Hiện Taliban đang nắm trong tay một kho báu khoáng sản trị giá 1 nghìn tỷ đôla chưa hề được khai thác, bao gồm một số loại có thể cấp nguồn cho thế giới chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo. Tuy vậy, từ lâu Afghanistan đã gặp khó khăn trong việc khai thác trữ lượng khoáng sản dồi dào của họ.
Taliban đang bị đóng băng tài chính từ khi trở lại nắm quyền sau 20 năm bị lật đổ, khi các nhà viện trợ chính đã tạm dừng hỗ trợ cho Afghanistan.
Những cuộc chiến liên miên và cơ sở vật chất tồi tàn đã ngăn cản Afghanistan khai thác các loại kim loại quý có thể khiến đất nước này trở nên giàu có.
Các nguồn khoáng sản dồi dào tại Afghanistan gồm có bauxite, đồng, quặng sắt, lithium, và đất hiếm, theo một báo cáo hồi tháng 1 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).
Đồng, kim loại cần thiết để làm dây cáp điện, trở nên đắt hàng trong năm nay khi giá cả tăng vọt tới hơn 10.000 đôla một tấn.
Lithium là một thành phần quan trọng để sản xuất pin điện cho xe hơi, các tấm năng lượng mặt trời và các trang trại điện gió.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu lithium của thế giới dự đoán tăng hơn 40 lần vào năm 2040.
Theo Guillaume Pitron, tác giả cuốn “Cuộc chiến tranh kim loại hiếm,” Afghanistan đang “ngồi trên một kho lithium khổng lồ cho tới nay chưa hề được khai thác.
Afghanistan còn có các loại đất hiếm được sử dụng trong lĩnh vực năng lượng sạch như Neodymium, praseodymium, dysprosium.
Nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác của đất nước được USGS ước tính lên tới 1 nghìn tỷ đôla, dù các quan chức Afghanistan đánh giá nó cao hơn gấp ba lần.
Afghanistan trước đó đã khai thác khá hiệu quả các loại đá quý như ngọc và ruby, nhưng công việc kinh doanh gặp khó khăn do nạn buôn lậu bất hợp pháp sang Pakistan.
Nước này cũng khai thác bột talc, đá cẩm thạch, than và sắt.
Đầu tư của Trung Quốc
Trong khi việc Taliban cai trị đất nước có thể làm các nhà đầu tư nước ngoài nhụt chí, thì Trung Quốc lại sốt sắng bày tỏ thiện chí làm ăn với những kẻ cầm quyền mới.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nói họ đã sẵn sàng cho “các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác” với Afghanistan sau khi Taliban tiến vào Kabul.
Năm 2007, Tập đoàn Metallurgical của nhà nước Trung Quốc đã giành được quyền thuê dài hạn mỏ quặng đồng Mes Aynak khổng lồ trong 30 năm và khai thác 11,5 triệu tấn hàng hoá này.
Tuy vậy, dự án khai thác mỏ đồng lớn thứ hai thế giới này chưa bắt đầu hoạt động “do các vấn đề an toàn”, theo tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc.
Nhưng tờ báo đã trích một nguồn tin từ tập đoàn đã cho biết họ sẽ cân nhắc việc mở cửa trở lại sau khi tình hình ổn định, và khi quốc tế công nhận – gồm cả sự công nhận của chính phủ Trung Quốc – đối với chế độ Taliban.
Một chuyên gia người Pháp, ông Pitron nhận xét: “Người Trung Quốc không đặt điều kiện cho hợp đồng làm ăn của họ trên các nguyên tắc dân chủ.”
Ông cảnh báo không có gì chắc chắn là Afghanistan sẽ trở thành một mỏ khoáng sản kiểu như El Dorado.
“Để làm điều đó, bạn cần một môi trường chính trị rất ổn định,” ông Pitron nói. “Kể từ khi phát hiện trữ lượng kim loại đến lúc bắt đầu khai thác có thể mất tới 20 năm.” “Sẽ không công ty nào muốn đầu tư nếu không có hệ thống chính trị và pháp luật ổn định,” ông nói.
Đầu tháng này, Taliban đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó cho biết họ chào mừng Trung Quốc tới đầu tư và tái thiết Afghanistan.
Lê Vy (theo AFP)