Mai Hạ – Đông Phương
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có những thỏa thuận bí mật với phiến quân Taliban liên quan đến việc huấn luyện quân khủng bố, cũng như trợ giúp Bin Laden chữa bệnh, theo thông tin từ một cuộc phỏng vấn độc quyền từ Vision Times. Rốt cuộc Bắc Kinh và Taliban đã có những thỏa thuận nào sau khi công khai quan hệ đồng minh?
Trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times, Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả tư pháp nổi tiếng sống ở Úc và là Tổng biên tập của tờ Fire Of Liberty, đã tiết lộ độc quyền một số thông tin nội bộ do những người có lương tâm trong chính quyền ĐCSTQ cung cấp.
Sau cú bắt tay giữa nhóm khủng bố vũ trang Taliban và Bắc Kinh, trong thời gian ngắn, Taliban đã chiếm được nhiều tỉnh thành, thị trấn biên giới và các tuyến đường thương mại ở Afghanistan. Theo Reuters đưa tin, người phát ngôn của Taliban tuyên bố hôm 15/8 rằng, chiến tranh đã kết thúc ở Afghanistan và kêu gọi quan hệ hòa bình với cộng đồng quốc tế.
ĐCSTQ xây dựng căn cứ để huấn luyện đội quân du kích cho chủ nghĩa khủng bố
Nguồn tin chỉ ra rằng, chính quyền ĐCSTQ không còn quan tâm đến thể diện và gần đây đã công khai quan hệ đồng minh với Taliban. Điều này gây chấn động thế giới. Ông Viên Hồng Băng nói rằng, mối quan hệ bất chính giữa ĐCSTQ và Taliban đã có từ lâu.
“Với tôi mà nói, tôi không có chút bất ngờ nào về việc này, tôi từng tiết lộ điều này vài năm trước. ĐCSTQ đã xây dựng một trại chuyên huấn luyện du kích khủng bố cho Iraq và các nước Trung Đông khác ở Hành lang Hà Tây (còn gọi là Hành lang Cam Túc). Trại này do các quan chức ‘chống khủng bố’ của Bộ Công an (ĐCSTQ) phụ trách và vào thời điểm đó do ông Mạnh Hoành Vĩ – bạn học cùng trường Đại học Bắc Kinh của chúng tôi chủ trì.
Theo thông tin nội bộ ĐCSTQ tiết lộ, ông Mạnh từng nói với mọi người rằng, họ chỉ cần bỏ ra 10.000 USD (theo tỷ giá hiện tại là khoảng 228 triệu VNĐ) để huấn luyện một du kích khủng bố như ở Trung Đông hay Iraq. Nhưng khi những du kích này quay lại Trung Đông và Iraq, họ sẽ gây ra những tổn thất cực lớn về quân sự và kinh tế cho Hoa Kỳ. Họ (ĐCSTQ) sử dụng cách này để tiêu hao sức mạnh quốc gia của Hoa Kỳ.
Ở Afghanistan, ĐCSTQ vẫn sử dụng chiến lược tương tự, đó là đào tạo du kích cho Afghanistan để tiêu hao sức mạnh quân sự của Mỹ ở nước này, cuối cùng đạt được mục đích tiêu hao nguồn lực quốc gia của Mỹ. Do đó, các tuyên bố phản đối chủ nghĩa khủng đó trước đó của ĐCSTQ đều là giả.
Điều đáng tiếc là trong vài thập kỷ qua, một số chính trị gia ở các nước phương Tây đã áp dụng chính sách hòa hoãn với ĐCSTQ và tin vào những lời dối trá của họ. Họ tưởng rằng ĐCSTQ sẽ cùng họ đứng lên chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nhưng kết quả cuối cùng là, chủ nghĩa khủng bố quốc tế không những không bị loại bỏ mà ngày càng trở nên hung hăng hơn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là, đằng sau chủ nghĩa khủng bố quốc tế có bàn tay của chính quyền bạo lực ĐCSTQ”.
Osama Bin Laden lẻn sang Trung Quốc chữa bệnh
Ông Viên Hồng Băng còn tiết lộ rằng, Bin Laden, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đã từng bí mật đến Trung Quốc chữa bệnh.
