Truyền thông nhà nước Trung Quốc lại đẩy mạnh tuyên truyền Mỹ là nguồn gốc của Virus Vũ Hán

Diệp Thanh

image.png

Với việc giới tình báo Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra báo cáo về nguồn gốc của virus COVID-19 trong vài tuần tới, chính quyền Trung Quốc đã tung ra một làn sóng tuyên truyền và thông tin sai lệch nhằm định hướng cho rằng Hoa Kỳ chính là nguồn gốc của đại dịch.

Trong vài tuần qua, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực hơn nữa nhằm gắn đại dịch với Viện Nghiên cứu Y tế Quân đội Hoa Kỳ đặt tại căn cứ Quân sự Fort Detrick Army, tiểu bang Maryland, một giả thuyết đầu tiên được một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra vào năm ngoái mặc dù không có bất cứ bằng chứng nào.

Sự thúc đẩy tuyên truyền phối hợp diễn ra khi chính quyền Trung Quốc đối mặt với giám sát ngày càng gia tăng của quốc tế về việc liệu virus COVID-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc tại Vũ Hán – nơi virus bắt đầu lây lan hay không. Trong khi đó, tại Trung Quốc, một biến thể chủng Delta lây lan nhanh chóng đang thách thức chiến lược phong tỏa tốn kém của Bắc Kinh.

Nhật báo Khoa học và Kỹ thuật thuộc sở hữu nhà nước, được chính phủ Trung Quốc xem là một “kênh công khai chính cho các cơ quan trung ương Trung Quốc”, vào ngày 29/1 đã đăng một bài báo trích dẫn từ World News Network, một trang tổng hợp tin tức tiếng Anh có trụ sở tại Hoa Kỳ, cáo buộc quân đội Hoa Kỳ đã lan truyền dịch bệnh COVID-19 sang châu Âu thông qua một cuộc vận động hiến máu. Nguồn gốc của những cáo buộc vô căn cứ này dường như đến từ mạng truyền thông của Ý.

Một bài báo khác bằng tiếng Anh đăng ngày 4/8 được viết bởi các phóng viên của World News Network và trích dẫn từ các chuyên gia giấu tên, đã cáo buộc vô căn cứ rằng một số bệnh nhân nhiễm EVALI, một bệnh có liên quan đến thuốc lá điện tử, vào tháng 7/2019 có lẽ là bệnh nhân COVID-19.

Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo lá cải của nhà nước Trung Quốc nổi tiếng với giọng điệu diều hâu, đã tiến xa hơn bằng cách tổ chức kiến nghị kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra phòng thí nghiệm Fort Detrick. Cuộc kiến nghị đã được quảng bá rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc. Tờ báo công bố đã thu thập được 25 triệu chữ ký trong 3 tuần.

Một kênh truyền thông nhà nước khác cũng loan báo quan điểm tương tự. Vào ngày 29/7 đài truyền hình CCTV đã phát sóng một phân đoạn dài 20 phút cáo buộc Hoa Kỳ “tham gia vào cuộc khủng bố truy tìm nguồn gốc.”

Các ý tưởng bài Hoa Kỳ và những câu chuyện minh họa – chẳng hạn như một người mô tả Hoa Kỳ là một “kẻ siêu lây lan”, và liệt kê 8 thất bại bị cáo buộc của Hoa Kỳ – cũng được các cơ quan tuyên truyền nhà nước quảng bá trên mạng xã hội Trung Quốc và quốc tế. 

CGTN, một chi nhánh ở nước ngoài của CCTV đã sản xuất một bộ phim hoạt hình ám chỉ rằng thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm do Cục Tình báo Trung ương (CIA) bịa đặt, bị gán cho cái tên là “Cơ quan phát minh thuyết âm mưu.”

Quyết liệt đẩy mạnh tuyên truyền

Vào tháng Giêng, một nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đã thực hiện chuyến đi đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của dịch bệnh và trong một báo cáo kết luận chung với các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng “cực kỳ khó xảy ra” việc bùng nổ đại dịch là kết quả do virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Sau đó các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về tính trung thực của báo cáo của WHO bởi vì nhà nước Trung Quốc đã không cung cấp cho các nhà điều tra dữ liệu thô quan trọng cũng như không cho phép truy cập vào hồ sơ của Viện Vi trùng học Vũ Hán (WIV).

