Lê Quang
Tôi bị sốc khi nhìn bức hình này, toàn bộ cư dân tại khu chung cư phải test nhanh kháng nguyên PCR 3 lần trong 3 ngày qua và sáng nay được đích thân các lãnh đạo đến “trao quà”. Không khí nhộn nhịp nên có người nói vui là “Đại hội Covid”. Hãy bỏ qua những đao to búa lớn như “ra quân”, “đánh giặc”… ở đây tôi muốn nói đến sự công bằng.
Mortimer J Adler, trong “How to think about the great ideas” phân tích ba nghĩa của từ “Công bằng” như sau: Nghĩa đầu tiên được bao hàm bởi khái niệm bình đẳng, chủ yếu nằm trong việc đối xử bình đẳng giữa những người ngang nhau. Vị thế bình đẳng đó là vị thế công dân. Do đó việc đối xử công bằng với mọi người chính là bảo đảm cho họ vị thế công dân như nhau.
Nghĩa thứ hai của công bằng chủ yếu nằm trong việc đem lại cho mỗi cá nhân những gì họ đáng hưởng, cho mỗi người những gì thuộc về họ. Điều này gần đồng nghĩa với từ “sòng phẳng”.
Nghĩa thứ ba của công bằng chính là sự tuân thủ luật pháp của cộng đồng. Người công bằng là công dân tuân thủ pháp luật; tội phạm, cá nhân vi phạm pháp luật là bất công.
Một chính phủ công bằng là một chính phủ biết tôn trọng và bảo đảm các quyền tự nhiên của cá nhân.
Quyền tự nhiên của mỗi cá nhân đã được Aristotle, trong Ethics phân tích, đưa ra cái nhìn tổng quát về tính công bằng. Ông nhìn một người hành động trong mối quan hệ với người khác, hành động vì lợi ích chung, theo cách anh ta phục vụ lợi ích hoặc phúc lợi chung, không làm hại ai, làm tốt cho người khác. Ông gọi đây là sự công bằng tổng quát, theo đó là một sự công bằng cơ bản về những gì là đúng và sai trong cách cư xử với người khác, những quyền của họ mà chúng ta phải tôn trọng, khi không tôn trọng những quyền đó, chúng ta sẽ bất công với họ.
Aristotle coi sự tuân thủ luật pháp là một phần của công bằng tổng quát. Nghĩa là chừng nào con người còn tuân thủ các luật lệ của xứ sở họ đang sống thì nói chung là sự công bằng.
Nhưng ngay khi phân tích vấn đề này, một vấn đề khác nảy sinh. Đó là về sự công bằng của chính các luật lệ. Bởi vì một người tuân theo luật pháp có thể không công bằng nếu luật pháp mà anh ta tuân theo là bất công, ví dụ ở một quốc gia độc tài, toàn trị hay phát xít, trong đó nhiều luật lệ bất công. Việc tuân thủ luật pháp của các quốc gia đó có tạo nên một người công bằng và hành động công bằng không? Tôi nghĩ câu trả lời của bạn và tôi sẽ là không. Như vậy, công bằng chủ yếu nằm trong việc tuân thủ luật pháp chỉ khi bản thân luật lệ đó là công bằng.
***
Quay trở lại bức hình kia, ở đây là công bằng hay bất công? Trong khi hô hào cả xã hội giãn cách 5k nghiêm ngặt để chống dịch, nghiêm cấm ra đường, nghiêm cấm tập trung quá hai người, … thì bản thân những nhà lãnh đạo của cái “trận đánh lớn” hô khẩu hiệu đó ra quân rầm rộ và trắng trợn vi phạm. Các gói cứu trợ là từ tiền thuế là xương máu của nhân dân, chứ đâu phải là sự ban phát, trao tặng. Tôi nghĩ đến bài học chống dịch tại Ba Lan:
“Việc xin trợ cấp của chính phủ làm online: Mọi người lập một tài khoản ngân hàng (mở online, nếu ai chưa có), nộp đơn xin online thông qua ngân hàng, cơ quan chức năng xét duyệt online, nếu đủ điều kiện trợ cấp thì tiền trợ cấp chuyển thẳng luôn vào tài khoản. Với quy trình này, không ai phải đi đâu, không ai phát, không cần hỏi han gì, cứ nhìn vào tình trạng online mà theo dõi”, theo báo VN Economy.
Tại sao ở ta không làm và câu trả lời là ở xứ ta mà online công bằng hết thì “họ” không ăn được nên họ tổ chức “đại hội Covid” như thế. Và ở xứ ta bao giờ có sự công bằng?
Nhìn bức hình, anh bạn tôi chợt nhớ đến câu Kiều của cụ Nguyễn Du:
“Người nách thước, kẻ tay dao
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi”.