“Năm đó khi tôi ở Đài Loan, có một doanh nhân Đài Loan thường đến Trung Quốc để giao dịch với cảnh sát vũ trang ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, cảnh sát vũ trang ĐCSTQ cũng làm kinh doanh. Doanh nhân Đài Loan này nói với tôi rằng, ông ấy từng làm ăn với một thiếu tá đã giải ngũ thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ, dù đã giải ngũ nhưng ông ta vẫn phụ trách một số dự án của cảnh sát vũ trang. Trong quá trình làm ăn, có lần thiếu tá này uống rượu quá chén đã khoe khoang với ông, nói rằng ông ta từng bảo vệ cho Bin Laden khi còn phục vụ trong quân đội. Khi đó Bin Laden đã bí mật lẻn sang Trung Quốc để điều trị bệnh thận và thiếu tá này có trách nhiệm bảo vệ Bin Laden.
Ông Viên tiếp tục: “Tất nhiên tôi không đi kiểm chứng việc này, nhưng doanh nhân Đài Loan đó đã chính miệng nói với tôi như vậy. Ông ấy đã rất sốc sau khi nghe thấy chuyện này và sau đó đã cắt đứt giao dịch với ĐCSTQ. Ông ấy nói với tôi điều này khi đã về Đài Loan.
Do đó, trước tình hình hiện nay ở Afghanistan, việc Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản toàn bộ chính quyền là điều không thể tránh khỏi. Trong hoàn cảnh như vậy, ĐCSTQ cho rằng không cần thiết phải che đậy mối quan hệ giữa họ và Taliban nữa, bởi vì Taliban sẽ sớm trở thành ‘chính phủ hợp pháp’ của Afghanistan. Do đó ĐCSTQ đã công khai quan hệ đồng minh với Taliban.
Taliban cũng công khai tuyên bố như vậy để chứng tỏ rằng họ được ĐCSTQ ủng hộ, và rằng Afghanistan bị tiếp quản là điều không thể đảo ngược. Họ (Taliban) chính là muốn gửi thông điệp này đến thế giới”.
Bắt tay Taliban để đề phòng người Duy Ngô Nhĩ xây dựng căn cứ vũ trang chống ĐCSTQ
Có kênh truyền thông nước ngoài đưa tin rằng, trước việc ĐCSTQ công khai kết liên minh với Taliban, Taliban cũng đảm bảo với ĐCSTQ rằng, sẽ không cho phép vùng núi biên giới giữa Trung Quốc và Afghanistan trở thành căn cứ của những người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương theo Chủ nghĩa phân lập (Separatism).
ĐCSTQ diệt chủng và người Duy Ngô Nhĩ phản kháng
Về việc này, Giáo sư Viên tiết lộ rằng, ĐCSTQ đã có giao dịch bí với mật với Taliban. Trước hết, ông cho biết về cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ như sau:
“Chính quyền bạo lực ĐCSTQ đã vu khống cuộc phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là ba thế lực (Three Evils) gồm: lực lượng khủng bố, lực lượng tôn giáo cực đoan, lực lượng ly khai sắc tộc.
Nguyên nhân căn bản dẫn đến cuộc phản kháng hiện nay của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là do ĐCSTQ thực thi chính sách diệt chủng văn hóa đối với họ. Ở Tân Cương, ĐCSTQ đang thực thi tội ác diệt chủng hàng loạt đối với người Duy Ngô Nhĩ. Mục đích cuối cùng là sử dụng văn hóa của ĐCSTQ để loại bỏ văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ. Đây là điều đang xảy ra ở Tân Cương.
Trước đó, ĐCSTQ đã xây dựng nhiều “trại tư tưởng” hoặc “trại cải tạo” ở Tân Cương. Đây chính là một phương thức và thủ đoạn quan trọng để ĐCSTQ diệt chủng nhóm người này. Cho dù các nhóm, tổ chức hay quốc gia nước ngoài quan tâm đến nhân quyền ở Tân Cương, thì họ cũng không nhận thức được hết sự tàn bạo của chính quyền này đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Lực lượng Cảnh sát Vũ trang ĐCSTQ và Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương truyền đạt và thực thi một luật trong nội bộ. Luật này không được công khai ra bên ngoài. Nội dung cốt lõi của nó là, đối với người mà họ cho là phần tử khủng bố, hoặc bị họ vu khống là lực lượng phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ theo chủ nghĩa khủng bố, thì có thể xử lý trực tiếp bằng thủ đoạn tàn sát quân sự mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục tư pháp nào.
Tất nhiên, thế giới này rất phức tạp và chúng ta không phủ nhận rằng ở Tân Cương thực sự có một số người có khuynh hướng và hành vi khủng bố; nhưng nhìn chung, về bản chất thì cuộc phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ là một hành động chính nghĩa. Điều họ phản kháng là cuộc diệt chủng văn hóa của ĐCSTQ.
