Kabul năm 2021 có phải là Sài Gòn năm 1975?

Jackhammer Nguyễn

16-8-2021

Người dân Afghanistan xếp hàng dài hàng tiếng đồng hồ để rút tiền trước một ngân hàng ở Kabul. Ảnh: Rahmat Gul / AP

Các lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8/2021. Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy ra nước ngoài. Cuộc chiến Afghanistan kéo dài 20 năm của người Mỹ xem như chấm dứt.

5000 quân Mỹ được triển khai tới Afghanistan không phải để đánh nhau mà là để di tản những công dân Mỹ tại đây.

Hơn 46 năm trước, ngày 30/4/1975 là ngày chấm dứt cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam, kết thúc 10 năm tính từ cuộc đổ bộ Đà Nẵng của thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 1965, Nhưng nếu lấy mốc cuộc truất phế Bảo Đại của ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ của người Mỹ thì cũng tròn 20 năm.

Vào ngày 30/4/1975 cũng có những đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ được không vận tới Sài Gòn, không phải để đánh nhau mà là để rút đi.

Những con số tròn, cân đối và lạnh lùng, nhưng lại đưa đến cảm giác thú vị về sự đối xứng như Jon Sopel, biên tập viên BBC ở Bắc Mỹ, đề cập.

Nhưng đó cũng là những con số nhân tạo, như ông Biden quyết định lấy ngày 11/9 là hạn chót cho những đơn vị quân đội Mỹ rút ra khỏi Afghanistan. Không rõ có phải ông muốn lấy ngày đó để gợi lại cho người Mỹ hiểu cái nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến là cái ngày thảm khốc 9/11/2001 hay không. Cái ngày định mệnh của cuộc chiến, ngày mà lần đầu tiên lãnh thổ chính thức của Mỹ bị tấn công bởi người ngoại quốc (Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công vào năm 1941, lúc Hawaii chưa phải là một tiểu bang mà là lãnh thổ hải ngoại, cho đến năm 1959).

Cả hai cuộc chiến, Việt Nam và Afghanistan đều do người Mỹ chủ động, người Mỹ đến rồi rút đi.

Cho nên không ngạc nhiên khi các xe bán tải chở các chiến binh Taliban áp sát các thành phố Afghanistan, báo chí phương Tây lại rộ lên sự liên tưởng, và trong chừng mực nào đó, bóng ma Việt Nam lại ám ảnh một số người Mỹ, trong đó có không ít người Mỹ gốc Việt.

Quả thật có rất nhiều điểm tương đồng.

Thứ nhất đó là sự chủ động đến rồi đi của người Mỹ như vừa đề cập. Mục đích của người Mỹ ở Afghanistan là tiêu diệt Al-Qaeda và họ đã làm được (hạ thủ Bin Laden), họ thấy rằng họ không còn trách nhiệm ở lại. Mục đích của người Mỹ ở Nam Việt Nam là chống cộng sản, thì họ đã tìm ra con bài Trung Quốc vào năm 1972, cho nên cũng không có lý do để ở lại.

Nếu hiệp định Paris vào năm 1973 cho phép các lực lượng cộng sản ở lại miền Nam, một điều kiện vô cùng thuận lợi cho họ tiến hành chiếm Sài Gòn hai năm sau đó, thì thỏa ước 2020 giữa Mỹ và Taliban cũng không có gì khác hơn là một nhịp cầu để cho những chiến binh Taliban có mặt tại Kabul vài tháng sau.

Thứ hai là, cả hai cuộc chiến đều có chút ít màu sắc ý thức hệ. Cuộc chiến ở Việt Nam là để ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, còn cuộc chiến ở Afghanistan là để cổ vũ cho những giá trị dân chủ (mục đích thứ hai), chống lại sự bạo tàn, hà khắc của luật Sharia Hồi giáo.

Thứ ba là sự hiện diện của lực lượng Mỹ (và đồng minh) không giúp kiến tạo được một nhà nước dân chủ, mạnh như mong muốn. Lực lượng quân đội Afghanistan và Việt Nam Cộng hòa đều không một mình chiến đấu chống lại được đối phương, dù có trang bị hùng hậu hơn. Các viên tướng không có tài, sự nhũng lạm, làm suy yếu sức chiến đấu của các đội quân này. Nếu có những lính ma (ghost soldier) trong quân đội nhà nước Afghanistan hiện nay, thì trong quân đội Việt Nam Cộng hòa có lính kiểng.

Điểm tương đồng thứ tư, có lẽ là khá quan trọng làm cho các đồng minh Afghanistan và Nam Việt Nam của người Mỹ không chinh phục được cảm tình của đa số dân chúng, đó là chủ nghĩa dân tộc. Ở miền Nam Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc còn để lại từ phong trào Việt Minh chống Pháp, là sự đối kháng với những đội quân nước ngoài qua hơn 2000 năm lịch sử của người Việt Nam. Ở Afghanistan, các bộ lạc ở đây từ vài ngàn năm qua, chống trả dữ dội những đạo quân ngoại bang, từ Alexander Macedonia đến binh lính Anh, từ các sư đoàn Soviet đến liên quân do Mỹ đứng đầu.

