Bài học di dân

Huy Lâm

Nếu được lựa chọn có lẽ chẳng mấy ai lại muốn làm thân phận của một người di dân tìm tới một nơi xa lạ để ăn nhờ ở đậu. Bỏ quê hương xứ sở đi tha phương cầu thực chắc hẳn là một quyết định khó khăn không ai muốn nhưng phải đành lòng. Tới được nơi bình yên rồi, nếu may mắn thì được người dân nơi đó mở vòng tay chào đón do lòng thương xót. Nhưng thường thì người di dân phải đối diện với tình trạng bị hắt hủi xua đuối với lý do là gây ra những khó khăn cho cuộc sống của người bản xứ, tranh giành công ăn việc làm với họ, hoặc tệ hơn là khiến tội ác gia tăng nơi vùng đất mới. Nói một cách cụ thể hơn, thân phận của người di dân không có gì là vui vẻ, hạnh phúc cả.

Tuy nhiên, gần đây có người đưa ý kiến nói rằng tại sao không nhìn người di dân qua một lăng kinh khác, và thay vì nhìn bằng con mắt tiêu cực thì tại sao không thử nhìn người di dân một cách tích cực hơn, chẳng hạn nhìn họ như là những con người mang đến hạnh phúc.

Để có thể xác định được điều này thì không gì chính xác hơn là hỏi thẳng những người di dân xem liệu sau khi tới một đất nước mới, như Hoa Kỳ chẳng hạn, thì họ có cảm thấy hạnh phúc hơn so với khi họ còn ở nơi quê hương cũ hay không. Trên thực tế, cách đây không lâu, có người đã làm điều này.

Năm 2018, một nhóm nghiên cứu thuộc viện Gallup và Đại học Erasmus, tại Hoà Lan, đã thử đánh giá mức độ hạnh phúc của người di dân trên toàn thế giới, bằng cách sử dụng kho dữ liệu thăm dò của Gallup với 36,000 di dân thế hệ đầu tiên tại 150 quốc gia và khu vực. Đây là cuộc nghiên cứu toàn diện nhất về người di dân được thực hiện từ trước tới nay. Kết quả phần lớn cho thấy việc di cư từ nơi này tới nơi khác giúp làm tăng thêm hạnh phúc: Những di dân trên được yêu cầu tự đánh giá bản thân, và tính trung bình, họ cảm thấy hạnh phúc hơn 9 phần trăm sau khi di cư.

Dựa trên nơi phát xuất và nơi đến, kết quả cho thấy mức độ hạnh phúc mà người di dân được hưởng cũng có những khác biệt khá lớn. Ví dụ, những di dân đi từ Tây Âu sang Đông Âu không cho rằng cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, hoặc những người di cư giữa các quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Úc và Tân Tây Lan cũng thế. Nhưng với những người di cư từ khu vực Phi châu Hạ Sahara đến Tây Âu nhận thấy mức độ hạnh phúc của họ trung bình tăng 29 phần trăm.

Mức độ hạnh phúc cũng tăng đáng kể thậm chí ở những di dân lớn tuổi, là nhóm người nói chung thường gặp bất lợi khi phải thích nghi với môi trường văn hoá và ngôn ngữ mới. Năm 2019, các nhà nghiên cứu thử tìm hiểu hơn 7,000 di dân trên 60 tuổi di cư tới Hoa Kỳ và nhận thấy những người này cũng cảm thấy phần nào hạnh phúc hơn sau khi định cư ở vùng đất mới. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng những di dân lớn tuổi này thường hạnh phúc hơn so với những người lớn tuổi sinh trưởng tại địa phương, và điều này đặc biệt đúng với những di dân gốc châu Mỹ Latinh.

Một cách giải thích hợp lý cho sự gia tăng hạnh phúc của người di dân là vì nhiều người trong số họ có được nhiều cơ hội hơn để làm việc và qua đó được ổn định hơn về tài chính nơi quê hương mới so với cuộc sống ở quê hương cũ trước kia. Theo một cuộc thăm dò di dân năm 2021, 53 phần trăm di dân thế hệ thứ nhất và thứ nhì tới Hoa Kỳ nói rằng lý do chính mà họ tìm đến Mỹ là vì có được nhiều cơ hội về kinh tế.

Nhiều cuộc nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng những xã hội cởi mở và chào đón di dân sẽ đạt được mức độ hạnh phúc cao hơn khi di dân đến, trong khi những xã hội có thái độ tiêu cực về di dân thì mức độ hạnh phúc trung bình của họ giảm sút khi làn sóng nhập cư của di dân tăng lên.

