Triệu Hằng
Đại dịch COVID-19 ở châu Á đang làm tăng thêm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Malaysia và các nước Đông Nam Á đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy và cảng, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong việc cung cấp chất bán dẫn và nguyên liệu thô, theo trang Epoch Times.
Các nhà kinh tế và chuyên gia chuỗi cung ứng dự đoán tình trạng thiếu hụt như vậy sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022, làm tăng thêm áp lực lạm phát.
Sự khan hiếm lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng không chỉ làm tê liệt các doanh nghiệp ở châu Á mà còn đang gây ra tác động mạnh ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Nhà kinh tế Vaibhav Tandon cho biết trong một báo cáo gần đây: “Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cùng chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng sự thống trị của những nước này trong lĩnh vực điện tử khiến họ có tác động lớn đến các nước như Mỹ và Trung Quốc”.
Ông nói: “Malaysia đã trở thành một trung tâm kiểm tra và đóng gói chip, với các sản phẩm điện tử và điện chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.Tình trạng thiếu chip gần đây đã buộc General Motors phải tạm dừng sản xuất phần lớn công ty lắp ráp ở Bắc Mỹ sau ngày 1/5. Ford, Toyota và Volkswagen cũng đã thông báo cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu”.
Stephen Ezell, phó chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, cho biết sự tàn phá do biến thể Delta mang lại ở châu Á là sự cố mới nhất nhưng không phải là lớn nhất đối với ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông lưu ý, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn bởi một loạt sự kiện trong năm nay, bao gồm vụ cháy nhà máy chip ở Nhật Bản, hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan và mưa bão ở Texas.
Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phương Tây, viết trong một báo cáo gần đây: “Nguồn cung chip không đủ và nhu cầu ổn định có thể sẽ khiến giá ô tô và các nhà sản xuất khác tăng cao trong thời gian tới. Giá ô tô tăng mạnh đã góp phần không nhỏ khiến lạm phát tăng cao trong năm nay”.
Để giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu, một số nhà sản xuất chip bao gồm Intel, Samsung và TSMC đã công bố kế hoạch mở rộng đầy tham vọng tại Hoa Kỳ. Nhưng việc xây dựng năng lực sản xuất mới phải mất vài năm, theo các chuyên gia trong ngành.