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 15/7: “Chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc minh bạch, cởi mở và hợp tác đặc biệt là về thông tin, dữ liệu thô mà chúng tôi đã yêu cầu vào những ngày đầu bùng nổ đại dịch.”

Tuy nhiên, kết luận từ báo cáo của WHO đã giúp cho các quan chức Trung Quốc và cơ quan báo chí nhà nước trong nỗ lực của họ nhằm đẩy lùi sự giám sát ngày càng gia tăng của quốc tế.

Nắm bắt báo cáo này làm phương tiện để bác bỏ các chỉ trích từ bên ngoài, nhiều cơ quan truyền thông nhà nước đã khẳng định rằng Hoa Kỳ đã “bắt có các chuyên gia WHO” để “bôi nhọ” Trung Quốc.

Ngày 1/8 tờ báo nhà nước Tin tức Trung Quốc (China News) đưa tin:  “Bịa ra thuyết âm mưu, cưỡng bức các nhà khoa học, chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc, không còn nghi ngờ gì nữa, Hoa Kỳ chính là ‘kẻ bắt cóc chính trị’ khi cố gắng đổi trắng thay đen”. Ngày hôm sau bài báo được đăng trên trang mạng chính thức của Ủy ban Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc. 

Tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã từ chối đề nghị của WHO về một cuộc thăm dò nguồn gốc virus giai đoạn hai bao gồm việc kiểm tra các phòng thí nghiệm tại Vũ Hán. Sau đó, Bắc Kinh đã đệ trình “kiến nghị của Trung Quốc” trong đó họ khẳng định rằng cuộc điều tra mới phải chuyển trọng tâm vào các nước khác trên thế giới và không nên lặp lại “những gì đã thực hiện trong giai đoạn một.”

Ông Tô Tử Vân, giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Quốc gia có trụ sở tại Đài Loan đã nói với The Epoch Times: “Họ muốn sử dụng cuộc điều tra lần thứ hai để tiến hành nhiều che đậy hơn.”

Trên các mạng xã hội phương Tây như Twitter và Facebook vốn bị chặn tại Trung Quốc, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gia tăng lời lẽ gây hấn nhắm vào Hoa Kỳ. 

“Nếu Hoa Kỳ vẫn không hành động và mù quáng hét lên ‘TRUNG QUỐC!’ thì đó chính là virus chính trị.” Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã viết trên Twitter ngày 5/8 kèm một bức tranh biếm họa hình một mầm bệnh đang cười vào hình ảnh tượng trưng của nước Mỹ, Chú Sam bị che mắt bằng cái khẩu trang. Bài tweet có 1.400 chia sẻ. 

Năm ngoái ông Triệu trở nên nổi tiếng vì đã thúc đẩy thuyết âm mưu cho rằng dịch bệnh được quân đội Hoa Kỳ truyền vào Vũ Hán.

Trong một buổi họp báo gần đây, Triệu Lập Kiên cũng yêu cầu một cuộc điều tra vào phòng thí nghiệm Baric thuộc Đại học North Carolina đứng đầu bởi nhà vi trùng học Ralph Baric nổi tiếng với chuyên môn về biến đổi virus trong phòng thí nghiệm. Ông ta không đề cập đến việc Baric – người đã ký vào bức thư ủng hộ việc điều tra sâu hơn vào thuyết nguồn gốc rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào tháng 5, đã làm việc với WIV và phát hành một bài báo khoa học về chủng virus giống SARS trên loài dơi móng ngựa Trung Quốc, đồng tác giả là bà Thạch Chính Lệ, nhà vi trùng học thuộc phòng thí nghiệm Vũ Hán. 

Ông Trần, một nhà văn đến từ tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc (không cho biết tên) nói với The Epoch Times: “Đây không phải là những nhà ngoại giao, họ giống những người đứng đầu các tổ chức khủng bố hơn, kiêu ngạo, độc đoán.”

