NGÀN LỜI CUỐI – Lòng trắc ẩn tận nơi thẳm sâu

Lệ Thu

Eddie Murphy, diễn viên Hollywood đóng vai nhân vật chính Jack McCall trong phim tâm lý hài “Ngàn lời cuối” (A Thousand words) của đạo diễn Brian Robbins. AFP/File

Nhắc tới bộ phim “Ngàn lời cuối” (A Thousand Words), người ta nghĩ ngay đến sự thất bại ở phòng vé khi mà nhà sản xuất phim và đạo diễn đưa ra con số 40 triệu đô la nhưng doanh thu chỉ đạt hơn 20 triệu. Tuy nhiên, tác phẩm ra đời vào năm 2012 của đạo diễn Brian Robbins này lại mang trong nó một ý nghĩa lớn lao hơn thế.

Cùng với sự diễn xuất tài tình, duyên dáng, hài hước nhưng cũng vô cùng sâu sắc của Eddie Murphy, “Ngàn lời cuối” là một cái tên đáng giá, là một bộ phim giải trí đáng xem trong hàng loạt tác phẩm lừng lẫy tại kinh đô điện ảnh Hollywood.

Lời nói gió bay
Jack McCall, nhân vật chính trong phim do Eddie Murphy thủ vai, làm cái nghề được gọi là đắt giá nhất trong các nghề “buôn nước bọt”, đó là môi giới văn chương. Anh là đại diện cho các tác giả văn học, hỗ trợ việc mua bán, thỏa thuận hợp đồng để tác phẩm tới tay các nhà xuất bản hoặc các nhà sản xuất phim ảnh. Đặc thù nghề nghiệp của Jack là nói rất nhiều, thậm chí anh nói dối quanh cốt để được việc của mình. Jack quan niệm đó là những lời nói dối vô hại, chẳng ảnh hưởng đến ai. Những lời hứa lèo, hứa xong để đó, giống như lời Jack nói với Caroline vợ anh về việc họ sẽ chuyển tới một ngôi nhà khác ấm cúng và thân thiện hơn.

Jack quay cuồng với công việc, liên tục hứa và hứa, tất cả chỉ những lời nói quen miệng cứ thế tự nhiên trào ra, dần trở thành bản năng. Jack có thể nói bất cứ điều gì, lấy lòng tất cả mọi người bằng thứ mà họ muốn nghe, bằng lời sáo rỗng không xuất phát từ tấm lòng của anh rồi gần như ngay lập tức lãng quên nó. Với Jack, không gì ý nghĩa hơn là hoàn thiện được một cái hợp đồng mà theo anh, tất cả mọi người cùng có lợi.

Đó chẳng phải là mục đích sống của hầu hết chúng ta trong thế giới hiện đại ngày nay? Cái quan trọng là làm được việc của mình, đôi khi không cần quan tâm tới những hệ lụy kéo theo sau nó ? Bạn có dám chắc là bạn chưa bao giờ nói dối, chưa bao giờ nói những điều vô nghĩa hoa mỹ hay chưa bao giờ nói những lời dù vô tình làm tổn thương người khác? Và bạn nghĩ lời nói ấy sẽ dễ dàng bay theo chiều gió? Như là Jack McCall?

Bài học tốt là bài học đến đúng lúc
Bỗng không biết là điềm may hay rủi, là sự xuất hiện của khắc tinh hay quý nhân mà Jack lại gặp nhà tâm linh học Sinja, để rồi từ đây, mọi chuyện bắt đầu. Sinh mệnh của Jack đột nhiên gắn liền với một cái cây bồ đề bất ngờ mọc ở sân sau nhà anh. Trên cây có một nghìn chiếc lá tương ứng với một nghìn từ mà Jack được nói. Và khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cũng là lúc cuộc sống của Jack kết thúc. Thử tưởng tượng một người sống bằng nghề nói như Jack lại chỉ còn một nghìn từ cuối cùng?

Khốn khổ hơn cả là Jack phát hiện ra ngay cả khi anh viết ra giấy hoặc ra kí hiệu bằng tay thì những chiếc lá cũng rụng. Phản ứng tự nhiên của Jack là tìm mọi cách để chặt cái cây đi. Nhưng oái oăm thay, anh chỉ tự làm đau mình. Dường như cái cây đó chính là bản ngã của Jack không thể tách rời. Đến mức khi nó bị sâu bệnh thì Jack cũng cảm thấy ngứa ngáy không yên. Từ một người nói như cái máy, nói bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu, bỗng, Jack phải chậm lại, phải nghĩ kĩ, phải lựa chọn điều gì nên nói, điều gì không. Giao tiếp với mọi người trở nên thật sự khó khăn và gây nên rất nhiều hiểu lầm không đáng có. Từ một nhà môi giới giỏi và sắc bén nhờ vào cái miệng, Jack phải học cách im lặng nhưng lại phải khiến mọi người vẫn hiểu mình. Jack bị mất hai hợp đồng sách, mất việc, thậm chí Caroline cũng dọn ra ngoài ở vì nghĩ anh đã thay đổi, không còn yêu cô nữa.

