Thủ lĩnh nào của Taliban sẽ lãnh đạo Afghanistan

Anh Vũ

Ảnh các lãnh đạo chủ chốt của Taliban trên đường phố Kabul, Afghanistan, từ hôm 25/08/2021. AP

Sau khi quân đội nước ngoài đã rút hết khỏi Afghanistan ngày 31/08,  phong trào Taliban đang chuẩn bị thành lập một chính phủ mới ở Afghanistan. Những gương mặt lãnh đạo của Taliban đến lúc này hầu hết vẫn trong vòng bí ẩn, cho dù phong trào này đã từng cầm quyền ở Afghanistan từ 1996 đến 2001.  

RFI xin điểm lại một vài gương mặt lãnh đạo chủ chốt của phong trào Hồi Giáo Afghanistan:

Nhân vật đầu tiên phải kể đến là Hibatullah Akhundzada, vẫn được nhắc đến như là thủ lĩnh tối cao của phong trào, nhưng cho đến giờ vẫn chưa một lần thấy xuất hiện trước công chúng.  Giáo sĩ chuyên về các vấn đề pháp lý và tôn giáo này chỉ thực sự được biết đến từ năm 2016 là thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo. Akhundzada được chỉ định đứng đầu Taliban sau khi người tiền nhiệm Mansour bị máy bay không người lái của Mỹ oanh kích tiêu diệt tại Pakistan. Nhiệm vụ ưu tiên của ông ta là đoàn kết thống nhất Taliban. Phong trào này khi đó đã bị rạn nứt nghiêm trọng vì cuộc đấu đá tranh giành quyền lực sau cái chết của thủ lĩnh Mansour.

Người ta vẫn còn biết rất ít về vai trò thường nhật của Hibatullah Akhundzada. Ông  chỉ được nhắc đến trong những lần hiếm hoi ra thông điệp nhân các dịp lễ của Hồi Giáo. Nhiều nhà phân tích cho rằng nhân vật này đóng vai trò biểu tượng nhiều hơn là thực quyền. Taliban mới chỉ một lần duy nhất phổ biến hình ảnh của ông. Ngoài ra, ông ta chưa hề một lần xuất hiện trước công chúng.

Là con trai của một nhà thần học có gốc gác từ Kandahar, xứ sở của bộ tộc Pachtounvà là cái nôi sinh ra phong trào Taliban, vì thế mà trước khi được chỉ định làm thủ lĩnh của phong trào, nhân vật này cũng đã có được ảnh hưởng và thanh thế khá lớn trong nội bộ lãnh đạo của Taliban. Ông chỉ đạo hệ thống tư pháp của Taliban.

Sau khi giành chính quyền ở Afghanistan hôm 15/08, 20 năm sau khi bị liên quân quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đánh đuổi, Taliban vẫn giữ tuyệt đối kín về các hoạt động cũng như di chuyển của vị thủ lĩnh này. Hôm 30/08, Taliban cho biết Hibatullah Akhundzada từ đầu vẫn sống ở Kandahar và sẽ « sớm xuất hiện công khai »
Trong khi đó, các lãnh đạo những lĩnh vực khác của Taliban trong những ngày qua đều đã lộ diện, công khai đi giảng đạo ở các nhà thờ, tiếp xúc với các thành phần đối lập hay thậm chí gặp gỡ một số đại diện của liên đoàn thể thao.

Taliban từ lâu nay vẫn có thói quen giữ các thủ lĩnh của họ trong bóng tối. Người sáng lập phong trào là giáo sĩ Omar, cũng từng sống ẩn mình và hiếm khi tới thủ đô Afghanistan ngay cả khi Taliban nắm quyền từ 1996-2001. Ông ta thích ẩn mình tại tư dinh ở Kandahar hơn và chỉ gặp gỡ rất hạn chế với những giáo chức địa phương. Nhưng những lời ông nói ra rất có trọng lượng. Không một người kế nhiệm nào có được sự tôn sùng như ông trong phong trào Taliban.

