Động đất ở Haiti : Số người chết gần 1.300, bệnh viện quá tải
Thùy Dương
Số nạn nhân trong trận động đất 7,2 độ Richter hôm thứ Bảy 14/08/2021 ở miền tây nam Haiti vẫn không ngừng gia tăng. Cho đến hôm 16/08, số người thiệt mạng đã lên đến gần 1.300, cùng với khoảng 5.700 người bị thương, 30.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại, nhiều ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, hoặc đang phải tìm kiếm người thân bị vùi dưới các đống nổ nát.
Tại thành phố Cayes gần tâm chấn, cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 160 km, bệnh viện chính đã quá tải do bệnh nhân ùn ùn đổ về.
Từ Cayes, đặc phái viên Amélie Baron cho biết thêm chi tiết:
“Người bị thương tiếp tục đổ về bệnh viện trong ngày Chủ Nhật, họ đến từ thành phố, nhưng cũng có nhiều người đến từ các xã lân cận. Khoa cấp cứu tại bệnh viện chính của thành phố đông kín bệnh nhân, kể cả trong sân. Bên cạnh những chiếc cáng vốn rất hiếm hoi, các nạn nhân trận động đất được đặt ngồi trên ghế, một số người thậm chí còn phải nằm trên mặt đất. Điều kiện rất khó khăn, nhưng trong bối cảnh hỗn loạn này, các bác sĩ đến từ Port-au-Prince là một nguồn tiếp viện quý báu.
Tại các khu vực bị trận động đất tàn phá, cuộc chạy đua với thời gian vẫn tiếp tục nhằm đưa những người có thể còn sống sót ra khỏi đống đổ nát, dù là dùng máy móc hạng nặng, máy xúc và xe tải, hay chỉ là dùng tay không bê vác khối lượng nhỏ.
Nhiều người trong số họ là người dân Cayes, họ tiếp tục dọn hàng tấn bê-tông với hy vọng có thể đưa ai đó còn sống ra ngoài. Đây là một nhiệm vụ rất nguy hiểm và đầy khó khăn, bởi các đợt dư chấn vẫn tiếp tục làm rung chuyển mặt đất và có thể làm sụp đổ các tòa nhà vốn đã yếu sẵn.
Một thách thức khác là cơn bão nhiệt đới Grace đang đến gần. Cơn bão này đang tiến thẳng vào Haiti, có nguy cơ gây mưa nhiều trên cả nước và tất nhiên là ở vùng tây nam mà động đất đã gây tác hại”.
Nhiều nước, nhất là Mỹ, Cộng Hòa Dominica, Mêhicô và Ecuador, đã cử nhân viên cứu hộ, lương khô hoặc trang thiết bị y tế đến hỗ trợ Haiti. Riêng quân đội Mỹ hôm nay 16/08 lập một đoàn công tác chung và đã triển khai một đội chuyên trách đánh giá thực trạng tại các vùng bị ảnh hưởng tại Haiti, với các phương tiện quan sát trên không. Bốn trực thăng cũng được Mỹ huy động phục vụ công tác vận chuyển hàng trợ giúp Haiti.
Pháp chính thức áp dụng “chứng nhận y tế” ở các trung tâm thương mại
Thùy Dương
Hôm 16/08/2021, Pháp chính thức áp dụng biện pháp bắt buộc kiểm tra chứng nhận Covid-19 tại ít nhất 126 trung tâm thương mại có diện tích trên 20.000m² ở khoảng 40 tỉnh mà virus corona lây lan mạnh nhất, với tỉ lệ hơn 200 người dương tính trên 100.000 dân trong vòng 1 tuần.
Đây là một trong số hàng loạt biện pháp chính phủ Pháp ban hành ngày 11/08 để tránh nguy cơ phải tái phong tỏa đất nước trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo AFP, đa phần các trung tâm thương mại phải triển khai quy định kiểm tra giấy thông hành Covid-19 tập trung ở miền nam nước Pháp (Alpes-Maritimes, Bouches-du-Rhône, Charente-Maritime, Corse-du-Sud …) và Ile-de-France (vùng Paris), là những nơi dịch bệnh hoành hành nặng nhất.
Riêng tại thủ đô Paris, mặc dù tỉ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân thấp hơn mức 200 mà chính phủ quy định, nhưng do tỉ lệ này ở giới trẻ độ tuổi 10-39 cao hơn mức trung bình (343 ca dương tính/100.000 người ở độ tuổi 10-39), nên quy định về chứng nhận y tế và bắt buộc đeo khẩu trang cũng được áp dụng tại 3 trung tâm thương mại và 5 cửa hàng mua sắm lớn (Galeries Lafayette, Printemps, BHV, Le Bon Marché và Samaritaine). Tại các tỉnh ngoại ô Paris, cũng có 32 trung tâm mua sắm lớn phải áp dụng quy định kiểm tra chứng nhận y tế.
