Trường hợp điển hình trong mùa COVID: Anh chị Nhu-Minh

Trần Thiện Tích

Trong thời đại dịch COVID Vũ Hán, có biết bao nhiêu đám cưới phải đình hoãn, hay tổ chức thật đơn giản, với một thầy làm lễ và một hai người chứng kiến cũng xong. (Và nhiều khi, tuổi trẻ bây giờ lại thích như vậy). Những Sinh Nhật cũng không còn xuất hiện trong nhà hàng nữa. Đồng thời, nhiều đám tang của những người tên tuổi nổi danh như ca sĩ Thái Thanh, hay anh hùng Xuân Lộc,  Thiếu tướng Lê Minh Đảo, đều vắng lặng, hoặc nói theo một tiếng buồn dân gian là đám tang lèo tèo với người trong gia đình tiễn đưa mà thôi. 

Nhưng ở đây, chúng tôi xin nhắc lại hành trình của một cặp Uyên ương trong 50 năm , vì COVID, không tổ chức được lễ vàng kỷ niệm, để quý bạn thân quen nhớ về một cuộc sống vợ chồng mà chúng ta hằng quý mến và các thế hệ sau có một tấm gương để suy ngẫm.  

Khoảng ngày mồng 6 tháng Mười, năm 1970 tại Đà Lạt, (khoảng là vì ngày tháng chỉ theo tờ hôn thú, còn năm thì đúng), đám cưới của một chàng thanh niên 24 tuổi, yêu tha thiết một goá phụ lớn hơn 11 tuổi và đã có 6 người con (mất 2, còn 4).  Chàng sinh năm 1945, nàng sinh ngày 29-11-1934. So với vị tổng thống nước Pháp Emmanuel Macron lấy cô giáo Brigitte Trogneux lớn hơn 24 tuổi thì còn kém, nhưng cô giáo vẫn thua vì chưa có 6 con. Dĩ nhiên, mối tình này gây sóng gió ngay từ đầu, nhất là còn trong thập niên 70, phong tục truyền thống Việt Nam chưa cởi mở. Toàn thể gia đình cô dâu đều chống đối. Gia đình chú rể cũng chẳng mặn nồng. Chỉ được một mình người anh cả Nguyễn Văn Chắt, cùng cha khác mẹ, đồng ý mà thôi. 

Ông cụ thân sinh của cô dâu không kém phần lo ngại, nên vời chàng thanh niên tới và ngỏ ý thành thực: 

“Con hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định lấy nó. Nếu chỉ ít lâu, tan vỡ, chia tay. Con sẽ lấy được cô gái khác. Nhưng gây khổ cho con Minh, vì nó không thể nào bước đi bước nữa. Con hãy về suy nghĩ cho chín chắn, nếu tiếp tục, thì con phải tổ chức lễ cưới tại nhà thờ đàng hoàng nghe con”.

                              (Hình cô dâu, chú rể năm 1970)

Thế rồi, một đám cưới, dù không vì Covid, cũng chỉ ít người bên nhà trai, gồm ba người anh Nguyễn văn Chắt, Ng. V Điển và Ng. V Long, cùng bạn bè tham dự, tất cả khoảng 30 người. Nhà gái không một ai tới dự vì còn phản đối. Chú rể và cô dâu lúc đầu rất khó khăn, nghèo khổ, tự xây dựng một căn nhà ọp ẹp làm tổ ấm, trước cửa nha Địa Dư của thành phố sương mù. Không có tiền mà xây dựng được tổ ấm, nhờ chú rể tháo vát ngay từ khi người cha thân sinh mất lúc chú rể mới có 9 tuổi, và nhờ sự giúp đỡ của bạn thân. Mãi tới 1973, sau 3 năm, anh em bên nhà gái mới chấp nhận và về sau trở thành những người thật thân thương trong gia đình.

