Trân Văn
17-8-2021
Những chuyện bất cập liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch tại Việt Nam không còn làm người ta cười, kể cả cười mỉa và cười buồn.
Đợt dịch COVID-14 thứ tư sắp tròn bốn tháng nhưng những lỗi lầm khó hiểu, khó chấp nhận trong quản trị, điều hành cả trên bình diện vĩ mô lẫn vi mô chỉ tăng chứ không giảm. Điều đó cho thấy không những giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến dịa phương thiếu đủ thứ, từ tri thức, viễn kiến, thành tâm, thiện ý, đến khả năng tự điều chỉnh, ý thức trách nhiệm và tệ nhất là họ quá… rảnh, thành ra trở nên nông nổi. Sự nông nổi tăng thêm tai họa cho cả dân chúng lẫn người thừa hành…
***
Những tình huống dở khóc, dở cười khi TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam thực hiện các biện pháp kiểm soát, nhằm hạn chế đi lại trong hai tháng 6 và 7 mà thực tế đã cho thấy, không những không có hiệu quả còn gây ra những tác hại nghiêm trọng đến dân sinh, vẫn không thể giúp gì cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành phố Hà Nội. Cũng vì vậy, thượng tuần tháng này, việc ban hành và hướng dẫn sử dụng “mẫu Giấy đi đường” mới (1), buộc những người cần ra khỏi nhà phải đi lại nhiều hơn, tạo ra những điểm tập trung đông người mới, cho dù mục tiêu của việc ban hành “mẫu Giấy đi đường” mới là để… hạn chế đi lại, tụ tập đông người khiến COVID-19 lây lan mạnh hơn!
Nếu các viên chức hữu trách ở Hà Nội biết dùng… mắt để… nhìn, biết dùng… tai để… nghe và biết dùng… đầu để… nghĩ, quan trọng hơn là… có thể nghĩ được những giải pháp khác, khả thi hơn trong việc phòng ngừa COVID-19 lây lan nhằm tránh được vết xe đã làm uy tín chính quyền TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam… đổ, chắc chắn “mẫu Giấy đi đường” và các thủ tục đi kèm, như phải có xác nhận của UBND phường nơi… làm việc đã không gây náo động và phản tác dụng tới mức phải hội họp, chỉ đạo sửa ngay như vậy! Đáng ngại là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của địa phương nào cũng vậy, cho nên chỉ một tuần sau, tới lượt Bình Dương tổ chức chặn quốc lộ xuyên Việt (2)!
Từ khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương xác định lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh tại địa phương của họ, hoạt động phòng, chống dịch tại các tỉnh và thành phố chỉ có một kiểu, bất kể hiệu quả thực thi và hậu quả thế nào!
Tại sao không có nơi nào nghĩ khác, làm khác dù đặc điểm mỗi nơi mỗi khác, thậm chí rất khác? Câu trả lời dường như là vì các viên chức hữu trách không biết nghĩ khác, không muốn hoặc không dám làm khác. Lãnh đạo mà không cần… nhìn, không cần… nghe, không cần… nghĩ, luôn kiên định với con đường đã được vạch sẵn thì chắc chắn rất… rảnh!
Chẳng riêng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương. Lãnh đạo các ngành cũng vậy. Chuyện ngành công an phải tạm ngưng triển khai ứng dụng “kiểm soát di biến động dân cư” chính là ví dụ. Tạp chí điện tử Luật Khoa vừa giới thiệu một bài viết phân tích khá đầy đủ về ứng dụng vừa kể (3). Về lý thuyết, “kiểm soát di biến động dân cư” là ứng dụng giúp kết nối điện thoại thông minh của cá nhân với kho dữ liệu dân cư của quốc gia để quản lý cả việc đi lại của đương sự lẫn hỗ trợ theo dõi dịch bệnh khi đương sự có việc phải tới lui trong thời gian xảy ra dịch bệnh. “Kiểm soát di biến động dân cư” được quảng cáo là tiết kiệm thời gian, công sức trong khai báo y tế…
Sau năm năm, ngốn hết khoảng… 9.000 tỉ đồng để xây dựng kho dữ liệu dân cư của quốc gia, chưa kể vừa qua, lúc dịch đã bắt đầu lan rộng, ngành công an vẫn triệu tập dân chúng để thực hiện cho xong kế hoạch chuyển đổi căn cước công dân thành dạng có thể tra cứu bằng các thiết bị điện tử nhằm gia tăng tiện ích của kho dữ liệu dân cư quốc gia. Tuy nhiên việc khai thác ứng dụng “kiểm soát di biến động dân cư” tại TP.HCM chỉ diễn ra trong… nửa ngày vì đã tạo ra những… cuộc tụ tập khổng lồ do người dùng phải ngừng lại rất lâu để tự khai báo đủ thứ, người kiểm soát phải tiếp cận đương sự, đối chiếu cả dữ liệu trên địa thoại thông minh lẫn… căn cước!
