Ế bằng… thực lực

Du Uyên

Người trẻ ngày nay hay dùng các cụm từ “ế thâm niên”, “ế tự thân”, “ế bằng thực lực”… để chỉ những người… ế.

Quảng cáo xưa – Từ Google

Người nghiêm chỉnh  sẽ cảm thấy cách «ghép» trên hơi tối nghĩa, nhưng hãy nhìn vào chúng bằng sự hài hước của tuổi trẻ, biết đâu chúng ta cũng thấy… vui vui.

Thường thì người ta sẽ dùng những từ như “thâm niên”, “thực lực” để nhấn mạnh, khen ngợi khả năng có thật (chứ không phải trên danh nghĩa hoặc dựa vào kẻ khác) của một cá nhân/tổ chức nào đó. Ví dụ như công ty nọ có thực lực, quân đội nước kia có thực lực, người kia đi lên đỉnh cao nào đó bằng thực lực… Có khen thì cũng có chê, mà theo từng thời đại (hoặc theo dòng thời sự, hoặc theo sở thích chung của một thế hệ thời điểm đó) – ngôn ngữ được “giới” trẻ “chế biến” ra nhiều kiểu. Nên bây chừ chúng ta có câu “ế bằng… thực lực” như ở trên – nghĩa là ế một cách… chủ động, tự tìm đường… ế chứ không phải do xui khiến từ người khác.

Nguyên do khiến một người trở nên “ế bằng… thực lực” trong tình yêu hay hôn nhân thì tôi không rành, vì bản thân tôi cũng đang “ế thâm niên”, “ế tự thân”, “ế bằng thực lực”… Nhưng theo nghiên cứu từ “cư dân mạng” thì lý do chung trong việc “ế bằng thực lực” của một người là do cách quảng cáo về bản thân của họ sai, khiến cho “khách hàng tiềm năng” hiểu lầm mục đích của họ. Ví dụ như Du Uyên đá lông nheo “thả thính” con trai bà hàng xóm, nhưng bị ảnh hiểu là Du Uyên đang ra hiệu để mua trứng gà – vì mùa dịch, không ai được phép mua-bán ngoài các nơi được chính phủ cho phép, mà nhà bà hàng xóm là tiệm tạp hóa.

Hoặc do “đối tác” mà bạn hướng đến không phù hợp với bạn, bạn cần thay đổi bản thân.

Ðôi khi, bạn «ế» vì bạn… muốn thế – bạn yêu tự do, yêu cuộc sống độc thân, bạn nhìn thấy quá nhiều đổ vỡ xung quanh mình, tự trở thành con chim sợ cành cong… Tóm lại là có rất nhiều nguyên nhân khiến một người “ế”, trong đó có nhiều nguyên nhân không thể giải thích hay phán xét theo góc độ “chuyên môn” hoặc khoa học được, vì cái gì liên quan đến con người, đặc biệt là tình cảm của con người đều rất khó hiểu, khó lý giải.

Một cửa hàng/món hàng nào đó ế đơn giản vì nó không có nhiều… khách hàng, chứ người “ế bằng thực lực” đôi khi lại “lắm mối tối nằm không”. Bởi vậy, so với “ế bằng thực lực” trong tình yêu hay hôn nhân thì việc “ế bằng thực lực” trong kinh doanh có lẽ dễ phân tích hơn nhiều. Mà cái gì dễ hơn thì chúng ta làm trước, nên bài viết này, tôi nói về việc “ế bằng thực lực” trong kinh doanh.

Quảng cáo nay – Từ semtek.com.vn

Tại sao buôn bán mà không có khách?

