RFA
2021-09-01
Thực hư ra sao?
Báo điện tử SOHA vào ngày 31 tháng 8 năm 2021 đã cho đăng bài viết có tựa đề: “Vắc-xin Sinopharm ‘cháy hàng’ tại quốc gia Đông Nam Á giàu có: Phí tiêm 1,6 triệu VNĐ, dân xếp hàng cả tháng mới được tiêm”.
Theo đó, nội dung bài báo có nói, do nhu cầu ‘áp đảo’ từ công chúng, các tổ chức y tế Singapore đã bắt đầu cung cấp vắc-xin Sinopharm từ ngày 30/8/2021. Tác giả bài viết đó còn dẫn chứng số liệu của Healthcare Singapore IHH rằng, tổ chức này đã nhập khẩu hơn 10.000 liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất và hơn 6.000 cá nhân đã đăng ký để được chích vắc-xin Sinopharm tại cơ sở này.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng – RTCCD, bác sĩ dịch tễ từng làm cho Viện vệ sinh dịch tễ và vắc-xin thuộc Bộ Y tế, khi trao đổi với RFA hôm 1/9 cho rằng có thể đây là cách quảng cáo của Trung Quốc:
“Chả biết mánh lới quảng cáo làm hàng của chúng (Trung Quốc). Chúng có thể tạo ra được một vài phòng khám ‘cháy hàng’ để phục vụ mục đích riêng của chúng. Vì bài viết cho thấy chỉ có số lượng nhỏ mà thôi”.
Tin này do người Trung Quốc (TQ) ở Singapore viết quảng cáo cho vắc-xin Sinopharm. Báo SOHA dịch và thêm chữ, rồi đăng lên. Quá bậy!
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Ngoài trích dẫn thông tin từ IHH Healthcare, bài viết trên báo điện tử SOHA còn trích dẫn thông tin từ Người phát ngôn của Phòng khám Phẫu thuật và Laser Medic cho biết, họ nhận thấy sự quan tâm lớn của người dân đối với vắc-xin Sinopharm như một khẳng định rằng, vắc-xin Sinopharm đúng là loại vắc-xin đang được “săn lùng” trong thời điểm việc tiêm chủng là cần thiết cho các quốc gia trong khu vực.
Để tìm hiểu thêm về nội dung trên, RFA hôm 1/9 liên lạc Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS của Singapore, và được ông giải thích:
“Tin này do người Trung Quốc (TQ) ở Singapore viết quảng cáo cho vắc-xin Sinopharm. Báo SOHA dịch và thêm chữ, rồi đăng lên. Quá bậy! Singapore nhập vắc-xin Sinopharm để tiêm cho số công nhân xây dựng người Nam Á đang làm việc ở Singapore. Theo tôi, Singapore nhập vắc-xin này là do Bắc Kinh ép, nhưng họ cũng vui vẻ nhập vì 86% công dân Singapore là người gốc Tàu. Nhưng họ không xài đâu, mà chỉ tiêm cho những người Nam Á vì rẻ tiền. Tính đến ngày 30 tháng 8 năm 2021, Singapore đã tiêm đủ hai liều vắc-xin COVID-19 cho 80% dân số. Trong đó có 57% tiêm Pfizer, chỉ có 1% tiêm Sinopharm và Sinovac, khoảng 6% tiêm J&J, còn lại là tiêm Moderna”.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết, nhìn đến bản chất, vắc-xin Sinopharm có hiệu lực miễn dịch chỉ 63 – 64%, trong khi vắc-xin Pfizer có hiệu lực 94- 96%. Nhân sự việc này, Tiến sĩ Hoàng Hợp cũng giải thích thêm vì sao gần đây người dân Việt Nam sống ở tỉnh Bình Dương phải chấp nhận tiêm vắc-xin Trung Quốc. Ông nói:
“Ở Bình Dương, giữa sống sót và chết, thì người ta nên chọn tiêm vắc-xin Trung Quốc vì không có loại nào khác. Đến nay chỉ duy nhất có Vạn Thịnh Phát là công ty tư nhân mua năm triệu liều Sinopharm, họ mua và cho TP.HCM để tiêm cho dân. Ngoài ra, Bắc Kinh hứa cho hai triệu liều. 200 nghìn liều Bộ Quốc phòng TQ cho Bộ Quốc phòng VN cũng đã nhận, nhưng 100% quân số lính VN đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin khác rồi. Tôi chưa nghe Bộ Quốc phòng VN dùng 200 ngàn liều đó vào việc gì”.
Quảng cáo cho Vắc-xin Trung Quốc?
Năm triệu liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm – Trung Quốc do tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ toàn bộ chi phí mua, đã được tập đoàn này chuyển đến Uỷ ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) để tiêm chủng cho người dân vào ngày 9/8. Tuy nhiên, nhiều người dân TP.HCM cho RFA biết họ từ chối tiêm vắc-xin của TQ cho dẫu có bị phạt vì nghi ngờ chất lượng và độ an toàn của vắc-xin do TQ sản xuất.