Không chỉ chết yểu khi đưa ra ứng dụng tại TP.HCM, tự thuật của một số người có việc phải đi lại đường dài, băng qua nhiều địa phương, cho thấy thêm, các ứng dụng hỗ trợ “khai báo y tế” theo hướng… “công nghệ 4.0” kiểu như “kiểm soát di biến động dân cư” không có giá trị sử dụng ở rất nhiều nơi, hoặc vì những người tham gia kiểm soát đi lại không… biết, không thèm… bận tâm, hoặc không… có thiết bị. Những ngàn tỉ, rồi chục ngàn tỉ đã chi cho… “chuyển đổi số”, đặc biệt là “chuyển đổi số” để gia tăng hiệu quả phòng, chống dịch, bảo đảm sự thành công của… công cuộc phòng chống dịch hóa ra là… thế!
***
Từ đầu năm ngoái đến giờ, lúc thì ở chỗ này, khi thì tại chỗ khác, hết viên chức này đến viên chức khác đưa ra đủ loại tuyên bố về chuẩn bị, về nỗ lực phòng, chống dịch. Không may cho họ là thực trạng dịch dã không như họ… mường tượng. Tuy nhiên cho dù hậu quả thảm khốc thế nào thì thực tế cho thấy các viên chức hữu trách vẫn rất… rảnh, vẫn cương quyết không dùng… mắt để… nhìn, không dùng… tai để… nghe và không dùng… đầu để… nghĩ.
Cách nay vài ngày, chính phủ tổ chức phiên họp đầu tiên của… Hội đồng Thi đua Khen thưởng nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thủ tướng cũng là Chủ tịch Hội đồng này khoe nhiều thành tích mà “ta” đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng, nhà nước, chính phủ và chính… Thủ tướng, bất chấp đại dịch! Dường như dân đói, dân chết, thất nghiệp tràn lan, nông sản ối đọng, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, doanh nhân phá sản,… không nằm trong phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng.
Điều duy nhất khiến Thủ tướng bận tâm là… tình hình đòi hỏi phải cố gắng, thúc đẩy, khích lệ các phong trào thi đua như… “bác” – “càng khó khăn thì càng phải thi đua“, phải thúc đẩy “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” để có những thành quả mới, “đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, nỗ lực rồi nỗ lực hơn, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn” và chính thức phát động… phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch” (5).
Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Việt Nam đã thế thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khó mà khác thế.
Ngoài việc thừa nhận: Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân. Dịch bệnh có thể còn kéo dài và đang đặt ra thách thức lớn cho chúng ta trong công tác phòng, chống dịch và những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội – dường như do không thể vạch ra bất kỳ giải pháp nào cụ thể, khả thi để giảm thiểu hậu quả của đại dịch mà thành rất rảnh, rồi không thể không làm gì cho nên mới chỉ đạo… thúc đẩy thi đua, kể cả phát động… phong trào thi đua đặc biệt!
Chú thích
(3) https://www.luatkhoa.org/2021/08/he-thong-di-bien-dong-dan-cu-cua-bo-cong-an-hoat-dong-ra-sao/
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219318143975577&id=1569759542
(5) https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-phat-dong-phong-trao-thi-dua-dac-biet-20210814131129217.htm