Tâm Tuệ
Sau khi Trung Quốc triệu hồi đại sứ tại Litva, quốc gia Baltic cho biết họ vẫn cam kết phát triển mối quan hệ cùng có lợi với Đài Loan. Điều này làm nổi bật tình thế khó xử về ngoại giao của Trung Quốc trong kỷ nguyên COVID-19 cũng như các cơ hội ngoại giao của Đài Loan, theo trang Taipei Times.
Chính sách ngoại giao “chiến binh sói” của Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy cách thức các chiến thuật quốc tế của Bắc Kinh nhằm vào người dân trong nước. Chính sách này đã chuyển trọng tâm ngoại giao của Bắc Kinh từ chính sách từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình về việc che giấu tham vọng và câu giờ, vốn đã được quốc tế công nhận và tạo lợi thế cho Trung Quốc, sang tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa tập trung vào việc trừng phạt những người qua Trung Quốc ngay cả khi họ ở xa xôi.
Logic đằng sau sự thay đổi này là việc tìm kiếm một tính hợp pháp mới cho chế độ độc tài độc đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Chỉ bằng cách biến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành vị cứu tinh của đất nước Trung Quốc, các “tiểu phấn hồng” – những chiến binh bàn phím yêu nước cực đoan – sẽ quên đi những rắc rối ngày càng tăng trong cuộc sống của họ và thay thế bằng những động tác vẫy cờ và hô khẩu hiệu.
Những lo lắng và yêu cầu như vậy ngày càng trở nên căng thẳng trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và sự tàn phá của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Cũng chính tình huống này đã dẫn đến cuộc đàm phán Mỹ – Trung ở Alaska hoàn toàn mất trật tự.
Đại dịch là một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến ngoại giao. Khi nhiều quốc gia lâm vào hoàn cảnh thảm khốc với những vụ lây nhiễm và tử vong hàng loạt, thì điều hiển nhiên là Trung Quốc – với nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền, hành vi sai trái trong ngoại giao, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, chủ nghĩa bành trướng liên tục và sự cô lập ngày càng tăng do hậu quả của đại dịch – sẽ ngày càng trở nên phẫn nộ .
Cũng như chính phủ Đài Loan gặp khó khăn sau đợt bùng phát COVID-19 bắt đầu vào tháng 5, nhiều chính phủ trên khắp thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề như sự lo lắng của công chúng, suy giảm sự ủng hộ và thách thức từ phe đối lập chính trị.
Với nhu cầu cấp thiết thiết lập tính hợp pháp chính trị, Trung Quốc ngày càng khó chấp nhận các mối đe dọa ngoại giao, vì vậy Bắc Kinh đã cố gắng củng cố tính hợp pháp chính trị của mình bằng cách kiên định lập trường của mình và mạnh mẽ chống lại phe đối lập.
Từ việc quốc hội Canada ủng hộ nghị quyết của Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax về việc trao tặng Giải thưởng John McCain năm 2020 cho Tổng thống Thái Anh Văn, cho đến một số quốc gia tặng vắc xin COVID-19 cho Đài Loan; từ việc sửa đổi và thảo luận cụm từ “Đài Bắc Trung Hoa” cho Đài Loan tại Thế vận hội Olympic Tokyo cho đến việc Litva kiên quyết phát triển mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Đài Bắc, Đài Loan là bên hưởng lợi trong các cuộc xung đột của các nước khác với Trung Quốc.
Những đột phá ngoại giao gần đây của Đài Loan không chỉ là kết quả của những điểm mạnh vốn có và nỗ lực của các nhà ngoại giao, mà xung đột giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới trong đại dịch COVID-19 cũng là một động lực quan trọng của những thay đổi này.
Vì những thất bại ngoại giao của Trung Quốc, Đài Loan đã được nhiều người nhìn thấy, thảo luận và giúp đỡ nhiều hơn.
Thời điểm hiện tại là thời điểm khó khăn nhất đối với chiến lược ngoại giao Trung Quốc trong 30 năm qua. Đây cũng là thời điểm mang lại cho Đài Loan những cơ hội tốt nhất để tạo ra những đột phá ngoại giao.