Suy nghĩ đầu tiên của Jack sau khi gần như mất mọi thứ là phải làm việc thiện. Bản thân anh cho rằng đây là một lời nguyền tồi tệ và là kết quả của một thời gian dài anh đã quá bận rộn mà quên mất sự “trao gửi và cho đi”. Jack bắt đầu làm thiện nguyện một cách cuồng nhiệt, giúp đỡ người vô gia cư, cho họ đồ ăn, quyên tiền cho các sự kiện từ thiện. Nhưng rõ ràng, người ta thấy những việc làm của anh không xuất phát từ một tấm lòng muốn “trao gửi” thật sự. Nó vẫn bắt nguồn từ một con người ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm từ thiện cho lợi ích của mình. Nếu không phải vì sợ chết, sợ sự thất bại từ cái cây bồ đề thì hẳn Jack đã không sống vì bất cứ ai, hẳn anh cũng chẳng buồn để ý tới những thân phận khốn khổ đang tồn tại quanh mình.

Tất nhiên, những cái lá vẫn rơi, lời nguyền kì dị vẫn còn đó khiến Jack phát điên. Anh trở nên chán chường tột độ, trở nên bất cần và hoàn toàn mất kiên nhẫn. Jack uống rượu, nói và hát rất nhiều trong cơn say. Để rồi sau đó, anh lại vô cùng ân hận bởi những từ ngữ vô nghĩa mà anh đã vung phí. Rõ ràng là, người ta không nhìn vào những điều bạn nói, người ta chỉ nhìn vào những việc bạn làm, nhất là với những người thân yêu của bạn, với những gì bạn thật sự coi là quan trọng trong cuộc đời.

Lòng trắc ẩn tận nơi thẳm sâu
Bình tâm trở lại, Jack tìm Sinja, nhà tâm linh học, để xin lời khuyên. Ngài nói với Jack rằng anh phải tìm tới sự Bình yên trong các mối quan hệ của anh. Suy ngẫm lại, Jack nhận ra trước giờ các mối quan hệ của anh đều nhạt nhẽo, đều đơn thuần chỉ là tiền bạc và công việc. Không ai thật sự gần gũi anh, thật sự quan tâm và quan trọng với anh, ngoài Caroline, vợ anh và Annie, mẹ anh. Đó là hai người ý nghĩa nhất với Jack. Nhưng Jack đã làm gì với họ?

Cái Caroline nhận được chỉ là những ngày dài bận rộn của chồng và những lời hứa suông ngày này qua tháng khác về việc chuyển nhà. Còn mẹ Jack, người phụ nữ mắc căn bệnh Alzheimer, thì chỉ là những lần ghé thăm ngắn ngủi chóng vánh của con trai trong viện dưỡng lão. Lúc ấy, trên cây bồ đề chỉ còn một cành lá cuối cùng. Cuộc đời của Jack cũng chỉ còn chừng đó “lời nói”. Nhưng Jack quyết định phải gặp hai người quan trọng nhất trong đời anh. Cuộc sống của anh, rốt cục, cũng chỉ là phụ thuộc vào những lời nói mà thôi.

Jack tìm tới Caroline, cố gắng hàn gắn và giải thích nhưng cô không cho anh cơ hội. Mỗi chiếc lá trên cành rơi xuống là mỗi tia hi vọng của Jack lại mất đi. Anh buồn bã tới viện dưỡng lão để gặp mẹ khi mà cây bồ đề chỉ còn lại ba chiếc lá mong manh cuối cùng. Câu chuyện lúc này hé mở, tiết lộ toàn bộ những uẩn khúc trong lòng Jack. Thì ra, Jack đã có một tuổi thơ thật dữ dội khi cha anh bỏ nhà ra đi, để lại mẹ và anh cùng những lời hứa mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực. Có lẽ chính vì vậy mà Jack đã lớn lên thành một người như hiện tại. Quá khứ làm nên con người Jack chính là cái quá khứ mà anh phải đối mặt. Chứng mất trí nhớ của bà Annie, mẹ Jack, đã khiến bà lầm tưởng Jack là chồng bà. Những lời bà nói ra khi gặp anh là những lời bà muốn nói với ông, rằng bà mong một ngày Jack sẽ tha thứ cho ông vì đã rời bỏ họ.

Cái Bình yên mà nhà tâm linh học Sinja nhắc tới thật ra là nỗi đau đang ẩn sâu trong lòng Jack. Nỗi đau Jack đã vùi xuống tận đáy của những cảm xúc dường như đã bị lãng quên. Nỗi oán hận chưa bao giờ được giải tỏa, chưa bao giờ được giãi bày, thậm chí chưa bao giờ được nhìn nhận một cách rõ ràng. Từ khi có sự hiện diện của cây bồ đề, Jack đã hoang mang đi tìm câu trả lời trong vô vọng, và giờ đây, tất cả đã sáng rõ. Muốn giải quyết vấn đề của hiện tại, anh phải đối mặt với quá khứ. Jack tới ngôi mộ của cha anh. Những tia chớp chói lòa báo hiệu một cơn giông sắp tới. Jack thốt lên “Con tha thứ cho cha”. Anh đã dùng những từ cuối cùng trong đời mình để làm cái việc mà đáng lý đã nên làm từ lâu, đó là sự bao dung. Jack nằm xuống cạnh ngôi mộ và chờ đợi…

Tất nhiên, chẳng có ai phải chết trong một bộ phim tâm lí hài nhẹ nhàng. “Ngàn lời cuối” đem tới cho khán giả một cái kết có hậu không thể tốt đẹp hơn, đó là sự đoàn tụ của gia đình Jack trong ngôi nhà xinh xắn có sân vườn và cây bồ đề rợp lá ngay phía trước. Rõ ràng, nếu muốn tiếp tục cuộc sống hiện tại và tương lai thì việc ta phải làm là hãy đối xử tốt với quá khứ. Bởi dù ta có cố lãng quên nó thì tại nơi thẳm sâu trong tâm hồn, quá khứ vẫn ở yên đó.      

Related posts