Thanh Hải
Ông Tập Cận Bình đã ra lệnh rằng 1,1 tỷ người Trung Quốc phải được tiêm phòng đầy đủ chống lại COVID-19 vào cuối tháng 10 năm nay. Khi thời hạn đang đến gần, mặc dù Ủy ban Y tế Trung Quốc đã quy định rõ ràng rằng việc tiêm chủng là tự nguyện, nhưng các báo cáo cho biết việc ép tiêm chủng đã xảy ra ở nhiều nơi.
Một số công dân ở Hà Nam đã bị cảnh sát triệu tập vì từ chối tiêm vắc-xin
Trương Kiệt một công dân ở Hà Nam trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với kênh RFA hôm 25/8 cho biết gần đây địa phương của anh đã vận động bắt buộc tiêm vắc-xin, vợ anh có tiền sử mắc bệnh máu đông hy vọng không phải tiêm vì lý do sức khỏe.
Tuy nhiên cơ quan của vợ anh cho biết cô ấy sẽ bị buộc thôi việc nếu từ chối tiêm chủng. Vì vậy, anh Trương đã trực tiếp đến gặp chính quyền địa phương để tìm câu trả lời và quay video.
Anh Trương đã đăng video lên Weibo và nó đã được cộng đồng chia sẻ lên Twitter. Vào tối ngày 24/8, ba nhân viên cảnh sát đã đến nhà của anh Trương và bắt anh đến đồn cảnh sát với cáo buộc “tung tin tiêu cực”. Anh trở về nhà lúc hơn 9 giờ tối hôm đó.
Anh Trương nói: “Họ yêu cầu tôi xóa tất cả những thứ đã đăng trên điện thoại di động của tôi và đặt chúng trước mặt họ”. Anh cũng cho biết sẽ không nhượng bộ trong việc tiêm vắc-xin.
Ông Tập Cận Bình ra lệnh trước tháng mười, 1,1 tỷ người Trung Quốc phải được tiêm chủng
Ông Chung Nam Sơn, viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết tuần trước rằng tỷ lệ tiêm phòng của Trung Quốc cần phải đạt hơn 80% để thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng, dự kiến sẽ đạt được vào cuối năm nay.
Trên thực tế, trong các tài liệu chính thức của Trung Quốc được ban hành vào tháng 7 năm nay, giới chức đã thống kê mục tiêu tiêm chủng của ông Tập đưa ra là bao phủ 78% tổng dân số Trung Quốc vào cuối tháng 10 năm nay.
Thông báo trên trang web chính thức của thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên ngày 19/7 ghi rằng “Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đích thân xem xét và thông qua kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 trong nửa cuối năm”.
Đề cập đến những phản ứng có hại khi tiêm chủng, thông báo cho biết: “Các sở, ngành tăng cường công khai và hướng dẫn, tổ chức các chuyên gia để giải quyết các nghi ngờ, nâng cao hiệu quả mức độ sẵn sàng tiêm chủng”.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc vào ngày 25/8, Trung Quốc, với dân số khoảng 1,4 tỷ người, hiện đã tiêm 1,97 tỷ liều vắc-xin COVID-19.
Theo mốc ông Tập đưa ra, trong hai tháng tới, ít nhất hơn 200 triệu liều vắc-xin sẽ được tiêm trên khắp Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi tiêm chủng trở thành chỉ tiêu bắt buộc, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra trên khắp các địa phương.
Cô Lý, một công chức ở Hồ Nam chỉ tiết lộ hoá danh vì lý do sợ bị trả thù, nói với đài RFA rằng:
“Gần đây, tất cả bạn bè công chức xung quanh tôi đều phải hoàn thành mục tiêu, đó là mỗi người phải tìm được hai người để tiêm phòng. Họ đã được thông báo trong tuần này”.
Cô cho biết cả tuần nay, bạn bè của cô tràn ngập thông tin về việc “túm đầu người khác” và hoàn thành việc thực hiện tiêm chủng. Một người trong số họ viết: “400 Nhân dân tệ sẽ được cung cấp cho chi phí di chuyển và ăn uống” cho những ai chịu tiêm vắc-xin.
Cô Lý nói: “Tiêm chủng đã trở thành một nhiệm vụ chính trị, và không cần phải nói về tác dụng phụ…”, “Bây giờ Cơ quan An ninh Quốc gia đã áp lệnh cấm đối với tôi, và tôi không được phép nói về vắc-xin”.
Mặc dù Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố nhiều lần rằng việc tiêm chủng phải tuân theo nguyên tắc tự nguyện, vì thời hạn tháng 10 đang đến gần, nhiều chính quyền địa phương đã cấm các phương tiện giao thông công cộng, thậm chí cấm người dân chưa tiêm chủng vào chợ và siêu thị, ngân hàng, cộng đồng dân cư để ép tiêm vắc-xin.
Một thông báo từ một cộng đồng ở thành phố Thanh Hải được lan truyền trên Internet, cho thấy nếu các thành viên trong gia đình không tiêm chủng mà không có lý do, các dịch vụ chăm sóc y tế và lương hưu sẽ bị đình chỉ và việc thanh toán các khoản sinh hoạt phí và trợ cấp cho người khuyết tật sẽ bị đình chỉ.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã trả lời tờ The Paper vào ngày 25/5 rằng họ không thực sự làm vây, mục đích chỉ để dọa người dân để họ đi tiêm phòng”.
Về điều này anh Trương Kiệt cho biết: “Tôi hiểu rằng nhiều người ở Trung Quốc không muốn tiêm chủng vì họ không tin tưởng vào vắc-xin Trung Quốc và hy vọng chờ đợi vắc-xin nước ngoài”.
Anh đặt câu hỏi: “Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan đã đi đầu trong việc chứng thực vắc-xin nội địa của Đài Loan. Tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đứng ra tiêm chủng công khai để chứng minh hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc?”.