Thanh Đoàn
Với giả định tăng trưởng đạt 6,7-7% năm 2021-2022 và không vướng Covid-19, nghĩa vụ trả nợ gốc chính phủ hai năm nay so với dự thu đã cao kỷ lục, vượt quá giới hạn rủi ro mà IMF khuyến cáo. Đại dịch bồi thêm cú đánh cực mạnh khiến Việt Nam rời xa ranh giới cảnh báo đỏ này. Một chu kỳ tăng trưởng thấp do vòng luẩn quẩn nợ có thể bắt đầu sau đại dịch.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dựa trên dữ liệu quá khứ của các quốc gia trên toàn cầu, chạy các mô hình định lượng tính toán rủi ro và đưa ra kết luận rằng với các nền kinh tế có quy mô và trình độ phát triển như Việt Nam (thu nhập ở mức trung bình thấp), nợ công/GDP không nên vượt quá 65%. Theo IMF nếu vượt quá giới hạn này, quốc gia đó sẽ phải dành tiền trả nợ công mà không còn tiết kiệm đủ để theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng.
Nợ công/GDP của Việt Nam bắt đầu ngấp nghé giới hạn đỏ 65% trong vài năm gần đây, trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với việc chính phủ điều chỉnh tính toán GDP, bổ sung thêm các thành phần kinh tế không chính thức, nằm ngoài thống kê trước đây, GDP mới mở rộng thêm 25% so với GDP cũ. Như vậy, về mặt đối ngoại, Việt Nam hoàn toàn tự hào rằng các chỉ số vay nợ của chính phủ Việt Nam là an toàn và lành mạnh. GDP mới khiến nợ công/GDP chỉ ở mức 40-45%.
Hiện tại, sau khi mở rộng tính toán GDP, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam xác định trần nợ ở mức khá cẩn trọng: trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP; ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP (theo Báo Chính phủ).
Bởi vì GDP mang tính tương đối và đôi khi không phản ánh thu nhập thực tế. Nên chỉ tiêu thực dụng hơn luôn được các nhà nghiên cứu và chính phủ theo dõi, đó là: Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ/ Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Cũng theo IMF, chỉ tiêu “Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ/Tổng thu NSNN” không nên vượt quá 25% với các nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập thấp, vì nếu vượt quá giới hạn này, thì quốc gia đó thực tế không còn tiền để tái đầu tư, chi tiêu thường xuyên cho giáo dục, y tế,.. Vượt qua giới hạn này, tăng trưởng GDP có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn suy giảm bởi nợ và khó phục hồi.
Điều này cũng tương tự như một gia đình công nhân ở Việt Nam 2 vợ chồng và 2 đứa trẻ thu nhập 15 triệu/tháng mà phải trả nợ ngân hàng 4 triệu/tháng (25%) vậy. Với số tiền còn lại 11 triệu/tháng, gia đình đủ tiền cho chi tiêu, con ăn học ở mức cơ bản. Nếu cả gia đình khỏe mạnh, không ốm đau có thể tiết kiệm 1 -2 triệu/tháng. Tuy nhiên, bất kỳ nghĩa vụ trả nợ hàng tháng nào vượt quá 4 triệu sẽ khiến gia đình đó không thể tiết kiệm, tích lũy, thậm chí còn phải bớt tiền quần áo, ăn mặc thậm chí học hành của bọn trẻ để trả nợ vậy.
Vòng luẩn quẩn mới – Một chu kỳ tăng trưởng thấp sau đại dịch
Đáng tiếc, nghĩa vụ trả nợ gốc của chính phủ Việt Nam rất cao vào năm 2021-2022 và năm 2025. Với giả định GDP phục hồi mạnh 6,7% năm 2021, Bộ Tài chính dự toán thu theo xu hướng phục hồi ở mức lạc quan nhất, dù vậy ước tính nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách vẫn ở mức kỷ lục trong năm 2021, vượt quá giới hạn đỏ 25%, ở mức 27,4%.
Hiện nay, gần như trọn vẹn quý 2 và quý 3, đại dịch làm tê liệt hoàn toàn các trung tâm kinh tế – thương mại lớn nhất của các nước là Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… Hàng loạt các KCN đóng cửa, hơn 85 nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường trong 8 tháng đầu năm, hàng triệu người mất việc làm, khu vực doanh nghiệp FDI cảnh báo rời khỏi Việt Nam nếu tình trạng đóng cửa còn tiếp diễn… Tất cả khiến mọi dự báo tăng trưởng trước đó đều trở nên sai lệch. World Bank hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 xuống còn 4,5% vào tháng 8/2021 vừa qua. Hồi tháng 5/2021, NTDVN cũng dự báo GDP của Việt Nam cả năm 2021 chỉ ở mức 4,5-5% nếu đại dịch kết thúc vào tháng 6, nền kinh tế mở cửa trở lại tháng 7.