                                         (Hình đám cưới 1970)

Cuối tháng 4 năm 1975, gia đình anh chị Nhu chạy khỏi thành phố Đà Lạt xuống Phan Rang, được sự giúp đỡ của chuẩn tướng Oánh bên Không Quân, đưa anh chị lên máy bay từ Nha Trang về Sài Gòn. Chuyến vượt biên đầu tiên của gia đình anh vào 28 tháng 4 năm 1975, bị trở ngại, không thành công, phải trở về thành phố sau 30 tháng 4. Cộng Sản kiểm soát và bắt gia đình anh trở về Đà Lạt. Sau 11 lần vượt biên thất bại, của cải, đồ đạc bán hết để sống. Đến lần thứ 12, Với hai bàn tay trắng, nhờ người quen giúp đỡ cho xuống tàu chỉ với một cái la bàn, mà không phải trả cây vàng nào cả, thì chuyến này đã đưa anh tới bến bờ tự do.

Anh Nguyễn Hữu Nhu đến Úc vào tháng 6 năm 1980, ở thành phố Wollongong. Anh làm việc cật lực hai jobs để nuôi vợ con ở quê nhà, trong sự giúp đỡ tinh thần của vợ chồng người anh Nguyễn Hữu Hiệp, con chú bác của bà xã, và bạn bè thân thương. 

Bảo lãnh được gia đình sang rất sớm, vào đầu năm 1982, là gia đình đoàn tụ đầu tiên theo chính sách mới về đoàn tụ của chính phủ Úc, nên đã được tờ báo The Australian People viết về sự kiện này, đính kèm hình ảnh dưới đây của gia đình anh chị, và bây giờ trong viện bảo tàng ở Canberra vẫn lưu giữ di tích ấy. Hình ảnh đặc biệt này còn được tờ đặc san về Người Tỵ Nạn do chính phủ Úc xuất bản, và khi chuyển đến tay gia đình anh chị Nhu, thì nó trở thành cuốn sách “Giấc Mơ Hồi Hương” thật quý giá.

                               (Hình gia đình đoàn tụ do báo The Australian  People chụp năm 1982)
                        (Hình do anh sáng tạo nghệ thuật Bonsai)
                (Anh hát và thổi Harmonica bài Giấc Mơ Hồi Hương)

Trong thời gian sống và làm việc ở Woolongong, tình nghĩa vợ chồng thân thương của anh chị đã khiến người thân ca ngợi.

  • Như chị Hiệp, người chị họ gần gũi, có nhận xét thiết tha:

“Cô Minh tính tình tốt nhưng hay nóng. Mỗi khi cô nổi nóng, thì chú Nhu nhẫn nại chịu đựng. Chú Nhu rất tốt đối với vợ và luôn luôn chiều vợ. Thật hiếm có người chồng như vậy”.

  • Một cặp bạn thân, anh chị Tr.Đ.L., càng tha thiết hơn:

“Vào năm 1984-85, Khi làm việc chung ở Woolongong, chúng tôi biết anh chị Nhu-Minh và đời sống vợ chồng của anh chị ấy. Chị Minh đi học may, nhưng chậm chạp, nên tôi và chị ấy cùng bỏ việc luôn. Chị ở nhà, lại hay bị bệnh, nhất là bị hơi lãng trí, hay nổi nóng, được anh chăm sóc rất chu đáo và hòa thuận. Chị hơn anh nhiều tuổi, ở Việt Nam thì không nói chi. Nhưng anh vượt biên sang đây trước một mình. Nhiều người, ở trong trường hợp của anh, thì đã thay đổi, lấy vợ khác. Nhưng anh rất chung thủy và lo lắng, săn sóc cho chị từng ly, từng tý. Vợ chồng tôi thấy như vậy, mới làm thân với anh chị cho tới ngày nay”.