Theo bà Laurel Miller, lãnh đạo chương trình châu Á của cơ quan tư vấn International Crisis Group, thì Hibatullah Akhundzada « dường như như cũng chọn cách sống ẩn dật tương tự ».
Nhưng cách sống kín đáo này cũng còn vì lý do an ninh, để tránh không bị chung số phân như thủ lĩnh tiền nhiệm. Nhưng có thể sau khi xuất hiện, ông này sẽ rút sau hậu trường để lãnh đạo theo cách như Omar đã làm trước đây, bà Laurel Miller nhận định.

Do ông ẩn mình quá kín nên, từ Afghanistan đến Pakistan nhiều năm nay thường xuyên xuất hiện các tin đồn về số phận của Hibatullah Akhundzada: Khi thì có tin nói ông đã chết vì không kích của Mỹ, khi thì có tin nói ông bị nhiễm Covid-19.

Lãnh đạo theo thâm niên và cha truyền con nối
Bây giờ là thời điểm chủ chốt cho Taliban chứng minh họ có khả năng lãnh đạo đất nước. Phong trào Taliban tập hợp rất nhiều phân nhánh có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau của Afghanistan.  Sau 20 năm chỉ lo giao chiến, giờ là lúc Taliban phải tính tới chuyện tổ chức nội bộ sao cho cân bằng được lợi ích, xu hướng của các nhóm.

Một nhân vật vẫn được cho là thủ lĩnh số 2 của Taliban là giáo sĩ Baradar. Được biết đến như là người cùng với Omar sáng lập ra phong trào Taliban từ trong cuộc nội chiến đầu những năm 1990 đẩy đất nước Afghanistan chìm trong máu lửa. Năm 2001, sau khi chế độ Taliban bị sụp đổ, Baradar đã tham gia một nhóm nhỏ quân nổi dậy, sẵn sàng ký thỏa thuận thừa nhận chính quyền mới ở Kabul, nhưng Hoa Kỳ khi đó đã bác bỏ để xuất này.

Là chỉ huy quân sự của Taliban, Baradar đã từng bị bắt ở Karachi, Pakistan, rồi sau đó được trả tự do năm 2018 dưới sức ép của Washington. Có uy tín trong phong trào, ông được chỉ định lãnh đạo bộ chính trị, đặt tại Doha. Đây có lẽ là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong các lãnh đạo Taliban.

Nhân vật này là người tham gia hầu hết các hoạt động đối ngoại của Taliban : Thương lượng với Mỹ về việc rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan, các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan, dẫn đầu các đoàn Taliban tiếp xúc với đại diện các nước như Trung Quốc.  Abdul Ghani Baradar đã trở về Kandahar 2 ngày sau khi Taliban chiếm thủ đô, và đã tới Kabul.

Một nhân vật quan trọng khác của Taliban là Sirajuddin Haqqani, lãnh đạo mạng lưới Haqqani. Là con trai của Jalaluddin Haqqani, một chỉ huy lực lượng thánh chiến chống Liên Xô nổi tiếng, Sirajuddi là một trong ba chỉ huy phó của Taliban.

Mạng lưới Haqqani là do cha ông lập ra, nên đã bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách khủng bố và luôn được quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan coi là nhóm chiến binh nguy hiểm nhất.  Nhóm này từng bị tố cáo đã sát hại một số quan chức cao cấp Afghanistan và bắt con tin phương Tây để đòi tiền chuộc hoặc trao đổi tù binh. Quân của Haqqani phụ trách các chiến dịch của Taliban ở các vùng núi phía đông Afghanistan. Nhân vật này có thể có ảnh hưởng rất lớn lên các quyết định của phong trào này.

Một nhân vật khác cũng thuộc diện cha truyền con nối của Taliban là giáo sĩ Yaqoub, con trai của giáo sĩ Omar. Nhân vật này là lãnh đạo của ủy ban quân sự đầy quyền lực của Taliban, quyết định các đường hướng chiến lược trong cuộc chiến chống chính phủ Afghanistan. Sự thăng tiến của ông ta gắn liền với tên tuổi người cha. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đồn đoán về vai trò của nhân vật này trong phong trào. Một số chuyên gia cho rằng việc chỉ định ông này đứng đầu ủy ban quân sự hồi 2020 có thể chỉ là mang tính tượng trưng.


