Viet Thanh Nguyen
Nguyễn Đức Tường dịch
Nguyễn Thanh Việt là tác giả cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer The Sympathizer và cuốn tiếp theo, The Committed. Ông là giáo sư về nghiên cứu Anh, Mỹ và văn học so sánh tại Đại học Nam California.
Sài Gòn thất thủ năm tôi 4 tuổi, tôi không có gì để nhớ. Tôi tự cho là mình may mắn, vì nhiều người Việt sống sót sau đó đã bị tổn thương nặng nề bởi cuộc chiến này. Sự sụp đổ của chế độ miền Nam do Mỹ hậu thuẫn bắt đầu tại Ban Mê Thuột, quê hương Tây Nguyên của tôi vào tháng 3 năm 1975. Trong vòng chưa đầy hai tháng, toàn bộ miền Nam Việt Nam đầu hàng miền Bắc. Binh lính chạy trốn trong cuộc rút lui hỗn loạn giữa đám dân thường. Mẹ tôi, anh tôi và tôi trong số đó. Chúng tôi đã bỏ lại người chị nuôi của tôi. Sau khi đi bộ gần 200 cây số để thoát khỏi đoàn quân Bắc Việt đang tiến, ba chúng tôi đến được Nha Trang, ở đó chúng tôi tìm được một chiếc thuyền đưa chúng tôi vào Sài Gòn, nơi cha tôi đang ở.
Chúng tôi thực may mắn; nhiều người khác không được như thế. Anh tôi nhớ lại những người lính dù miền Nam chết treo trên cây. Tại Nha Trang, một số người đã chết, rơi xuống biển khi cố gắng trèo lên thuyền. Tại Đà Nẵng, những người lính liều mạng cố nhét mình vào trong khoang hành lý(*) của một chiếc máy bay, trong khi những người bị bỏ lại ném lựu đạn và bắn vào máy bay.
Hình ảnh những thi thể đang rơi, những người chạy trốn trong tuyệt vọng, giờ đây lại xuất hiện với chúng ta từ thủ đô Kabul của Afghanistan. Những so sánh với Việt Nam bắt đầu từ rất sớm trong cuộc vượt cạn của Mỹ ở Afghanistan: Đó là sứ mệnh kinh điển ma giáo (nếu từ này quá nặng thì xin thay bằng “bịp bợm” hay một từ nhẹ hơn), một vũng lầy, một cuộc chiến mãi mãi không thôi. Sự bi quan đã được bảo đảm. Hai thập kỷ, hàng tỷ đô la và hàng chục nghìn người chết sau đó, lực lượng Taliban hiện đang ở Kabul, giành quyền kiểm soát đất nước với tốc độ chóng mặt. Cho dù một số nhà lãnh đạo Mỹ cưỡng lại điều đó, sự tương đồng lại xuất hiện, với sự thất thủ của Sài Gòn và hậu quả là thảm hoạ báo trước số phận có thể xảy ra của hàng chục ngàn người Afghanistan. Đó không phải là điều mà chính quyền Biden muốn nghe. “Đây không phải là Sài Gòn,” Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố cuối tuần vừa qua.
Đúng vậy, Taliban không phải là Quân đội Nhân dân Việt Nam, và cuộc di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn, hỗn loạn như đã xảy ra, đã được lên kế hoạch tốt hơn ván bài cuối cùng của Mỹ dành cho Kabul. Nhưng sự tương tự với Sài Gòn quan trọng bởi vì tính cấp bách và thảm họa cho con người cũng tương tự, cũng như vai trò của Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải đóng để giúp định hướng số phận của người Afghanistan. Do đó, thật thất vọng khi nghe Tổng thống Biden hôm thứ Hai bảo vệ chính sách Afghanistan của ông bằng cách tập trung vào hai lựa chọn – ở lại và chiến đấu hoặc rút lui – trong khi chủ yếu là đổ lỗi cho chính phủ và quân đội Afghanistan. Đổ lỗi cho người Afghanistan làm lu mờ một lịch sử tính toán sai lầm của người Mỹ bắt đầu từ Tổng thống George W. Bush, và cho phép ông Biden coi việc di tản các đồng minh Afghanistan là điều được nghĩ thêm về sau hơn là một ưu tiên.
