Việt Nam: Mặt trận mới trong ngoại giao vac-xin Mỹ – Trung

Thu Hằng

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam (NIHE), nơi nhận 270.000 liều vac-xin Pfizer vào sáng 26/08/2021, Hà Nội, Việt Nam. AP – Evelyn Hockstein

Trong ngày đầu tiên thăm Việt Nam, 25/08/2021, tại Hà Nội, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tuyên bố ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược” và đề nghị sự giúp đỡ của Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt trước mắt là chống dịch Covid-19. Riêng về lĩnh vực này, có thể nói là Việt Nam đang trở thành một mặt trận mới trong chính sách ngoại giao vac-xin của hai cường quốc Mỹ – Trung.

Cụ thể, theo thông cáo của Nhà Trắng ngày 25/08, Hoa Kỳ viện trợ thêm vac-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam, tăng hỗ trợ cho việc phân phối vac-xin và mở Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Hà Nội để tăng cường hợp tác an ninh y tế. Điểm này nằm trong cam kết Mỹ “ở lại” lâu dài và củng cố hợp tác với các nước trong khu vực.

Thêm 1 triệu liều vac-xin, được giao ngay trong 24 giờ
Trong buổi làm việc với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sáng 25/08, phó tổng thống Kamala Harris thông báo Hoa Kỳ “tặng thêm 1 triệu liều vac-xin Pfizer cho Việt Nam” và các liều vac-xin này “sẽ đến trong vòng 24 tiếng”. Thông báo này được bà nhấn mạnh trong phần đầu phát biểu là “có thể làm nên sự khác biệt” để khẳng định mối quan hệ song phương “đã đạt được nhiều tiến bộ trong những thập niên qua”.  

Khi tiếp bà Kamala Harris, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Hoa Kỳ món quà “hết sức quý giá và đầy ý nghĩa” trong lúc Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn chống đợt dịch nặng.  

Với 1 triệu liều vac-xin được phó tổng thống Harris thông báo, Mỹ tiếp tục là nước tặng nhiều vac-xin nhất cho Việt Nam, tổng cộng 6 triệu liều, trong đó 5 triệu liều vac-xin Moderna được giao cho Việt Nam thành hai đợt, ngày 10 và 24/07, thông qua chương trình COVAX. Vac-xin Moderna được bộ Y Tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp ngày 29/06.

Khoảng 10 ngày trước chuyến công du của phó tổng thống Hoa Kỳ, 90 tổng giám đốc doanh nghiệp Mỹ (Adidas, Coach, Gap, Hanesbrands, Nike, VF, Under Amour…) đã ký chung một bức thư đề nghị tổng thống Joe Biden đẩy nhanh viện trợ vac-xin cho Hà Nội. Trong thư, họ nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ và “sức khỏe của nền công nghiệp chúng ta phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe nền công nghiệp Việt Nam”.

Có thể nói đây là một thành công trong chiến lược ngoại giao vac-xin được Việt Nam thúc đẩy : khai thác mọi nguồn, huy động mọi kênh để có được vac-xin. Thực vậy, trước khi 90 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ gửi thư đến tổng thống Joe Biden, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da, giày và túi xách (Lefaso) Việt Nam đã họp ngày 10/08 với các lãnh đạo của các tập đoàn Mỹ về cách tìm thêm vac-xin và nối lại sản xuất.  

Ngoài được viện trợ hay mua vac-xin từ Mỹ, Việt Nam cũng tìm đường tự chủ vac-xin, trong đó có hình thức chuyển giao công nghệ. Ngày 25/07, bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long cho biết một nhà máy sản xuất vac-xin theo công nghệ Mỹ đang được xây dựng, hoạt động sản xuất có thể bắt đầu từ quý I/2022. Truyền thông Việt Nam đưa tin là tập đoàn VinGroup đang đàm phán với Arturus Therapeutics Holding, ở San Diego, về việc sản xuất vac-xin công nghệ ARN thông tin. Tuy nhiên, hai tập đoàn này không trả lời đề nghị bình luận của Reuters.

Trước những đòn “tấn công” Mỹ trên mặt trận ngoại giao vac-xin, Trung Quốc đã vội “xuất chiêu” đánh phủ đầu đối thủ. Ngày 24/08, chỉ vài tiếng trước khi phó tổng thống Mỹ từ Singapore đến Hà Nội, thủ tướng Việt Nam đã phải tiếp đại sứ Trung Quốc Hùng Ba. Trong cuộc gặp không dự kiến trước này, ông Hùng Ba thông báo Bắc Kinh sẽ viện trợ thêm 2 triệu liều vac-xin giúp Việt Nam chống dịch.