  • Một người bạn trẻ ở Woolongong, Bs Nguyễn Minh Đối, khen ngợi không tiếc lời:

“Anh chị Nhu đã vượt bao khó khăn để được chung sống với nhau khi còn trẻ, và đã sống thế nào để các con riêng cũng thật lòng quý trọng. 

Trong thời gian làm việc tại công ty sắt thép BHP, anh gặp một tai nạn giao thông, bị hư cột sống lưng, vết thương đau có khi không đứng dậy được, đau quá, phát khóc, phải nhờ hai người vực hai bên, và mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương còn đau đến bây giờ. Anh còn bị bịnh tim nữa.

Thế mà, khi chị bị bịnh mất trí (alzheimer) giai đoạn đầu, anh đã săn sóc đặc biệt, khác với các bịnh khác. Tôi đã từng làm việc trong khu dưỡng lão ở Canleyvale, nên hiểu rõ sự săn sóc khó khăn đối với những người mất trí. Sự săn sóc người phối ngẫu hết lòng, hết sức, không kể thời gian, đối với phụ nữ thì chúng ta thấy nhiều. Nhưng về phía đàn ông thì quả là hiếm có”. 

Những nhận xét tâm tình đó đã quyện vào lời thơ mà Bs Đối, lấy bút hiệu là Thanh Đối, viết “Mừng Sinh Nhật Chị Minh” năm 2014 :

Chị Minh, hai chữ thân thương 

Mừng sinh nhật chị thêm đường thời gian 

Tình Nhu Minh chẳng phai tàn

Luôn tràn hơi ấm nồng nàn bên nhau.

Cuộc đời mưa nắng dãi dầu 

Tuổi xanh ngày đó còn đâu thuở nào 

Tóc xưa nay đã phai sao ?

Hương tình vẫn thắm đọng vào hồn nhau.

Chị giờ thoảng nhớ, thoảng sầu

Tình anh vẫn đậm sắc màu hương xưa 

Một đời trọn vẹn nắng mưa 

Sớm hôm chăm sóc bốn mùa ấm hơi.

Long lanh ánh mắt sáng ngời 

Hồn anh chếnh vếnh một thời mê say 

Xe duyên kết tóc đời này 

Hạnh phúc anh chị đủ đầy trăm năm.

Thanh Đối

  • Riêng anh Nguyễn Ngọc Tần ở Sydney thì đã dùng những tĩnh từ và trạng từ tật sâu sắc để diễn tả mối tình của anh chị Nhu:

“Mối tình ấy thật là éo le, độc đáo, không bình thường, rất đặc biệt, vì anh Nhu là một người đặc biệt. Và chị Nhu cũng là một người đặc biệt, tính tình rất thẳng thắn, nói trắng ra những chuyện tình cảm thầm kín cho bạn bè nghe, mà không e ngại.

Biến cố Tết Mậu Thân (1968), một trái hỏa tiễn rơi lạc, làm chồng chị Minh và hai cháu nhỏ mất tại chỗ. Chị lo nuôi nấng 4 người con còn lại. Sau đó, anh Nhu gặp chị, có lẽ, lúc đầu do tình thương các cháu, vì anh là con người rất tình cảm, về sau mới trở thành tình yêu thắm thiết …”.

  • Một người bạn khác ở Sydney, biết tài chơi Bonsai của anh Nhu, nên đã viết về từng dạng cảnh của mỗi chậu Bonsai và dùng “lá đỏ” và “cỏ hồng” để ca ngợi mối tình đẹp của anh chị trong hai câu kết thật nên thơ, đó là anh Nguyễn Hữu Huỳnh, lấy bút hiệu là Thôi-Hiên, (tuy cùng Nguyễn Hữu mà không bà con gì cả):

                      Bonsai

              (Riêng tặng N.H.Nhu)

       Mây hồng xanh ngọn bonsai,

Bóng trăng thiên cổ rơi ngoài mái hiên,

       Cội tùng rụng lá ưu phiền,

Đồi cây bách tuế thất hiền đầu non,

       Rừng sông suối cạn tuổi mòn,

Ngư ông cuốn lưới khơi nguồn biển xa,

       Tiều phu gác búa giang hà,

Thư sinh khai bút nở hoa trắng vàng,

       Bát tiên xoá cuộc cờ tàn,

Thạch bàn còn lại hai hàng thông reo,

       Nông phu dừng bước lưng đèo,

Thiên thu vỗ cánh mây chiều rừng phong,

       Tình anh lá đỏ thu đông,

Trăm năm xanh ngọn cỏ hồng bên em.

