Ngọc Mai
Ngày 27/8, tờ báo Il Riformista của Ý đã đăng tải bài báo của cựu Nghị sĩ Elisabetta Zamparutti. Trong bài viết của mình, bà đã phân tích và vạch trần tội ác mổ cướp nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với công chúng Ý, theo trang Epoch Times.
Bà Elisabetta từng là thành viên của Quốc hội Ý. Trong bài báo, bà cho biết, ĐCSTQ vẫn tiếp tục mổ cướp nội tạng từ các nhóm dân tộc thiểu số và các tín đồ tôn giáo bị giam giữ. Quy mô của tội ác này lớn đến mức nó đã thúc đẩy 7 Báo cáo viên Đặc biệt cùng tổ công tác của Liên Hợp Quốc điều tra công khai.
Các nhà điều tra nhận được một số thông tin đáng tin cậy, về việc những người bị giam đã bị cưỡng chế kiểm tra máu và nội tạng, siêu âm hoặc chụp X-quang. Kết quả những cuộc kiểm tra sức khỏe này sau đó được ghi lại trong cơ sở dữ liệu của cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc “phân phối”.
Các bộ phận đã bị cưỡng chế thu hoạch bao gồm tim, thận, gan, giác mạc v.v. Gia đình của các tù nhân bị mổ cướp nội tạng không được phép đến nhận xác của người thân.
Kết luận cuối cùng của các chuyên gia Liên Hợp Quốc là “mặc dù hệ thống hiến tạng tự nguyện của Trung Quốc đang từng bước phát triển, nhưng vẫn có những báo cáo về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong quá trình cấy ghép nội tạng”. Họ cũng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về những gì đang xảy ra tại Trung Quốc.
Cựu nghị sĩ phân tích, kết luận của các chuyên gia Liên Hợp Quốc cũng giống như kết luận của Tòa án Nhân dân Độc lập ở London. Tòa án được thành lập tại Vương quốc Anh vào năm 2018 để điều tra tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ với các tù nhân lương tâm như các học viên Pháp Luân Công từ năm 2015.
Tòa án nhận thấy rằng, ĐCSTQ đã kiểm tra thể chất một cách có hệ thống đối với các học viên Pháp Luân Công để chuẩn bị mổ cướp nội tạng. Cũng có bằng chứng cho thấy, trong tình huống không có kết luận chính thức về chết não, ĐCSTQ vẫn mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Ngoài ra, tòa án cũng đề cập rằng ĐCSTQ thường “tra tấn dã man và vô nhân đạo” đối với các học viên Pháp Luân Công và các nhóm người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả việc cưỡng hiếp và bạo lực tình dục.
Liên hợp quốc đã thảo luận vấn đề “hoạt động ghép tạng” với chính phủ Trung Quốc vào năm 2006 và 2007. Tuy nhiên, ĐCSTQ luôn mơ hồ về nguồn nội tạng, cách thức hoạt động của bộ phận thu hoạch và cấy ghép nội tạng ở nước này.
Trước sức ép của dư luận và phong trào quốc tế, từ ngày 1/1/2015, ĐCSTQ tuyên bố rằng những người hiến tạng sẽ trở thành nguồn tạng duy nhất [dùng cho cấy ghép tại quốc gia này]. Tuy nhiên, với giả thuyết mỗi năm Trung Quốc thực hiện từ 60.000 đến 90.000 ca cấy ghép và số người hiến tạng chính thức của ĐCSTQ vào năm 2017 là hơn 5.000 người, thì có thể kết luận rằng, phải có một nhóm “người cung cấp nội tạng không được xác định”.
Cuối cùng cựu nghị sĩ kết luận, “Để cứu rỗi linh hồn một đất nước như Trung Quốc, và của cả thế giới, chúng ta phải coi trọng thiện tâm của mình. Các học viên Pháp Luân Công thực hành nguyên tắc ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ lại bị ĐCSTQ phản đối. [Những nguyên tắc ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ này] là đến để cứu Trung Quốc cũng như cứu chúng ta”.