Ý NGHĨA TÊN HỌ NGƯỜI VIỆT

Hoàng thị Quỳnh Hoa    

Mỗi người có tên và họ là chuyện bình thường. Dù vậy ngày nay vẫn còn có nơi con người không có tên và họ như ở Buthan, xứ sở hạnh phúc nhất trần gian. Ở đây, trẻ sơ sinh được cha mẹ bế đến trình diện với một ông Lạt Ma cao cấp nhất trong vùng gọi là Thầy Cả (Je Khenpo). Thầy sẽ cho một cái tên, tên thôi không có họ. Ngay cả vua và hoàng hậu cũng phải bế hoàng thái tử đến để ông Thầy Cả đặt tên cho. Thầy Cả là thầy đứng đầu các Lạt Ma và chia quyền cai trị nước với thủ tướng. Dân chúng Buthan được xem như hạnh phúc nhất trần gian có lẽ vì được ông thầy tu đạo cao đức trọng đặt tên? Còn Việt Nam ta thì sao? Có truyền thuyết cho rằng tên một đứa trẻ sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của nó nên cha mẹ rất thận trọng trong việc đặt tên. Và mỗi cái tên mang một ý nghĩa đặc biệt, không như ở Âu Mỹ, cái tên là do cha mẹ cho (given name) không có một ý nghĩa gì đặc biệt cả.

Tôi không hề biết rằng mãi cho đến thế kỷ thứ X ở Âu Châu mới bắt đầu hình thành tên họ và mãi đến thế kỷ XVI thì mới hoàn tất. Văn minh như nước Nhật cũng không có tên họ cho đến thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912). Tên họ ở Việt Nam thì hiện hữu khá sớm, từ đầu Công Nguyên là nước ta đã có tên họ rồi, chắc ảnh hưởng Trung Quốc vì bị Bắc thuộc cả 10 thế kỷ. Vì tên một đứa trẻ ảnh hưởng cả cuộc đời nên vấn đề đặt tên cho con thường là sự việc hệ trọng dành cho gia trưởng. Người Bắc và người Trung thường tìm những tên đẹp đẽ cho con. Con trai được mang tên của núi non hùng vỹ hay những đức tính của đấng trượng phu quân tử, thường có chữ lót là Văn: Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Văn Quân, Hà Văn Hải, … Con gái thì có tên đẹp như những loài hoa, hay những đức tính dịu hiền của người thục nữ, thường có chữ lót là Thị có nghĩa là nữ: Hồ Thị Đoan Trang, Lý Thị Tường Vi, … Thị của ta giống chữ ko, âm cuối của tên người phụ nữ Nhật như Aiko, Hanako, Akiko, Haruko hay Masako là tên của đương kim Hoàng hậu Nhật Bản. Thái hoàng Thái hậu tên Michiko, là người con dâu thường dân đầu tiên của hoàng triều Nhật, vợ của Nhật Hoàng Akihito. Nhưng hình như ngày nay người Nhật, cũng như người Việt, không để ý đến thông lệ này nữa. Bạn tôi kể vì tên chị không có chữ Thị nên họ tưởng con trai và năm lần bảy lược kêu réo trên đài nhắc nhở phải trình diện để làm nghĩa vụ quân dịch thập niên 1950. Cuối cùng chị phải đến trình diện!

Người miền Nam thì bản chất bình dị trong cuộc sống nên tên gọi cũng giản dị hơn hai miền kia. Có nhiều tên nghe rất vui tai như Trần Thị Hết, là tên em bé nghèo trong bức ảnh nằm trong cái hộp giấy nắm tay anh là thằng bé chưa đầy 10 tuổi trên vỉa hè đường phố. Bé Hết này số chưa hết nên có gia đình Mỹ thấy bức ảnh, tìm được bé đem về Mỹ nuôi.

