Minh Sang
Bộ Tư lệnh TP.HCM điều tra vụ chuyển 41 thi thể COVID-19 rời thành phố
Zing – Liên quan đến thông tin cơ quan chức năng phát hiện xe tải vận chuyển 46 thi hài từ TP.HCM về Bến Tre hỏa táng, trong số này có đến 41 thi hài tử vong do COVID-19. Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng điều tra và xử lý nghiêm theo quy định.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã huy động 140 quân nhân, tổ chức lực lượng phối hợp xử lý thi hài và tro cốt bệnh nhân COVID-19 tử vong trên địa bàn TP, trong đó có 7 đội cấp TP và các đội cấp quận, huyện.
Đồng thời, lực lượng của Bộ Tư lệnh TP sẽ bảo đảm an ninh trật tự và điều phối hoạt động tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa; tổ chức vận chuyển và bàn giao tro cốt bệnh nhân tử vong do COVID-19 đến từng gia đình, bảo đảm trang trọng, đúng phong tục tập quán của địa phương.
Tối 16/8, Công an tỉnh Bến Tre làm việc với Lê Phúc Hậu (28 tuổi, ngụ Vĩnh Long) để làm rõ vụ tài xế này chở 46 tử thi từ TP.HCM về lò hỏa táng Phúc Lạc Viên ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre.
Thủ tướng: Làm rõ vụ 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân chết
Zing – Văn phòng Chính phủ vừa có công điện số 5646 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thông tin báo chí phản ánh việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu khiến một người dân tử vong.
Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ.
Trường hợp có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, ngày 13/8, ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh) nôn ói dữ dội nên thân nhân nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến 5 cơ sở y tế đều không nơi nào tiếp nhận điều trị. Ông D. được đưa về và tử vong tại nhà trọ ở TP. Dĩ An.
Nghệ An bất ngờ xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Thanh Niên – Sáng 17/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trong vòng 12 giờ qua, cơ quan này đã ghi nhận thêm 20 ca nhiễm COVID-19. Trong số đó, có 8 bệnh nhân lây nhiễm từ chùm ca bệnh ở chợ đầu mối Vinh và chợ Quang Trung (TP. Vinh) được phát hiện trong cộng đồng.
Liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Vinh, từ ngày 14.8 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã ghi nhận 20 ca nhiễm COVID-19 ở 5 huyện, thị của tỉnh Nghệ An (TP. Vinh 14 ca, H.Nghi Lộc 2 ca, H.Hưng Nguyên 2 ca, TX. Hoàng Mai 1 ca, H.Nam Đàn 1 ca).
Nghệ An cũng đã ghi nhận 236 ca nhiễm COVID-19 là những người trở về từ các tỉnh phía nam, trong đó, nhiều nhất là về từ Bình Dương với 119 ca. Hiện có hơn 24.000 người Nghệ An trở về quê từ các tỉnh có dịch đang được cách ly tập trung và cách ly tại nhà.
Trước tình hình dịch đang rất phức tạp, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phong tỏa, giãn cách xã hội TP. Vinh theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ hôm nay, 17/8, yêu cầu người dân “ai ở đâu ở đấy”, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.
Hơn 1,2 triệu người khó khăn ở Sài Gòn chờ nhận hỗ trợ
Thanh Niên – Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Sài Gòn có hơn 1,2 triệu người dân đang gặp khó khăn cần nhận hỗ trợ để tiếp tục duy trì cuộc sống trong những ngày giãn cách xã hội.
Thông tin trên được bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, trao đổi tại buổi triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết ngày 15.9 do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều tối qua (16.8).
Qua tính toán sơ bộ, Sài Gòn có khoảng 1,2 triệu người khó khăn (còn 3 quận chưa báo cáo danh sách về). Nếu TP.HCM hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày và giải quyết trước mắt cho 2 tuần (từ ngày 16 – 31/8) thì mỗi người cần 700.000 đồng, ước tính kinh phí cần khoảng 1.000 tỉ đồng và sẽ tăng thêm khi các quận báo cáo đầy đủ.
Trước mắt, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã tạm chi 24 tỷ đồng xuống 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức; mỗi đơn vị nhận 1 tỉ đồng (riêng TP.Thủ Đức 3 tỷ đồng) để chăm lo ngay cho những hộ quá khó khăn. “Các địa phương cứ lấy mà chi và không đòi hỏi thủ tục gì hết, thấy người dân gặp khó khăn thì phải chăm lo liền”, bà Châu đề nghị.
Bà Châu cho biết Trung tâm An sinh TP.HCM đã kết nối với một số đơn vị. Như chiều 17.8, Thành đoàn TP.HCM ký kết với một số đơn vị hỗ trợ 1 triệu suất ăn (mỗi suất ăn trị giá 25.000 đồng) cung cấp các bệnh viện, khu cách ly và người dân khó khăn. Còn Tập đoàn Novaland sẽ triển khai xe “Siêu thị 0 đồng” gắn với các địa bàn có dân nhập cư đông; mỗi ngày phát 2.500 suất và làm trong 1 tháng, cứ 2 tuần thì quay lại chỗ cũ, danh sách người dân do địa phương chọn và phát phiếu.
Ngày 16/8 thêm 8.652 ca COVID-19
Bộ Y tế tối 16/8 công bố thêm 8.652 ca COVID-19, trong đó có 8.644 ca ở 43 tỉnh thành, gồm Sài Gòn (3.341), Bình Dương (2.522), Long An (599), Đồng Nai (588), Khánh Hòa (262), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (152), Vĩnh Long (131), Đà Nẵng (96), An Giang (87), Cần Thơ (86), Sóc Trăng (75), Trà Vinh (71), Phú Yên (62), Thừa Thiên Huế (60), Tây Ninh (52), Hà Nội (50), Bình Thuận (33), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (27), Gia Lai (25), Nghệ An (24), Hà Tĩnh (17), Đắk Lắk (11), Quảng Nam (11), Bắc Ninh (11), Lâm Đồng (8 ), Thanh Hóa (6), Nam Định (6), Hậu Giang (6), Bình Phước (6), Lạng Sơn (4), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Ninh Bình (3), Bình Định (3), Lào Cai (2), Quảng Bình (2), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Thái Nguyên (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố bình phục.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (152.827), Bình Dương (46.501), Long An (14.998), Đồng Nai (14.204), Bắc Giang (5.795).
Về điều trị, 4.473 bệnh nhân được công bố bình phục trong ngày 16/8 (nâng tổng số ca lên 106.977 ca). Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 590 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 22 ca.
Ngày 16/8, Bộ Y tế ghi nhận 368 ca tử vong tại TP.HCM (315), Bình Dương (29), Long An (8) Tiền Giang (4), Hà Nội (2), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hưng Yên (1), Khánh Hòa (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thừa Thiên Huế (1).
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến 16/8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Về tiêm chủng, trong ngày 15/8 có 508.244 liều vắc-xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 14.666.708 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.287.434 liều, tiêm mũi 2 là 1.379.274 liều.