Trước tình hình như vậy, ở khu vực biên giới của Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan vẫn còn tồn hai lực lượng cát cứ. Một là Taliban Pakistan, và bên còn lại là Quân Giải phóng Balochistan – một tổ chức chiến binh địa phương của Pakistan.
Hai lực lượng này cực kỳ phản đối chính sách ‘Một vành đai, Một con đường’ của ĐCSTQ. Về văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo cũng thuộc đạo Hồi. Do đó, họ có chung tín ngưỡng tôn giáo với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo nguồn tin từ nội bộ ĐCSTQ, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang truyền tay nhau một thông tin tình báo rằng, do Afghanistan sẽ sớm bị Taliban tiếp quản, hai lực lượng nói trên đã hoạt động trở lại”.
Bắc Kinh lo người Duy Ngô Nhĩ sẽ học theo ‘Lữ đoàn chữ V’
Ông Viên Hồng Băng tiết lộ: “Theo thông tin tình báo nội bộ của ĐCSTQ, một số người tổ chức phong trào kháng chiến của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã nêu ra giả thuyết rằng, một khi chính quyền Afghanistan bị Taliban tiếp quản, họ sẽ liên hợp với Tehrik-i-Taliban Pakistan (hay còn gọi là Taliban Pakistan) và các lực lượng ly khai địa phương ở tỉnh Balochistan của Pakistan để cùng nhau thành lập một căn cứ chính trị và quân sự trên vùng núi cao ở biên giới Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan.
Tình báo của ĐCSTQ còn cho biết, một số người trong phong trào phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ có ý kiến rằng, ‘Lữ đoàn chữ V’ [ở miền bắc Myanmar] có thể thiết lập căn cứ quân sự và chính trị trong những khu rừng rậm trên núi cao ở khu vực biên giới Trung Quốc – Myanmar – Thái Lan, để chống lại chính quyền tàn bạo ĐCSTQ. Vì vậy, bây giờ trước diễn biến ở Afghanistan, họ (người Duy Ngô Nhĩ) cũng có thể [noi theo Lữ đoàn chữ V] thiết lập căn cứ chính trị và quân sự ở vùng núi giữa ngã ba Trung Quốc – Afghanistan – Pakistan. Và khi tới thời điểm cần thiết, thời cơ chín muồi, sẽ nâng cấp căn cứ chính trị và quân sự thành chính phủ lưu vong. Đây là một lý do tại sao hiện giờ ĐCSTQ lại cảm thấy lo sợ.
Theo phân tích tình báo nội bộ của ĐCSTQ, họ cho rằng giao dịch hiện giờ giữa Taliban Afghanistan và ĐCSTQ là dựa trên những cân nhắc theo chủ nghĩa thực dụng. Taliban hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ không gia tăng trở lực khi họ tiếp quản chính quyền Afghanistan, họ hy vọng ĐCSTQ sẽ giúp đỡ.
Nhưng xét về văn hóa tôn giáo, dù là Taliban Afghanistan, Taliban Pakistan hay là Quân giải phóng ở tỉnh Balochistan của Pakistan, thì đều có chung niềm tin tôn giáo với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Do đó, mục đích thực sự của ĐCSTQ khi thực hiện thỏa thuận này với Taliban Afghanistan là để cố gắng ngăn chặn lực lượng kháng chiến của người Duy Ngô Nhĩ thiết lập một căn cứ chính trị và quân sự ở biên giới Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan”.
Lữ đoàn chữ V là gì?
Lữ đoàn chữ V có vài nghìn người, là một tổ chức vũ trang của người Hoa ở miền bắc Myanmar và có tôn chỉ chống ĐCSTQ.
Trong một bài phỏng vấn với Vision Times vào tháng 6 năm nay, Giáo sư Viên cho biết: “Đảng Cách mạng Trung Quốc thành lập căn cứ chính trị ở miền bắc Myanmar và được vũ trang để chống lại sự chuyên chế của ĐCSTQ. Căn cứ này do hơn một chục tổ chức và đoàn thể thành lập nên, Lữ đoàn chữ V là một trong số đó”.
