Đức Duy
Xét về lợi nhuận hay an toàn vĩ mô, cơ hội tại Hoa Kỳ đang cao hơn Trung Quốc rất nhiều lần, xét cả trong lịch sử dài hạn và tương lai gần. Nhưng dù vậy, các ông lớn Phố Wall thân Bắc Kinh dường như chưa chấp nhận nổi sự thật rằng họ có thể mất hàng tỷ USD tiền lợi nhuận cho chính quyền Bắc Kinh. Bắc Kinh đang bán cho người Mỹ chiếc thòng lọng mà họ sẽ dùng để siết cổ người Mỹ nếu người Mỹ không sớm tỉnh lại.
Việc Kabul rơi vào tay Taliban hôm 15/08 là một cú sốc đối với thế giới, cũng như hình ảnh những chiếc máy bay chở hàng của Mỹ đang loạng choạng trên đường băng trong “thất bại” dưới tay Taliban. Tuy nhiên, không hề có chuyện Taliban thực sự đánh bại được Mỹ, kiểu như đánh bại Mỹ để có tự do.
Và Mỹ tiếp tục là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cả về kinh tế và quân sự. Taliban sẽ phải vật lộn để tự kiếm ăn trong những tháng tới, Mỹ có thể sẽ giúp họ làm như vậy. Dù đó là vì điều tốt đẹp hơn hay tệ hơn, Mỹ vốn là kiểu ‘đàn anh’ như vậy.
Quan trọng hơn cả thất bại ở Afghanistan, Mỹ đang quay trở lại với mới mối quan tâm lớn nhất, quan trọng nhất của mình: Trung Quốc. Sau 20 năm đánh bại Taliban và tiêu diệt những kẻ khủng bố khác ngay trên sân nhà của chúng, đã đến lúc người Mỹ phải chấp nhận rằng nền dân chủ mà Mỹ tìm kiếm cho người Afghanistan đã không thành hiện thực. Đã đến lúc tiếp tục và thể hiện sức mạnh và cơ hội của nền dân chủ ở những nơi khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh, quốc gia ủng hộ Pakistan và Taliban của họ trong suốt cuộc chiến, đang cố gắng tiến xa hơn và mô tả sự thất thủ của Kabul như một bằng chứng về sự thất bại không chỉ của Mỹ mà còn về sự suy giảm lâu dài của Hoa Kỳ. Điều này cách quá xa với sự thật, ít nhất là vào lúc này.
Nhìn vào kết quả hoạt động của chứng khoán trong thập kỷ qua để thấy rằng không chỉ Mỹ đánh bại Trung Quốc, mà Mỹ cũng đang đánh bại cả Âu Châu. Cùng với nhau, Mỹ và Âu Châu đang bỏ rơi Trung Quốc trong cát bụi. Chính sách quản lý thất thường, thuế cao và đàn áp khu vực tư nhân, Trung quốc đang khiến dòng tiền thông minh của thế giới sợ hãi.
Đúng là kể từ khi Kabul sụp đổ hôm 15/08, chỉ số của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) đã vượt S&P 500 của Hoa Kỳ khoảng 1%. Đại dịch tấn công chứng khoán Hoa Kỳ nặng hơn chứng khoán Trung Quốc.
Nhưng hãy nhìn xa hơn. Kể từ năm 2011, S&P đã tăng 260%, đánh bại mức tăng 27% chỉ số chứng khoán Thượng Hải là SSE với bội số hơn 9 lần. Và đến tháng 08/2020, S&P đã hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và quay trở lại mức tăng trưởng ở quy mô tầm cỡ Hoa Kỳ.
Chứng khoán Trung Quốc đang hạ thấp chỉ số thị trường mới nổi (EM), bao gồm Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Những thị trường này tụt hậu sau cổ phiếu của Hoa Kỳ, nơi vốn có lợi thế là tồn tại trong một hệ thống pháp quyền hoàn thiện tôn trọng tài sản. Mọi người muốn đặt tiền của họ ở nơi an toàn và có thể sử dụng được, và nó an toàn hơn ở các nước tư bản có lịch sử tích lũy của cải, hơn là ở các nước cộng sản có lịch sử bắt các nhà tư bản làm con tin.