Cũng trước chuyến công du của bà Harris vài ngày, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã tặng 200.000 liều vac-xin Vero-Cell của Sinopharm và 201.600 chiếc bơm kim tiêm loại dùng một lần cho bộ Quốc Phòng Việt Nam. Ngoài ra, phải kể đến lô 500.000 liều vac-xin đầu tiên được Bắc Kinh viện trợ trước đó cho Hà Nội với điều kiện là tiêm chủng cho công dân Trung Quốc, người Việt đi làm việc ở Trung Quốc và người dân ở biên giới.

Hỗ trợ kỹ thuật và chương trình về Covid-19
Nhưng không chỉ có vac-xin, Mỹ còn tiếp tục trợ giúp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để phòng chống dịch Covid-19. Hoa Kỳ hỗ trợ thêm 23 triệu đô la giúp Việt Nam chống dịch, thông qua Đạo luật Kế hoạch Cứu hộ Hoa Kỳ (ARPA) và các nguồn hỗ trợ khẩn cấp khác. Như vậy, kể từ khi bắt đầu đại dịch, thông qua hai cơ quan Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Washington đã viện trợ tổng cộng 44 triệu đô la cho Hà Nội.

Khoản hỗ trợ kinh phí gần đây nhất là 4,5 triệu đô la, được thông báo ngày 03/08. Vào tháng 09/2020, 100 chiếc máy trợ thở, trị giá 1,7 triệu đô la, nằm gói hỗ trợ 9,5 triệu đô la để chống dịch Covid-19, đã được USAID tặng bộ Y Tế Việt Nam.  

Theo thông cáo của Nhà Trắng, những khoản hỗ trợ này nhằm “thúc đẩy việc tiếp cận công bằng và cung cấp vac-xin an toàn và hiệu quả, củng cố hệ thống y tế của Việt Nam để ứng phó với Covid-19 và xây dựng năng lực để phát hiện và giám sát Covid-19 và các mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai”. USAID cũng viện trợ cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 1 triệu đô la để giảm tác động và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, theo dự kiến 77 tủ cấp đông âm sâu để bảo quản vac-xin theo công nghệ ARN thông tin (Moderna, Pfizer/BioNTech), được bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin hứa tặng trong chuyến công du vào tháng 07, sẽ về đến Việt Nam vào đầu tháng 09. Số quà này góp phần nâng cao đáng kể mạng lưới phân phối vac-xin của Việt Nam.  

Cuối cùng, USAID cho biết sẽ xem xét viện trợ trong thời gian sớm nhất bồn chứa ô-xy, các loại bình đựng và thiết bị phụ trợ, theo đề nghị của bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp ngày 03/08.

Mở Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Hà Nội  

Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Hà Nội là một dấu hiệu khác cho thấy Hoa Kỳ xem Việt Nam là một địa bàn quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 tại khu vực. Chiều 25/08, cùng với phó thủ tướng Phạm Bình Minh và bộ trưởng Y Tế Phạm Thanh Long, phó tổng thống Mỹ đã tham gia lễ khai trương trực tuyến Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội, với sự tham dự của bộ trưởng Y Tế các nước ASEAN và Papua New Guinea.

Việc lập Văn phòng CDC Đông Nam Á thể hiện ưu tiên cao của chính phủ Hoa Kỳ trong hợp tác với khu vực về y tế nói chung và kiểm soát dịch bệnh nói riêng, theo phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hài lòng về việc CDC Hoa kỳ đặt văn phòng cho khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, góp phần giúp Việt Nam và các nước khác trong vùng trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Nhà Trắng khẳng định “Văn phòng CDC sẽ thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu bằng cách duy trì sự hiện diện bền vững trong khu vực, cho phép phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các mối đe dọa sức khỏe”.

Việc thành lập Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á được bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo sau Hội nghị Ngoại trưởng Hoa Kỳ – ASEAN do Việt Nam chủ trì ngày 10/09/2020. Văn phòng CDC ở Hà Nội có thể có 64 nhân viên. Theo trang Nikkei, vào thời điểm đó, vai trò của CDC Đông Nam Á chưa được định hình cụ thể, nhưng cũng có thể nhắm đến Bắc Kinh, vì Trung Quốc là nơi khởi nguồn đại dịch Covid-19.  