Vậy tại sao giờ đây Lữ đoàn chữ V lại trở thành mối lo ngại của ĐCSTQ? Ông Viên nói, “Đó là bởi vì trong số hơn mười nhóm chính trị này, chỉ có Lữ đoàn chữ V là phát hành một video tuyên ngôn chính trị vào tháng 9 năm ngoái. Trong video, Lữ đoàn chữ V cho biết sẽ thông qua cuộc cách mạng dân chủ và vũ trang kháng chiến, để chống lại sự bạo ngược của ĐCSTQ, để thực hiện quyền khởi nghĩa của nhân dân, và sau đó tiêu diệt chính quyền chuyên chế này”.
“Trước đó, ĐCSTQ liên tục muốn bêu xấu lực lượng vũ trang đối lập với chế độ chuyên chế của nó. ĐCSTQ mô tả khu vực miền bắc Myanmar là nơi của các nhóm tội phạm và các nhóm lừa đảo, là nơi của các tập đoàn buôn bán ma túy và buôn lậu súng ống. Nói tóm lại, họ muốn sử dụng tuyên truyền đối ngoại và đối nội, dùng những lời nói dối để che đậy sự thật rằng một cơ sở chính trị vũ trang chống lại sự chuyên chế của ĐCSTQ đã xuất hiện ở miền bắc Myanmar. Tuyên ngôn chính trị của Lữ đoàn chữ V đã xé toạc một đường trên bức màn dối trá của ĐCSTQ”, ông nói.
Nguồn gốc tên gọi
Trong bài bình luận đăng trên tờ The Epoch Times vào tháng 7/2021, nhà phân tích Châu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) đã chỉ ra nguồn gốc tên gọi “Lữ đoàn chữ V” như sau:
“Lữ đoàn chữ V” có lẽ bắt nguồn từ bộ phim “V for Vendetta” (tạm dịch: V báo thù), tên phim được dịch sang tiếng Trung là “Đội biệt động chữ V” hoặc “Đội báo thù chữ V”. Phim kể về những người chống chính phủ, họ luôn đeo chiếc mặt nạ hình chữ V, và quyết tâm dùng bạo lực để trừng phạt những kẻ giết người của chế độ độc tài. Mục đích của nhóm người này là thức tỉnh những người dân bị lời dối trá che mắt, bị bạo quyền uy hiếp mà phải sống trong sợ hãi.
Vào cuối bộ phim, khi mọi người nhìn thấy lâu đài của bạo chúa biến thành cát bụi, họ lần lượt cởi mặt nạ và để lộ ra vẻ mặt nhẹ nhõm cùng ánh mắt mong chờ. Họ biết rằng chế độ độc tài sắp kết thúc, và hy vọng đang ở phía trước.
Liên minh với Taliban để răn đe Mỹ, chuẩn bị cho cuộc tấn công Đài Loan
Ông Viên chỉ ra thêm rằng, ĐCSTQ chọn thời điểm này, hoặc có thể nói là Tập Cận Bình đã chọn thời điểm này để công khai mối quan hệ giữa ông ta với đồng minh Taliban. Mà cụ thể hơn nữa là công khai mối quan hệ đồng minh với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Động thái này đều xuất phát từ các cân nhắc chiến lược.
Ông nói: “Có nghĩa là, trong vòng vài năm, việc Tập Cận Bình phát động cuộc chiến ở eo biển Đài Loan đã trở thành một giả định chiến lược cơ bản của ĐCSTQ. Hơn nữa, họ coi cuộc chiến ở eo biển Đài Loan là trận chiến cuối cùng với Hoa Kỳ. Nó cho rằng chỉ cần chinh phục được một Đài Loan tự do trong cuộc chiến ở eo biển, nó sẽ giành được một chiến thắng chiến lược mang tính quyết định trước Hoa Kỳ. Tất nhiên, một số người ở Trung Quốc phản đối chủ nghĩa mạo hiểm quân sự của Tập Cận Bình cũng đã nói rằng, cuộc chiến ở eo biển Đài Loan mà ông ta muốn phát động thực sự là một cuộc chiến ngày tận thế.
Cho dù đó là trận chiến ngày tận thế hay trận chiến trên eo biển Đài Loan, thì Tập Cận Bình cũng đang chuẩn bị để phát động trận chiến then chốt này. Ví dụ, ở trong Trung Quốc, về cơ bản ông ta đã có chuẩn bị đầy đủ về các phương diện như chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, dự trữ vật tư chiến lược… và có thể toàn diện chuyển sang trạng thái thời chiến bất cứ lúc nào.