Sự hiện diện của binh lính nước ngoài vô tình làm cho những tư tưởng cực đoan hà khắc trở thành đại diện cho chủ nghĩa dân tộc trong mắt dân chúng, tại Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản, tại Afghanistan là những tín điều tàn bạo của luật Sharia. Bên cạnh đó, sự nhũng lạm của các nhà nước được phương Tây ủng hộ, cũng làm cho nhiều người trở nên bất mãn mà ủng hộ cộng sản trong chiến tranh Việt Nam, hay ủng hộ Taliban trong chiến tranh Afghanistan.

Biên giới Afghanistan và biên giới Việt Nam đều không thể bao kín chống lại sự xâm nhập của các lực lượng vũ trang và vũ khí từ bên ngoài.

Sự tương đồng lớn nhất có lẽ là mô hình dân chủ phương Tây không được người địa phương hiểu, hoặc là chưa đủ thời gian để họ hiểu ra.

Tuy nhiên cũng có những sự khác biệt rất lớn.

Đầu tiên là nguồn cơn của cuộc chiến. Nếu ở Việt Nam là lý tưởng chống cộng sản, thì ở Afghanistan là để tự vệ sau cuộc tấn công của Al-Qaeda vào tòa tháp đôi ngày 11/9/2021, vì Al-Qaeda dùng xứ này làm căn cứ hoạt động.

Nếu các lực lượng cộng sản tại Việt Nam có một “hậu phương lớn” ý thức hệ rất rạch ròi trong chiến tranh lạnh, cung cấp cho họ những phương tiện tài chính, quân sự dồi dào, thì lực lượng Taliban lai được cung cấp những phương tiện ấy từ những đồng minh của… Mỹ, Pakistan và Arab Saudi.

Các lực lượng cộng sản Việt Nam, gồm miền Bắc cộng sản và bình phong của nó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là một lực lượng rất thống nhất. Lực lượng đó đến gần nửa thế kỷ sau vẫn còn là một khối thống nhất trên cơ sở dân tộc và kinh tế. Lực lượng này đã từng có một ý thức hệ, nhưng đã tàn phai. Trong khi các chiến binh Taliban là một liên minh khá lỏng lẻo, liên kết nhau bằng một niềm tin có lịch sử gần 2000 năm.

Khi bắt đầu nhúng tay vào Việt Nam, người Mỹ hầu như không biết gì về xứ sở này, trong khi đó Afghanistan lại khá quen thuộc với họ, vì họ ủng hộ các chiến binh Mujahedeen chống lại quân đội Soviet trước đó. Xuyên suốt cuộc chiến, người Mỹ có những chuyên gia người Afghanistan am tường xứ sở của họ.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của miền Nam Việt Nam trước đây không phải phân tán quyền lực về các thủ lĩnh địa phương, mà đôi khi khác hẳn về chủng tộc.

Cuộc chiến Afghanistan là cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ trong lịch sử của nó, nhưng nếu so vị trí của nó trên bàn cờ chiến lược quốc tế thì nó không lớn bằng cuộc chiến Việt Nam. Lẽ ra người Mỹ có thể rút lui khi đã diệt được lực lượng Al-Qaeda sau khi hạ sát Osama Bin Laden vào năm 2011, nhưng họ ở lại để tiếp tục một lý tưởng gọi là “xây dựng quốc gia” (nation building) một lý tưởng đã thất bại cách đó mấy ngàn cây số ở miền Nam Việt Nam.

***

Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về những đoàn người Afghanistan chạy loạn, vì họ sợ cuộc tắm máu đã từng diễn ra cách đây 20 năm. Các chiến binh Taliban mà giới truyền thông Anh quốc gọi là Taliban 2.0, tuyên bố rằng, họ sẽ không trả thù, sẽ không có tắm máu.

Tương tự như vậy, đoàn người chạy loạn ở miền Nam Việt Nam trong tháng 4/1975 bị thúc đẩy bởi những cảnh giết chóc kinh hoàng của lực lượng cộng sản vào năm 1968, và xa hơn nữa là cảnh đấu tố cải cách ruộng đất 1955.

Nhưng điểm khác nhau là những người Việt chiến thắng năm 1975 đang ở đỉnh cao hưng phấn ý thức hệ của họ, một ý thức hệ, một cách sống hoàn toàn khác biệt với những người miền Nam cùng chủng tộc với họ. Các chiến binh Taliban và dân chúng Afghanistan không khác nhau nhiều đến thế.

Đã có lác đác những người Afghanistan “thuyền nhân” đến Úc, châu Âu để thoát đói nghèo và chiến tranh trong hơn 10 năm qua. Khác với cuộc chiến Việt Nam, có hàng triệu người tị nạn Afghanistan đã có mặt trong những năm qua ở các nước láng giềng Pakistan và Iran.

Sau ngày 15/8/2021, liệu sẽ có một làn sóng “thuyền nhân” Afghanistan hay không? Như hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi sau năm 1975?  Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói vào ngày 15/8/2021, rằng Kabul không phải là Sài Gòn. Ông đúng hay sai? Câu trả lời có lẽ còn nằm ở phía trước khá xa.

Related posts