Cuối cùng, thông qua cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng, Hoa Kỳ đã cung cấp hai Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Y tế Công cộng Khu vực, hiện đang hoạt động 24/7 để thu thập và chia sẻ thông tin giám sát Covid -19 thông qua bộ Y Tế.

Trung Quốc: Yếu tố cản trở việc nâng quan hệ Mỹ – Việt lên “đối tác chiến lược”

Thanh Hà

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) tiếp phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (T) tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 25/08/2021. REUTERS – POOL

Giới quan sát đã nhiều lần đề cập đến hình ảnh Việt Nam bắt tay với Mỹ nhưng mắt vẫn nhìn về phía Bắc Kinh. Trong hai tháng liên tiếp, bộ trưởng Quốc Phòng rồi phó tổng thống Hoa Kỳ đã công du Việt Nam. Washington và có lẽ là Hà Nội đều muốn nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược”, nhưng yếu tố Trung Quốc vẫn cản trở việc này.

Trước giờ tiếp nhân vật số 2 trong chính quyền Mỹ, thủ tướng Việt Nam đã có một buổi làm việc với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy một số giới hạn trong bang giao Việt – Mỹ và phản ánh thế khó xử của Hà Nội trên bàn cờ ngoại giao ?

Trả lời trang mạng nghiencuuquocte.org hôm 23/08/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore lưu ý bang giao Việt Mỹ “chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay” và bên cạnh những lợi ích về kinh tế, vế an ninh quốc phòng và chiến lược ngày càng thu hút chú ý của đôi bên. Vẫn theo ông Lê Hồng Hiệp, chính việc có cùng những lợi ích về chiến lược, đặc biệt là “trên Biển Đông” đang thúc đẩy “hai nước xích lại gần nhau hơn”.

Hà Nội và Washington đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc. Từ năm 2015, bộ Quốc Phòng Mỹ đã cho phép xuất khẩu một số trang thiết bị quân sự sang Việt Nam và cũng từ 2018, hàng năm, lãnh đạo Lầu Năm Góc vẫn dành thời gian đến Hà Nội.

Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông đã nóng lên, Việt Nam tỏ ra tâm đầu ý hợp với Mỹ về chiến lược an ninh biển. Dù vậy, về mặt chính thức, đến nay Việt Nam vẫn xem Hoa Kỳ là “một đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại” và tránh né cụm từ “đối tác chiến lược” khi nói về quan hệ với Mỹ. Thái độ thận trọng đó phần nào cho thấy Hà Nội không được thoải mái giữa một nước cựu thù là Hoa Kỳ và một nước láng giềng quá lớn là Trung Quốc.

Trong bài viết trên báo The Diplomat hôm 21/0/2021, Alexander L. Vuvinh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye – Hawai, nhấn mạnh “quan hệ Mỹ Việt là một trong những mối bang giao tế nhị nhất và tinh tế nhất”, chẳng những do quá khứ lịch sử, mà còn chủ yếu là vì “yếu tố Trung Quốc”. Điều này đã được chứng minh qua nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ : Năm 1978, tổng thống Jimmy Carter từng muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nhưng đã không đạt đến đích, vì tránh làm phật lòng Trung Quốc. Năm 2010, lần đầu tiên  ngoại trưởng Hillary Clinton đề nghị “nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên thành mối đối tác chiến lược”, nhưng rồi cũng lại yếu tố Trung Quốc khiến đôi bên phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Từ đó tới nay, tình hình ở Biển Đông đã bị khuấy động. Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng biến vùng biển này thành ao nhà, chà đạp chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước liên quan… Ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, tổng thống Biden khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia mà Nhà Trắng muốn “tập trung nỗ lực đẩy mạnh quan hệ đối tác, thúc đẩy một số mục tiêu chung”. Vậy có còn trở ngại nào nữa hay không để hai nước cựu thù xem nhau là “đối tác chiến lược” ? Chuyên gia Alexander L.Vuving hy vọng là không, vì theo ông, mối liên minh chiến lược sẽ là hồi kết hiển nhiên, vào lúc Việt Nam và Hoa Kỳ có cùng quan điểm trên khá nhiều chủ đề, từ việc duy trì tự do hàng hải dựa trên luật quốc tế, đến việc giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc của các dây chuyền sản xuất trên thế giới.

