NHỜ ĐẠI DỊCH

Huy Lâm

Đối với phần đông chúng ta, một năm rưỡi qua quả thật là cơn ác mộng dài: cuộc sống hầu như bị đảo tung lên, những sinh hoạt rất đỗi bình thường trước kia thì nay bị coi là cấm kỵ, một cái bắt tay tỏ sự thân thiện cũng phải ngại ngùng e dè, cần đi đâu bên ngoài thì đi cho lẹ rồi rút về nhà ngay chứ không dám la cà như trước nữa.

Tuy nhiên, đối với những người mới được làm cha trong thời đại dịch bỗng dưng có được thời gian ở nhà thì đó lại là một điều thú vị, vì họ có được thêm nhiều thì giờ để chăm sóc con và làm những công việc nhà. Họ cũng có được cơ hội để nhìn kỹ hơn cuộc sống mới trong tương lai mà ở đó họ có thể kết hợp công việc sở cùng với những sinh hoạt gia đình theo cách mà trước đây họ khó có thể thực hiện được. Và những ông bố này nói chung còn rất trẻ và họ còn tới 30, 40 năm nữa để giữ vai trò vừa là một người cha vừa là một người đi làm. Để kết hợp hai vai trò này trong cuộc sống mới về cơ bản có thể sẽ rất khác so với cuộc sống trước đây khi người cha thường làm nhiều giờ ở ngoài hơn và ít có mặt trong những sinh hoạt liên quan tới gia đình, chẳng hạn một bữa cơm tối ở nhà hay tham gia những sinh hoạt học đường của con cái.

Khi biện pháp hạn chế và đóng cửa được thực hiện trong thời gian đại dịch thì những ông bố với công việc có thể làm ở nhà thì họ lại có được nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Đây là sự thay đổi rất lớn đối với họ nhất là sau khi vợ sinh con. Những bà mẹ ở Mỹ trung bình được nghỉ làm 10 tuần sau khi sinh nở, trong khi những ông bố ở Mỹ chỉ được nghỉ một tuần.

Trước khi có đại dịch, thông thường các ông bố thường dành ít thời gian ở nhà hơn là các bà mẹ vì họ mất nhiều thời gian cho công việc làm ở sở để có thể trang trải chi tiêu cho gia đình. Nhưng trong thời gian đại dịch vừa qua, nhiều ông bố được phép làm việc ở nhà, vì vậy họ có nhiều thời gian với gia đình hơn và họ hiểu rõ hơn gánh nặng chăm sóc con cái và công việc nhà mà các bà mẹ thường phải gánh vác.

Ngoài việc phụ giúp chăm sóc con cái trong lúc đại dịch, các ông bố còn phụ tay thêm trong các công việc nhà. Mặc dù trong thời gian đại dịch, những đứa con phải học ở nhà thay vì ở trường, thì công việc nhà do đó đẻ ra thêm cho cả hai cha mẹ, nhưng bên cạnh đó thì phần đóng góp của các ông bố cũng tăng cao hơn và nhờ vậy mà việc phân chia công việc nhà giữa các ông bố và các bà mẹ cũng tương đối bình đẳng hơn so với trước đây. Kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các cặp vợ chồng nói rằng họ phân chia công việc tương đối đồng đều đã tăng từ 26 phần trăm trước đại dịch lên 41 phần trăm vào tháng 4 năm 2020.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc phân chia công việc nhà, trận đại dịch vẫn mang đến nhiều khó khăn cho các bà mẹ. Giống như các ông bố, công việc nhà và công việc chăm sóc của các bà mẹ đã tăng thêm nhiều, và hơn nữa, nhiều người trong số họ mất việc làm hoặc phải nghỉ làm, khiến cho tỷ lệ phụ nữ Mỹ đi làm tăng đều đặn trong nhiều thập niên qua đã bị khựng lại. Nghiên cứu cũng chỉ cho thấy rằng khi trận đại dịch tạo ra một vai trò nội trợ mới là trông nom và dạy học cho con ở nhà, có nhiều khả năng là các bà mẹ sẽ nhận thêm vai trò đó hơn là các ông bố.

Tuy nhiên, công bằng mà nói việc các ông bố chịu lãnh thêm trách nhiệm cho công việc nhà đã là một tiến bộ đáng khích lệ.

Đối với các ông, có nhiều bằng chứng cho thấy tạm nghỉ làm để trông con sau khi đứa bé mới sinh ra có thể mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của họ. Chẳng hạn, với những ông bố nghỉ làm khi con mới sinh cho thấy là họ gần gũi nhiều hơn với con trong 5 năm đầu tiên trong đời của đứa bé và có mối quan hệ tốt đẹp hơn với con họ khi đứa bé được 9 tuổi. Cũng có bằng chứng cho thấy có nhiều khả năng những ông bố này chia sẻ công việc nhà nhiều hơn trong tương lai và ít có khả năng ly dị trong khoảng thời gian 15 năm sau khi có đứa con.

