Tướng Phùng Quang Thanh, hai mặt của tấm huân chương

Mai Hoa Kiếm

15-9-2021

Chân dung tướng Phùng Quang Thanh. Nguồn: VNE

Tướng Phùng Quang Thanh được báo chí “lề đảng” công bố qua đời lúc 3h45 phút ngày 11-9-2021. Điều kỳ lạ, không giống những nhân vật cấp cao trước đó, chỉ vài giờ (sau khi chết) tất cả báo chí quốc doanh, cùng hệ thống truyền thông của đảng được phép đồng loạt đưa tin.

Xoay quanh cuộc đời binh nghiệp của tướng Phùng Quang Thanh, có khá nhiều sự kiện chưa hề được giải mã…

Ngày 10/01/2015, tại Hội nghị Trung ương 10, khoá XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Điều này chưa từng có tiền lệ, chứng tỏ các phe nhóm đang quyết đấu một mất một còn trước đại hội XII sẽ diễn ra một năm sau đó. Điều bất ngờ là, tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ quốc phòng được lên vị trí thứ năm, trong khi bản thân ông này dính nhiều vụ bê bối.

Không lâu sau, trang “Chân dung quyền lực” bắt đầu tiết lộ nhiều thông tin, phơi cho bàn dân thiên hạ rõ sự thật về Phùng Quang Thanh và “uy tín ảo” mà ông Thanh có được trong cuộc đua nhắm vào chiếc ghế Chủ tịch nước khoá XII.

Xếp hạng lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương 10 trên trang CDQL

Phùng Quang Thanh vốn là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ chống Pháp. Dù ông ta được phong anh hùng quân đội, nhưng khi leo đến chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng, ông ta lại sợ phải cầm súng đối đầu quân xâm lược. Vì vậy, khi Trung Cộng liên tục ngang ngược đe doạ trên vùng biển Việt Nam, Thanh lại chỉ đạo quân đội nhượng bộ, phòng thủ, cấm manh động đáp trả.

Ông ta từng nói rằng, xu thế ghét Trung Quốc trong dân chúng, sẽ gây “nguy hiểm cho dân tộc”. Ở diễn đàn quốc tế, Thanh công khai phát ngôn ca ngợi Trung Cộng là “bạn vàng”, khuếch trương “tình đồng chí”, gây bức xúc trong dư luận.

Thời Phùng Quang Thanh, việc đề nghị phong tướng loạn xạ, ông ta cho rằng, “không phong tướng, anh em tâm tư”, khiến số lượng tướng trong quân đội tăng kỷ lục. Thị trường “sao và vạch” khiến nạn tham nhũng, vơ vét ngân sách quốc phòng, thanh lý đất đai quân đội và bóc lột anh em binh sĩ cấp dưới theo tầng nấc cống lên các đồng chí cấp trên để mua “lon”.

Năm 2009, con trai của Thanh là Phùng Quang Hải, sinh năm 1974, ở tuổi 35, đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty 319, là một công ty thuộc Sư đoàn 319 của Quân khu 3.

Năm 2011, trong vai trò Bộ trưởng, Phùng Quang Thanh ký quyết định thành lập Tổng Công ty 319, thuộc Bộ Quốc phòng và bổ nhiệm con trai là đại tá Phùng Quang Hải làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Cậy thế cha, Phùng Quang Hải vơ vét đất đai từ Bắc vào Nam. Đằng sau cái vỏ bọc là làm kinh tế cho quân đội, nhưng trên thực tế, Tổng công ty 319 là công ty sân sau của gia đình tướng Phùng Quang Thanh và phe nhóm.

Phùng Quang Hải và “bóng hồng” tại cty của ông ta.

Trong vòng chưa đến 10 năm, thông qua việc thanh lý, sắp xếp, cổ phần hoá… việc sử dụng quỹ đất của Bộ quốc phòng tại các vị trí trung tâm các đô thị lớn trên cả nước, cha con Phùng Quang Thanh đã thao túng, kinh doanh nhà, xây dựng các trung tâm thương mại, giải trí, liên doanh các kiểu để rồi lần lượt các khu vực trọng yếu quốc gia rơi dần vào tay các chủ đầu tư, các ông trùm đến từ Trung Quốc.

Bản thân Phùng Quang Thanh cũng công khai giúp con trai, Tổng công ty 319 và phe nhóm lấy đất vàng từ quân đội quản lý, thậm chí “xẻ thịt” sân bay Tân Sơn Nhất gây phẫn nộ trong toàn quân. Chưa hết, tướng Thanh được cho là người chọn màu, chọn kiểu quân phục giống lính Trung Quốc và chỉ đạo nhập vải từ quân nhu Trung Quốc để may quân trang cho quân đội Việt Nam.

Văn bản công khai cướp đất. Nguồn: CDQL

Trang “Chân dung quyền lực” đã liệt kê hàng chục lâu đài, biệt thự, đất đai… khối tài sản khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn tỷ của gia đình Phùng Quang Thanh, đứng tên con gái ông Thanh là Phùng Thị Thu Huyền, em gái ông Thanh là Phùng Thị Liên và cặp vợ chồng con trai ông, Phùng Quang Hải – Nguyễn Thị Minh Hương…

Mặt dù được xem là “ngôi sao đang lên”, giành vé tứ trụ, song có một thế lực chính trị phe nhóm khác đang cố ý đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của tướng Thanh. Trên trang web được viết bằng tiếng Anh đã đăng lúc 02:11pm ngày 23-6-2015 của Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã đưa tin, Phùng Quang Thanh cùng đoàn sĩ quan cao cấp có chuyến thăm hữu nghị Cộng hoà Pháp và được Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đón tiếp.