Đối với những người dân thường này, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, và sẽ không kết thúc còn trong nhiều năm. Tương lai của họ – và vai trò của ông Biden trong việc xác định liệu đó là sự tái định cư và khởi đầu mới hay là sự sợ hãi và đau khổ – là điều sẽ quyết định liệu Mỹ có thể tuyên bố rằng họ sẽ luôn sát cánh với các đồng minh của mình hay không.
Là người nghiên cứu ký ức và viết tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam, tôi thường nghĩ tới năm 1975 và những hậu quả của nó. Tôi lớn lên trong một cộng đồng người Việt tị nạn được định hình sâu sắc bởi sự sụp đổ của Sài Gòn mà cộng đồng này gọi là Tháng Tư Đen, được kỷ niệm hàng năm. Vì vậy, khi tôi đọc bài tường thuật này của một nhà báo ẩn danh người Afghanistan trong lãnh thổ Taliban mới chiếm gần đây, nó hoàn toàn phù hợp với những câu chuyện tôi đã nghe từ những người tị nạn Việt Nam: “Toàn bộ cuộc đời tôi đã bị xóa sổ trong vài ngày. Tôi rất sợ và không biết điều gì sẽ xảy ra với mình. Bao giờ tôi sẽ về nhà? Tôi sẽ gặp lại bố mẹ tôi không? Tôi sẽ đi đâu? Xa lộ bị ngăn chặn cả hai đầu. Tôi sẽ sống sót bằng cách nào? ”
Những câu hỏi của cô đặc biệt gây ám ảnh khi hình ảnh những người Afghanistan tập trung tại sân bay Kabul cố gắng chạy cho thoát vì sự sống còn của họ, lấp đầy các làn sóng truyền hình. Những câu hỏi của cô có lẽ tương tự như những câu hỏi mà cha mẹ tôi và nhiều người Việt tị nạn khác đã từng hỏi về chính họ.
Một lần nữa, chúng tôi là những người may mắn: Gia đình tôi đã cố gắng chạy trốn bằng đường hàng không nhưng không đến nổi sân bay Sài Gòn. Chúng tôi đã thử đến Đại sứ quán Hoa Kỳ và không thể vượt qua được đám đông khổng lồ. Cuối cùng, chúng tôi tìm được một chiếc sà lan tại bến tàu, rời Sài Gòn và cuối cùng đến Hoa Kỳ, nơi chúng tôi bắt đầu lại cuộc sống của mình. Chúng tôi chỉ là những dân thường, nhưng đây là một câu chuyện chiến tranh.
Người Mỹ ưa chuộng chuyện chiến tranh làm nổi bật những người lính, những thủy thủ và phi công anh hùng của họ. Thực tế là câu chuyện tị nạn cũng là chuyện chiến tranh. Bất chấp tình cảm phản chiến ngày càng gia tăng trong nước, Hoa Kỳ vẫn thấy khó từ bỏ được thói quen tham chiến, một phần vì tổ hợp công nghiệp-quân sự được xây dựng cho chiến tranh, và một phần vì ngay cả những câu chuyện phản chiến có quân đội vẫn thường làm nổi bật vẻ quyến rũ của hỏa lực, của vũ khí máy móc, sự anh hùng và nam tính. Anthony Swofford, một cựu binh của Chiến dịch Desert Storm, nhớ lại trong cuốn hồi ký của mình, “Jarhead”, cách anh ta và những người lính thủy quân lục chiến đã cảm thấy sung sướng ngây ngất gần như tình dục khi xem những cảnh chiến đấu trong bộ phim “Apocalypse Now”, ngay cả những cảnh mô tả việc giết chết lính Mỹ.
