Tin thế giới trưa Chủ Nhật

Ông Trump xem xét cấm Alibaba

Hải Lam

Ảnh: Flickr.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/8 cho biết ông có thể gây áp lực lên nhiều công ty Trung Quốc hơn như gã khổng lồ công nghệ Alibaba, sau khi ông ra sắc lệnh nhắm vào TikTok, theo Reuters.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi được phóng viên hỏi liệu ông có xem xét áp thêm lệnh cấm nhằm vào một số công ty của Trung Quốc, ví dụ như Alibaba hay không, ông Trump đáp: “Chúng tôi đang xem xét những điều này, đúng vậy”.

Tập đoàn Alibaba được thành lập năm 1999, hiện là hãng bán lẻ và thương mại điện tử lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những tập đoàn Internet và trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất.

Phát biểu trên của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của ông gần đây liên tục có các động thái nhằm vào các gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, từ Huawei đến TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/8 đã ban hành một sắc lệnh hành pháp buộc ByteDance của Trung Quốc bán lại TikTok trong vòng 90 ngày. Truóc đó, hôm 6/8, ông Trump ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền xét xử của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu của WeChat, sau 45 ngày tới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nhắc tới Alibaba khi ông kêu gọi các công ty Mỹ loại bỏ những công nghệ “thiếu tin cậy” do Trung Quốc sở hữu ra khỏi mạng lưới số của các công ty Washington.

Các cuộc tập trận của PLA nhằm tăng cường kế hoạch xâm lược Đài Loan?

  • Xuân Lan

Theo các nhà phân tích quân sự nói với SCMP, một loạt cuộc tập trận của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại hai đầu phía bắc và phía nam của eo biển Đài Loan cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị để giành quyền kiểm soát hòn đảo tự trị. Các dấu hiệu khác bao gồm việc PLA mở rộng các căn cứ quân sự ven biển và triển khai các đơn vị lính đổ bộ trong khu vực.

Bộ Tư lệnh tác chiến phía Đông của PLA, cơ quan giám sát việc phòng thủ ở Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, cho biết hôm thứ Năm (13/8) rằng họ đã tiến hành các cuộc tập trận ở phía bắc và phía nam của Đài Loan “trong những ngày gần đây” nhưng không nêu rõ thời gian và địa điểm cuộc tập trận được tổ chức. 

Tuy nhiên, PLA đã thông báo rằng sẽ có một hoặc hai ngày bắn đạn thật từ Chủ nhật tại đảo Chu Sơn, thuộc tỉnh Chiết Giang, khoảng 550km (340 dặm) về phía bắc Đài Loan. Một cuộc diễn tập kéo dài ba ngày đã được tổ chức trong khu vực vào đầu tuần này.

Một nguồn thạo tin trong quân đội cho tờ SCMP biết cuộc diễn tập phía nam được tổ chức tại Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, cách thành phố Cao Hùng, cực nam của Đài Loan khoảng 300km về phía tây nam

Đồng thời, Bộ Tư lệnh phía Đông cũng đang mở rộng các cơ sở của mình để có các lữ đoàn vũ trang hỗn hợp đổ bộ mới được thành lập, theo các hình ảnh vệ tinh trong Tạp chí Kanwa Defense Review tháng này.

“Toàn bộ Bộ Tư lệnh tác chiến phía Đông đã được mở rộng kể từ năm 2015, bao gồm cả doanh trại và hệ thống vũ khí, trong khi pháo binh, bệ phóng tên lửa và tên lửa đều được nâng cấp,” Andrei Chang, biên tập viên của tạp chí cho biết.

“Kể từ năm 2017, Hải quân PLA đã thành lập ít nhất hai lữ đoàn hải quân mới. Lục quân PLA cũng triển khai ít nhất sáu lữ đoàn đổ bộ, đưa lực lượng đổ bộ của họ hiện nay lên đến hơn 40.000 người ,” ông Chang nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Sáu (14/8) cho biết các cuộc tập trận gần Đài Loan là phản ứng trước “tín hiệu tiêu cực và nghiêm trọng” gửi tới các lực lượng đòi độc lập Đài Loan.

PLA đã tiến hành các cuộc tập trận tương tự ở phía bắc và phía nam eo biển vào năm 1995 khi cố tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) thúc đẩy “thuyết hai nhà nước” để mô tả mối quan hệ giữa Đài Loan và Đại lục. Các cuộc tập trận lại được tiến hành vào năm 1999 sau khi ông Lý  gợi ý rằng quan hệ xuyên eo biển có thể là một “mối quan hệ giữa các quốc gia đặc biệt”.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn phải được đưa trở lại lục địa bằng vũ lực nếu cần thiết.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cho biết các cuộc tập trận gần đây là một “cảnh báo chính trị” về mối quan hệ ngày càng tăng giữa Đài Bắc và Washington, bao gồm chuyến thăm 4 ngày của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar tới hòn đảo trong tuần này.

Nó cũng nhằm đáp lại bài phát biểu video của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, vào hôm thứ Tư (12/8), trong đó bà nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tăng cường phòng thủ để bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo tự trị trước các “hành động cưỡng chế” của Bắc Kinh.

