Đi để khám phá

Huy Lâm

Hằng năm vẫn có một số đông người làm những chuyến đi xuyên ngang nước Mỹ bằng chân và bằng xe đạp. Đối với một số người, đó là hành động giải thoát. Đối với một số người khác, nó thúc đẩy ý thức cộng đồng sau thời gian sống cô lập do đại dịch. Nhưng đối với tất cả nói chung, việc đi xuyên nước Mỹ với tốc độ chậm nhẩn nha vừa phải mang lại cho họ một phần thưởng to lớn là được chiêm ngắm cảnh quan hùng vĩ của một đất nước vĩ đại.

Khi nhìn vào tấm bản đồ của nước Mỹ, người ta nhận thấy bên này là nước, bên kia cũng là nước và phần giữa là cả một giải đất bao la bát ngát, và người ta không thể không tự hỏi là nếu làm một cuộc đi xuyên ngang nước Mỹ sẽ mang lại cho họ cảm giác ra sao.

Trong thời gian qua khi tình hình đại dịch đã dịu bớt và những giấc mơ bị dồn nén trong lúc phải sống cách ly đã được giải phóng, người ta nhận thấy rải rác đây đó trên nhiều con đường xuyên bang với từng nhóm nhỏ một vài người hoặc riêng lẻ một mình trên những chiếc xe đạp hoặc đi bộ từ bờ bên này sang bờ bên kia của nước Mỹ. Đây là một việc làm rất mệt sức, đòi hỏi sự kiên trì vì phải chịu đựng cái nóng lịch sử trong mùa hè năm nay, phải leo dốc xuống đồi, phải ráng bạ đâu ăn đó với những thức ăn bán ở các trạm xăng, và phải để ý tránh những tay lái xe bất cẩn chỉ lo tập trung vào chiếc điện thoại thay vì nhìn đường xá.

Cảm tưởng của hầu hết những người đang làm công việc gần như không bình thường này là họ rất thích. Nó đáp ứng điều gì đó trong đời – có thể là một thử thách cá nhân, là sự giải thoát khỏi một thói quen, là cách để nối kết sợi giây liên lạc với những người khác, hoặc là cơ hội để nhìn sâu vào nội tâm của bản thân họ. Và trên con đường thiên lý đó, họ nói rằng họ đã tìm thấy được điều họ tìm kiếm.

Nước Mỹ tự do, ai muốn đi bộ bao xa thì cứ tự đi chứ chẳng bao giờ cần phải xin giấy phép, do đó người ta không có con số thống kê chính xác là có bao nhiêu người đang làm công việc này, nhưng một vài phỏng đoán đưa ra ước tính có lẽ có chừng vài chục người đi bộ và vài trăm người đi xe đạp xuyên ngang nước Mỹ mỗi năm. Trận đại dịch đã làm giảm những con số trên khá nhiều, mặc dù cuộc sống cách ly thời gian qua đã làm tăng doanh số xe đạp bán ra và thúc đẩy nhiều người bắt đầu tập luyện để tăng thể lực. Khi đại dịch Covid-19 giảm bớt và các biện pháp hạn chế được nới lỏng, nhiều người đã nhanh chóng lên đường.

Sau một thời gian bị cấm cung, người ta muốn được nhìn thấy lại đồng loại, muốn gặp gỡ người này người kia. Và trên đường đi, khi nào mệt thì nghỉ chân ngay bên đường hay tạt vào một công viên nào đó. Đêm đến, người ta có thể kiếm tạm một chỗ ngủ trong nhà thờ hay một khu cắm trại hoặc khách sạn – bất cứ cách nào thuận tiện nhất thì làm.

Với một tốc độ chậm rãi nhẩn nha, người ta có thể được nhìn ngắm đầy đủ một nước Mỹ hùng vĩ: với những ngọn núi nối nhau một cách hỗn loạn giống như những nếp nhăn khổng lồ của dãy núi Appalachians ở phía Đông, màu sắc rực rỡ của những cánh đồng và bầu trời rộng lớn ở phần giữa, và độ cao vút đầy phấn khích của dãy Rockies ở phía Tây.