Không có quyền lực hay vinh quang trong những câu chuyện về dân thường bị giết, bị thương hoặc buộc phải chạy trốn hoặc mồ côi vì chiến tranh. Chính trong kinh nghiệm dân sự, tương tự như những gì mà nhiều người Afghanistan đang trải qua, chúng ta thực sự tìm thấy những câu chuyện chiến tranh. Chúng ta thường được nghe chuyện người Mỹ phải chịu đựng sự mệt mỏi vì chiến tranh – nhưng chúng ta đã đọc hoặc nghe hoặc nhìn thấy bao nhiêu câu chuyện về những người lính Mỹ trong chiến tranh so với những câu chuyện về những người tị nạn trong cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu? Những chuyện chiến tranh viết về thường dân làm xáo trộn tư duy của chúng ta trong việc chỉ đạo cuộc chiến triền miên, vĩnh viễn như một đặc quyền không thể nghi ngờ của Mỹ.
Người Mỹ cũng thích nghĩ rằng chiến tranh kết thúc khi chúng được tuyên bố đã kết thúc. Nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn tiếp diễn trong nhiều năm. Tại Việt Nam, những người Việt Nam chiến thắng đã giam cầm vô số binh lính, chính trị gia, linh mục, người bán dâm và những người khác của Nam Việt Nam trong các trại cải tạo, nơi nhiều người chết vì bệnh tật, đói khát và làm việc quá sức. Những người khác đã bị hành quyết. Các bản án tù kéo dài từ vài tháng đến hơn một thập kỷ.
Nhiều người trong số những tù nhân đó có lẽ cảm thấy giống như nhà báo Afghanistan mô tả sự hoang mang của cô khi bị biến thành người tị nạn, chờ đợi sự khoan dung của Taliban: “Tôi nhớ là mình đã la hét và khóc lóc, phụ nữ và trẻ em xung quanh tôi chạy tứ tung. Cảm giác như tất cả chúng tôi đều bị mắc kẹt trong một chiếc thuyền và có một cơn bão lớn ở xung quanh”. Cô nói một cách ẩn dụ, nhưng trong những thập kỷ sau khi Sài Gòn thất thủ, gần một triệu người Việt Nam đã bỏ chạy bằng đường biển. Hàng chục nghìn người đã bỏ mạng trong những nỗ lực tuyệt vọng. Những người thực sự may mắn đã đến được các trại tị nạn và sau đó đến các nước đón nhận. Những người kém may mắn hơn phải ở lại các trại tị nạn trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Họ là một phần của số người tiếp tục tăng trong nhiều năm sau khi chiến tranh chính thức kết thúc. Đấy là những gì mà người dân Afghanistan phải đối mặt, chắc chắn rằng sau khi Taliban chiếm được Kabul, sẽ có thể có những trừng phạt khủng khiếp đối với những người liên minh với người Mỹ.
Ta đã thấy những lời cầu xin ngày càng tuyệt vọng của người Afghanistan vào cuối tuần, ta hy vọng rằng sự so sánh với sự sụp đổ của Sài Gòn sẽ khiến chính quyền Biden cấp bách hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình và giúp các đồng minh Afghan của họ thoát khỏi đất nước.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm của quá trình suy luận dựa trên sự tương đồng với Sài Gòn là nó cũng có thể đơn giản cho phép người Mỹ coi thảm kịch ở Afghanistan giống như nhiều người đã xem về sự kết thúc của chế độ miền Nam Việt Nam – như một cảnh tượng, một khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử.
