Ở Việt Nam mình, nhiều người bị coi thường hay khinh bỉ, gán cho hai chữ ‘nhà quê’, vỏn vẹn chỉ vì bản tánh hiền lành mộc mạc, lo cày cấy, kiếm miếng cơm manh áo, rồi lơ là trong việc chưng diện phấn son.
Nhiều lần tui cũng bị người ta chê lên chê xuống ‘quê ơi là quê’, nhất là vụng về trong cách ‘tán nàng’. Mấy công tử hào hoa thì mua hoa hồng, hoa lan ̣đắt tiền tặng mấy nàng lúc xuân đang đến, hay đi nhà hàng sang trọng có người hầu kẻ hạ, còn tui thì ‘mặt dày mày dạn’ mời nàng đi ăn bắp luộc, hay bò bía trên vỉa hè.. hehehe.
Lúc đầu tui thấy mình quê quê thật, và mong có ngày mình cũng văn minh như người ta. Nhưng khi lớn lên rồi, thì tôi bắt đầu yêu chữ ‘quê’ này vì nó gợi trong tâm hồn tôi những rung cảm nhẹ nhàng của ‘quê mình’.
Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề
Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng xưa
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây anh chờ em về. (Trịnh Hưng)
Chỉ mường tượng đến túp lều tranh với khói lam chiều, chùm tre xanh cao vời vợi, đình làng và cô gái quê với mái tóc thề bay bay trên đồng ruộng bao la trong cơn gió chiều, đang múc ánh trăng vàng đổ đi… tự dưng tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng thanh thản, không còn phiền lụy vào sự phức tạp của người đời.
Lâu lắm rồi không được ngắm trăng quê
Trăng đẹp lắm làm mê người xa xứ
Quê hương tôi đang đắm say giấc ngủ
Bước lặng thầm đường cũ ánh trăng ru. (Đặng Minh Mai)
Hôm nay, trong cái lạnh lùng trống trải của lockdown, tôi mơ về quê nhà qua tách café, mỉm cười tự nhủ: dù trời cho mình có giàu sang phú quý đến mấy, hay làm mây lang thang trôi dạt bốn phương trời, nhưng tôi cũng không thể ̣để mất đi trong tâm hồn mình hình ảnh ‘quê nhà’.