“Mẹ con em ở đây không biết phải làm sao để cứu được chồng. Mười ngày rồi giờ nghe tin đau lòng mà đứt ruột gan. Cầu xin các bác sĩ giúp đỡ cứu chồng em với”, tin nhắn người vợ viết.
Theo VnExpress, chồng chị Quế là anh Trần Văn An, 28 tuổi. Gia đình 6 người từ quê Hà Tĩnh vào TP.HCM thuê trọ, làm công nhân. Không may tất cả đều dương tính COVID-19. Anh An bệnh nặng nhất, sốt cao, đau họng, khó thở, kiệt sức, được đưa đến một bệnh viện tại TP. Thủ Đức điều trị ngày 24/7.
Những ngày đầu anh An nhập viện, hai vợ chồng vẫn gọi điện, nhắn tin cho nhau thường xuyên. Ngày 29/7, chị Quế mất liên lạc với chồng. Mỗi ngày chị gọi hàng chục lần vào số máy của anh, chỉ nhận được những tiếng tút tút vô vọng.
“Tôi đã trải qua những ngày cực kỳ lo lắng và sợ hãi, sợ chồng đã gặp chuyện xấu nhất”, chị Quế chia sẻ với VnExpress chiều 17/8.
Gần 10 ngày sau, chị Quế nhận được một cuộc gọi từ bệnh viện, thông báo anh An phải đặt nội khí quản, tình trạng rất nguy kịch, có “nguy cơ tử vong trong nay mai”. Người vợ sốc. Gia đình chị đêm đó thức trắng, cố gắng tìm cách liên lạc khắp nơi tìm một cơ hội sống cho anh An.
Biết Bệnh viện Chợ Rẫy, tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM, chị Quế “rải tin nhắn” khắp các bài đăng trên trang cá nhân, nhắn tin riêng trên fanpage của bệnh viện, phòng Công tác xã hội, mong các bác sĩ sẽ đọc được.
“Mẹ con em ở đây không biết phải làm sao để cứu được chồng. Mười ngày rồi giờ nghe tin đau lòng mà đứt ruột gan. Cầu xin các bác sĩ giúp đỡ cứu chồng em với”, tin nhắn người vợ viết.
Ngay trong chiều 7/8, người phụ nữ nhận được phản hồi từ bệnh viện “sẽ cố gắng hết sức”.
Cùng lúc đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, những thông tin trên được chuyển tới bác sĩ Trần Thanh Linh, phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng liên hệ với bệnh viện bạn để tìm hiểu về tình trạng của bệnh nhân An.
Từ những thông tin được cung cấp, các bác sĩ Chợ Rẫy đánh giá tình trạng của bệnh nhân phù hợp với tiêu chí nhận bệnh của Bệnh viện hồi sức COVID-19, đồng thời có khả năng an toàn trên đường chuyển viện. Vì vậy, bệnh viện đã đồng ý tiếp nhận bệnh nhân An, bác sĩ Phạm Minh Huy, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đang tham gia điều trị tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (TP. Thủ Đức) cho biết.
21h ngày 7/8, anh An được chuyển đến Bệnh viện hồi sức Covid-19, nhập khoa 2A trong tình trạng rất nguy kịch, mê man, đang dùng thuốc an thần, thở máy hỗ trợ gần như ở mức cao nhất… Sau ba ngày được các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa, bệnh nhân đã dần cải thiện sức khỏe, được rút nội khí quản, thở oxy dòng cao. Năm ngày kể từ lúc chuyển viện, tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn, được chuyển sang khoa 7A (chăm sóc sau Hồi sức tích cực).
Trải qua cuộc chiến sinh tử căng thẳng, anh An cho biết mình “được cứu sống như một kỳ tích”, nhờ lời cầu cứu của vợ và sự nỗ lực của các y bác sĩ. Ngay khi tỉnh lại, anh đã nhờ bác sĩ Linh gọi điện thoại về cho vợ giúp mình.
Chị Quế nói rằng “vẫn nhớ tay đã run lên” khi thấy số điện thoại lạ hiện trên màn hình điện thoại. Chị vừa nghe vừa sợ sẽ là cuộc gọi báo chồng đã mất. Không ngờ, phía bên kia đầu dây bên kia là giọng anh An: “Vợ ơi, ở nhà cố gắng nhé. Chồng được bác sĩ Linh cứu sống đây rồi. Bữa giờ không gọi được vợ lo lắm đúng không?”. Giọng anh còn yếu, nói ngắt quãng, nhưng đã trút hết nỗi lo bao nhiêu ngày qua của người vợ.dtd=5213
Ngày 17/8, anh An đã cai được máy oxy dòng cao để chuyển sang thở oxy qua mặt nạ.
“Hy vọng trong vài ngày tới, bệnh nhân sẽ cai được oxy mặt nạ, thở qua gọng kính và có thể xuất viện”, bác sĩ Huy nói.
Hiện diễn biến COVID-19 ở TP.HCM rất căng thẳng vì giãn cách ca nhiễm và số người chết vẫn tăng cao, theo tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 18 giờ ngày 16/8 đến 19 giờ ngày 17/8 đã ghi nhận 9.605 ca mắc COVID-19. Trong đó riêng TP.HCM là 3.559 ca, nâng số ca nhiễm TP này lên 156.386 ca.
Trong ngày 17/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo ghi nhận 331 ca tử vong trên cả nước, riêng TP.HCM 285 ca.