7-9-2021
Khi hai hộ trong một chung cư ở Long Biên có người dương tính với Covid, Ban quản lý (BQL) “cắt” thang máy lên hai tầng, cử người “phục vụ hậu cần” cho hai hộ có F0 và hàng xóm của họ tới tận cửa. Thông tin được cập nhật. Hàng trăm hộ ở các tầng khác vẫn có thể xuống sảnh lấy đồ mà shippers mang tới, ai đi làm vẫn đi làm, ai đi chợ vẫn đi chợ… Khi về nhà thì được khuyến cáo luôn ở trong nhà, không ra hành lang, không xuống sảnh ngồi chơi hoặc… “tám”.
Trong suốt hơn 3 tuần đó, những người trong tòa nhà ít có cảm giác đang sống trong vùng dịch, mặc dù, từ trong cầu thang cho tới hành lang, ai cũng vô cùng cẩn trọng. CDC tổ chức test cho khoảng 400 người, may mắn đều âm tính. Nay thì những cư dân mắc Covid đã được về nhà.
Thường, những nỗ lực hữu hiệu nhất lại không ồn ào và ít tốn kém nhất.
Trong khi, một ngõ ở quận Đống Đa, bị phường rào chắn gần như suốt tháng 8 mà người dân không rõ lý do [Về sau mới nghe là có hai dân phòng và một cán bộ CA ở đây là F0]. Có những “mẹ bỉm sữa” ở trong đó không thể mua bỉm cho con; có hai bệnh nhân ung thư không thể đi tái khám, lấy thuốc định kỳ; nhiều người có hẹn tiêm vaccine mà không được ra khỏi ngõ…
Hơn một nghìn hộ ở thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, Thanh Trì bị nhốt trong nhà hơn 40 ngày và nhiều tuần qua không được nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài. Sau 10 ngày đầu, khi gần như không còn phát hiện F0, huyện cử CA xuống, lắp camera khắp làng, “Rồi đi tuần ác liệt khắp các ngõ xóm. Ra ngoài đường là phạt ngay 2 triệu…”. Ở làng có một cụ bà 90 tuổi chết là có liên quan tới Covid… Nhưng cũng ở làng, anh Nguyễn Huy Dũng, 40 tuổi, chỉ bị viêm dạ dày cấp, gia đình không thể tự ý vượt chốt đưa đi viện, phải chịu chết tức tưởi tại nhà.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn với cả những mối đe dọa thường nhật chứ không chỉ có Covid.
Nhiều người dân mời tôi tham gia nhóm chat qua Messenger hoặc Zalo của cư dân trong các vùng bị phong tỏa. Nghe, mới thấy chính sách nhốt dân thất bại trên nhiều phương diện. Dân, thay vì sợ hãi Covid, nhiều người trở nên trầm uất vì không chỉ bị giam hãm mà còn vì không nhìn thấy lối ra. Một người than vãn, “Có những cậu dân phòng, CSKV trẻ măng, bình thường hiền lành, nay cứ như hung thần.”
Quyền lực không chỉ làm tha hóa rất nhanh những người có nó, thứ “quyền rơm” trao cho nhiều người không có trong biên chế của bộ máy công quyền này còn gây chấn thương tinh thần cho người dân rất lâu và rất sâu.
Những người sáng tạo ra tờ giấy đi đường gắn “code QR” có khi chỉ muốn sốt sắng thấy thành quả của mình được đưa ra áp dụng (tôi không suy đoán các động cơ khác) nhưng đối với dân chúng đấy là một sự khủng bố.
Một doanh nhân trẻ, trí thức, bức xúc, “Bắt dân chúng phải xin giấy đi đường là vi hiến, bất hợp pháp, sao các anh cứ chỉ bàn về sự phức tạp để xin nó thôi”. Tôi cho rằng, trong giới lãnh đạo Việt Nam, kể cả trong hàng ngũ cao cấp, số người nhận ra tờ giấy đi đường là “vi hiền, bất hợp pháp” chiếm rất ít. Ngay cả số quan chức hình dung được chuyện dân chúng bị tra tấn khi phải xin xỏ, khi bị chặn đường xét hỏi là không nhiều.