Mọi việc đã không diễn biến theo dự kiến. Nền kinh tế chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại dù đã hết quý 3, quý quan trọng với tăng trưởng và thu nhập do yếu tố thời vụ. NTDVN cho rằng, GDP năm 2021 có thể sẽ thấp hơn mức dự báo 4,5% của WB và dự báo của chính NTDVN hồi tháng 5/2021. Tăng trưởng năm 2021 có thể chỉ ở mức 3-4% nếu đại dịch kết thúc trong tháng 9 này.
Cũng giống như một gia đình công nhân nghèo, còn vay nợ và không có tích lũy, nội lực yếu, bệnh dịch khiến thu nhập giảm mạnh trong khi nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi không vì thế mà thay đổi.
Với GDP suy giảm mạnh, thu NSNN đang chịu tác động tiêu cực và suy giảm thuận chiều. Chỉ số ‘Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp/Thu ngân sách nhà nước’ ngày một rời xa giới hạn 25%, có thể cao hơn mức 30% trong năm 2021. Lưu ý là theo tính toán của Bộ Tài chính, với giả định GDP phục hồi mạnh, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Việt Nam năm 2025 cũng vượt 30% so với thu Ngân sách nhà nước.
Nghĩa vụ trả nợ công quá lớn trong giai đoạn 2021 -2025 sẽ đe dọa sức phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Chắc chắn, Việt Nam buộc phải mở rộng nợ công, mở rộng bội chi ngân sách để tìm kiếm phục hồi. Nhưng đó là sự phục hồi trên nền nợ lớn và các nghĩa vụ trả nợ trực tiếp lớn hơn, làm sao mòn tăng trưởng trong dài hạn. Rất có thể, một chu kỳ mới về tăng trưởng bắt đầu, và đó là chu kỳ tăng trưởng thấp.
Thu NSNN đang chịu tác động nặng nề
NSNN giảm thu không chỉ do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, đình trệ, đứt gãy, sức cầu yếu mà còn do Chính phủ thực hiện các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế (nhiều khoản thuế gia hạn không có khả năng thu hồi khi đến hạn).
Thực tế số thu ngân sách tháng 8 đã cho thấy tác động nặng nề, toàn diện của dịch bệnh Covid-19 đến hầu hết hoạt động của nền kinh tế và số thu ngân sách, cụ thể: thu từ thuế giá trị gia tăng chỉ đạt 57% số thu bình quân 7 tháng đầu năm; thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đạt 59,5%; thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt 60%… . Đặc biệt, số thu lệ phí trước bạ tháng 8 chỉ đạt 970 tỷ đồng, mức thấp đột biến kể từ tháng 1/2020, thấp hơn mức bình quân 7 tháng đầu năm đến trên 2.300 tỷ đồng (theo Tổng cục thuế – Bộ Tài chính)
Theo Tổng cục thuế, nợ đọng thuế có xu hướng tăng cao, đặc biệt nợ không có khả năng thu hồi. Tám tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện thu hồi nợ đọng đạt 20.900 tỷ đồng, đạt 69,4% chỉ tiêu thu nợ giao. Tuy nhiên, tổng số nợ thuế của toàn ngành vẫn tăng.
Nhiệm vụ chi tăng nhưng giải ngân đầu tư công chậm
Những khoản chi tăng (kết hợp với thu NSNN giảm) do đại dịch như chi công tác phòng chống dịch, lực lượng phòng chống dịch, trang thiết bị y tế…., chi mua vaccine, chi hỗ trợ người dân theo NQ 68/2021 sẽ ảnh hưởng tới bội chi và nợ công.
Theo Tổng cục thuế, 8 tháng đầu năm, riêng ngân sách Trung ương đã chi hơn 6,1 nghìn tỷ đồng để ngăn chặn đại dịch.
8 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, mới đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chậm giải ngân vốn đầu tư công làm chi phí vốn tăng, lãng phí nguồn lực đất đai khác và tác động xấu tới tăng trưởng.
Thanh Đoàn