Số ca nhiễm thường nhật giảm nhẹ, bệnh nhân nhập viện tăng
Theo số liệu của cơ quan Y tế Công cộng Pháp (Santé publique France), công bố chiều tối hôm qua 15/08, số ca nhiễm mới thường nhật đã giảm nhẹ, chỉ còn gần 21.200 ca (so với hơn 24.400 và hơn 26.400 ca nhiễm mới của hai ngày trước đó). Thế nhưng, áp lực với các bệnh viện vẫn tăng, do số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện liên tục tăng trong những ngày qua, đến hôm qua tổng số đã lên đến gần 9.800 bệnh nhân. Riêng số bệnh nhân mới nhập viện hôm qua là 399 người. Vùng lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe và Martinique bị coi là đáng lo ngại nhất. Tại Martinique, cứ 100.000 dân thì có đến 1.200 người dương tính với virus corona.
Hơn 93% số ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Delta
Đa phần ca nhiễm mới tại Pháp hiện nay liên quan đến biến thể Delta vốn lây lan rất nhanh. Đài LCI cho biết, theo số liệu cơ quan Y tế Công cộng Pháp công bố sáng hôm nay 16/08, biến thể Delta chiếm hơn 93% số ca mới nhiễm thường nhật tại Pháp, tăng 1,8% so với tuần trước và tăng 4,5% so với tuần 19-25 tháng 07.
Malaysia: Thủ tướng Muhyiddin từ chức
Trọng Nghĩa
Đúng như tin tức được báo chí tiết lộ, thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã từ chức hôm 16/08/2021 sau khi chính phủ của ông không còn đa số tại Quốc Hội. Tuy nhiên, ông Muhyiddin đã được quốc vương Malaysia đề nghị ở lại làm quyền thủ tướng.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một thông cáo đăng trên Facebook, Hoàng Cung Malaysia xác nhận: “Quốc Vương đã nhận được đơn từ chức của ông Muhyiddin Yassin và toàn bộ nội các, có hiệu lực ngay lập tức”. Tuy nhiên, bản thông cáo cho biết là Quốc Vương đã để cho ông Muhyiddin đảm nhiệm tiếp vai trò lãnh đạo chính phủ cho đến khi một thủ tướng mới được bổ nhiệm.
Về vấn đề liệu có tổ chức bầu cử lại Quốc Hội hay không, Hoàng Cung Malaysia hôm nay cho rằng một cuộc bầu cử không phải là lựa chọn tốt nhất.
Ông Muhyiddin đã bị suy yếu rõ rệt về mặt chính trị, sau nhiều tháng đấu đá nội bộ trong liên minh cầm quyền. Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia sau buổi hội kiến Quốc Vương Malaysia, ông Muhyiddin xác nhận rằng ông đã đệ đơn từ chức, vì đã mất sự tính nhiệm của đa số các nhà lập pháp. Ông đồng thời hy vọng một chính phủ mới sẽ được thành lập càng sớm càng tốt.
Theo Reuters, không rõ là liệu diễn biến mới vào hôm nay có làm giảm bớt khủng hoảng chính trị tại Malaysia hay không, nhưng điều cấp bách là nước này phải khởi động lại nền kinh tế bị đại dịch Covid-19 tác hại nặng nề, đồng thời phải kiềm chế đà lây lan của virus.
Giá trị đồng tiền ringgit của Malaysia đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, vào lúc thị trường chứng khoán trượt dốc đáng kể. Về dịch bệnh, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong theo đầu người ở nước này thuộc hạng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ngay từ khi nhậm chức vào tháng 3 năm 2020, ông Muhyiddin phải cầm quyền với một đa số bấp bênh. Gần đây, áp lực lên thủ tướng Malaysia đã gia tăng, sau khi ông mất hậu thuẫn của một số nghị sĩ đảng UMNO, khối lớn nhất trong liên minh cầm quyền. Theo ông Muhyiddin, cuộc khủng hoảng gần đây bắt nguồn từ việc ông từ chối các yêu cầu như hủy bỏ việc truy tố về tội hối lộ, tham những đối với một số cá nhân. Trong số các chính khách thuộc đảng UMNO đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, có cựu thủ tướng Najib Razak và chủ tịch đảng Ahmad Zahid Hamidi. Hai chính trị gia này đều phủ nhận hành vi sai trái. Họ nằm trong số những người mới đây đã rút lại sự ủng hộ đối với ông Muhyiddin.
Afghanistan: Chiến thắng của Taliban làm sứt mẻ uy tín của Mỹ
Anh Vũ
Sau hai thập kỷ can thiệp quân sự của Mỹ, Afghanistan trở lại điểm khởi đầu. Lực lượng phiến quân Taliban mà Washngington đã từng đánh đuổi, trừng phạt sau loạt khủng bố nhắm vào nước Mỹ 11/09/2001, giờ trở lại nắm quyền ở Kabul trong tư thế người chiến thắng. Cuộc chiến tranh dài và tốn kém nhất của nước Mỹ, khép lại bằng thắng lợi dễ dàng của quân nổi dậy Taliban, sẽ còn để lại nhiều hệ lụy cho uy tín cho cường quốc quân sự số một thế giới.
