Thanh Hải
Việc các Viện Khổng Tử (CI) của Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu sinh viên Canada như được nêu gần đây ở tỉnh New Brunswick đã khiến một số thành viên của cộng đồng bất đồng chính kiến Trung Quốc bày tỏ lo lắng.
Cô Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà hoạt động dân chủ người Canada gốc Hoa ở Toronto, cho biết cô rất lo ngại vì quyền truy cập vào dữ liệu sinh viên CI có thể đe dọa sự an toàn của những người bất đồng chính kiến Trung Quốc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm tới, những người có bất kỳ mối liên hệ nào với CI.
“Một lượng lớn bằng chứng thực tế cho thấy CI không phải là một tổ chức giáo dục hay trao đổi văn hóa thông thường, mà là một cơ quan gián điệp mà ĐCSTQ đã thâm nhập vào cộng đồng quốc tế, vì vậy nó có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo” cô Thịnh nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Cô cho biết dữ liệu cá nhân lọt vào tay ĐCSTQ có thể được chế độ này sử dụng cho mục đích bức hại. “Nếu họ là con của người Trung Quốc đến học tại Viện Khổng Tử ở Canada, họ có nguy cơ cao hơn”.
Paul Chan, một giám đốc điều hành của Edmonton Hong Kong Civil Rights United, nói với The Epoch Times rằng nguy cơ trở nên trầm trọng hơn do luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong vào tháng 6/2020. Luật đó mang lại cho Bắc Kinh quyền lực rộng lớn hơn trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, cho dù ở nước ngoài hoặc ở Trung Quốc đại lục.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục New Brunswick, ông Dominic Cardy, nói với Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Quan hệ Canada-Trung Quốc vào ngày 21/6 rằng các phụ huynh từ cộng đồng người Hoa của tỉnh đã tiếp cận ông với những lo lắng về việc CI hoạt động ở các trường công lập ở New Brunswick.
Ông Cardy nói: ““Chúng ta có các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm việc cho Viện Khổng Tử, những người có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu và thông tin sinh viên của các sinh viên New Brunswick. Tôi đã nghe về điều đó từ các thành viên cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, những người cực kỳ lo ngại về thực tế đó”.
“Các chương trình được cho là tập trung vào văn hóa và ngôn ngữ trong nhiều trường hợp bao gồm cả tuyên truyền chính trị công khai”. Ông đưa ra những ví dụ về việc phủ nhận vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cho học sinh vẽ bản đồ xóa biên giới Đài Loan với Trung Quốc, và kỷ luật những học sinh đặt câu hỏi về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Ông Cardy đã thúc đẩy việc loại bỏ các Viện Khổng Tử khỏi các trường ở tỉnh New Brunswick. Trong một thông báo vào tháng 8/2019 , ông cho biết việc loại bỏ sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn, 18 trường học sẽ đóng cửa CI vào cuối tháng đó và phần còn lại vào năm 2022.
Viện Khổng Tử lần đầu xuất hiện ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004. Đến nay, mạng lưới Viện Khổng Tử đã có mặt ở gần 160 quốc gia, với hơn 500 học khu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện làn sóng tẩy chay Viện Khổng Tử không chỉ lan rộng ở phương Tây mà còn ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản, khi cho rằng đây là công cụ tẩy não của Bắc Kinh.