Từ góc độ quan hệ quốc tế, nó không ngừng củng cố một liên minh quốc tế với sự chuyên chế của ĐCSTQ làm cốt lõi. Những quốc gia [trong liên minh đó] có thể thấy rõ gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên. Nhưng rất ít người thực sự nhận ra rằng ĐCSTQ còn đang củng cố một liên minh khác, chính là liên minh quân sự và chính trị với chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Giờ đây, ĐCSTQ đã công khai xé bỏ lớp mặt nạ và công khai mối quan hệ đồng minh với Taliban. Trên thực tế, nó muốn gửi đi tín hiệu răn đe chiến lược đối với Hoa Kỳ. Tập Cận Bình luôn ảo tưởng rằng, hy vọng Hoa Kỳ sẽ một lần nữa áp dụng chính sách xoa dịu khi ông ta phát động cuộc chiến xuyên eo biển Đài Loan”.
Nguyên nhân sâu xa khiến quân đội Mỹ không thể chống khủng bố triệt để
Taliban Afghanistan đã chiếm được thủ đô Kabul. Thế giới nên nhìn nhận thế nào về các hoạt động quân sự chống khủng bố quốc tế của Hoa Kỳ trong những năm qua?
Ông Viên Hồng Băng cho rằng, Hoa Kỳ hiện đang gặp bất lợi trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế này. “Mặc dù trong rất nhiều năm tác chiến chống khủng bố, Mỹ đã đạt được một số thành công như bắn hạ Osama bin Laden… và giáng một đòn mạnh vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, ở góc độ toàn cầu, họ lại không trừ khử nguy cơ tiềm ẩn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Iran vẫn tồn tại, và Taliban Afghanistan sẽ giành lại chính quyền và làm chủ một quốc gia.
Nhưng điều quan trọng nhất là tại sao cuối cùng nước Mỹ lại rơi vào thế yếu như vậy trong cuộc chiến chống khủng bố? Lý do cơ bản là các chính trị gia Mỹ – những người đã thực thi chính sách xoa dịu ĐCSTQ trong vài thập kỷ qua – đã không nhận ra một vấn đề căn bản, đó là chính quyền chuyên chế ĐCSTQ mới là kẻ ủng hộ và hậu thuẫn đắc lực nhất cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế thời nay.
Vì vậy, các cuộc tấn công chống khủng bố của Mỹ, bao gồm cả cuộc tấn công Osama bin Laden, đều là biện pháp không triệt để, không thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Muốn loại bỏ tận gốc khủng bố quốc tế – một thế lực phản nhân loại, thì trước hết phải xóa bỏ nền bạo chính ĐCSTQ, vốn là hậu thuẫn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay.
Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ không những không hướng các cuộc tấn công chiến lược của họ vào ĐCSTQ, mà còn áp dụng chính sách xoa dịu chế độ độc tài này, nhờ đó mà ĐCSTQ có được một cơ hội phát triển hiếm có và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mà chính sức mạnh kinh tế của ĐCSTQ đã trở thành công cụ để nó hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.
Cộng đồng quốc tế thức tỉnh: ĐCSTQ là kẻ giật dây chủ nghĩa khủng bố
Cuối cùng, học giả Viên Hồng Băng tuyên bố rằng sau Chủ nghĩa Trump (Trumpism), cả thế giới đã bắt đầu nhận ra rằng ĐCSTQ là kẻ thù chung của nhân loại, là kẻ thù lớn nhất của cuộc sống tự do và dân chủ của nhân loại đương thời.
“Di sản chính trị mà Chủ nghĩa Trump để lại vẫn đang đóng một vai trò to lớn trong chính trị quốc tế và trong xã hội Mỹ. Cũng chính dưới sự ảnh hưởng của Chủ nghĩa Trump mà Hoa Kỳ và các nước tự do dân chủ phương Tây hiện nay ngày càng nhận thức rõ hơn về sự tai hại chết người của ĐCSTQ.
Hiện tại, do ảnh hưởng quán tính của Chủ nghĩa Trump và sự thức tỉnh của toàn bộ xã hội Mỹ, ông Biden thường thể hiện một số lập trường cứng rắn chống lại ĐCSTQ. Nhưng thái độ cứng rắn này là chân thật, là một sự thay đổi chiến lược, hay chỉ là một kiểu che đậy mang tính chiến lược? Rốt cuộc, liệu ông ta (Biden) có quay trở lại chính sách xoa dịu ĐCSTQ như thời Obama hay không? Điều này cần tiếp tục quan sát”.
Mai Hạ – Đông Phương