Các nhà đầu tư quốc tế chỉ được hưởng lợi khi họ có thể tự do rút tiền kiếm được, điều này không xảy ra ở các nước độc tài chuyên chế như Trung Quốc và Venezuela. Các biện pháp kiểm soát vốn ở những quốc gia đó khiến các khoản đầu tư của họ mãi mãi, hoặc gần như vậy, là một khoản quyên góp cho chính quyền độc tài hoặc chỉ là món tiền đặt chỗ. Lợi nhuận thường không thể dễ dàng hồi hương từ các quốc gia như vậy.
Theo Financial Times, chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng trở lại 356% trong 10 năm qua, đánh bại lợi nhuận của Âu Châu là 188% và thị trường mới nổi (chỉ số MSCI EM) là 66%. Điều đó khiến 10 năm qua trở thành một thập kỷ mất mát đối với các thị trường mới nổi, và đặc biệt là đối với các nhà đầu tư ở Trung Quốc.
Theo Times: “Đầu năm 2021, các nhà đầu tư toàn cầu đặt cược vào sự phục hưng kinh tế và giá hàng hóa tăng cao (do cầu phục hồi). Trong bối cảnh lạc quan như vậy, chỉ số cổ phiếu các nền kinh tế mới nổi vẫn ỳ ạch và đi ngược với giá cổ phiếu các thị trường phát triển. Tại sao? Vì Trung Quốc, thị trường nơi đóng góp lớn vào chỉ số các thị trường mới nổi, đã đàn áp doanh nghiệp tư nhân công nghệ, giáo dục. Kết quả là, chỉ số MSCI EM đã giảm thêm 1.4% trong năm nay, ngay cả khi hầu hết các thị trường khác đã tăng vọt.”
Tờ Times tiếp tục, “Cuộc đàn áp của Bắc Kinh [đối với các công ty công nghệ và giáo dục, chẳng hạn] đã khiến thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 10% kể từ đầu tháng Bảy và chỉ số CSI 300 trong nước đã giảm 6.4%.”
CSI 300 mô phỏng lại hiệu suất vốn hóa của Thị trường chứng khoán Thượng Hải và 300 cổ phiếu hàng đầu của Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
Ngược lại, vaccine ở Hoa Kỳ và Âu Châu đang cho phép mở cửa và tăng trưởng kinh tế, có thể thu hẹp khoảng cách trước đó về tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc cao hơn phương Tây. Các chính phủ ngày càng lo ngại về việc cho phép đầu tư và thương mại với Trung Quốc do nước này tương đối thiếu các tiêu chuẩn kế toán, cũng như các sai sót về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Trung Quốc ghi điểm kém về các chỉ số này, điều mà các nhà đầu tư có lương tâm ngày càng chú ý.
Nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều cuộc đàn áp chống tư bản từ Bắc Kinh, khiến cổ phiếu Trung Quốc không thể đầu tư được, và làm thức tỉnh những nhà đầu tư vốn cổ vũ cho họ và chỉ cổ vũ một cách nửa vời cho Trung Quốc.
Dù vậy, Phố Wall vẫn tồn tại những ông lớn lạc quan về Trung Quốc như Goldman Sachs, Ngân hàng Standard Chartered và BlackRock, các ông lớn làm ăn nhiều với Trung Quốc và vì vậy có thể chỉ là một chút không tiếp nhận được sự thật này cũng như xu hướng bài xích Trung Quốc ngày một rõ ràng. Các ông lớn này vẫn tiếp tục bơm cho đất nước độc tài.
Ông Peter Oppenheimer của Goldman nói với Times: “Hiện có rất nhiều cơ hội. Với việc các thị trường mới nổi đã giảm giá như thế nào, nếu lo ngại về biến thể Delta giảm nhẹ một chút và chúng tôi không nhận được các biện pháp can thiệp chống thị trường đáng kể hơn ở Trung Quốc, tôi nghĩ sẽ có một sự phục hồi hợp lý.”
Goldman là một trong 20 nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ tại Trung Quốc, với giá trị xấp xỉ 17.4 tỷ USD theo một tài liệu của chính phủ năm 2021, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các nhà phân tích của họ đánh giá lạc quan về khoản tiền đầu tư mà họ đã quyết định.
Ông Eric Robertson của Standard Chartered cho biết trong một ghi chú, “Chúng tôi tin rằng sự bi quan về tăng trưởng này đã quá mức và rằng tài sản EM có vẻ hấp dẫn. Thời gian có thể vẫn còn sớm, nhưng chúng tôi đang tìm kiếm thời điểm thâm nhập.”