Trên đường đi, họ thường hay bị người lạ hỏi tại sao lại đi xuyên nước Mỹ và họ không có câu trả lời rõ rệt và nhất định. Có người nói là họ chỉ muốn nhìn xem phía bên kia đồi có gì và đơn giản thế thôi. Nhưng thật ra tận sâu trong đáy lòng họ có lẽ câu trả lời đúng nhất là vì họ khao khát được giải thoát. Như có người đã từng nói: “Tự do của chúng ta có thể đo lường bằng con số những thứ chúng ta có thể bỏ đi.” Rất nhiều trong số những người đi xuyên nước Mỹ cho biết trong lúc thực hiện cuộc hành trình, họ cảm thấy không còn gánh nặng trên vai vì những nghĩa vụ hàng ngày trong cuộc sống. Điều đòi hỏi duy nhất nơi họ là tập trung vào bước đi kế tiếp hoặc bước đạp kế tiếp cho vòng lăn của bánh xe.

Như câu chuyện của ông Mike Crowley đã từng đi bộ từ bờ bên này qua bờ bên kia nước Mỹ năm 2019. Khi gần hoàn tất cuộc hành trình, có người gợi ý tại sao không đi thử từ bắc xuống nam xem. Lúc mới nghe lần đầu ông nghĩ thật là một ý tưởng ngu dại. Nhưng rồi chỉ bảy tháng sau ông đã có mặt ở tận mỏm cực bắc của tiểu bang Michigan, chuẩn bị một chuyến đi bộ đến Key West, mỏm cực nam của tiểu bang Florida, Đọc thêm

Ông Crowley vừa bán xong căn nhà ở California để bắt đầu một cuộc đời đi bộ khắp nước Mỹ – và hiện đang dự tính một chuyến hành trình đi bộ xuyên nước Mỹ lần thứ ba. Ông kể rằng trong lúc đi bộ, ông không nghe nhạc hay bất cứ chương trình gì và cũng không chú ý tới mạng xã hội trên internet mà chỉ quan sát, lắng nghe và hoà mình vào cùng với thiên nhiên, con người và những nơi chốn đi qua.

Đối với một số người, đi xuyên nước Mỹ còn là một thú vui hiếm có. Trên đường đi, người ta có thể dừng lại bất cứ khi nào thấy một cảnh thiên nhiên đẹp – một con rùa bơi dưới hồ, một con chim đại bàng sải cánh trên bầu trời, một ngọn núi, một con đường thẳng tắp như cây bút cắt đôi cánh đồng cỏ. Và mỗi lần dừng lại đó, người ta có thể ngửi thấy mùi hương của không khí, nghe được âm thanh trong không khí.

Cũng có người coi chuyến đi thiên lý giống như một lời kêu gọi là hãy vứt bỏ đi cái lối sống vội vã của thời hiện đại. Đi bộ cho người ta có thời gian suy tư về chính mình và chiêm nghiệm cuộc sống ở một tốc độ thật chậm trong bối cảnh của một xã hội đang thay đổi.

Sau khi đi bộ từ tiểu bang Maine tới Illinois hết một đoạn đường dài 1,700 dặm, anh Brian Christopher Hurley đã hoàn tất luận án tiến sĩ dày 151 trang, trong đó anh nhận định rằng ở vào thời điểm bước qua thế kỷ 21, trong khi xã hội đang trải qua quá trình hiện đại hoá nhanh tới chóng mặt thì đi bộ là cách để người Mỹ giữ mối dây liên lạc với quá khứ của họ. Đi bộ cũng là cách để bảo tồn những gì thuộc về cá nhân trong khi vẫn chung vai sát cánh với cộng đồng. Đi bộ cho phép người ta duy trì được sự nối kết với thế giới thiên nhiên trong khi đang ngày càng bị tách rời khỏi nó. Đi bộ là để người ta tập trung vàoviệc vận dụng thể chất trong khi kỹ thuật cơ khí ngày càng lấn lướt làm thay cho con người.