Có người tên Út vì gia đình không muốn thêm con nhưng rồi trời cho thêm nên có Út Chị, Út Em, Út Anh. Tôi nhớ dì tôi sinh liền 10 người con trai, ba anh sau có tên chơi (nick name) là Ghi Anh, Ghi Em và Ghi Út! Lại có nhà tưởng thôi được rồi nên đặt là Bé Thôi đâu ngờ nhà vẫn còn phúc con nên lại có thằng Nữa hay con Nữa nữa, vui chưa! Nhiều gia đình thì cố tình tìm những tên xấu đặt cho con vì nghĩ tên xấu dễ nuôi. Ôi! Đầu óc bình dị của người bình dân rất dễ thương. Nói đến tên xấu, tên tốt làm tôi nhớ chuyện một người bạn Bắc kỳ, GS Kim Oanh, nhắc rằng nhiều gia đình hiếm muộn ngoài Bắc thường hay đến đình, chùa cúng bái cầu con và nếu lời cầu ứng nghiệm thì có gia đình tìm tên thật xấu vì sợ ma quỷ để ý, có gia đình lại tìm tên thật tốt đặt cho đứa con cầu tự mong sau này đứa bé thành công như ý nguyện mang lại vẻ vang cho giòng họ! Khi tôi đến thăm Chùa Hương ở động Hương Sơn năm 2008, tôi rất bực thấy cô hướng dẫn chỉ nơi bái lạy cầu con, con gái cầu bên này, con trai bên kia! Nơi đây có truyền thuyết bà Chúa Ba ẩn dật tu hành và thành Phật. Phong cảnh thiên nhiên ở hang động tuyệt đẹp. Chúa Trịnh Sâm ban tặng là Nam Thiên đệ nhất động, mà cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thi nhân mà tôi vẫn còn nhớ bài Hương Sơn Phong Cảnh của Chu Mạnh Trinh từ hồi Trung học Đệ nhất cấp:

Bầu trời, cảnh Bụt,

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.

Kìa non non, nước nước, mây mây,

“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lửng lơ khe Yến, cá nghe kinh.

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng…..

Đệ nhất động uy nghi nên thơ như vậy mà khuyến khích người ta đến lễ lạy cầu con thật là đáng tiếc. Người miền Bắc dường như còn mê tín dữ lắm.

Tên họ những người xuất thân ở Huế thì hơi phức tạp vì vị vua đời thứ hai của triều Nguyễn, vua Minh Mạng, muốn con cháu trực hệ có thể nhận biết nhau nên đặt ra một hệ thống tên cho con cháu của mình và con cháu của anh em mình. Vua cũng nghĩ đến hệ thống hóa tên con cháu các chúa Nguyễn, tổ tiên của các vua. Bài viết: “Các thứ hệ về cậu tôn và các mệ” của Tôn Thất Hứa ở Đức quốc giải thích đầy đủ về giòng vua và giòng chúa và những bài thơ của vua Minh Mạng đặt tên cho hoàng tộc. Xin trích dẫn phần “Nguồn Gốc” của bài viết để bạn đọc có một khái niệm về đại gia đình vua chúa ở Huế: “Họ Nguyễn Phước hay Tôn Thất phát xuất tại làng Gia Miêu Ngoại Trang, tổng Thượng Ban, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Vào năm 1803, vua Gia Long đổi Gia Miêu Ngoại Trang thành Quý Hương và Tống Sơn thành Quý Huyên. Dòng họ Tôn Thất thật ra cũng bắt đầu từ họ Nguyễn Văn dưới triều Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng Đế Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) con của Nguyễn Hoàng (1613-1635) được đổi thành Nguyễn Phước. Thân phụ của Triệu Tổ Tịnh Hoàng Đế Nguyễn Kim tên là Nguyễn Văn Lưu.

Dưới triều vua Minh Mạng (1823), nhóm bà con thân thuộc đi theo Nguyễn Hoàng bành trướng lãnh thổ đến cực nam của nước Việt Nam hiện tại được mang họ Tôn Thất Nguyễn Phước. Những bà con thân thích ở lại miền Bắc thì mang họ Công Tánh Nguyễn Hựu. Hiện nay giản dị hóa trên giấy tờ chỉ còn vỏn vẹn Tôn Thất hay Nguyễn Hựu.” Ở đây chỉ xin nói qua Đế Hệ Thi của vua Minh Mạng, bài thơ gồm 20 chữ để đặt tên cho 20 đời nối tiếp nhau mà con trai thôi kể từ vua Thiệu Trị:

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Tường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương

Ông hoàng nào cũng có tên đôi gồm chữ đầu là tên chung của cả thế hệ, chữ thứ hai là tên riêng của mỗi người. Ví dụ con trai vua Minh Mạng đều mang chữ Miên và một tên riêng. Vua Thiệu Trị có tên húy là Miên Tông. Con trai vua Thiệu Trị và anh em đều mang chữ Hường hay Hồng và một tên riêng. Tên húy của vua Tự Đức là Hồng Nhậm, v.v. Rõ ràng vua Minh Mạng hy vọng ngôi báu sẽ truyền được 20 đời mà đời nào cũng thịnh vượng như nghĩa của 20 chữ của bài thơ. Buồn thay cho vua Minh Mạng, nhà Nguyễn chỉ truyền đến 5 đời, đến chữ thứ năm của câu thứ nhất! Vĩnh Thụy là tên của Hoàng Đế Bảo Đại, nhà vua cuối cùng. Công nương thì chỉ có tên cho ba đời là Công Tôn Nữ Thị ngang hàng với Ưng, Công Tằng Tôn Nữ Thị ngang hàng với Bửu, và Công Huyền Tôn Nữ Thị ngang hàng với Vĩnh.

