Tin thế giới sáng thứ Năm

Báo động khủng bố : Mỹ, Anh và Úc kêu gọi người di tản tránh xa sân bay Kabul

Trọng Thành

Quân nhân Anh hỗ trợ người di tản khỏi Afghanistan đến Luân Đôn, sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 23/08/2021. via REUTERS – HANDOUT

Nguy cơ sân bay Kabul bị tấn công khủng bố là rất cao. Trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, 26/08/2021, chính quyền ba nước phương Tây Mỹ, Anh và Úc đồng loạt đưa ra các báo động, đồng thời kêu gọi những người đang chờ được di tản ở sân bay Kabul nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm này.

Theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, những ai đang có mặt tại ba lối vào sân bay (gồm cửa Abbeys, cửa Đông và cửa Bắc) phải ngay lập tức rời xa. Luân Đôn cũng kêu gọi những người có mặt tại khu vực sân bay « nhanh chóng tìm được một nơi an toàn và chờ đợi các chỉ dẫn mới. Và nếu có khả năng rời khỏi Afghanistan an toàn bằng các phương tiện khác, hãy ra đi ngay lập tức ».

Các thông báo của chính quyền ba nước Mỹ, Anh và Úc không đưa ra thông tin cụ thể về mối đe dọa nào. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn đài Úc 6PR, bộ trưởng Quốc Phòng Andrew Hastie khẳng định nguy cơ tấn công khủng bố liên quan trực tiếp đến khả năng có mặt của « một kẻ đánh bom tự sát ».

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo G7 hôm thứ Ba 24/08, tổng thống Mỹ Joe Biden nêu khả năng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech âm mưu tấn công sân bay quốc tế Kabul. Lực lượng Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech, cho dù đều là các phong trào Hồi giáo cực đoan theo hệ phái Sunni, lại là các đối thủ không đội trời chung.

Khoảng 6.000 quân nhân Mỹ hiện bảo vệ an ninh sân bay trong không khí căng thẳng cao độ. Hàng nghìn người Afghanistan đang có mặt tại khu vực sân bay Kabul với hy vọng có cơ hội rời khỏi đất nước, nay đã nằm dưới sự cai trị của Taliban. Hiện tại, còn khoảng 1.000 người Mỹ kẹt lại tại Afghanistan, khoảng 500 người được yêu cầu tới sân bay Kabul trước báo động khủng bố.

Kể từ khi cầu không vận được thiết lập vào ngày 14/08, một ngày trước khi Taliban tiến vào Kabul, bất chấp tình hình tại chỗ gần như hỗn loạn, khoảng 88.000 người đã rời khỏi Afghanistan trên các chuyến bay của Hoa Kỳ và các đồng minh. Khoảng 19.000 người được sơ tán trong hai ngày 24 và 25/08. Nhiều quốc gia như Bỉ và Hà Lan đã chấm dứt chiến dịch di tản. Những chuyến bay cuối cùng sang Pháp sẽ kết thúc vào ngày mai.

Theo ngoại trưởng Mỹ, Hoa Kỳ và Taliban vừa đạt được thỏa thuận để công dân Mỹ và những người Afghanistan nào muốn ra đi được rời khỏi Afghanistan sau ngày 31/08, tức ngày quân đội Mỹ rút hết khỏi Kabul. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin nào về việc ra đi nói trên sẽ được tổ chức như thế nào.

Pháp sẽ ngưng di tản khỏi Afghanistan vào tối 27/08

Thùy Dương

Một chuyến bay di tản người dân khỏi Afghanistan hạ cánh xuống sân bay Roissy Charles-de-Gaulle, Paris, Pháp, ngày 17/08/2021. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo chiến dịch di tản công dân Pháp và người Afghanistan sẽ chấm dứt hoàn toàn vào tối thứ Sáu 27/08/2021, chỉ ba ngày trước hạn chót Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan.

Trả lời đài phát thanh RTL ngày 26/08/2021, thủ tướng Pháp Jean Castex nhắc lại là kể từ khi phe Taliban chiếm được thủ đô Kabul ngày 15/08, có khoảng 2.500 người đã được Pháp di tản khỏi Afghanistan, bao gồm không chỉ công dân Pháp, mà cả rất nhiều người Afghanistan đã cộng tác với Pháp và nhiều nhà báo, nghệ sĩ.

Theo AFP, thời hạn Paris hoàn thành việc di tản công dân Pháp và công dân Afghanistan như vậy là đã lùi lại gần một ngày so với dự kiến ban đầu. Hôm thứ Ba 24/08, bộ Ngoại Giao Pháp thông báo nếu Mỹ vẫn giữ nguyên hạn chót rút toàn bộ binh lính khỏi sân bay Kabul vào ngày 31/08, thì Pháp phải ngưng di tản người Afghanistan vào tối 26/08 hoặc muộn nhất là sáng 27/08 để bảo đảm an ninh.

Về việc tiếp nhận di dân, hiện nay đa phần di dân Afghanistan đang sống tạm ở vùng Paris. Hôm qua, chính quyền tỉnh Bas-Rhin, miền đông bắc Pháp, thông báo thành phố Strasbourg bắt đầu tiếp nhận từ hôm nay 150 người tị nạn Afghanistan. Nhà nước trưng dụng một khách sạn trong vòng 1 tháng làm chỗ ở cho di dân Afghanistan.

Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Afghanistan
Bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 25/08 thông báo đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan. Phát biểu trên đài NTV, phát ngôn viên phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiến dịch triệt thoái sẽ được hoàn tất trong vòng 36 giờ đồng hồ. Máy bay đầu tiên chở quân về nước đã cất cánh.