Afghanistan: Taliban chuẩn bị công bố thành phần chính phủ

Thanh Hà

Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, trong cuộc họp báo tại Kabul, Afghanistan, hôm 17/08/2021. AP – Rahmat Gul

Hai tuần sau khi chiếm được thủ đô Kabul, trên nguyên tắc ngày 02/09/2021, Taliban công bố thành phần chính phủ, trong bối cảnh Afghanistan chờ đợi nhận được viện trợ quốc tế sau 20 năm chiến tranh. Các tổ chức phi chính phủ liên tục báo động trước nguy cơ một cuộc « khủng hoảng nhân đạo ».

Theo hãng tin Anh Reuters, một đại diện Taliban thông báo trên các mạng xã hội một buổi lễ sẽ diễn ra tại dinh tổng thống ở Kabul. Đài truyền hình tư nhân Tolo của Afghanistan cũng thông báo là thành phần chính phủ « sắp » được công bố. Thủ lĩnh tối cao Taliban, giáo sĩ Haibathullah Akhundzada, được cho là sẽ nắm giữ chức vụ cao nhất trong guồng máy quyền lực ở Afghanistan. Nhân vật này sẽ là người có tiếng nói sau cùng và chủ trì Hội đồng các thống đốc. Một chủ tịch sẽ được chỉ định để điều hành hội đồng.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, tính chính đáng của chính quyền mới tại Afghanistan mới là điều quan trọng hơn cả trong mắt các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế. Điều này càng quan trọng hơn nữa vào lúc mà kinh tế Afghanistan đang bị kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh. Afghanistan còn đang bị hạn hán, hàng ngàn gia đình phải di dời chỗ ở.

Ngân Hàng Trung Ương Afghanistan hiện đang nắm giữ khoảng 10 tỷ đô la tài sản, nhưng chủ yếu là ở nước ngoài. Chính quyền sắp tới ở Kabul rất cần khoản tiền nói trên để điều hành đất nước, nhưng theo Reuters, Taliban sẽ « khó đụng được số tiền đó », do nhiều quốc gia đã ban hành lệnh phong tỏa tài chính.

Trong khi chờ đợi, đời sống của người dân Afghanistan càng lúc càng khó khăn. GDP giảm gần 10 % trong năm nay, và sẽ còn tiếp tục giảm thêm 5 % vào năm tới, theo dự báo của cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Fitch.

Lầu Năm Góc cam kết « rút kinh nghiệm » từ Afghanistan
Tại Washington, hôm 01/09/2021, một số lãnh đạo cao cấp nhất trong bộ Quốc phòng Mỹ cam kết « rút kinh nghiệm » từ bài học Afghanistan. Lần đầu tiên lên tiếng từ khi kết thúc chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan, bộ trưởng Lloyd Austin, từng điều hành các chiến dịch quân sự tại quốc gia Nam Á này, nhìn nhận « không một chiến dịch nào hoàn hảo » và những nỗ lực của Hoa Kỳ giờ đây « tập trung vào nhóm IS-Khorasan, tìm hiểu về mạng lưới này và một khi Hoa Kỳ đã quyết định, họ sẽ phải trả giá cho những gì đã làm ». Lãnh đạo Lầu Năm Góc muốn nói đến vụ tấn công đẫm máu gần phi trường Kabul hôm 26/08/2021 làm hơn trăm người chết, trong đó có 13 quân nhân Hoa Kỳ.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhìn nhận những diễn biến gần đây đã làm dấy lên « tâm trạng đau thương và phẫn nộ » trong hàng ngũ quân đội và phía Hoa Kỳ « học được nhiều điều từ kinh nghiệm Afghanistan» , và « sẽ rút tỉa nhiều bài học cả về mặt chiến thuật lẫn chiến lược ».

Related posts