Thanh Hải
Vào ngày 31/8, ông Tần Cương, tân đại sứ của Trung Quốc tại Mỹ, đã có một bài phát biểu qua video tại một ủy ban về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Tại sự kiện này, tân đại sứ Tần đã nhắc lại về mối quan hệ Mỹ-Trung không thể tách rời, tuy nhiên cũng phát tín hiệu sẽ cắt đứt với Washington nếu mối quan hệ hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng, theo trang NTDTV.
Trong bài phát biểu, ông Tần Cương, cũng như các nhà ngoại giao khác của Trung Quốc đã đẩy trách nhiệm về mối quan hệ hai bên xuống dốc chưa từng có cho Mỹ, nói rằng “chính sách cực đoan về Trung Quốc được chính phủ Hoa Kỳ trước đây áp dụng … tuy nhiên đến nay tình hình này vẫn không thay đổi, và thậm chí đang tiếp diễn”.
Ông Tần cho rằng chính quyền ông Biden đã không thay đổi “chính sách cực đoan” đối với Trung Quốc của chính quyền ông Trump trước đây.
Tuy nhiên, ông Tần không phải là người mới tham gia vào hệ thống ngoại giao, ông ấy nên biết rằng ngòi nổ cho sự xấu đi của quan hệ Mỹ – Trung là ĐCSTQ cố tình che giấu dịch bệnh vào cuối năm 2019 đầu năm 2020 khiến virus cúm Vũ Hán lây lan thành đại dịch trên toàn thế giới. Sau khi mưu đồ bá chủ của ĐCSTQ bị bại lộ, Washington đã bắt đầu thức tỉnh và chính quyền ông Trump liên tục ra đòn đối với Bắc Kinh.
Sau khi ông Biden trở thành chủ nhân của Toà Bạch Ốc, Bắc Kinh cho rằng ông Biden yếu kém và nhanh chóng chuyển từ phòng ngự sang tấn công, liên tục gây sức ép trên mọi phương diện, tuy nhiên động thái này khiến mối quan hệ hai bên ngày càng bế tắc. Quan hệ của ĐCSTQ với phương Tây cũng xấu đi trên diện rộng.
Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối thừa nhận rằng họ che giấu dịch bệnh, từ chối hợp tác với cuộc điều tra, hoặc thậm chí kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Hoa Kỳ. Vấn đề này đã khiến quan hệ Mỹ-Trung xấu càng thêm xấu.
Trong bài phát biểu, ông Tần Cương cũng tiếp tục tuyên bố rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ là “không thể tách rời”, và phản đối “chiến tranh thương mại”. Có thể thấy rằng ông Tần biết rõ rằng sau khi tách khỏi Hoa Kỳ, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đi từ tồi tệ đến tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, tân đại sứ Trung Quốc cũng tuyên bố: “Đầu những năm 1960, quan hệ Trung-Xô xấu đi và Liên Xô rút toàn bộ chuyên gia và viện trợ khỏi Trung Quốc … Người Trung Quốc thậm chí còn không đủ ăn”. Tuy nhiên, Trung Quốc dựa vào “tự lực và trong vòng vài năm, hệ thống công nghiệp và hệ thống kinh tế quốc gia của Trung Quốc đã được thành lập và các dự án công nghệ lớn đã được thực hiện”.
Những lời của ông Tần được giới quan sát nhận định, nó giống như những gì các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói. Điều này không chỉ được sử dụng để tuyên truyền nội bộ, mà còn tương đương với một tín hiệu cho Hoa Kỳ thấy rằng, Bắc Kinh đã tiết lộ các biện pháp đối phó để cắt đứt với Mỹ nếu căng thẳng ngày càng tồi tệ hơn.
Học giả Dương Uy trên đài truyền hình Tân Đường Nhân cho rằng đây là một tín hiệu quan trọng, và nó cũng rất phù hợp với các diễn biến đang xảy ra ở Trung Quốc gần đây. Bao gồm chính phủ Trung Quốc đang phân phối lại thu nhập, đàn áp các công ty Internet, công ty giáo dục tư nhân, giới show biz, hoặc cố gắng bắt đầu một cuộc cách mạng văn hóa mới, chúng thực sự là những biện pháp để chuẩn bị tách rời khỏi Hoa Kỳ và củng cố quyền lực.
Không giống những người tiền nhiệm, ông Tần Cương chưa bao giờ chuyên trách nước Mỹ và cũng chưa từng đặt chân đến Mỹ với tư cách là một nhà ngoại giao thuộc phái đoàn thường trực nào.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, ông Tần làm việc cho văn phòng hãng thông tấn UPI và gia nhập ngành ngoại giao năm 1992. Ông trở thành người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 2015, thời điểm Bắc Kinh đối mặt với các chỉ trích quốc tế vì vấn đề nhân quyền, Tân Cương và Tây Tạng.
Sau đó, sự nghiệp chính trị ông này khá thuận lợi, ông Tần liên tục tháp tùng vị lãnh đạo tối cao trong các chuyến công du nước ngoài, đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ hình ảnh của ông Tập và sẵn sàng đốp chát những phát ngôn mà ông cho là làm méo mó hình ảnh Trung Quốc.