Theo lịch trình, chuyến kế tiếp, sau Pháp, của tướng Phùng Quang Thanh sẽ đi thăm Ấn Độ.

Ảnh chụp màn hình bản tin tiếng Anh đăng lúc 02:11pm ngày 23-6-2015 trên website của Bộ Quốc Phòng VN

Không lâu sau, mạng xã hội đã dấy lên tin đồn từ nước ngoài, cho biết, sáng 26-6-2015, Đại tướng Phùng Quang Thanh và toán các cận vệ cùng các sĩ quan tùy tùng sau khi đã kết thúc một tuần làm việc với Bộ Quốc Phòng Pháp, đã rủ nhau đi chơi, mua sắm và thăm vài gia đình “Việt kiều yêu nước”, là cơ sở nằm vùng ở Paris. Khi vừa ra khỏi một căn nhà trong hẻm thì bị hai kẻ lạ mặt dùng súng giảm thanh bắn nhiều phát vào Phùng Quang Thanh và ông tướng bốn sao đã dính 2 viên đạn. Tin cũng cho hay, ngày 30-6-2015, ông Thanh đã được phẫu thuật cứu sống tại bệnh viện Georges Pompidou.

Trong khi có tin về Phùng Quang Thanh đang điều trị ở Paris, thì ở Việt Nam đã diễn ra một sự kiện đáng chú ý. Ngày 3-7-2015, Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô (QKTĐ) Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh, Chính ủy QKTĐ. Chủ toạ gồm có Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Bí thư Bộ Tư lệnh Thủ đô và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Tại hội nghị bàn giao này, bộ đôi Trung tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh QKTĐ và Trung tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy QKTĐ, đều sinh 1957, phải nghỉ hưu, bàn giao cho bộ đôi Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh và Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết thay thế. Ông Kết là em trai của Nguyễn Thế Thảo, Uỷ viên Trung ương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó.

Tin tức từ trong nước dồn dập loan ra, với những đồn đoán rúng động. Dư luận rỉ tai nhau về một cuộc đảo chính của nhóm thân Tàu đứng đầu là Phùng Quang Thanh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô và một số tướng quân khu khác. Việc mưu sát tướng Thanh tại Paris được hiểu là đòn thanh trừng tiêu diệt phủ đầu.

Trùng hợp hơn nữa, là sự giải thích vòng vo của ông Phạm Gia Khải, Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương, về việc tướng Phùng Quang Thanh được đưa sang Pháp chữa bệnh và nằm viện, mổ “khối u phổi”, gây xôn xao dư luận thời đó.

Trong một diễn biến khác, từ ngày 16 đến 18-7-2015, Trương Cao Lệ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, sang thăm chính thức Việt Nam. Ở Hà Nội, dư luận bàn tán việc Trương Cao Lệ được cả Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp, rằng họ Cao đã có yêu cầu lãnh đạo đảng Cộng sản VN bảo đảm tính mạng cho Phùng Quang Thanh.

Ngày 20-7-2015, Tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, công bố, Phùng Quang Thanh sẽ về nước cuối tháng 7/2015. Nhưng ngày 25/7/2015, ông Thanh đã về nước và an dưỡng ngay trong trụ sở Bộ Quốc phòng.

Tối 27-7-2015, Phùng Quang Thanh đã được phép “lộ diện” để mọi người và kể cả Bắc Kinh được nhìn thấy trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ” diễn ra tại thủ đô, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.

Tại Đại hội XII của đảng Cộng sản VN hồi tháng 1/2016, Phùng Quang Thanh chính thức từ giã chính trường. Một số thông tin nội bộ cho rằng, sở dĩ Phùng Quang Thanh được “hạ cánh an toàn”, xử lý nội bộ, là nhờ sự can thiệp từ Bắc Kinh. Bắc Kinh “hăm doạ” Hà Nội không được ghép tội Phùng Quang Thanh vì vấn đề hữu nghị, hợp tác quốc phòng “đôi bên cùng có lợi” với Trung Quốc.

Ngoài ra, việc cho phi cơ, tàu chiến, và lực lượng quân đội gây sức ép, trên không, trên biển, động binh trên bộ và Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành nghị quyết cho phép quân đội TQ mang quân đi bảo vệ thành quả XHCN ở nước ngoài… cũng là điều đáng gờm đối với các nhân vật “chóp bu” Hà Nội.

***

Quay lại câu chuyện tướng Phùng Quang Thanh qua đời ngày 11/9/2021. Có thông tin cho hay, Phùng Quang Thanh đã trút hơi thở cuối cùng trước đó hai ngày trước, tức ngày 9/9. Ngày 10/9, Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, sang Việt Nam, ngoài việc khuyến cáo Việt Nam cùng “kiềm chế” các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời nhắc nhở Việt Nam nên “cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài”, nhưng còn một việc quan trọng nữa là thăm dò thái độ của đảng CSVN trong việc tổ chức tang lễ cho Phùng Quang Thanh.

Vua chúa hay gã ăn mày rồi cũng về với đất. Chuyện về tướng Phùng Quang Thanh sẽ còn gây nhiều tranh cãi trong một thời gian dài sau khi ông ta từ giã cõi đời.

Dù sao, tấm huân chương nào cũng luôn có hai mặt, cuộc đời ông Thanh trong binh sử Việt Nam cũng thế, ngàn năm công tội.

Related posts