11-9-2021
Báo Công an Nhân dân khẳng định đây là vắc xin bản địa của UAE. Bằng chứng: “Vaccine bản địa đầu tiên của UAE mang tên Hayat-Vax, tiếng Ả rập, Hayat có nghĩa là ‘sự sống’ và được hiểu là vaccine của sự sống.” (1)
Website chính thức của VTV cũng có câu tương tự: “Vaccine bản địa đầu tiên của UAE mang tên Hayat-Vax, tiếng Arab, Hayat có nghĩa là ‘sự sống’ và được hiểu là vaccine của sự sống.” (2)
Vậy theo một số trang báo chính thống của Việt Nam, vắc xin Hayat-Vax là do công ty của UAE sản xuất, là vắc xin nội địa của UAE.
Vấn đề tiếp theo là gì?
Là nếu coi Hayat-Vax là một vắc xin “độc lập”, thì nó chưa có tên trong danh sách phê duyệt sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO – tham khảo danh sách mới nhất được cập nhật ngày 19.8. (3)
Nếu theo các báo này, có nghĩa là Việt Nam nhập khẩu một sản phẩm vắc xin “chưa được WHO duyệt”.
Tham khảo website chính thức của Bộ Y tế Việt Nam thì thấy đoạn văn này: “Theo văn bản do Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký, vaccine Hayat-Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm.
Vaccine này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) – Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.” (4)
Như vậy, theo Bộ Y tế thì đây là vắc xin của Sinopharm (Bắc Kinh), cụ thể là loại mà TP.HCM mua 5 triệu liều và tiêm bữa giờ (tên gọi chính thức là BBIBP-CorV). Nghĩa là, tất cả quá trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tiền lâm sàng, lâm sàng và sản xuất vắc xin Hayat được tiến hành cùng với cái vắc xin “vô rô xeo” BBIBP-CorV đang được tiêm ở Việt Nam, khi sang UAE trộn thêm dược chất (?) và đóng gói thôi.
Nó cũng tương tự xe Toyota Camry ráp tại Nhật Bản rồi được nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam và cũng loại xe đó nhưng đưa linh kiện sang Thái Lan ráp rồi Việt Nam nhập từ Thái Lan vậy. (Tên gọi thì tùy theo thị trường mà có thể có tên gọi thương mại khác nhau, như xe Ford Everest khi bán tại Ấn Độ thì có tên Ford Endeavour vậy.)
Nếu theo thông tin từ Bộ Y tế, thì Hayat-Vax và “vê rô xeo” BBIBP-CorV là một, chỉ khác nơi “lắp ráp”. Do đó, việc liệt kê trong danh sách EUL của WHO chỉ làm một lần, thể hiện trên một mục (cho vắc xin chính chủ), có thể liệt kê thêm các phiên bản. Điều này cũng tương tự AstraZeneca và các phiên bản của nó.
Tham khảo thêm trang Vaccine Tracker (trang này minh bạch về ban biên tập, với thành phần nòng cốt là giảng viên Đại học McGill, Canada và Đại học Minnesota [the U of M] của Mỹ) thì thấy vaccine “vê rô xeo” BBIBP-CorV được thử nghiệm tại Trung Quốc và một loạt nước châu Phi, Argentina, Trung Đông, bao gồm có ba thử nghiệm tại UAE trước khi được duyệt. Vắc xin này cũng được công ty G42 Healthcare sản xuất (Hayat-Vax). (Nguyên văn: This vaccine is also manufactured by G42 Healthcare [Hayat-Vax]).
Như vậy, có cơ sở mạnh hơn để tin rằng Hayat-Vax là vắc xin Trung Quốc, của Sinopharm Bắc Kinh. Vắc xin này (BBIBP-CorV) đã có trong danh sách EUL của WHO.
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Là vắc xin Trung Quốc thì làm ơn viết rõ là vắc xin Trung Quốc, chứ không biến hóa thành “bản địa của UAE”. Ít nhất hai bài viết to đùng trên hai tờ báo chính thống mà không có một chữ “Trung Quốc” nào, trong khi lại hì hục nhấn nhá “bản địa”, thì có thể thấy cách đưa tin có vấn đề, thậm chí có thể đáng ngờ về động cơ.
Mình không chống vắc xin Trung Quốc. Mình không nói vắc xin Trung Quốc là dở, không nên tiêm (tiêm hay không tiêm là lựa chọn của mỗi người). Nhưng thông tin thì cần rõ ràng, minh bạch.
Thông tin mập mờ như vậy càng khiến người ta ngờ thêm, dù có ngợi ca rổn rảng như mê sảng: “Trong sự khát khao được sống của toàn nhân loại, tình yêu thương, sự nỗ lực đã gắn kết cả thế giới cùng nắm chặt bàn tay và trí tuệ loài người đã kết tinh thành các sản phẩm vaccine COVID-19, đây là loại vũ khí mạnh mẽ tấn công vào lớp bao vây của dịch bệnh.”
– Nguồn:
(3) https://extranet.who.int/pqweb/sites/default/files/documents/Status_COVID_VAX_19August2021.pdf