  1. Vì phẩm chất món hàng mà doanh nghiệp bán không cao (hoặc người mua cho là phẩm chất của nó không cao) như quảng cáo – Xưa có ông kia rất nổi danh, phán: “một ký rau muống có chứa chất bổ dưỡng ngang với một ký thịt bò” – câu nói này được bà bán rau muống ở xóm tôi lặp đi lặp lại hàng tỷ lần nhưng chưa có vị khách chịu mua rau muống đi nấu phở.
  2. Hay do giá cả người bán đưa ra không phù hợp/không đủ khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp khác (đôi khi chỉ cần trong một thời điểm) – Như trong mùa dịch, chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh và nhiều nơi bị tố cáo nâng giá, cân hàng hóa sai, ngược lại thì công ty trứng Ba Huân tuyên bố không lên giá trứng vì “người nghèo mới ăn trứng nhiều”. Rất nhiều người tuyên bố sẽ tẩy chay các chuỗi siêu thị như Bách Hóa Xanh sau dịch (vì ở nhiều nơi, do ngăn sông cấm chợ nên người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài Bách Hóa Xanh).
  3. Do thái độ của nhân viên khi bán hàng – cái này là căn bệnh chung của các cửa hàng/doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn tại Việt Nam. Ðôi khi tiệm/cửa hàng/chuỗi cửa hàng bị “bốc phốt”/tẩy chay chỉ vì thái độ của một hoặc vài nhân viên. Ngoài ra, giữa thời đại thông tin, sự “ế” của sản phẩm còn tùy vào nhân cách sống của những người đại diện sản phẩm/công ty đó (đây là lý do khiến nhiều tài tử bị nhãn hàng kiện/cắt hợp đồng vì trong khi làm đại diện quảng cáo sản phẩm lại dính thị phi không tốt).
  4. Do cách “giải quyết khủng hoảng” sau các rủi ro thị phi của công ty/doanh nghiệp (như công ty Tân Hiệp Phát tai tiếng suốt nhiều năm vì bỏ tù khách hàng tố cáo có ruồi trong chai nước, Tập đoàn Vingroup ở Việt Nam được coi như một tập đoàn “quốc dân” vì “bao phủ” quá nhiều lãnh vực như: xe, nhà, bệnh viện, siêu thị, trường học… Nhưng tập đoàn này không được lòng số đông người dân vì tối ngày cứ canh me gỡ bài tố cáo của khách hàng trên mạng xã hội rất nhanh, cách đây không lâu còn đòi kiện một khách hàng dám “review” xe hơi của tập đoàn này mà chê nhiều hơn khen… Một cách làm ăn rất là… nhà nước!)
  5. Hơn hết là cách “tiếp thị”/quảng cáo sản phẩm của cá nhân, cửa hàng, doanh nghiệp. Khác với ngày xửa ngày xưa, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn, sản phẩm cũng có phân khúc rõ ràng – không nhiều sự cạnh tranh, các nhãn hàng muốn quảng cáo cũng gặp nhiều khó khăn vì không có nhiều lựa chọn về thiết kế, in ấn hình ảnh – quảng cáo xưa thường chỉ thấy trên bảng quảng cáo, biển hiệu, báo giấy… Nhưng ngày nay, kỹ thuật phát triển, chỉ cần gõ phím một cái là biết cùng một món đó, ở đâu bán giá rẻ hơn, công dụng sản phẩm đó có tốt như quảng cáo không… Các chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp cũng khó khăn hơn trong việc quảng bá sản phẩm của mình, vì vậy, thế giới xuất hiện thêm những “nghề” mới:  “influencer” (người có lượng followers lớn trên mạng xã hội), “KOL” (Key Opinion Leader – người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có thể là chuyên gia của một hay nhiều lãnh vực nào đó), seeder (người làm công việc seeding marketing – đóng vai khách hàng, có thể giả bộ là người thích hoặc ghét sản phẩm, đi bình luận dạo – gieo mầm tranh luận về sản phẩm trên các mạng xã hội nhằm tạo dư luận và lôi kéo sự quan tâm của người khác. Từ đó, quảng cáo cho món hàng dưới dạng một người tiêu dùng).
Bách Hóa Xanh tại Sóc Trăng bị phạt vì tăng giá quá nhiều mùa dịch – Từ vov.vn

Khác với “seeder”, sự khác biệt giữa “influencer” và KOL không được dân tình phân định rõ ràng, vì ở Việt Nam, rất nhiều người dễ dàng nổi tiếng sau một đêm dù họ chẳng có chuyên môn gì, hoặc nổi tiếng với một “tài lẻ” mà không phải là chuyên môn chính họ có. Ví dụ như gần đây, có vài người nổi tiếng với tư cách là cô giáo, nhưng đa số những người này chưa tốt nghiệp ngành sư phạm, cách dạy của các “cô” cũng rất “phi sư phạm” như: õng ẹo/nũng nịu trước máy quay, dành cả buổi “dạy học” để ghi tên “học sinh” lên bảng, ăn mặc khêu gợi…

