Ngọc Mai
Gần đây, các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề cập đến khái niệm “thịnh vượng chung” và nhấn mạnh vào kế hoạch “ba phân phối”. Theo đó, ĐCSTQ đóng vai trò quyết định trong việc thu gom tài sản toàn xã hội, tái phân phối lại cho các khu vực kinh tế và dân cư, trang Epoch Times cho hay.
Phản hồi về kế hoạch này, các nhà kinh tế Trung Quốc đã công bố một bài báo hiếm có vào ngày 1/9, lập luận rằng, nếu chính phủ can thiệp ngày càng nhiều vào nền kinh tế, sẽ dẫn đến “tình trạng nghèo đói chung”.
Bài báo có tựa đề “Kinh tế thị trường và sự thịnh vượng chung” của ông Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying) – giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh – đăng trên trang web “Diễn đàn Kinh tế 50”.
Trong bài báo của mình, ông khẳng định rằng “từ lịch sử chúng ta có thể thấy, lực lượng lớn nhất chống lại kinh tế thị trường là giai cấp đặc quyền và tư lợi. Sự phát triển của lịch sử cũng chứng minh, chỉ có kinh tế thị trường mới có thể thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, cũng khiến cho công nghệ mới được thương mại hóa nhanh chóng và mang lại lợi ích cho công chúng”.
Giáo sư nói thêm: “Cách tốt nhất để tăng thu nhập của tầng lớp lao động là làm cho các doanh nhân trở nên tự do và cạnh tranh hơn trên thị trường, chứ không phải ngược lại! Tiêu diệt các doanh nhân, hầu hết người dân Trung Quốc sẽ quay trở lại trạng thái nghèo đói”.
Ông phân tích rõ hơn: “Chúng ta phải hiểu rằng, tiền xóa đói giảm nghèo trên hình thức là do chính phủ hoặc tổ chức từ thiện cấp, còn về bản chất là do các doanh nhân tạo ra. Những gì chính phủ và các tổ chức từ thiện có thể làm là chuyển của cải từ nhóm người này sang nhóm người khác, không có chuyện ăn không nói có. Chính là các xí nghiệp đã tạo ra của cải để chính phủ và các tổ chức từ thiện có tiền sử dụng vào việc xóa đói giảm nghèo… Nếu các doanh nhân không có động lực để tạo ra của cải, chính phủ sẽ không có tiền lưu chuyển để chi trả, sự nghiệp từ thiện cũng như nước không có nguồn”.
Ông Trương nói: “Nếu như [chính quyền] ngay cả việc ‘phân phối theo lao động’ cũng không chấp nhận thì nền kinh tế sẽ không phát triển và mọi người sẽ sống trong cảnh nghèo đói”.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh: “Nền kinh tế kế hoạch được thiết kế bởi một số ít phần tử trí thức, sau đó áp đặt lên xã hội từ trên xuống dưới bằng quyền lực, vì vậy nhất định phải có người bảo vệ nó, bào chữa cho nó. Kinh tế thị trường là bất đồng, nó không phải do phần tử trí thức thiết kế ra, mà là từ dưới lên trên tự phát sinh”.
Ông Trương nói: “Nếu chúng ta đánh mất niềm tin vào thị trường và đưa ra ngày càng nhiều sự can thiệp của chính phủ, Trung Quốc chỉ có thể tiến tới ‘nghèo đói chung’. Đừng quên rằng mục đích ban đầu của nền kinh tế kế hoạch hồi đó là mang lại lợi ích cho người nghèo, nhưng kết quả là, tạo ra ngày càng nhiều người nghèo, khiến số phận của những người nghèo so với quá khứ càng bi thảm hơn”.
Kể từ đầu năm nay, ĐCSTQ đã nhiều lần đề cập đến “sự thịnh vượng chung”. Cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương ĐCSTQ ngày 17/8 đã nhấn mạnh “ba phân phối”, nhấn mạnh sự cần thiết phải “điều tiết thu nhập cao quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp có thu nhập cao phân phối lại tài sản cho xã hội” [thông qua hoạt động từ thiện].
Sau cuộc họp ngày 17/8, hãng công nghệ Tencent đã thông báo đầu tư 7,7 tỷ USD vào “chương trình thịnh vượng chung”. Ngoài ra,hãng bán lẻ trực tuyến Pinduoduo cũng tuyên bố đóng góp 10 tỷ nhân dân tệ để đầu tư cho “Dự án đặc biệt cho nghiên cứu nông nghiệp”.
Gần đây, Tập đoàn Alibaba cũng thông báo họ sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ nhân dân tệ cho kế hoạch “thịnh vượng chung”. Kế hoạch quyên góp này được công ty công bố sau khi bị ĐCSTQ trừng phạt nặng nề và chính quyền nhiều lần công khai đề cập đến “sự thịnh vượng chung. Điều này cũng cho thấy nhiều gã khổng lồ Internet đang cố gắng “nộp tiền và tránh tai họa”.