       Thôi-Hiên

  • Khi còn ở Đà Lạt, anh Nhu quen và làm thân với 3 đứa trẻ mỗi khi tới thăm người bạn gần nhà thờ chính, vì tính anh thương mến trẻ con. Anh không biết 3 cháu trai đó là con của chị Minh, vì anh chưa gặp chị bao giờ. Khi ấy chị đang làm thư ký cho tàu Kim Dung ở Cam Ranh. Chị gởi ba đứa con nhỏ trên Đà Lạt và chị phải lên để trả tiền ăn ở cho chúng. Nhân dịp đó anh mới gặp chị. Lúc đầu cả hai người đều dùng tình thương để lo cuộc sống cho 3 đứa trẻ. Từ đó, mối tình nảy nở và càng ngày càng thắm thiết, vượt qua bao trở ngại, éo le, như một người bạn đã nói, để chúng ta được chứng kiến một mối tình đáng chiêm ngưỡng của ngày nay.

Khi sang tới Úc năm 1982, tại thành phố Wollongong, chị Nhu đã hai lần mổ đầu gối, một lần mổ tay. Anh từng săn sóc chị một cách tận tình và chu đáo những lần bịnh ấy, với một tâm hồn trong sáng và tình cảm yêu thương.

                       (Hình anh chị năm 1982 và năm 2019)

Về sau, có lần anh đưa chị đi tàu (cruise) qua Singapore, anh xếp hàng chờ làm thủ tục, chị bỏ đi lang thang, biến mất trong đám đông khoảng bốn năm ngàn người, làm anh khổ công tìm kiếm và nhờ cả nhân viên của tàu giúp đỡ. 

Thêm nhiều lần khác, chở chị theo để đi chợ, đi khám bịnh, hay đi thăm bạn bè, vì anh không thể để chị ở nhà một mình được. Bất chợt, quay lại đã thấy chị biến mất, không biết chị đã đi về hướng nào. Nhìn anh lo lắng, hớt hải. Bạn bè có mặt cũng đổ đi tìm kiếm theo anh. 

Người bạn bác sĩ khuyên anh đưa chị đi khám chuyên khoa, mới phát hiện và xác định bịnh mất trí (Alzheimer) của chị. Từ đó, anh càng quan tâm đến chị và chăm lo săn sóc chị nhiều hơn. 

Chị hay nổi nóng, nhiều lần đập cả chén bát. Có lần chị bực bội, ném cái ly cạnh anh, trượt vô cửa sổ, ly bể tan, một mảnh bắn vô mắt anh. Rất may chỉ trúng phần lòng trắng. 

Sau khi học khóa chỉ dẫn cách săn sóc người bị bịnh mất trí do chính phủ tài trợ, tính anh vốn nhẫn nại, càng nhẫn nại hơn, càng thông cảm với người bịnh và săn sóc khéo hơn. Mỗi lần chị nóng, anh kiên nhẫn chịu đựng, xoa dịu cho cơn nóng của chị qua đi. Những năm đầu khi mới bị bịnh, chị rất hay nổi nóng, và nóng rất lâu. Không biết vì thuốc hay vì sự khéo léo săn sóc của anh mà những năm sau càng ngày càng bớt, đồng thời, cơn nóng cũng rút ngắn đi, chỉ một hai phút mà thôi. 

