Phó tổng thống Mỹ thăm Việt Nam
VnExpress – Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam hôm nay, bắt đầu chuyến thăm theo lời mời của của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, báo chí trong nước cho biết.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Phó tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Bà Harris thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á, 7 tháng sau khi bà nhậm chức Phó tổng thống Mỹ. Trước khi tới Việt Nam, bà đã dừng chân ở Singapore, nơi bà khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ với Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Phan Văn Mãi được giới thiệu bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM
Thanhnien – Sáng nay 24/8, theo nguồn tin của báo Thanh Niên, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM được giới thiệu bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM.
Nguồn tin cũng cho biết, phương án nhân sự này đã được Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất.
Ông Phan Văn Mãi được giới thiệu đảm nhiệm trọng trách mới, sau 2 tháng 23 ngày, kể từ ngày được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Trước đó, Bộ Chính trị ngày 20/8 quyết định điều động ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch TP.HCM giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Phong được điều động trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Sài Gòn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vài trăm ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày.
Bộ đội giám sát chặt từng ngõ hẻm ở Sài Gòn
Zing – Trong đợt siết chặt giãn cách xã hội ở Sài Gòn, quân đội không chỉ chốt chặn ở các tuyến đường lớn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát từng con hẻm.
Lực lượng quân đội cùng các đơn vị địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường. Lực lượng này có nhiệm vụ tuần tra, giám sát người dân thực hiện giãn cách, cứu trợ, đi chợ thay cho người dân.
Các con hẻm “vùng đỏ” tại Sài Gòn đều được quân đội giám sát 24/24 giờ để đảm bảo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.
Nhiều hẻm cử người đại diện phối hợp với quân đội theo dõi công tác tiếp tế thực phẩm, xét nghiệm, quản lý người ra vào. Ngoài ra còn có lực lượng dân phòng cùng bộ đội đi tuần các con hẻm.
Theo kế hoạch, lực lượng quân sự sẽ tỏa ra khắp các quận, huyện tại Sài Gòn, tham gia tuần tra canh gác, vận chuyển lương thực thực phẩm, đem các túi an sinh đến các hộ khó khăn.
Hà Nội tạm đóng cửa chợ Hà Đông do F0 từng đến mua hàng
VTC – Tối 23/8, Ban Quản lý chợ Hà Đông thông báo đến các tiểu thương về việc tạm thời đóng cửa 3 ngày (24- 26/8) cho đến khi có thông báo mới vì có ca F0 từng đến mua hàng ở chợ.
Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội thông báo ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 là nữ, sinh năm 1966, địa chỉ Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Hà Đông. Đây là người sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 20/8 (gần khu vực gia đình có 5 bệnh nhân dương tính phát hiện qua sàng lọc khu vực nguy cơ). Qua khai thác lịch trình, trường hợp này từng đi mua hàng tại chợ Hà Đông.
Nỗi lo dịch chuyển FDI khỏi Việt Nam
Cafef – Nhiều ý kiến lo ngại, việc áp dụng quá cứng nhắc các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể sẽ kích hoạt làn sóng dịch chuyển FDI khỏi Việt Nam.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đều cho các doanh nghiệp linh hoạt áp dụng phương án sản xuất kinh doanh trong mùa dịch và tự chịu trách nhiệm.
Phần lớn các quốc gia chỉ tung ra các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chứ không áp dụng các biện pháp cứng nhắc nào đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, ở những vùng dịch không nghiêm trọng, chính phủ Nhật khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống chỉ hoạt động trong khung giờ nhất định. Doanh nghiệp nào tuân thủ khuyến cáo này thì sẽ được hưởng trợ cấp. Hay như Chính phủ Hàn Quốc chỉ dành sự quan tâm đặc biệt đến khối doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương. Ngoài cho vay vốn rẻ, còn miễn giảm thuế, mà không có quy định nào can thiệp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, các ông lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô như Ford, GM, Crysler,… chọn cách chia nhỏ, hoặc cắt giảm quy mô sản xuất. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, các tập đoàn này chỉ duy trì hoạt động của những bộ phận cấp thiết.
Nhìn chung, các quốc gia đều tôn trọng quyền hoạt động hoặc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện tối đa về tài chính.
Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” đã và đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí này đã phải ngừng sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp trong nước gặp khó với phương án này bao nhiêu, thì các doanh nghiệp FDI cũng rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham cho biết, mỗi tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau, quy định không thống nhất khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Minh nhấn mạnh “Chính phủ cần đưa ra giải pháp, chiến lược chung để doanh nghiệp sống chung với dịch, bởi chưa biết khi nào Covid-19 kết thúc.
Một chuyên gia cho rằng, không nên áp dụng mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” ở một địa bàn, một ngành mà nên cho phép doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp, tự đăng ký và tự chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần sớm giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, như miễn cách ly cho chuyên gia nước ngoài có hộ chiếu vaccine vào Việt Nam ngắn ngày; thực hiện thủ tục thông quan khẩn cấp 24/24; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ở các doanh nghiệp FDI…
Vị chuyên gia này nhấn mạnh “Nếu việc gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm trung gian kéo dài sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất thành phẩm, khiến doanh nghiệp FDI gặp khó khăn”. Ông kiến nghị nếu Việt Nam không sớm gỡ các nút thắt này, có nguy cơ kích hoạt làn sóng dịch chuyển FDI khỏi Việt Nam.