Ngọc Mai
Một báo cáo khảo sát về tình hình tài chính của người tiêu dùng do Ngân hàng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố gần đây cho thấy, hơn một nửa số người được hỏi đã không để dành được tiền tiết kiệm trong hai năm qua, và hơn 40% số người đang phải chịu gánh nặng nợ nần. Những người dân Trung Quốc cho biết, tình hình thực tế còn nghiêm trọng hơn, theo tờ Epoch Times.
Tờ “Tuần báo Thời đại” của Trung Quốc đưa tin, số liệu thống kê của “Báo cáo khảo sát và phân tích về tài chính tiêu dùng năm 2021” do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố gần đây cho thấy mức độ tài chính hiện tại của người tiêu dùng Trung Quốc không mấy lạc quan.
Theo báo cáo, trong dữ liệu mẫu của khoảng 140.000 người trưởng thành cho kết quả, hơn 56% người được hỏi cho biết họ đã không có hoạt động tiết kiệm tiền trong hai năm qua.
Ngoài ra, trong số những người tiêu dùng có khoản vay, 41% người được hỏi cho biết, gánh nặng nợ nần của họ “hơi nặng nề” hoặc “rất nặng nề”. Hơn 25% nói rằng họ phải đối mặt với những khoản chi phí bất ngờ.
Người dân Trung Quốc: Tình hình thực tế còn nghiêm trọng hơn
Nói về vấn đề tiết kiệm tiền, ông Vương đến từ Thượng Hải chia sẻ với Thời báo Epoch Times rằng, bây giờ ông không thể tiết kiệm tiền.
Ông cho hay, ở những nơi mà người dân có tiền lương thấp nhất, trừ đi các loại chi phí như tiền than, tiền điện, tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, v.v thì người dân chẳng còn tiền để tiết kiệm. Tính theo cách của ĐCSTQ là tính gộp thu nhập của người giàu cùng với người nghèo, kết quả ra cái gọi là thu nhập trung bình, rồi khẳng định mọi người đều là các “gia đình bậc trung”.
Ông nói: “Cho dù có tiết kiệm được hay tiết kiệm nhiều hơn, chỉ cần một người trong gia đình bị ốm, người ta sẽ lập tức trở nên nghèo khó chỉ một đêm. Ví dụ, nếu bạn tiết kiệm 10.000 Nhân Dân Tệ (NDT) một năm thì bạn có thể tiết kiệm 100.000 NDT trong mười năm, nhưng một lần sinh bệnh thì cái gì cũng không còn, thậm chí còn không đủ”.
Ông Vương cho rằng vấn đề lớn nhất là tầng thấp nhất của xã hội không được đảm bảo, khiến người dân ngại sử dụng tiền và kìm hãm chi tiêu ở mức thấp nhất.
Bà Trịnh và chồng điều hành một nhà hàng ở Trường Sa, Hồ Nam. Là một nhà kinh doanh, bà cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang điêu đứng. Bà nói: “Tôi cùng chồng làm thực thể kinh doanh, năm 2008 cũng không tệ lắm, nhưng giờ có thể đảm bảo không thua lỗ đã là tốt vô cùng rồi, nhưng cũng rất khó kiên trì”.
Bà cho biết hiện nay nền kinh tế ở Trung Quốc đại lục đang đặc biệt khó khăn, người thất nghiệp nhiều, phần lớn mọi người có cuộc sống khó khăn, có tiền tiết kiệm lại càng khó hơn.
Theo số liệu chính thức của ĐCSTQ, hơn 900 triệu người ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 NDT và 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 NDT.
Phân tích: Kinh tế Trung Quốc đang trong vòng luẩn quẩn
Phản hồi về báo cáo kinh tế mới, nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị Nhậm Trùng Đạo (Ren Zhongdao) nói rằng, tài liệu này cũng phản ánh rằng tình hình kinh tế ở Trung Quốc hiện nay không mấy lạc quan và đang ở trong một vòng luẩn quẩn.
Ông nói “[Tình hình] kinh tế làm sao thay đổi? Tiêu dùng ế ẩm, nhu cầu trong nước không đổi thì làm thế nào? ĐCSTQ mấy năm nay không ngừng nói muốn kích cầu tiêu dùng và kích cầu trong nước, thực tế họ cũng đã phát hiện rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất, nếu làm tốt điều này thì nền kinh tế nói chung sẽ tốt hơn”.
Ông cho biết thêm, nhưng bây giờ “Nền kinh tế không tốt, mọi người không muốn tiêu tiền và không có [khả năng] tiết kiệm. Điều này dẫn đến suy thoái kinh tế và giảm thu nhập”.
Ông Nhậm cho rằng, một sự gián đoạn đã từ từ xuất hiện trong nền kinh tế Trung Quốc hiện tại và xu hướng này rất nguy hiểm. .
Ông nói, nếu không cải thiện môi trường hiện tại, đặc biệt là môi trường kinh doanh, không chuyển sang kinh tế thị trường mà chuyển sang cánh tả, chuyển sang kinh tế kế hoạch, thì toàn bộ nền kinh tế sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong tương lai.