Lê Minh
Thuật ngữ đầu tư “ex-China” (tạm dịch: Ngoại trừ Trung Quốc) hiện đang rất phổ biến, nó có nghĩa là đầu tư vào tất cả mọi nơi – trừ Trung Quốc. Với các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi (EM), trong số đó có nhiều người có truyền thống đầu tư vào Trung Quốc, một quỹ EM ex-China sẽ cung cấp cho họ cơ hội đầu tư mới. Họ có thể đầu tư vào các nền kinh tế EM lớn như Brazil, Ấn Độ và Mexico, nhưng không phải là các quốc gia dưới chế độ độc tài.
Năm 2021, một số nhà đầu tư lớn vẫn chấp nhận những rủi ro ở thị trường Trung Quốc, như việc nhà nước đàn áp lĩnh vực công nghệ, tài chính thiếu minh bạch, vỡ nợ lớn,… Đó là chưa kể đến mối đe dọa lâu dài của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với nền dân chủ và nhân quyền, đây là một trong những mối đe dọa vô hình cuối cùng có thể khiến các nhà đầu tư trắng tay.
Theo một tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ, từ đầu năm 2021, có đến 20 tổ chức đầu tư hàng đầu ở Trung Quốc với 2.3 nghìn tỷ USD đang bị ràng buộc vào quốc gia này. Nhà đầu tư lớn nhất là BlackRock, với hơn 255 tỷ USD rót vào Trung Quốc.
Hôm 6/9 vừa qua, Wall Street Journal đã đăng một bài báo của tỷ phú George Soros có tựa đề “Sai lầm bi thảm của BlackRock khi đầu tư Trung Quốc“ (“BlackRock’s China Blunder”). Ông Soros có lẽ đã đúng khi nói: “Sáng kiến BlackRock gây ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và các nền dân chủ khác vì số tiền đầu tư vào Trung Quốc sẽ giúp ủng hộ chế độ của Chủ tịch Tập, vốn đang đàn áp người dân đại lục và gây hấn với nước ngoài”.
Lời kêu gọi thức tỉnh tương tự đã xuất hiện từ mùa thu năm 2020, khi đợt IPO của Tập đoàn Ant của ông Jack Ma, được kỳ vọng là lớn nhất trong lịch sử, bị hủy bỏ. Ông đã trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc từng công khai chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc rằng được vận hành dựa trên “tâm lý cửa hàng cầm đồ”, thậm chí đôi khi ông có thái độ chống đối chính quyền.
Chủ nghĩa phản chế độ của Jack Ma (Mã Vân), mặc dù ông là thành viên của ĐCSTQ, là không phù hợp với ý chí của các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc, hoặc Tổng bí thư độc tài Tập Cận Bình. Vì vậy, ông Mã đã biến mất trong 3 tháng, gần như chắc chắn là do bị cưỡng ép. Khi trở lại, ông trở thành cái bóng mờ nhạt của con người trước đây nhưng lại phù hợp với những gì ĐCSTQ nghĩ rằng một doanh nhân nên có. Người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma (R) nhìn CEO Pony Ma của Tencent Holdings trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm chính sách “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 12 năm 2018. (Ảnh của WANG Zhao / AFP qua Getty Images)
Nhưng các nhà đầu tư đã chú ý và có sự lựa chọn của riêng mình. Ngay sau đó, họ đã trừng phạt tài sản của Trung Quốc bằng cách chuyển đầu tư vào những quốc gia khác. Tháng 11/2020, 5 quỹ hoán đổi danh mục ngoại trừ Trung Quốc (ex-China ETF) đã đạt kỷ lục cho 1 năm hoạt động với gần 200 triệu USD.
Vào tháng 12, con số đó đã tăng lên 277 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản trong các quỹ ex-China ETF đã tăng 442% lên 1.5 tỷ USD. Riêng trong tháng 8/2021, tài sản trong các ETF này đã tăng 41%.
Dòng vốn ròng trong tháng 7/2021 vào EM ETF, trong đó Trung Quốc là quốc gia có tỷ trọng lớn nhất, đã giảm xuống còn 696 triệu USD từ mức trung bình 4 tỷ USD hàng tháng trong nửa đầu năm 2021.
Sau đó, cơn bão truyền thông xuất hiện, một số nhà phân tích từ các tổ chức đầu tư quốc tế hàng đầu cho rằng nên đầu tư vào Trung Quốc. Một đơn vị nghiên cứu từ BlackRock, nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ tại Trung Quốc, đã tuyên bố rằng các nhà đầu tư nên tăng gấp đôi hoặc gấp ba lượng tiền vào Trung Quốc. Tại thời điểm viết bài, Chỉ số Tổng hợp của Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã vượt xa Chỉ số S&P 500 khoảng 3%. Nhưng lượng tăng lên này được giải thích là do các nhà đầu tư được nhà nước hậu thuẫn thao túng giá cổ phiếu, ít nhất là trong ngắn hạn.
Điều đó khó thực hiện hơn trong dài hạn, như được chỉ ra bởi các chỉ số của Trung Quốc và Hồng Kông. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 11% trong 3 tháng qua. Chỉ số CSI 300 trong nước giảm 8%. Nhưng chỉ số MSCI của các ex-China EM đang được nắm giữ vững chắc. Vì vậy, vấn đề không phải ở EM nói chung, mà là ở Trung Quốc.
Có nhiều cách khác nhau để tránh đầu tư vào Trung Quốc. Theo cô Perth Tolle, người sáng lập Life + Liberty Indexes, viết: “Chúng tôi là EM ETF duy nhất có trọng số tự do và chưa bao giờ sở hữu cổ phiếu của Trung Quốc”. Tài sản của quỹ này đã tăng từ 30 triệu USD vào cuối năm 2020, lên 87 triệu USD hôm 31/8.
Do đó, các nhà đầu tư có quyền lựa chọn bỏ tiền của họ vào các tài sản ủng hộ tự do hơn là chế độ độc tài. Những người thông minh nhất đang và nên làm như vậy. Nếu ĐCSTQ đạt được mục tiêu kiểm soát toàn cầu đối với các nhà tư bản, dựa trên chính số tiền mà họ nhắm tới, thì những quyền tự do đó sẽ không còn nữa.
Ông Soros hiện nay, và nhiều người theo chủ nghĩa truyền thống trước ông, đã chỉ trích đầu tư của phố Wall vào Trung Quốc, và nói rằng, theo nhiều cách khác nhau, luật pháp nên được thông qua hoặc thực thi để tránh những khoản đầu tư đó trở thành sợi dây treo cổ chúng ta. Ông viết trong bài báo: “Quốc hội nên thông qua luật trao quyền cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch để hạn chế dòng tiền chảy vào Trung Quốc.”
Rủi ro Trung Quốc rõ ràng đang tích tụ và một số trong số đó hiện đang bắt nguồn từ thành phố New York và Washington. Những người thông minh nhất đã nhìn thấy những cảnh báo và đang bắt đầu tháo chạy khỏi Trung Quốc. Một dòng tiền ngớ ngẩn khác sẽ theo sau, hoặc tất cả sẽ phải trả giá bằng sự tự do của chính mình.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu của Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Ông là tác giả của các cuốn sách “Tập trung quyền lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không xâm phạm”, đồng thời biên tập “Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Lê Minh
Theo The Epoch Times