“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời.” – Tôi thuộc lòng câu hát này từ khi còn rất bé, nhất là những lúc ngồi vào lòng mẹ trong túp lều bên cạnh dòng sông nhỏ ở làng. Vào những ngày đổi mùa với cơn nóng hạ, chỉ có giọng hát văng vẳng của mẹ là làm dịu mát mùa hè và rặng liễu cũng ngừng tiếng hát để lắng nghe.
Khi lên trung học, có lần tôi nghe một ông khách có ‘chức tước’ đến thăm gia đình, khoe khoang đời sống Tây Phương và ‘xem thường’ tiếng Việt mình là thiếu văn hoa và văn phạm. Lúc đó tôi cảm thấy ‘nghẹt thở’ nhưng cũng đành lòng, để lời nói của ông như nước chảy qua cầu. Hàng xóm và gia đình tôi xem ông như người học rộng tài cao, ăn nói có sách mách có chứng.
Thật ra mỗi thứ tiếng trên thế giới có nét phức tạp và đậm đà riêng của nó. So sánh tiếng Việt với tiếng Anh hay tiếng Pháp thì cũng như so sánh ‘orange and apple’, rồi đưa đến những nhận xét có tính cách cực đoan mà Giáo Sư Phillipson gọi là ‘Linguistic Imperialism’!
Sau này tôi bắt đầu ‘thấm thía’ cái nét đậm đà trong tiếng Việt mình, mà nói suốt mùa đông trong lockdown cũng không hết. Thôi thì chỉ lấy một thí dụ nhỏ… cũng đã thấy phức tạp rồi.
Trong tiếng Anh, ‘thể thụ động’ (passive voice case) cho phép chuyển hóa câu (1) thành câu (2):
(1) Jim kicked Tom.
(2) Tom was kicked by Jim.
Cái tinh tế của tiếng Việt mình là cách dùng chữ ‘bị và ‘được’, để diễn tả lối nhìn phán đoán tế nhị của người nói:
– Nó được cưới vợ.
– Nó bị cưới vợ.
Hồi xưa, lúc viết văn, mình hay ‘được/bị’ khuyên tránh dùng ‘thì là mà’ trong tiếng Việt vì rất luộm thuộm (linguistic purism), nhưng dầu sao đi nữa, tôi thấy mấy chữ này cũng có cái ‘mặn mà thật thà’ dễ thương riêng của chúng, nếu mình dùng một cách duyên dáng và ‘stylistic’, không phải sợ sự chê bai ‘độc quyền yêu từ yêu nước’ của người khác. Như Professor Gordon Wells nhận xét “Writing is a meaning making process.”
Vâng, tôi vẫn còn yêu ‘thì là mà’.