Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á bằng chuyến công du thứ hai của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới khu vực trong năm nay, bắt đầu bằng chuyến thăm ba ngày tới Việt Nam vào thứ Sáu (10/9).
Đây là nỗ lực mới nhất nhằm đối phó với Hoa Kỳ sau chuyến thăm châu Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Vương là quan chức cấp cao mới nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam kể từ tháng 4 và sẽ gặp người đồng cấp Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội trước khi đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung – Việt cùng Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.
Sau đó, ông Vương sẽ đến Campuchia để dự lễ khánh thành Sân vận động Quốc gia Morodok Techo do Trung Quốc tài trợ trị giá 160 triệu USD. Sau Campuchia, ông sẽ đến thăm Singapore và cuối cùng là Seoul vào thứ Ba để hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong và Tổng thống Moon Jae-in.
Chuyến công du châu Á mới nhất của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc diễn ra chỉ ba tuần sau khi bà Harris lên án các hành động bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông trong chuyến thăm Singapore và Việt Nam. Tại chuyến đi này, bà Harris nói rằng Trung Quốc tiếp tục “phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia.” Bà Harris cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với khu vực.
Xu Liping, một nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, lưu ý rằng các chuyến đi của Vương đến Việt Nam và Singapore có thể cho thấy rằng Bắc Kinh đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sau một loạt các chuyến thăm cấp cao của các quan chức Mỹ.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã trở thành Bộ trưởng trong nội các Hoa Kỳ đầu tiên của chính quyền Biden đến thăm Đông Nam Á, trong đó ông cũng chọn Singapore và Việt Nam là điểm đến của mình.
Tại Bắc Kinh hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết Bộ trưởng Ngoại giao dự kiến sẽ có các trao đổi chiến lược sâu sắc với 4 nước láng giềng. “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với bốn quốc gia này để… cùng bảo vệ chủ nghĩa đa phương cũng như công lý và công bằng quốc tế”.
Cheng Xiaohe, một chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết việc nâng cao lòng tin chiến lược, đặc biệt là với Việt Nam, sẽ là yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự của ông Vương.
Căng thẳng thỉnh thoảng bùng lên giữa Bắc Kinh và Hà Nội về tranh chấp trên Biển Đông, mặc dù hai bên đã nhiều lần cam kết giải quyết hòa bình các xung đột về tuyến đường thủy chiến lược này.
Cheng cho biết Bắc Kinh sẽ tăng cường trợ giúp, bao gồm cả đề nghị cung cấp vắc-xin cho Việt Nam. Hiện chỉ có 3,3% dân số Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và nhu cầu về vắc xin vẫn ở mức cao.
Ông nói: “Vắc xin của Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam và nếu Trung Quốc có thể cung cấp một số trợ giúp vào lúc này, điều đó cũng có thể giúp tăng cường lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc và Việt Nam.”
Bắc Kinh đã tăng cường cam kết với Hà Nội trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương. Hôm thứ Ba, Ủy viên Bộ Chính trị Triệu Lệ Dĩnh, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có một cuộc gặp gỡ trực tuyến với ông Trần Cẩm Tú, Chánh văn phòng cơ quan tương đương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã của Trung Quốc, hai bên đã đồng ý cải thiện trao đổi giữa các bên.
Hôm thứ Tư, thông qua liên kết video, quan chức số 4 của Trung Quốc Uông Dương nói với ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam để “tăng cường hợp tác cùng có lợi và đoàn kết chống đại dịch ”.
Các nhà quan sát cho biết phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ là một ưu tiên khác trong chuyến đi của Vương Nghị.
Tháng trước, xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi tăng 25,6% so với năm trước, đạt tổng cộng 294,32 tỷ USD. Con số này bao gồm 39,49 tỷ đô la Mỹ sang các nước thuộc ASEAN.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN cũng giảm 15,99% hàng năm xuống còn 6,71 tỷ USD vào tháng 8.
Xu cho biết Vương Nghị có khả năng thúc đẩy thực hiện sớm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – Hiệp định thương mại tự do lớn giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và ASEAN – nhằm loại bỏ 90% thuế quan và có thể thúc đẩy đáng kể thương mại trong khu vực.
Cho đến nay chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Campuchia phê chuẩn thỏa thuận và các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng nó có thể có hiệu lực vào ngày 1/1.
“Các cuộc thảo luận về khả năng hợp tác sau khi RCEP cũng có thể được nâng lên trong các cuộc họp của ông ấy ở Singapore,” ông Xu nói.
Tiến Minh (theo SCMP)