“PLA muốn cảnh báo người Đài Loan rằng Đại lục sẽ thực sự hành động nếu họ đi quá xa nguyên tắc‘ một Trung Quốc ’và tuyên bố độc lập,” ông Triệu Lập Kiên nói.

Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông, nhận định các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hơn nhắm vào Đài Loan sẽ được tổ chức trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.

“[Đại lục] tin rằng các lực lượng đòi độc lập của Hoa Kỳ và Đài Loan đã liên kết với nhau để giành độc lập cho Đài Loan và thách thức chính sách ‘một Trung Quốc’,” ông Song nói.

Nhà bình luận quân sự cũng cho hay PLA đã bắt đầu thử nghiệm và mô phỏng tác chiến trong các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, coi các cuộc tập trận đó là diễn tập cho một số hoạt động quân sự có thể xảy ra để “thống nhất Đài Loan.” 

Lo ngại bắt giữ tuỳ tiện gia tăng ở Hồng Kông sau vụ bắt Chu Đình

  • Gia Huy

Việc bắt giữ 10 nhân vật ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông trong tuần với cáo buộc “thông đồng với các phần tử bên ngoài” đã làm dấy lên chỉ trích rằng Luật An ninh quốc gia mới tại Hồng Kông do Trung Quốc ban hành đang được sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Một trong những người bị bắt, nhà hoạt động nổi tiếng Chu Đình (Agnes Chow) cho biết cảnh sát nói với cô rằng cô bị cáo buộc thông đồng với các phần tử nước ngoài trên mạng xã hội kể từ tháng 7 nhưng không cho cô biết thêm chi tiết.

“Đây rõ ràng là hành động đàn áp chính trị,” cô Chu nói với các phóng viên sau khi được tại ngoại vào ngày 11/8, đồng thời nói thêm rằng Luật An ninh mới bề ngoài là bảo vệ các quyền công dân nhưng thực tế đang vi phạm các quyền này.

Tất cả những người bị bắt hôm 10/8, bao gồm cả ông Jimmy Lai, nhà sáng lập tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily, đã được tại ngoại vào sáng sớm ngày 11/8. Luật pháp Hồng Kông cho phép tại ngoại trong vòng 48 giờ. Quy định này đã không thay đổi theo Luật An ninh mới.

Tuy nhiên, nếu nhà chức trách quyết định truy tố cô dựa trên các cuộc điều tra tiếp theo, cô có thể bị giam giữ một lần nữa.

Theo truyền thông địa phương, cô Chu và hai người khác bị cáo buộc đã tham gia vào một nhóm trực tuyến kêu gọi các nước khác áp đặt lệnh trừng phạt đối với các vấn đề Hồng Kông. Cảnh sát cáo buộc các giám đốc điều hành của Apple Daily bị bắt vì đã cung cấp tiền cho nhóm này thông qua các kênh bao gồm các tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.

Luật An ninh quy định rằng luật này chỉ áp dụng đối với các hành vi được thực hiện sau khi luật có hiệu lực và không có tính hồi tố. Cô Chu đã tránh xa các hoạt động chính trị kể từ khi luật này có hiệu lực, rời khỏi Demosisto – một tổ chức ủng hộ dân chủ mà cô giúp thành lập và dừng đăng bài trên Twitter.

Nhưng theo một quan chức cảnh sát cấp cao, nhóm trực tuyến này vẫn hoạt động sau khi luật có hiệu lực vào cuối tháng 6. Nhóm này tiếp tục quyên tiền trong tháng 7, ngoài ra còn có liên quan đến một báo cáo do một nhóm lưỡng đảng của các nhà lập pháp nước Anh công bố trong tháng này, theo tờ Minh Báo của Hồng Kông.

Các bài đăng của các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh cho thấy các nhà chức trách không đồng ý với quan điểm ủng hộ Nhật Bản của cô Chu.

Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cáo buộc cô Chu “đang quỳ gối trước các chính trị gia Nhật Bản chống Trung Quốc”. Một tờ báo Hồng Kông trực thuộc Bắc Kinh nói rằng cô “ủng hộ Nhật Bản và chiếm được cảm tình của nhiều fan nam giới.”

Nếu cô Chu bị truy tố, cô có thể phải đối mặt với một thẩm phán do đặc khu trưởng Hồng Kông chỉ định. Những người trong ngành tư pháp đặt câu hỏi trong những trường hợp này liệu có thể có một phán quyết công bằng hay không?

Luật An ninh mới cho phép các lực lượng an ninh Trung Quốc Đại lục can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông nếu vụ việc ở Hồng Kông “phức tạp do có sự tham gia của nước ngoài và hoặc các yếu tố bên ngoài.” Cho đến nay, cảnh sát Hồng Kông đang đi đầu và là trung tâm của các vụ đàn áp mà chưa có sự tham gia rõ ràng của Bắc Kinh. Nhưng nếu điều này thay đổi, các nghi phạm có thể bị đưa về Đại lục để xét xử.

Cô Chu bày tỏ ý định cô không có ý định dừng hoạt động của mình. Cô nói rằng cô “không có gì hối tiếc khi chiến đấu cho nền dân chủ của Hồng Kông.” Cô bị cấm rời khỏi Hồng Kông và đã nhận được lệnh ra hầu tòa vào ngày 1/9.

Xuân Lan, theo SCMP

Related posts