Trong khi ở mặt khác, đi xe đạp trong thời gian gần đây là một niềm đam mê mới của người Mỹ. Thời thập niên 1960, thông thường thì người lớn không cỡi xe đạp. Xe đạp là dành cho con nít. Khi người ta bước vào tuổi 16, tức sắp thành người lớn, người ta tự động bỏ xe đạp và bắt đầu học lái xe hơi. Nhưng đó cũng là thời đại của tinh thần tự do phóng khoáng, và ôngGreg Siple và vợ, và thêm một cặp vợ chồng bạn, mới có ý tưởng cùng nhau làm một cuộc viễn du bằng xe đạp dài 18,000 dặm từ Alaska đến Argentina. Họ quay trở lại Mỹ trước thời điểm nước Mỹ kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976, và quyết định tổ chức cuộc đi xe đạp dài 4,626 dặm từ Astoria, Oregon ở bờ tây qua tới Yorktown, Virginia ờ bờ đông. Có thể nói cặp vợ chồng Siple đã tạo ra phong trào đi xe đạp xuyên nước Mỹ, và cho tới nay đã có hàng chục ngàn người hưởng ứng để nối gót họ.

Một chuyến đi bộ xuyên nước Mỹ thường có thể mất chín tháng; người đi xe đạp có thể hoàn tất trong ba tháng. Tuy nhiên cũng có người phải mất tới sáu năm. Như một nhóm bốn người bạn sống tại Pittsburgh, tất cả đã về hưu, và họ bắt đầu chuyến đi xuyên nước Mỹ bằng xe đạp được chia thành từng đoạn một kể từ năm 2016. Cứ mỗi mùa hè, họ lại cùng nhau lái xe tới điểm dừng cuối cùng của lần đi trước, và leo lên xe đạp đi tiếp một đoạn đường nữa. Chuyến đi năm nay, họ bắt đầu đạp xe từ thành phố Kansas và đi tới khu vực tây nam của tiểu bang Colorado. Năm ngoái họ bỏ không đi vì trận đại dịch, nhưng nghĩ rằng họ sẽ hoàn tất chuyến đi xuyên nước Mỹ vào năm 2022.

Nhiều người cũng nhân cơ hội đăng hình ảnh và cập nhật tin tức về chuyến đi xuyên nước Mỹ của họ trên Facebook hoặc mở trương mục GoFundMe để gây quỹ cho những mục đích từ thiện. Như nhà giáo Jarad Schofer đi bộ để hỗ trợ cho chương trình nghiên cứu ung thư. Hay như anh Sam Green đi bộ để giúp gây quỹ cho một cơ sở chứa chấp người vô gia cư tại New Jersey. Hoặc cặp vợ chồng Bryan và Meghan Sours lái xe đạp gây quỹ để trồng răng giả cho một người bạn người Ukrain bị hư răng do ảnh hưởng từ vụ thảm hoạ hạt nhân Chernobyl.

Cảm nghĩ chung của mọi người sau một chuyến đi dài và khi về gần tới đích là bồi hồi. Hầu như không ai muốn cuộc hành trình của họ chấm dứt, họ muốn con đường dài thêm ra.

Nhưng cho dù con đường có dài tới mấy thì tới một lúc nào đó, tại một điểm nào đó, họ phải ngừng lại và kết thúc chuyến đi thiên lý. Tuy nhiên, phần thưởng tinh thần mà họ nhận được sẽ còn ở mãi trong suốt cuộc đời của họ – họ đã có cơ hội để khám phá một phần những điều tuyệt vời về nước Mỹ, và trên hết, là khám phá được chính con người họ, khiến cho sự có mặt của họ trên cuộc đời này có thêm ý nghĩa.

Huy Lâm

Related posts