Mối liên hệ giữa di dân và mức độ hạnh phúc nói chung của một quốc gia thậm chí còn rõ ràng hơn khi những người di dân hòa nhập một cách vừa phải với nơi ở mới của họ. Một cuộc nghiên cứu sử dụng các dữ liệu thu thập của nước Đức nhận thấy rằng khi người di dân làm việc, có thu nhập, làm quen và hoà nhập vào văn hoá của quê hương mới, nói và viết ngôn ngữ bản địa – thì mức độ hạnh phúc nói chung của địa phương đó tăng cao hơn. Đọc thêm

Bài học rõ ràng nhất từ kết quả cuộc nghiên cứu trên là nếu người ta không hài lòng với nơi đang sống, người ta có thể tự cải thiện cuộc sống của họ bằng cách di chuyển, nếu có thể, đến một nơi ở khác, cho dù đó là một quốc gia hay đơn giản chỉ là một thành phố khác. Có thể người ta lo ngại về việc di chuyển đó, tự hỏi liệu việc dọn đi có vô tình khiến cho tình trạng cuộc sống đang từ xấu lại trở nên xấu hơn không. Tuy nhiên, các nghiên cứu về di dân cho thấy tình trạng cuộc sống có khả năng sẽ được cải thiện.

Bài học thứ hai, người di dân bắt đầu cuộc sống mới bằng hai bàn tay trắng: Họ đặt tất cả vốn liếng cuộc đời của họ vào sự may rủi; họ hành động vì niềm tin vào bản thân và tương lai của họ; họ chấp nhận hy sinh trước để được đền bù sau đó. Nhưng cho dù có phải là di dân hay không, bất kỳ ai cũng có thể cố gắng để sống một cuộc sống như thế, hành động với lòng dũng cảm và hy vọng. Đặt tất cả niềm tin vào tương lai mặc dù có thể gặp phải những thất bại vào lúc đầu. Đừng bao giờ tỏ ra thất vọng vì thất vọng sẽ làm mình yếu lòng.

Thứ ba, khi tới được vùng đất mới, người di dân tin rằng họ sẽ được hưởng lợi từ việc hòa nhập vào lối sống mới. Chống lại sự thay đổi có thể khiến cho quá trình chuyển đổi cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều so với mức cần thiết. Thay đổi để hoà nhập. Người Việt mình có câu thành ngữ: Nhập gia tuỳ tục. Ráng làm sao cho cái nơi ở mới cũng thoải mái như nơi ở cũ của mình: Người ta yêu thích điều gì thì mình cũng ráng tập tành để yêu thích điều đó. Càng hoà nhập nhanh thì càng sớm có bạn mới và cuộc sống lại có thêm những ý nghĩa mới.

Và cuối cùng, đừng quên nguồn gốc mình là di dân và hãy ráng giúp đỡ những di dân đến sau bằng hết khả năng của mình. Từ chối người mới đến cũng đồng nghĩa với chối bỏ hạnh phúc. Thay vào đó, hãy tỏ ra vui mừng khi gặp người mới đến và giúp họ thích nghi với cách sinh hoạt trong cộng đồng mới của họ. Điều này sẽ làm cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn.

Nếu là một người chưa từng bao giờ di cư, đòi hỏi ở người đó một sự thông cảm với người di dân ngay từ lần gặp đầu tiên là điều rất khó vì họ chưa từng có cơ hội để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người di dân. Thế nên, có một số dân địa phương thường tỏ ra e dè với di dân và đôi khi còn bị người khác lợi dụng, khích động để chống lại người di dân. Do đó ta không lạ khi thấy ở nhiều quốc gia, người di dân thường xuyên bị phỉ báng, bị đưa ra làm vật tế thần vì những mục đích chính trị. Ngoài ra, con người có xu hướng coi những người di dân như là người ngoài, người xa lạ, và điều này được giải thích có thể là do có nguồn gốc từ quá trình tiến hóa từ các xã hội bộ lạc sống thu hẹp, trong đó người ngoài luôn bị coi như là mối đe dọa đối với sự an ninh của bộ lạc.

Trong các xã hội văn minh, các chính phủ, các tổ chức xã hội và các định chế tôn giáo vẫn thường kêu gọi dân chúng hãy chống lại khuynh hướng cổ hủ này và hãy mở rộng vòng tay bao dung, đối xử nhân đạo với di dân vì đây chính là hành động đạo đức cơ bản mà một xã hội văn minh không thể không có.

Người Việt chúng ta không xa lạ gì với những khó khăn và thử thách mà người di dân ngày nay vẫn đang phải đối diện, vì chính chúng ta cũng đã từng là di dân. Đến một đất nước xa lạ với hai bàn tay trắng, chúng ta đã cật lực làm việc để gầy dựng lại cuộc sống. Ở những bước đầu, di dân Việt cũng từng phải đối mặt với những nghi kỵ và đã có lúc biến thành bạo động, như vụ bạo loạn giữa những ngư phủ địa phương và ngư phủ Việt xảy ra ở vùng duyên hải tiểu bang Texas vào thập niên 1980, cũng chỉ vì không thông hiểu nhau. Nhưng rồi chúng ta đã vượt qua được sự thử thách đó và những khúc mắc được giải quyết.

Nay cộng đồng di dân Việt đã lớn mạnh, ổn định, hội nhập, và có thể nói thành công ở mọi lãnh vực. Đức tính chăm chỉ, cần cù, kiên trì của di dân Việt có lẽ cũng là đức tính chung của mọi nhóm di dân khác và là bài học gửi tới người bản xứ rằng chúng ta tới đây không để ăn nhờ ở đậu mà chính là để góp phần xây dựng.

Huy Lâm

Related posts