‘Quân đoàn Bão táp’ của Triều Tiên đang chết đói, phải cướp kho lương thực của cơ quan chính phủ

Phụng Minh

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tướng lĩnh trong quân đội (ảnh: Youtube/ YTN news).

Theo trang NTDTV, Triều Tiên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. “Quân đoàn Bão táp” (Quân đoàn 11) được triển khai ở biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang trong tình trạng khó khăn khi đối mặt với hoàn cảnh bi đát về lương thực. “Quân đoàn Bão táp” đối diện với miếng cơm không đủ, họ không chỉ cướp nhà riêng mà còn cướp cả kho lương thực của các cơ quan chính phủ.

Truyền thông Hàn Quốc, Daily NK hôm thứ Ba (31/8) đưa tin rằng một nguồn tin ở tỉnh Bắc Ham-kyong, nói với báo chí rằng “Quân đoàn Bão táp” “ngày càng trở nên tự do và có tư tưởng lỏng lẻo”, và nguồn cung cấp lương thực không đầy đủ đã khiến họ đang gây ra “các vấn đề khác”.

Quân đoàn 11, được gọi là “Quân đoàn bão táp”, bao gồm 60.000 lính đặc chủng, bao gồm cả lực lượng đặc công hải quân và không quân, các trung đoàn hàng không hải quân và các trung đoàn trinh sát xâm nhập từ đường biển và đường không. 60.000 lính đặc nhiệm này đều đã được huấn luyện cường độ cao vượt quá giới hạn của con người. Mỗi ngày, một người trong nhóm phải luyện tập 1 đối 3 cho đến 1 đối 15 người trong hơn 3 giờ.

Nhiệm vụ chính của “Quân đoàn bão táp” là nhanh chóng đột nhập vào tiền phương và hậu phương của Hàn Quốc bằng các thiết bị hạng nhẹ, hoàn thành việc phá hủy các cơ sở chính và phá vỡ hậu phương, v.v., đồng thời tiếp tục tăng cường khả năng tác chiến đặc biệt.

Hiện tại, “Quân đoàn Bão táp” đã được triển khai tới biên giới để chịu trách nhiệm xây dựng hàng rào biên giới và đường dây cao thế, chính quyền Triều Tiên đã ra lệnh phải hoàn thành trước Ngày thành lập Đảng mùng 10/10. Theo kế hoạch, từ ngày 1/10 đến ngày 10/10, một đoàn kiểm tra liên hợp từ Ủy ban Trung ương, Nội các và Bộ An ninh Quốc gia sẽ đến thăm 4 tỉnh biên giới để đánh giá công việc.

Nguồn tin nói rằng “Binh đoàn bão táp” đã nhận được lương thực, nhưng họ ở lại biên giới càng lâu thì chất lượng thực phẩm mà họ nhận được càng tồi tệ hơn. “Họ không có mối liên kết với doanh nhân Trung Quốc như bộ đội biên phòng, vì vậy họ cướp của thường dân, và bây giờ họ thậm chí còn cướp từ bộ phận hậu cần của các cơ quan nhà nước”.

Nguồn tin giải thích: “Nếu mối quan hệ giữa quân đội và dân thường tốt, họ có thể nhận được sự giúp đỡ từ địa phương, nhưng mối quan hệ này đã bị phá hủy rất nhiều. Hơn nữa họ không làm việc lậu như quân đội bình thường để kiếm sống, nên không có nguồn ổn định. Cuối cùng họ quay sang ăn cướp”.

Theo các nguồn tin, ba binh sĩ từ “Quân đoàn Bão táp” đã đột nhập vào chi nhánh địa phương của Bộ An ninh Quốc gia Triều Tiên ở thành phố Hui-ning, tỉnh Bắc Ham-kyong vào đầu tháng này và cướp kho lương thực của họ. Theo báo cáo, sau khi bị nhân viên tuần tra phát hiện, họ đã bị bắt tại chỗ và cuối cùng bị trục xuất khỏi quân đội. Tiểu đoàn trưởng, giảng viên chính trị và giảng viên an ninh của họ đều bị sa thải, và toàn bộ tiểu đoàn của họ đã được sơ tán vào giữa tháng 8 và được thay thế bằng một tiểu đoàn khác.

Quân ủy Trung ương Triều Tiên đã đề cập đến vụ việc này trong các tài liệu được phát hành ngày 15/8. Ủy ban Trung ương lên án việc cướp các cơ quan nhà nước là một tội “nghiêm trọng”, và sử dụng vụ việc này để gióng lên hồi chuông báo động về những hiện tượng “bất thường” ở khu vực biên giới.

Tại Triều Tiên, những lời kêu gọi rút khẩn cấp “Binh đoàn Bão táp” ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, do không đủ vật tư nên việc xây dựng hàng rào bê tông và đường dây cao thế ở khu vực biên giới bị đình trệ, thời gian rút quân của lực lượng đặc biệt này có thể muộn hơn so với dự kiến ​​ban đầu.

Nguồn tin nói thêm rằng những cư dân biên giới kiếm sống bằng nghề buôn lậu rất thù địch với “binh đoàn bão tạp” và đổ lỗi cho họ về hoàn cảnh hiện tại của mình. Khi các chủ cửa hàng ở khu vực biên giới nhìn thấy quân của “Quân đoàn bão táp”, họ hoặc giả vờ không có hàng hoặc tăng giá, và hầu hết các thương nhân từ chối bán cho các lính đặc nhiệm này. Lực lượng này phàn nàn rằng họ “thậm chí không thể có được một bát nước từ người dân”.

Related posts