Vua Minh Mạng cũng không quên anh em ruột của mình. Vua làm 10 bài thơ Phiên Hệ cho gia đình 10 hoàng tử anh em, kể từ Hoàng Tử Cảnh được biết là Tăng Duệ Hoàng Thái Tử, con trai trưởng của vua Gia Long mất sớm vì bệnh đậu mùa:

Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Linh Nghi Hàm Tốn Thuật

Vy Vọng Biểu Khôn Quang

Tôi chỉ muốn nêu ra bài phiên hệ này vì ai cũng biết Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, vị hoàng thân lãnh đạo phong trào Cần Vương, là cháu đời thứ tư của Hoàng Tử Cảnh, đích tử của vua Gia Long. Cùng với chí sĩ Phan Bội Châu, ông cổ động sĩ tử sang du học ở Nhật để về giúp nước dành độc lập từ tay thực dân Pháp. Ông mang chữ Cường tên Để. Hai người con trai của ông mang chữ Tráng, Tráng Đinh, Tráng Liệt. Hậu duệ của các Chúa thì được gọi là Tôn Thất, Tôn Nữ và tên riêng.

Ngoài giòng họ hoàng tộc, ở Huế cũng có nhiệu họ tộc nổi tiếng ai cũng biết như giòng họ Thân Trọng, Hồ Đắc, v.v. Nhiều đời có con cháu đỗ đạt hay làm quan to. Ngoài Bắc thì có giòng họ Nghiêm Xuân ở làng Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội; họ Phó ở xã Đa Nguyên, huyện Vân Giang, tỉnh Bắc Ninh. Miền Nam thì có giòng họ Phan Thanh, giòng dõi cụ Phan Thanh Giản, người tuẫn tiết vì không ngăn được quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây và gia đình Nguyễn Hữu của Hoàng Hậu Nam Phương, giàu có nhất nhì ở Lục Tỉnh.

Ở Huế có ông Giáo Ánh (không biết tên họ thật) chuyên về chiết tự tên họ và thường khuyên thân chủ phải đổi tên để hy vọng cuộc đời bớt gian truân! Gần đây em của người bạn thân kể với tôi là khi còn nhỏ em hay đau yếu. Cứ ra nắng là bệnh nên em không hề ra khỏi nhà. Người nhà mời ông Giáo Ánh xem cái tên có ảnh hưởng gì không thì ông phán rằng em họ Dương, có nghĩa là lên, là tốt nhưng tên Hạ là xuống, là dưới, tất xấu nên phải đổi tên. Nghe vậy gia đình cũng ngại nên đổi dấu nặng thành dấu huyền và em có tên mới là Hà, là dòng sông, là nước thì tốt hơn nhiều. Không biết có phải nhờ đổi tên mà sau này sức khỏe em khá hơn, lớn lên cũng bình thường và khi di tản sang Mỹ thì tên mất dấu, chỉ là Ha Duong và em đổi đời! Nhân nói về cái tên ảnh hưởng cuộc đời, em Hà kể cho tôi nghe câu chuyện lý thú mà em đóng vai thầy mò khuyên người bạn đổi tên! Khi đổi đến một ngôi trường ở Diên Khánh thuộc Nha Trang, em gặp một đồng nghiệp, anh Thống, than van là từ ngày cưới vợ, bà vợ đau yếu hoài làm anh quá vất vả vì lương tiền không đủ thuốc thang. Cô Hà nhớ chuyện ông Giáo Ánh đổi tên mình nên nói với anh Thống rằng Thống là thống khổ. Tên Thống không tốt vì mấy ông thầy thuốc Bắc hay nói “Thông bất thống, thống bất thông” nên khuyên anh bỏ dấu sắc thành tên Thông thì được hạnh thông tất cả! Em nói sau đó thì chạy loạn em không gặp lại, không biết ông Thống có đổi tên không. Đây là lần thứ hai tôi nghe về ông Giáo Ánh. Lần thứ nhất là năm 1962, sau khi chị tôi mất vì bệnh nan y ở tuổi 29, em gái tôi xin về Huế chơi cho khuây khỏa. Em gặp ông Giáo Ánh tại nhà một người bạn thân. Gia đình này mời ông thầy chiết tự đến để hỏi xem tại sao gia đình gặp hoạn nạn liên miên. Nhân thể em tôi cũng đưa tên năm anh em nhờ thầy coi giùm. Ông thầy nói rõ ràng rằng tên của năm anh em ngược ngạo quá nên sau này sẽ có người đi ăn mày. Ông còn nói nếu một trong năm người là con nuôi thì rất tốt, nếu không thì một trong năm anh em không thọ. Em tôi biến sắc hỏi dồn không thọ là người nào. Ông hỏi tên cha chúng tôi rồi nói ra người không thọ là chị tôi vì tên chị khắc tên cha! Em tôi sợ lắm về nhà đề nghị anh và em trai tôi đi đổi tên vì em tên Căn mà anh tên Quả thì không thuận. Phải căn trước mới có quả. Không hiểu sao ông nội chúng tôi đặt tên ngược như vậy. Âu cũng là nghiệp báo. Ông Giáo Ánh cũng đề nghị tôi phải đổi tên vì, ông giải thích, hoa quỳnh chỉ có màu trắng (ở Việt Nam ngày trước), mà Hoàng (họ) là vàng. Trong thực tế thì không có hoa quỳnh màu vàng cho nên cuộc đời sẽ rất vất vả. Lúc đầu tôi cũng hơi lo lắng nhưng rồi cũng quên đi. Mấy năm sau tôi định cư ở Mỹ và cuộc đời cũng không vất vả lắm chắc vì ở Mỹ thì hoa quỳnh có nhiều màu kể cả màu vàng. Anh tôi có ý sợ muốn đổi tên vì anh nói thằng em là bác sĩ không thể đi ăn mày được.