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng Việt Nam và Mỹ mà thiết lập quan hệ chiến lược là điều “hết sức bình thường như Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc”. Đối tác chiến lược sẽ là một cơ sở cho mọi hoạt động hợp tác song phương, đồng thời “thể hiện sự coi trọng mà hai nước dành cho nhau”, đồng thời bao hàm ý nghĩa là “Việt Nam luôn bảo vệ và đề cao sự tự chủ chiến lược của mình (…) không chấp nhập sức ép, can thiệp của các nước khác”, bất luận đó là ai, khi mà điều đó “đi ngược lại lợi ích quốc gia của Việt Nam”.

Vấn đề còn lại là Trung Quốc chấp nhận để Việt Nam liên kết với một siêu cường khác tới mức độ nào. Lịch sử trong thế kỷ 20 đã nhiều lần cho thấy Bắc Kinh khó chấp nhận để Việt Nam có một điểm tựa mạnh mẽ, bất luận đó là Mỹ hay Liên Xô. Nhìn xa hơn nữa, có thể là không riêng gì với Việt Nam,  Trung Quốc đã tìm cách ly gián các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á, chọc gậy bánh xe vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Khang Vũ, đại học Boston, Hoa Kỳ, trên báo The Diplomat ngày 25/08/2021. 

Hoa Kỳ khẳng định hậu thuẫn Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Trọng Thành

Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong buổi họp báo trước khi rời Việt Nam về Mỹ, Hà Nội, ngày 26/08/2021. REUTERS – EVELYN HOCKSTEIN


Hôm 25/08/2021, là ngày thứ hai chuyến công du của phó tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nhân dịp này, Nhà Trắng ra thông cáo khẳng định hậu thuẫn Việt Nam « bảo vệ độc lập và chủ quyền, đặc biệt trên biển ». Thông cáo của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến hàng loạt lĩnh vực hợp tác Mỹ – Việt đã và đang được triển khai, từ kinh tế cho đến cuộc chiến chống dịch Covid-19, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, hay khí hậu, môi trường.

Thông cáo của phủ tổng thống Mỹ ghi nhận một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Mỹ – Việt hiện nay là về an ninh trên biển. Trong đối thoại giữa phó tổng thống Kamala Harris với các lãnh đạo Việt Nam, hai bên đã « khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm hỗ trợ một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, bao gồm các hoạt động nhân đạo (với sự tham gia của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ) theo cơ chế Đối tác Thái Bình Dương và các chuyến thăm Việt Nam của các tàu Mỹ, gồm các tàu sân bay ».
Thông cáo của Nhà Trắng cũng cho biết hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được tăng cường, bao gồm việc Washington chuyển giao cho Hà Nội tàu tuần duyên thứ ba, theo đề nghị của Quốc Hội Mỹ. Ba tàu tuần duyên cùng với đội 24 tàu tuần tra cao tốc mà Mỹ đã chuyển giao cho Hà Nội, cùng các cơ sở hàng hải, huấn luyện chấp pháp, và nhiều hoạt động phối hợp khác « đang giúp tăng cường khả năng của Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải tại Biển Đông ».
Siết chặt quan hệ kinh tế và giáo dục
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến việc mối quan hệ Việt – Mỹ về kinh tế đã được siết chặt: Hoa Kỳ hiện đang là đối tác kinh tế thứ hai và thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Quan hệ kinh tế Việt – Mỹ đang được tiếp tục củng cố, bởi « một nền kinh tế Việt Nam sôi động là rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng » mà nước Mỹ phụ thuộc vào. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã nâng cao năng lực ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm thông qua quan hệ đối tác trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19.

Giáo dục là một lĩnh vực được ghi nhận là đặc biệt quan trọng trong quan hệ Mỹ – Việt, với gần 30.000 người Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp gần 1 tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Phó tổng thống Harris cũng nhấn mạnh đến các hợp tác lâu dài Việt – Mỹ trong giáo dục. Dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID đang có chương trình hậu thuẫn ba đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam, « về giảng dạy, nghiên cứu, cách tân và quản trị » với tổng trị giá 14,2 triệu đô la. Gần 150.000 sinh viên Việt Nam sẽ được hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này, để góp phần thúc đẩy « một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập », đối tác quan trọng của Hoa Kỳ.

