăn hơn nhiều. Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ, nó diễn ra giữa người Mỹ với người Mỹ, giữa truyền thống và tự do, cuộc chiến chống lại phe muốn biến nước Mỹ thành một nước xã hội chủ nghĩa.
Minh Dũng