Em trai tôi thì nói còn anh là hoa tiêu sông Sài Gòn, lương gấp bao nhiêu lần lương bác sĩ, sao anh có thể nghèo được. Mà thật vậy, hồi đó lương một ông đậu đạt ở ngoại quốc về làm giám đốc hãng Shell chỉ $30,000 đồng một tháng (một ông bạn cho tôi thông tin này). Lương giáo sư chừng 5 hay 6 ngàn, anh tôi lãnh cả triệu đồng. Mấy ông hoa tiêu được các hãng tàu ngoại quốc trả bằng US dollars, tính ra VN đồng là bạc triệu. Ông Giáo Ánh cũng khuyên em gái tôi đổi tên nhưng rồi không ai đổi tên cả và khi qua Mỹ làm lại cuộc đời thì gia đình ai cũng bình an. Nhưng cũng lạ là có thể nói anh tôi là tỷ phú ở Việt Nam. Khi Sài Gòn thất thủ, anh mất hết nên khi sang được Mỹ thì gia đình anh chị phải vất vả làm lại từ đầu. Em trai tôi cũng làm lại từ đầu nhưng chỉ mấy tháng là hắn lấy lại được bằng bác sĩ ở Mỹ và lương rất lớn, mấy trăm ngàn một năm trong khi ông anh, vì chưa có quốc tịch nên không được hành nghề hoa tiêu mà phải làm việc với số lương tối thiểu. Anh chị tiêu pha tiện tặn thấy rất thương nhưng hai ông bà vui vẻ chấp nhận vì không phải bực mình mỗi ngày với sự kềm kẹp bần tiện của chính quyền Cọng sản. Anh chị kẹt lại ở Sài Gòn một năm nên nếm đủ. Nếu năm xưa hai anh em đổi tên cho nhau, lúc ông Giáo Ánh khuyến cáo, thì không biết có gì thay đổi không. Tôi thì vẫn tin nhân quả, nghiệp báo. Mình không làm gì hại ai thì đời mình cũng không phải lận đận long đong lắm. Khi sang định cư ở Mỹ, anh chị tôi không là tỷ phú nữa nhưng gia đình vẫn hạnh phúc, con cháu học hành đỗ đạt, trên thuận dưới hòa thiết tưởng không còn mong cầu gì hơn.

Công việc đặt tên cho con cái ở Việt Nam không còn quan trọng như xưa nữa và cái tên cũng không còn ý nghĩa gì, chỉ là một tên gọi thôi, hay muốn đặt tên con để kỷ niệm một sự kiện nào đó hay để nhớ một ai đó thôi, không có gì quan trọng. Cứ nghĩ những sĩ tử thời phong kiến phải nhớ tên của nhiều thế hệ vua chúa để không phạm húy mà thấy tội. Học hành đỗ đạt đã khó. Ba năm mới có khoa thi một lần mà còn phải nhớ bao nhiêu tên để không phạm húy thì thật là cái khổ chồng chất! Phạm húy là vô tình dùng tên nằm trong danh sách cấm trong bài viết của mình là bị loại liền dù bài viết hay mấy cũng không được cứu xét! Chắc thông lệ này cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Những gì vay mượn từ Trung Quốc, ta nên trả về hết cho Trung Quốc từ nay.

Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa

Related posts