Trên thực tế, sự thất thủ của Sài Gòn đã đánh dấu sự khởi đầu của nhiều năm sợ hãi và tuyệt vọng cho kẻ bại trận. Với Afghanistan, ông Biden cam kết sơ tán đến nơi an toàn một số không xác định những người Afghanistan mà tính mạng có thể bị đe dọa. Và có lẽ để đáp lại tình cảm chống người nhập cư trong nước, Hoa Kỳ cũng đang cố gắng tìm nhà cho nhiều người Afghanistan tị nạn ở những quốc gia khác. Điều này không thể đủ. “Người dân Afghanistan không đáng chịu những điều bất xứng này,” tiểu thuyết gia Khaled Hosseini nói trên Twitter. “Hoa Kỳ có một nghĩa vụ đạo đức. Nhận càng nhiều người tị nạn Afghanistan càng tốt.”
Lịch sử đang diễn ra một lần nữa, và một lần nữa như một bi kịch và một trò hề. Chiến tranh ở Việt Nam và Afghanistan xảy ra do sự ngạo mạn của người Mỹ, và trong cả hai trường hợp, người Mỹ hầu như chỉ tập trung vào phí tổn chính trị của chiến tranh cho họ. Nhưng trong mỗi trường hợp, người Việt Nam (và người Lào, người Campuchia và người Hmong), và bây giờ là người Afghanistan, đã phải trả giá lớn hơn nhiều về sự đau khổ của con người. Tháng 4 năm 1975, Hoa Kỳ nhận ra trách nhiệm đạo đức của mình và di tản khoảng 130.000 người Việt Nam, sau đó tiếp nhận thêm hàng trăm ngàn người nữa từ Việt Nam, Lào và Campuchia trong những thập kỷ tiếp theo. Đây là điều phải xảy ra ngay bây giờ, và bất cứ điều gì thiếu tầm nhìn về trách nhiệm và lòng hiếu khách như vậy sẽ gây thêm tác hại cho sự thất bại của Mỹ ở Afghanistan.
Joe Biden, một thượng nghị sĩ năm 1975, chắc hẳn nhớ rằng đa số người Mỹ không muốn chấp nhận người tị nạn Đông Nam Á. Tuy nhiên, Quốc hội đã làm một điều phải, và sự phát triển mạnh mẽ sau đó của các cộng đồng người Mỹ gốc Đông Nam Á trên khắp Hoa Kỳ đã cho thấy sự khôn ngoan của quyết định đạo đức đó. Mặc dù chính trị của hai thời điểm này trong các cuộc chiến tranh thiếu sót của nước Mỹ khác nhau, nhưng đạo đức thì không. Hàng chục nghìn người Afghanistan đã tin tưởng vào lời hứa của Mỹ về việc mở ra tự do, dân chủ và một xã hội cởi mở, khoan dung. Và bây giờ, họ bị mắc kẹt. Đối với người Afghanistan, chiến tranh không kết thúc đơn giản bởi vì chúng ta, Hoa Kỳ, tuyên bố nó đã kết thúc.
Cơn ác mộng không kết thúc với người Afghanistan sau khi những người Mỹ cuối cùng rút đi. Nghĩa vụ của chúng ta trong việc giúp đỡ những người Afghanistan đang gặp nguy hiểm đến tính mạng sẽ còn kéo dài xa hơn thời điểm hiện tại, đến cả những năm sắp tới. Hoa Kỳ hiện phải đi đầu trong việc sơ tán và chào đón hàng chục nghìn đồng minh Afghanistan của mình. Nếu không thì lời của một phụ nữ trẻ Afghan khác suy nghĩ về tương lai của đất nước mình sẽ thành sự thật một cách đau đớn: “Chúng tôi không được đếm xỉa đến vì chúng tôi sinh ra ở Afghanistan… Không ai quan tâm đến chúng tôi. Chúng tôi sẽ chết dần trong lịch sử ”.
Bản gốc tiếng Anh: I can’t forget the lessons of Vietnam. Neither should you.
(*) Rà chuột và bấm vào những chữ có gạch dưới sẽ đưa bạn đọc đến nguồn tham khảo. Bạn đọc có thể tìm thấy bản gốc tiếng Anh để ở cuối bài.