Ông Trần nói thêm: “Bạn ngăn chặn điều tra quốc tế bởi vì bạn cảm thấy lo lắng.”

Một số quốc gia phương Tây đang đẩy lùi nỗ lực tuyên truyền thông tin sai lệch của nhà nước Trung Quốc. Vào ngày 10/8, Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Trung Quốc đã đăng trên Twitter rằng một nhà sinh vật học người Thuỵ Sỹ không có thật đã được nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc trích dẫn và kêu gọi xoá “tin sai lệch”. Truyền thông Trung Quốc trích dẫn một người tên là “Wilson Edwards” được cho là một nhà sinh vật học người Thuỵ Sỹ, đã thảo luận về nguồn gốc của dịch bệnh và chỉ trích tính độc lập của WHO.

Các trích dẫn nhanh chóng bị xoá đi. Một bài báo đăng trên Hoàn Cầu Thời báo vào ngày 30/7 loan tin về tuyên bố của Edwards đã lặng lẽ biến mất. Trên tờ báo nhà nước Nhật báo Trung Quốc, hai đoạn trích dẫn về cái gọi là nhà sinh vật học trong bài báo ngày 10/8 cũng bị xoá mất.

ĐCS Trung Quốc đã ‘trở nên tệ hại’

Trong khoảng 2 tuần nữa, giới tình báo Hoa Kỳ sẽ báo cáo cho Tổng thống Joe Biden về những phát hiện từ từ cuộc điều tra nguồn gốc của virus kéo dài 3 tháng. 

Một báo cáo của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vào ngày 2/8 đã phát hiện một “bằng chứng tối ưu” – từ nỗ lực “che giấu hoặc che đậy” các nghiên cứu được thực hiện tại WIV đến các giao thức an toàn lỏng lẻo trong phòng thí nghiệm – cho thấy rằng sự rò rỉ tình cờ từ phòng thí nghiệm có khả năng là nguồn gốc của đại dịch.

Vào tháng 5/2019, những tháng trước khi bùng nổ đại dịch, Viên Chí Minh, chủ nhiệm phòng thí nghiệm P-4 thuộc Viện vi trùng học Vũ Hán đã nêu lên những lo ngại về tình trạng thiếu an toàn trong các phòng thí nghiệm sinh học cao cấp của Trung Quốc, cho rằng “nhận thức về an toàn sinh học, kiến thức chuyên môn, và đào tạo kỹ năng vận hành” cần được cải thiện đối với các nhân viên phòng thí nghiệm.

Theo ông Tô, nhà phân tích về Trung Quốc, mặc dù chính quyền Trung Quốc có  “hành động đổ lỗi”, họ đã mất uy tín bởi lịch sử che giấu thông tin bất lợi. Ông đề cập về việc che giấu của chính quyền về số người chết thực sự và thiệt hại do trận lụt mới đây tại Trung Quốc là một ví dụ.

Ông nói thêm: “Chúng ta cần lưu ý rằng bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc không thay đổi mà chỉ tệ hại hơn.” Biện pháp đình chỉ cấp hộ chiếu Trung Quốc mới đây của Bắc Kinh do đại dịch có thể là dấu hiệu của khủng hoảng nội bộ lớn hơn.

Nhà văn Trần (Chen) cũng tán thành thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm. Ông lập luận rằng chính quyền Trung Quốc đã “đưa ra cáo buộc phản bác sai” đối với chỉ trích của phương Tây trong khi ngăn chặn bất đồng bên trong Trung Quốc.

“Ngay khi có ai đó tại Trung Quốc đề cập đến nguồn gốc đại dịch trong một cuộc nói chuyện trên WeChat hoặc QQ thì các tài khoản và nhóm đó sẽ bị đình chỉ.” Ông Trần nói khi ám chỉ đến 2 ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc do Tencent sở hữu. 

Ông nói: “Vấn đề này quá nghiêm trọng và họ lo sợ. Do đó, họ sẽ trì hoãn, che giấu, nói dối và trốn trách nhiệm đến khi nào họ có thể.”

Diệp Thanh

Related posts