Không phải đợi đến ngày 31/08, hạn chót quân Mỹ và đồng minh hoàn tất rút quân, ngày Chủ Nhật 15/08, chính phủ Afghanistan cùng quân đội do Washington trang bị và cung cấp tài chính đã sụp đổ hoàn toàn trước đà tiến quân như chẻ tre của quân nổi dậy. Tổng thống Ashraf Ghani chạy khỏi đất nước. Trên bầu trời Kabul từ hôm qua, trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo để di tản nhân viên sứ quán của mình.
Cho dù những ngày qua chính quyền Biden cố giải thích rằng sứ mệnh của Mỹ đã hoàn thành và phần còn lại là công việc của người Afghanistan, sự kiện và những hình ảnh Kabul thất thủ vẫn đánh dấu một thất bại toàn diện về cả quân sự lẫn chính trị của nước Mỹ.
Ngay từ sau khi chính quyền Donald Trump đạt thỏa thuận với Taliban về việc rút quân đội ra khỏi Afghanistan hôm 29/2/2020, giới quan sát đã mường tượng ra số phận của chính quyền Afghanistan hôm nay. Sự kiện lực lượng nổi dậy Taliban trở lại nắm quyền vào thời điểm chưa đầy một tháng là tới ngày kỷ niệm 20 năm nổ ra loạt vụ khủng bố 11/09/2001, khiến chính giới phải đặt ra những câu hỏi như : tại sao nước Mỹ lại lâm vào cuộc chiến tranh kéo dài tiêu tốn tới 2000 tỷ đô la và 2500 người Mỹ phải bỏ mạng, để rồi kết quả là con số không?
Một số người, như dân biểu đảng Cộng Hòa Liz Cheney, lo ngại thất bại này sẽ có những hệ lụy tiêu cực đến những hành động của Hoa Kỳ ở những mặt trận khác ở nước ngoài. Ngay hôm qua, bà Liz Cheney đã nhận định một cách gay gắt : « Không thể thứ lỗi được, thật tai họa. Việc này gây hậu quả không chỉ cho Afghanistan, không chỉ cho cuộc chiến chống khủng bố, mà về tổng thể còn cho vai trò của Mỹ trên thế giới ».
Thất bại của Mỹ có nghĩa là « các đối thủ của nước Mỹ biết được là giờ họ có thể đe dọa chúng ta và các đồng minh của chúng ta sẽ thắc mắc liệu họ có còn tin cậy được vào chúng ta nữa hay không », bà dân biểu Mỹ nhấn mạnh. Suy nghĩ đó cũng được chia sẻ ở nước ngoài. Ông Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ, khẳng định « sự tin cậy của nước Mỹ trên tư cách một đồng minh đã bị sứt mẻ, khi mà chính phủ Afghanistan bị bỏ rơi trong các cuộc đàm phán ở Doha » với Taliban.
Để biện minh, chính quyền Biden có thể đưa ra giải thích rằng thỏa thuận Doha với Taliban về rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là do chính quyền Donald Trump thực hiện và đại đa số người Mỹ đều không muốn có một « cuộc chiến không hồi kết ».
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cố gắng giải thích: « Chúng ta đã tới Afghanistan cách đây 20 năm với một sứ mệnh là thanh toán những kẻ đã tấn công chúng ta ngày 11/09. Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh » và ở lại Afghanistan mãi không có lợi cho nước Mỹ. Ông Blinken cũng gắn sự kiện Afghanistan với thách thức mới mà nước Mỹ đang phải đối mặt là ngăn chặn chính sách hung hăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh không ai khác ngoài « các đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng ta mới thích thú nhìn thấy chúng ta sa lầy ở Afghanistan trong 5, 10 hay 20 năm nữa ».
Một lập luận dường như có lý, theo Richard Fontaine, chuyên gia thuộc Center for a New Amerian Security, vì có thể sau thất bại này, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào mặt trận Thái Bình Dương. Nhưng Trung Quốc cũng không phải không biết khai thác sự kiện Afghanistan để phục vụ cuộc đối đầu với Mỹ. Tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận đối ngoại của Bắc Kinh, hôm qua đã phân tích rằng Afghanistan là minh chứng cho thấy Hoa Kỳ sẽ là « một nhân tố không đáng tin cậy, luôn bỏ rơi đối tác và đồng minh trong cuộc săn tìm lợi ích riêng cho mình ».
Chưa thể nói chắc, Taliban trở lại Kabul là đồng nghĩa với bạo lực hỗn loạn hay thánh địa khủng bố sẽ hồi sinh. Nhưng chiến thắng dễ dàng của lực lượng được gọi là phiến quân, từng bị phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, truy đuổi suốt hai chục năm, mang hơi hướng của những tính toán thực dụng, mà trong đó khái niệm đồng minh chỉ là tương đối.