Sứ quán Mỹ có địa điểm mới, Peace Corps mở Văn phòng tại Hà Nội
Trong cuộc hội kiến với phó tổng thống Mỹ hôm qua, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định « Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu » và « mong muốn cùng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu ».

Quan hệ Việt – Mỹ được siết chặt trong chuyến công du Hà Nội của phó tổng thống Kamala Harris. Hôm qua, hai bên ký thỏa thuận về địa điểm mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, diện tích 3,2 ha, quy mô xây dựng hơn 419.000 m2, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngân sách xây dựng khoảng 1,2 tỷ đô la.

Washington và Hà Nội cũng thỏa thuận chính thức mở văn phòng của Peace Corps Vietnam –  Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam – tại Hà Nội, sau 17 năm đàm phán. Theo thông cáo của Nhà Trắng, việc Peace Corps Vietnam chính thức hoạt động « mở ra một cơ hội mới cho thanh niên Mỹ phục vụ ở nước ngoài và thúc đẩy mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia ». Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa đón những tình nguyện viên đầu tiên vào năm 2022.

Phó tổng thống Mỹ đề cập đến nhân quyền tại Việt Nam

Thanh Hà

Trước khi kết thúc chuyến công du Việt Nam vào ngày 26/08/2021, bên cạnh những phát biểu rất được trông đợi về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, theo hãng tin AP, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đề cập đến vấn đề nhân quyền, nhưng tránh nêu bật quyền tự do ngôn luận, cho dù Việt Nam thường xuyên bị lên án chà đạp nhân quyền.

Trong cuộc hội thảo bàn tròn với đại diện các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, phó tổng thống Mỹ đã đặc biệt quan tâm đến quyền những người khuyết tật, quyền của những người chuyển đổi giới tính và mục tiêu bảo vệ môi trường. Bà Harris nhấn mạnh : « Những người chuyển đổi giới tính xứng đáng được đối xử bình đẳng, được bảo đảm chăm sóc về y tế một cách bình đẳng, đây là một vấn đề Mỹ đang phải đối mặt tương tự như ở Việt Nam ».

Về tình trạng phụ nữ bị bạo hành, nữ phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ khẳng định « phụ nữ phải được bảo vệ trước những hành vi bạo hành về giới ». Nhưng hãng tin AP lấy làm tiếc là nhân vật số hai trong chính quyền Biden đã tránh đề cập đến tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ chính kiến ở Việt Nam.

Trong báo cáo tháng 12/2020, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã mạnh mẽ chỉ trích Việt Nam về các vụ bắt giữ tùy tiện và đàn áp các nhà đấu tranh nhân quyền. Theo Ân Xá Quốc Tế, 40% tù nhân chính kiến tại Việt Nam là những blogger sử dụng mạng xã hội để bày tỏ lập trường.

Hải Quân Mỹ sẽ duy trì hiện diện mạnh mẽ tại Biển Đông
Bà Kamala Harris như vậy là đã kết thúc một tuần lễ công du hai nước Singapore và Việt Nam, nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Phó tổng thống Hoa Kỳ đã có hàng loạt buổi làm việc với lãnh đạo Singapore và Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng. Với Singapore, Washington tập trung nhiều vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và chiến lược an ninh mạng. Với Việt Nam, trọng tâm được đặt vào các lĩnh vực kinh tế và y tế.

Nhưng đáng chú ý hơn cả là phát biểu của phó tổng thống Hoa Kỳ về Biển Đông. Báo tài chính Nhật Asia Nikkei nhắc lại trong cuộc trao đổi với chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 25/08, bà Kamala Harris tuyên bố : « Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện mạnh mẽ tại Biển Đông và tiếp tục đương đầu trước những hành vi dọa nạt của Bắc Kinh, trước những đòi hỏi quá đáng trên biển » của Trung Quốc. Đồng thời Washington ủng hộ Việt Nam tăng cường khả năng bảo đảm an ninh biển.

Theo tin mới nhất, trong buổi họp báo chiều nay tại Hà Nội, phó tổng thống Hoa Kỳ nhắc lại Mỹ không cố tình gây ra xung đột, nhưng trên một số hồ sơ như Biển Đông, « chúng tôi phải tiếp tục lên tiếng » khi mà « Bắc Kinh vẫn có những hành vi đe dọa đến luật pháp quốc tế ».

Related posts