Tin VN sáng Chủ Nhật: Thêm 11,321 ca COVID-19; Hà Nội cách ly xã hội thêm 15 ngày

Hiểu Minh

Thêm 11.321 ca COVID-19

Dân Trí – Tính từ 18h30 ngày 20/8 đến 18h ngày 21/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước, với 7,428 ca cộng đồng.

Trong đó, tại Bình Dương (4.505), Sài Gòn (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1).

Như vậy trong 24h giờ qua số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Tại Bình Dương tăng 2.400 ca, TP.HCM tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca.

Trong ngày 21/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 3.425 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới. Trong ngày 21/8, số ca tử vong trong ngày hôm nay chưa cập nhật do Tiểu ban điều trị chưa chuyển số liệu.

Hà Nội cách ly xã hội thêm 15 ngày

VnExpress – Chủ tịch Hà Nội chiều ngày 21/8 ra công điện tiếp tục cách ly xã hội thành phố đến 6h ngày 6/9 theo nguyên tắc “người cách ly với người”, “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Hà Nội bắt đầu cách ly xã hội từ ngày 24/7 với hai đợt, trong đó đợt hiện nay dự kiến kết thúc vào 23/8. Với quyết định trên, đợt ba kéo dài đến 6h ngày 6/9.

Sau khi phát hiện nhiều ca F0 trên địa bàn 2 phường Văn Cương và Văn Miếu. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Tối 21/8, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, đã quyết định cách ly y tế phường Văn Chương và Văn Miếu, với tổng số trên 21.000 người.

Ngày 21/8, Hà Nội ghi nhận 64 ca mắc mới, trong đó 28 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính từ 27/4 đến nay (đợt dịch thứ tư), thành phố ghi nhận 2.554 ca bệnh (không tính ca bệnh tại các bệnh viện trung ương) trong đó 1.305 cộng đồng, và 1.249 tại khu cách ly.

Sài Gòn lập 400 trạm y tế lưu động

VnExpress – 6 trạm y tế lưu động đã được Sở Y tế TP.HCM lập tại quận 3 và quận 7, dự kiến đến ngày 24/8 thêm 140 trạm sau đó tăng lên 400 trạm ở tất cả quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết tại họp báo về tình hình chống dịch tại thành phố chiều 21/8. Kế hoạch triển khai 400 trạm y tế lưu động nhằm quản lý, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, tiêm vaccine…, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế.

Mỗi trạm sẽ quản lý và chăm sóc 50-100 F0. Trạm có ít nhất một bác sĩ, 2-3 điều dưỡng huy động từ các trạm y tế, trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của thành phố, trung ương.

Người thân tra cứu thông tin người bệnh COVID-19 ở đâu?

Tienphong – Người thân của gia đình người bệnh sẽ được cập nhật thông tin như bệnh viện điều trị, tình trạng bệnh, thông tin về người bệnh, đồng thời có thể nhận được tin nhắn cập nhật tình hình của người bệnh thông qua Hệ thống tra cứu thông tin người bệnh COVID-19 vừa được nâng cấp là https://tracuuf0.medinet.org.vn.

Giám đốc Bệnh viện tỉnh Gia Lai kêu oan khi bị đình chỉ công tác

Tienphong – Liên quan đến việc ông Phạm Bá Mỹ – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, bị đình chỉ công tác vì lơ là trong phòng chống dịch, ngày 21/8, ông Mỹ cho rằng mình không đáng bị đình chỉ công tác.

“Tôi cảm thấy mình không làm gì tắc trách, thiếu trách nhiệm. Tôi làm đầy đủ trách nhiệm, không đáng để bị đình chỉ”, ông Mỹ trao đổi. Ông cho hay, Sở Y tế ra quyết định đình chỉ công tác nhưng chưa mời ông họp kiểm điểm trách nhiệm khiến ông khó hiểu.

Theo ông Mỹ, công tác chống dịch COVID-19 ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai đang làm rất tốt, chưa làm gì phiền toái đến người dân, để phải ảnh hưởng đến công tác chống dịch của tỉnh. Tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 đều được chăm sóc, nuôi nấng tử tế; nhiều doanh nghiệp thấy bệnh viện làm tốt đã đến tài trợ, ủng hộ công tác chống dịch ở đây.

“Đình chỉ mình là đình chỉ oan. Đình chỉ công tác trừ khi họ xảy ra bê bối, không làm được việc, tránh né nhiệm vụ, đây làm tốt mà sao lại đình chỉ”, ông Mỹ phân trần.

Đề xuất chi hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ lao động khó khăn ở Sài Gòn

Zing – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTB&XH) Lê Minh Tấn vừa có tờ trình khẩn gửi UBND TP.HCM về việc bổ sung số lượng người thuộc diện được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài.

Các trường hợp được hỗ trợ đợt 2 gồm hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Dự kiến, hơn một triệu hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, sẽ được hỗ trợ với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỷ đồng. Sở cũng đề xuất bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỷ đồng.

Sài Gòn kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa

NLĐ – Sáng 21/8, người dân Sài Gòn đã ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hoá. Lãnh đạo TP HCM kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, TP cam kết sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch COVID-19.

“Thành phố khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân”. Đó là khẳng định của ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM – sáng 21/8.

Thực tế cho thấy, sau khi có thông tin Sài Gòn tiếp tục tăng cường, phòng chống dịch COVID-19 từ 0 giờ ngày 23/8, tình trạng người dân ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hoá.

Điều này đã dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

TP.HCM đã kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Dừng toàn bộ tàu chở khách tuyến Bắc Nam

VnExpress – Ngày 21/8, Công ty Đường sắt Sài Gòn đã quyết định tạm ngừng chạy tàu SE8 tại ga Sài Gòn ra Bắc từ ngày 23/8; chiều ngược lại, tàu SE7 dừng chạy tại ga Hà Nội từ ngày 25/8 cho đến khi có thông báo mới.

Sau khi đôi tàu SE7/SE8 tạm dừng, toàn mạng lưới đường sắt quốc gia không còn tàu khách, chỉ có tàu hàng hoạt động.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, việc tạm dừng chạy đôi tàu trên do dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, lượng hành khách sụt giảm mạnh. Nhiều ga trên tuyến đường sắt Bắc Nam đã đóng cửa để phòng dịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, nên dù tàu hoạt động thì hành khách không thể lên tàu.

Related posts