Sau đó, truyền thông Nhà nước Việt Nam (VN) cho biết UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM đề nghị được mượn tạm 500.000 liều vắc-xin Sinopharm để tiêm cho những đối tượng ưu tiên. Đến ngày 30/8, TP.HCM lại tiếp tục nhường lại một triệu liều vắc-xin Sinopharm cho tỉnh Bình Dương.
Từ những số liệu dẫn chứng trên có thể thấy rằng, người dân VN đang không “mặn mà” với vắc-xin TQ vậy mà loại vắc-xin này đang khiến dân tình đảo quốc sư tử phải mất hàng tháng trời để được tiêm (như lời bài báo viết). Liên quan đến việc vì sao báo SOHA lại giật tít như trên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:
“Tôi nghĩ, do SOHA là báo của hiệp hội tiếp thị và quảng cáo, nên có thể đã nhận tiền của Bắc Kinh để quảng cáo cho vắc-xin Tàu, vậy thôi. Nguy hại hơn, SOHA còn từng có nhiều bài phân tích địa chính trị theo hướng thân Bắc Kinh. Họ làm vậy cũng chỉ vì tiền và được đám tuyên giáo cho phép. Thực chất thì tuyên giáo không ưa Bắc Kinh, nhưng làm thế để tung hỏa mù làm cho Trung Quốc không nắm được Cộng Sản VN thực sự nghĩ gì”.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba diễn ra hôm 24/8, Bắc Kinh hứa viện trợ cho Việt Nam thêm hai triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 và cam kết sẽ xem xét tiếp tục viện trợ vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó Việt Nam đã nhập về tổng cộng 2.700.000 liều vắc-xin TQ, trong đó gồm 500 ngàn liều đầu tiên là do Trung Quốc tặng có điều kiện, 200 ngàn liều do Bộ quốc phòng TQ tặng Bộ quốc phòng VN và hai triệu liều còn lại là do công ty Vạn Thịnh Phát đặt mua.
Bất nhất trong việc đưa tin
Trở lại với bài báo về vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc mà SOHA đăng tải, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA hôm 1/9, nhận định:
“Việc các tờ báo Việt Nam gọi vắc-xin TQ cháy hàng thì, thứ nhất vắc-xin không phải là một món hàng thời thượng, thời trang mà người ta đang săn lùng… vì vậy tôi cho rằng dùng chữ ‘cháy hàng’ là không nghiêm túc trong hiện tình thê thảm của Việt Nam. Thứ hai, ngoài các trang báo này thì các trang như Tuổi Trẻ, Thanh Niên từng đưa những tin vắc-xin TQ không an toàn, hiệu quả thấp. Tôi nhấn mạnh tất cả đây đều là báo chí quốc doanh, điều đó cho thấy báo chí quốc doanh của Việt Nam tỏ ra bất nhất trong cách đưa tin về vắc-xin. Bên cạnh đó nhiều nhà báo, nghệ sĩ nổi tiếng đứng trước vấn đề các loại vắc-xin thì bản thân họ chọn vắc-xin khác để chích, nhưng vẫn xúi giục người dân chích vắc-xin TQ. Thì tôi thấy đó là hành vi vô văn hóa và bất lương của những con người này”.
Thứ ba theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, là việc công ty Vạn Thịnh Phát bỏ tiền giúp TP.HCM mua năm triệu liều vắc-xin TQ, nhưng lại chích vắc-xin nước khác cho toàn bộ nhân viên công ty mình… thì Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng đây là hành vi khiếm nhã và độ tin cậy rất thấp về lòng tốt của công ty Vạn Thịnh Phát. Ông nói tiếp:
“Điều đáng lấy làm lạ là cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN thông qua báo chí vẫn không hề có tin tức gì về sự việc nổi trội này. Điều này càng làm dấy lên hoài nghi đủ căn cứ về lòng tin của đa số người dân trước các loại vắc-xin của TQ. Ý thứ tư, hiện nay ngoài vắc-xin TQ, thì còn có các loại của nhiều nước khác, khi nhập về VN đã gây nên tình trạng nhiễu loạn. Đặc biệt đã tạo ra tình trạng bất công, với biểu hiện tranh giành đầy tai tiếng khi để cho các khái niệm rất buồn cười như ‘cháu ông ngoại’ ‘cán bộ’ ‘con ông cháu cha’… thì được chích vắc-xin khác. Chính những hành vi này đã đi ngược lại lý tưởng cao đẹp suốt bảy tám chục năm qua của Đảng CSVN”.
Vì vậy, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, việc bất công trong phân chia các loại vắc-xin đã đánh sập danh dự, uy tín còn sót lại một chút của toàn bộ đảng viên Đảng CSVN. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nhà cầm quyền CSVN hiện nay đứng trước đại dịch có thể nói là trăm năm có một… thì họ đang bị sa lầy rất sâu trong câu chuyện chống dịch. Và Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, ông chưa hề thấy được một tín hiệu gì sáng sủa hơn để nhà cầm quyền CSVN thoát được cái đầm lầy mà họ đang lún rất sâu.