Theo ý kiến của Richard Petts, giáo sư môn xã hội học tại Đại học Ball State, lý do đằng sau những lợi ích mà họ nhận được đó đơn giản là vì họ có nhiều thì giờ ở nhà hơn. Những khoảng thời gian ở nhà này cho phép các ông bố gắn kết với đứa con, cũng như học cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong việc làm cha làm mẹ. Mặc dù người ta vẫn thường cho rằng các bà mẹ, một cách tự nhiên, là người chăm sóc con tốt hơn, nhưng sự thật thì không ai thật sự biết phải làm gì khi lần đầu tiên họ mang đứa bé về nhà. Thời gian nghỉ làm cho các ông bố cơ hội để tìm hiểu và học hỏi những công việc đó.

Một điều không may là nhiều ông bố đi làm ở Mỹ thường không có cơ hội để trải nghiệm những điều nói ở trên, một phần là vì nhiều hãng xưởng không trả lương cho họ nghỉ ở nhà sau khi có con. Nhiều bà mẹ ở Mỹ cũng nằm trong hoàn cảnh này. Theo Cục Thống kê Lao động, chỉ có khoảng một phần năm những người đi làm ở Mỹ là được hưởng quyền lợi này. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, và điều này thì chẳng ai muốn, đã cho các ông bố có nhiều thì giờ hơn với gia đình, cũng giống như họ được nghỉ phép vậy. Nhiều ông bố cho biết là họ cảm thấy gắn bó hơn với đứa bé mà vào những thời điểm khác có thể họ không có được. Họ biết pha sữa, thay tã, dỗ con … thay vì đùn công việc cho vợ. Những công việc trên không có gì gọi là to lớn nhưng lại thật sự là những điều đáng được nói tới.

Trận đại dịch cho phép họ tạo được những mối quan hệ bổ ích hơn với con cái của họ, đặc biệt là những đứa đang ở độ tuổi đi học. Họ có thì giờ để trò chuyện với con của họ nhiều hơn và thân mật hơn, và hiểu rõ hơn những nhu cầu tình cảm của con cái họ sau khi dành nhiều thời gian ở bên cạnh chúng. Trên thực tế, gần một nửa số ông bố trong một cuộc thăm dò của các nhà nghiên cứu thuộc phân khoa giáo dục của đại học Harvard cho biết họ cảm thấy gần gũi hơn với con của họ trong thời gian đại dịch; chỉ có 4 phần trăm nói rằng họ cảm thấy ít gần hơn.

Niềm vui được có thêm thời gian dành cho gia đình này khiến nhiều ông bố còn đang đi làm không muốn bị mất đi quyền lợi này. Nhiều ông bố cho biết nay họ thấy thích những công việc được làm toàn thời gian hoặc bán thời gian ở nhà hơn, một phần là vì những công việc này cho họ có nhiều thời gian gần với gia đình hơn. Thay vì thời gian lái xe đi làm mỗi ngày hoặc ăn trưa một mình ở sở thì người ta dành thời gian này ở nhà để gần gũi với đứa con mới sinh.

Trong một số gia đình, việc phân chia công việc nhà đồng đều giữa hai vợ chồng có lẽ sẽ còn ở lại sau khi đại dịch kết thúc nếu như người ta vẫn được quyền lựa chọn làm việc ở nhà, là vì như vậy sẽ cho phép các ông bố có thì giờ dành cho gia đình như cách mà họ muốn. Có được một công việc làm ở nhà vừa có thu nhập cho gia đình lại vừa có thì giờ trông nom con cái đỡ đần cho vợ thì còn gì bằng, và ai lại không muốn. Hơn nữa, kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây cho biết hiệu năng làm việc ở nhà lại có phần cao hơn làm việc tại sở.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy một số thói quen của một số ông bố tập được trong thời gian đại dịch đến nay vẫn còn. Như câu chuyện của một ông bố trẻ sống tại Virginia. Khi trận đại dịch bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái thì công ty cho ông này được về làm việc tại nhà. Ông bố trẻ này tập được thói quen dậy sớm cùng lúc với hai cô con gái và vào bếp chuẩn bị bữa ăn sáng cho chúng. Lúc đầu bà vợ thấy lạ vì chưa bao giờ thấy ông bố trẻ này vào bếp và nghĩ rằng chỉ một vài tuần rồi đâu lại vào đấy. Nhưng đến nay đã một năm rưỡi mà ông bố này vẫn còn bước vào bếp mỗi sáng. Có điều ông bố trẻ này không ngờ là mình đã tập được một thói quen dễ thương và tồn tại lâu đến thế.

Không phải nay mấy ông bố mới có ý thức trong việc đỡ đần cho vợ một số công việc nhà mà thực ra sự tiến bộ này đã bắt đầu từ mấy thập niên trước. Tuy nhiên, nhờ có đại dịch mà quá trình tiến bộ này tăng tốc và khiến những ông bố đã là những ông bố tốt rồi thì nay lại còn trở nên tốt hơn nữa. Thế mới biết trong cái rủi có cái may; trong cái rủi đại dịch lại đưa tới cái may là các ông bố nhận thức thêm vai trò làm cha làm chồng của mình nhiều hơn trước.

Huy Lâm

Related posts