Tuy nhiên, gần đây hôm 24/08, giám đốc thông tin của Standard Chartered Wealth Management cho biết họ thích thị trường Hoa Kỳ và Âu Châu hơn các thị trường mới nổi, và trong các thị trường mới nổi, họ thích Ấn Độ hơn Trung Quốc.
Hôm 17/08, bà Wei Li của BlackRock nói với tờ Times rằng “Trung Quốc không chỉ ít được đại diện trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu, theo quan điểm của chúng tôi, mà còn cả trong các tiêu chuẩn toàn cầu”. Viện Đầu tư BlackRock (nơi bà Wei Li làm viện trưởng) khuyến nghị phân bổ gấp đôi hoặc gấp ba dòng vốn đầu tư vào các tài sản tài chính Trung Quốc trong các danh mục đầu tư toàn cầu đa dạng. Trong chỉ số MSCI All-World, điều đó có nghĩa là tăng tỷ trọng từ 4.2% hiện tại lên khoảng 10%.
Đó là một số tiền lớn so với tổng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Các nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Hoa Kỳ, bao gồm các công ty cổ phần tư nhân và hưu trí nhà nước, đã đầu tư 2.3 ngàn tỷ USD vào Trung Quốc, theo dữ liệu của chính phủ. Tăng gấp ba lần điều đó sẽ làm tăng vốn của Hoa Kỳ đang gặp rủi ro ở Trung Quốc lên gần 7 ngàn tỷ USD.
Các ngân hàng đầu tư vào Trung Quốc càng nhiều tiền, họ sẽ càng gây áp lực lên Washington nếu các nhà đầu tư Mỹ tiếp tục dễ dãi với quốc gia độc tài này. Dễ dãi có nghĩa là Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy ranh giới lãnh thổ của mình chống lại các đồng minh của Hoa Kỳ. Liệu các nhà đầu tư Mỹ có thể im lặng trước sự lấn lướt của Trung Quốc, thậm chí vỗ tay để tán dương Trung Quốc vì hành động trộm cắp sở hữu trí tuệ khiến Mỹ mất tới 600 tỷ USD mỗi năm?
BlackRock là nhà đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ tại Trung Quốc, theo dữ liệu của chính phủ được trích dẫn trước đây, với khoảng 155 tỷ USD đã được BlackRock đầu tư tại nước này. Liệu số vốn gặp rủi ro đó có liên quan gì đến việc BlackRock hỗ trợ các nhà đầu tư khác tăng gấp đôi hoặc gấp ba khoản đầu tư vào nước này không? BlackRock chắc chắn sẽ tìm cách bán các tài sản đầu tư của mình một cách suôn sẻ. Nhân viên y tế phun thuốc sát trùng bên ngoài cổng chính của Tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 03/02/2020. (Ảnh: Yifan Ding / Getty Images)
Vào năm 2021, các nhà đầu tư đã đầu tư 81 tỷ USD vào các quỹ đầu tư cổ phần của thị trường mới nổi. Điều này này thiết lập kỷ lục dòng vốn đổ vào EM kể từ năm 2010.
Điều mà các nhà đầu tư và các ngân hàng lớn này không tính đến là họ đã đặt rủi ro chính trị vĩ mô ở cuối cùng. Một khi Trung Quốc được bơm căng về kinh tế thông qua đầu tư và công nghệ của Hoa Kỳ, quân đội của họ sẽ mạnh hơn quân đội Hoa Kỳ, và tại thời điểm đó, Trung Quốc sẽ ở vị thế dần dần xói mòn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên toàn cầu.
Dân chủ, tự do và chủ nghĩa tư bản, có thể trở thành dĩ vãng. Tất cả hàng tỷ USD mà các ngân hàng lớn nghĩ rằng họ kiếm được từ Trung Quốc sau đó sẽ thuộc về Trung Quốc. Chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng, và sẽ không còn các chủ ngân hàng Hoa Kỳ, và không còn các tài khoản ngân hàng chứa đầy thu nhập từ Trung Quốc của họ.
Hoa Kỳ sẽ bán cho Trung Quốc sợi dây mà họ treo cổ chúng ta, và đó sẽ là dấu chấm hết cho dân chủ và tự do.
Tuy nhiên, tôi không chắc rằng các chủ ngân hàng Hoa Kỳ có tầm nhìn vượt qua vài quý tài chính tiếp theo, hoặc phối hợp đầy đủ thông qua các biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với các khoản đầu tư vào Trung Quốc, để hành động một cách chiến lược và tránh trường hợp đáng tiếc đó.
Đức Duy
(Theo The Epoch Times)
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).