Ankara cũng cho biết phe Taliban đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ kỹ thuật, an ninh cho sân bay Kabul sau ngày 31/08 với điều kiện Ankara phải rút hết quân khỏi Afghanistan trước thời điểm này. 


Ngoại trưởng Blinken : Mỹ không bỏ rơi những người kẹt lại ở Afghanistan

Thùy Dương

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong buổi họp báo về Afghanistan tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, Mỹ, ngày 25/08/2021. © REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua, 25/08/2021, tuyên bố rằng hạn chót 31/08 không có nghĩa là công cuộc di tản sẽ chấm dứt và các công dân Mỹ cũng như những người Afghanistan còn kẹt lại ở quốc gia này sẽ « không bị bỏ quên ».

Theo ông Blinken, từ giữa tháng 8, Washington đã di tản được khoảng 4.500 công dân Mỹ và cho đến nay còn khoảng 1.000 người Mỹ chưa rời khỏi Afghanistan.

Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết :

« Đối với ngoại trưởng Antony Blinken, ngày 31/08 không có nghĩa là hồi kết… Hôm qua, khi được hỏi về số phận của hàng ngàn người Afghanistan hoặc công dân Mỹ còn kẹt ở Afghanistan và những người muốn rời khỏi quốc gia này sau ngày 31/08, ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định : “Họ sẽ không bị bỏ quên”.

Ông Blinken phát biểu : “Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện ngoại giao, kinh tế mà chúng tôi có, để bảo đảm là những người muốn rời khỏi Afghanistan sau ngày 31/08 vẫn có thể đi được. Và chắc chắn là chúng tôi có những phương tiện gây sức ép đối với chính phủ Afghanistan trong tương lai, nhằm bảo đảm mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp”.

Ngoại trưởng Antony Blinken trấn an rằng chính quyền Mỹ vẫn liên lạc thường xuyên với phe Taliban và trong cộng đồng quốc tế, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra để quyết định số phận của sân bay Kabul sau khi quân Mỹ rời đi. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng chính lực lượng Taliban cũng muốn sân bay Kabul tiếp tục hoạt động và họ có lợi trong việc hợp tác.

Về phía Taliban, hôm thứ Ba, phe này đã tuyên bố là người Afghanistan sẽ không được phép rời khỏi đất nước, nhưng nay đã thay đổi quyết định. Hôm qua, khi trả lời phỏng vấn New York Times, phát ngôn viên phe Taliban cho biết cụ thể là những người Afghanistan có đủ giấy tờ cần thiết có thể sẽ được đến sân bay. Người phát ngôn của Taliban cam đoan : “Nếu giấy tờ của họ có giá trị thì chúng tôi sẽ không đặt thêm câu hỏi nào khác” ».

Chuyên gia WHO: Việc truy tìm nguồn gốc Covid-19 vẫn “ở điểm chết”

Thùy Dương

Ông Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trong buổi họp báo chung với bộ trưởng Y Tế Hungary tại Budapest, Hungary, ngày 23/08/2021. AP – Balazs Mohai

Việc truy tìm nguồn gốc Covid-19 vẫn “đang ở điểm chết” và phải “khẩn cấp” khởi động trở lại, bởi thời gian càng trôi đi thì công cuộc truy tìm nguyên nhân đại dịch càng khó tiến hành. Trên đây là báo động của nhiều chuyên gia thuộc nhóm nhà khoa học từng thực hiện một nghiên cứu về đề tài này cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hồi tháng 03/2021.

Mười một nhà khoa học, trong đó có chuyên gia người Hà Lan Marion Koopmans, nhà nghiên cứu của Anh Quốc Peter Daszak, nhà nghiên cứu người Việt Nguyễn Việt Hùng… lập luận trong một bài viết được đăng trên tạp chí nghiên cứu Nature : “Việc truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đang ở một bước ngoặt quan trọng”“cơ hội để thực hiện cuộc điều tra có tầm quan trọng sống còn này đang khép lại một cách nhanh chóng”. Các chuyên gia lưu ý : “Kháng thể suy giảm theo thời gian : việc thu thập mẫu (động vật) và xét nghiệm những người có thể đã nhiễm virus từ trước tháng 12/2019 sẽ ngày càng ít cho kết quả hơn”.

Những nhà khoa học nói trên thuộc nhóm 17 chuyên gia quốc tế do Tổ Chức Y Tế Thế Giới ủy quyền, cùng 17 chuyên gia Trung Quốc, ngày 29/03/2021 đã công bố một báo cáo về việc truy tìm nguồn gốc đại dịch sau cuộc điều tra hồi tháng 01/2021 ở Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đầu tiên bùng lên đại dịch trên thế giới. Họ lấy làm tiếc là công cuộc nghiên cứu, mà báo cáo của họ là điểm khởi đầu, nay vẫn dừng “ở điểm chết”.

Hôm qua, 25/08, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh báo cáo do các chuyên gia công bố vào tháng 3 đã cho biết chi tiết về “một số nghiên cứu có thể được tiến hành ngay lập tức” và nhấn mạnh là WTO “khuyến khích các bên tiếp tục các nghiên cứu này”.

Xuất hiện bên cạnh tổng giám đốc tại trụ sở của định chế này ở Genève (Thụy Sĩ), giám đốc nhóm kỹ thuật về đại dịch Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết một số nghiên cứu đang được tiến hành trên khắp thế giới, kể cả ở Trung Quốc.

AFP nhắc lại là báo cáo mà Cơ quan Tình báo Mỹ thực hiện theo yêu cầu của tổng thống Biden cũng không có được câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Trước đó, hôm 13/08, Bắc Kinh cũng đã bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về việc tổ chức một cuộc điều tra mới tại Trung Quốc.

Related posts