Thời bao cấp, những thủ tục bất chấp quyền tự do đi lại này của người dân đã tạo ra một tầng lớp trương tuần. Và thời nay, cũng xảy ra nhiều chuyện. Một bác sĩ Phó giám đốc bệnh viện Thống Nhất đang đặc trách chống Covid bị xúc phạm ở một bốt gác; Một phụ nữ F1 ở Diễn Châu bị một nhóm người phá cửa căn biệt thự mới xây để bắt đi cách li; Một làng, hàng trăm nhà dân bị khóa cổng; Một thanh niên 23 tuổi gọi điện thoại cho bạn gái không được, nóng lòng chạy qua, bị phạt 2,8 triệu đồng…
Chế độ “trương tuần trị” đang được khôi phục, nó không chỉ gây phiên hà cho người dân, nó xúc phạm nhân phẩm của nhân dân.
Xét về mặt khoa học, ý tưởng cấp giấy đi đường thật là nguy hiểm, nó có thể tạo thêm những làn sóng lây nhiễm mới. Xét về mặt thời điểm, đây không hề là lúc Hà Nội cần siết chặt hơn.
Trong tuần cuối tháng 5-2021, thời điểm báo động đỏ, Sài Gòn phát hiện 177 ca lây nhiễm cộng đồng. Tối 29-5, phát hiện thêm 36 ca. Nhìn về con số thì có vẻ như Hà Nội đang giống Sài Gòn hồi tháng 5. Trên thực tế, lúc ấy Sài Gòn đã có nhiều ổ dịch đang chực chờ bục ra. Và quan trọng hơn, tới đầu tháng 6, Sài Gòn mới tiêm vaccine mũi một cho hơn 300 nghìn người, chủ yếu là cán bộ. Hà Nội hiện có gần 5 triệu người trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine, và như Thành phố tuyên bố, 15-9 này, tiêm 100% cho người trên 18 tuổi.
Trong tuần qua, Hà Nội đã đưa được số F0 từ 77 ca, hôm 31-8, xuống còn 42 ca, hôm 6-9. Điều quan trọng hơn, người Hà Nội đã “thấy quan tài” từ Sài Gòn không phải hàng trăm mà là hàng chục nghìn, phòng chống Covid giờ đây là tự thân, là ý thức, là của dân chứ không chỉ nhà nước nữa.
Lẽ ra đây là thời điểm tốt nhất để Hà Nội nới lỏng giãn cách. Không phải vì nguy cơ đã được kiểm soát mà tình hình thực tế và những nỗ lực vaccine cho phép Hà Nội chuyển hướng chiến lược. Thành tích tạo miễn dịch cộng đồng vừa đạt được có thể giúp Hà Nội, ngay cả khi dịch lây lan hơn, vẫn có thể giữ được mức tối thiểu số ca tử vong.
Một số quan chức nghĩ, phải đưa ra những thủ tục gây khó để người dân ngại ra đường. Không chỉ tiêu tốn ngân sách, tiền bạc và sức lực của dân, tư duy như thế là sai lầm và thiển cận.
Nhà nước không thể nghĩ thay, làm thay phần việc của dân. Chống dịch không thể bằng sự sợ hãi. Chỉ khi dân chúng nhận thức, phòng dịch chính là vì tính mạng của mình, của gia đình mình và cộng đồng thì mới thành công chứ không phải đe dọa hay làm khó họ.
Những người phải xin giấy thông hành đều là những người đang phải bất chấp nguy hiểm, ra đường để duy trì mạch sống cho thành phố. Cái tờ giấy thông hành mỏng tang đó không chỉ là một thủ tục hành chánh, nó là một “thây ma” đã được chính chế độ này “mai táng”. “Khai quật” nó lúc này không chỉ phủ nhận những thành tựu không nhiều của gần 30 năm xây dựng nhà nước pháp quyền mà còn đánh vào cả dạ dày và nhân phẩm của người dân thành phố.