Ðáng buồn là, ở xã hội Việt Nam hiện nay, bất luận là KOL hay «influencer» đều có thể định hướng dư luận và dẫn dắt suy luận của cộng đồng trước một sự việc, vì nhiều người tin vào số «like» hơn là tin vào sự thật. Bởi vậy, có nhiều người bị lừa do tin vào KOL hay «influencer» mà mua chứng khoán giả, tiền ảo, uống thuốc «trị ung thư» bằng… thảo dược, đẻ «thuận tự nhiên» ở nhà – không chịu đến bệnh viện… Nhờ sự thiếu tỉnh táo đó của số đông, «influencer» và KOL đã giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi cảnh «ế bằng thực lực» qua các bài viết, «review» «dắt mũi” dư luận.

Nhưng không phải lúc nào cư dân mạng Việt đều tin vào số like, rất nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “không lối thoát” vì dư luận quyết quay lưng, dầu có bao nhiêu “influencer” và KOL cố gắng “giải cứu” (Như cách mà ông CEO Nguyễn Tử Quảng phát ngôn, khiến Bphone bị dính tai tiếng là “boom-phone”, góp một phần không nhỏ khiến thương hiệu điện thoại này gần như “tàng hình” trên thị trường điện thoại ở Việt Nam. Như cách dư luận tẩy chay tập đoàn nước chấm Masan (từng chiếm 70-80% thị trường) vì những đòn “chơi bẩn” đầy ác ý của tập đoàn này đối với 2,800 nhà sản xuất nước mắm truyền thống và đánh lạc hướng người tiêu dùng bằng cách tung tin đồn rằng trong nước mắm truyền thống có hàm lượng chất cực độc có tên là asen – thường được gọi là thạch tín rất cao).

Diễn viên Chi Bảo và nhiều KOL, influencer bị lên án vì kêu gọi người dân đừng kén chọn vaccine nhưng vui mừng khi con được chích vaccine của Mỹ, loại vaccine được cho là tốt nhất hiện nay   – Từ Facebook

Diễn viên Chi Bảo và nhiều KOL, influencer bị lên án vì kêu gọi người dân đừng kén chọn vaccine nhưng vui mừng khi con được chích vaccine của Mỹ, loại vaccine được cho là tốt nhất hiện nay   – Từ Facebook
Báo Việt Nam bị “vạch mặt” đưa tin gian dối – Từ Facebook

Gần đây nhất là cách mà số đông người dân Việt phản ứng trái chiều trước việc có thể bị “ép” chích vaccine Sinopharm của Tàu cộng, dầu không ít “influencer” và KOL đăng đàn khuyên người dân không nên “kén cá chọn canh” (nhưng chính họ lại chích vaccine đến từ đế quốc, chứ không phải Trung Quốc). Hay các nhà báo ra sức đưa tin “vịt” về việc chích vaccine (và “đính chính” sau đó khi bị dư luận “vạch mặt”, phản đối): nào là mượn lời của một ông luật sư nào đó đe dọa là người không chịu chích vaccine có thể bị phạt tiền, rồi như tờ báo VnExpress đưa ảnh trẻ em chích vaccine Pfizer/BioNTech tại Mỹ thành trẻ em chích vaccine Sinopharm tại UAE…

Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã để lại câu nói “Ðừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” – Ðó cũng là câu nói được nhắc đến nhiều nhất của ông và cũng là câu nói chưa bao giờ lỗi thời cho đến nay, có thể áp dụng được cho bất cứ việc gì, bởi vậy trong mùa dịch này, tên ông bị “réo” liên tục khắp cõi mạng.

“Ế bằng thực lực”, giờ đây không phải chỉ nỗi buồn riêng của cô gái Du Uyên hay chuyện của các doanh nghiệp nữa, mà nhờ các KOL, influencer, nhà báo… lời nói, nghị quyết từ phía chính quyền cũng trở nên “ế” người nghe “bằng thực lực” một cách đáng thương. Vì người dân đã sáng mắt sáng lòng ra không ít sau những tổn thương và “bánh vẽ” được nhận trong mùa dịch!

Du Uyên

Related posts