Khi hết nóng, trong những bữa tiệc, chị đứng lên nói chuyện trước mọi người, lại rất tỉnh táo và dí dỏm, khiến nhiều người thích nghe chị nói, thương chị và quý chị hơn. 

Ngoài bịnh đặc biệt kể trên, và các bịnh thông thường của người lớn tuổi như cao máu, cao mỡ, tiểu đường, Chị Minh còn mắc bịnh ngủ ngày. Nên đêm ngủ rất ít, lò mò run run đứng dậy đi loanh quanh. Anh bỏ ngủ theo chị, nhẹ nhàng tìm cách dẫn chị đi trở lại giường. Nhưng chỉ được một lát, chị lại lồm cồm bò dậy, khiến anh tỉnh nữa. Cứ thế, nhiều đêm, anh đã thức trắng, theo chị năm bẩy lần, có khi hơn cả chục lần. Sáng ra, mặt anh phờ phạc, má hõm vô, râu đâm tua tủa. Nhưng anh vẫn vui, tinh thần vẫn vững mạnh, vẫn lo chu toàn vệ sinh cá nhân và bữa ăn sáng cho chị. Anh còn khéo nấu ăn, nấu nhiều món ăn ngon, nên lo đồ ăn cho chị càng chuẩn xác.

Mỗi lần có sinh hoạt văn nghệ, bạn bè gặp gỡ nhau, anh Nhu kiễng chân, nhón cao người vòng lên để mở cái dây seatbelt cho chị. Rồi đưa cả hai bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo, nâng từng chân của chị đặt xuống cạnh xe và dìu chị đứng lên đi vào phòng sinh hoạt. Anh Nhu có khiếu văn nghệ, có tài thổi kèn harmonica, nhất là ca hát. Nên trong khi lái xe, anh thường hát để chị hát theo, như là một cách chữa bệnh, mà thật là hiệu quả, vì chị bị bịnh này đã gần hai chục năm, mà vẫn còn tỉnh táo. 

Có lần anh Nhu bị trượt chân té đâm đầu từ trên cao xuống đất. Xương sọ bị nứt, nằm bất tỉnh trong bịnh viện 3 ngày. Thật may mắn, ngày thứ tư anh tỉnh lại. Khi tỉnh, nhìn mọi vật lu mờ, trí óc quay cuồng đảo lộn như đang nằm trên chiếc thuyền lắc lư vì sóng to gió lớn. Thế mà, sau khi vừa khỏi bịnh, anh lại vẫn săn sóc chị chu đáo và tận tình như xưa.

Hỏi anh nguyên nhân nào đã giúp anh luôn giữ được bình tĩnh, nhẫn nại và chịu đựng mỗi khi chị nổi nóng, hay nói lời khiếm nhã. 

Anh trả lời:

“Tôi nghe theo lời Đức Đạt Lai Lạt Ma: Dù người ta chỉ có một điều tốt, 99 điều xấu, nhưng mình vẫn chấp nhận, vì sự chấp nhận này có thể sửa đổi được tính tình của người ta trở thành tốt hơn. Đó là thái độ của mình nên có”.

“Tôi còn nghe lời dặn của mẹ tôi, dù người không đi học, khuyên tôi hãy “Ở Hiền Gặp Lành”, và tôi đọc cuốn “Cổ Học Tinh Hoa”, trong đó có nhiều bài dạy con người cách sống”. 

“Tôi cũng nghĩ rằng: Nếu vợ chồng tôi giữ được hòa thuận, thì các con chúng tôi sẽ có hạnh phúc”.

“Nhờ đó, tôi đã vượt qua được nhiều sóng gió, có lúc tôi nghĩ sóng lên tới cấp 12, không chịu nổi. Lúc ấy, tôi cố nín lặng để cho sóng qua đi. Tôi mừng lắm”. 

Khi sinh hoạt văn nghệ, anh nhẹ nhàng cầm tay dìu chị tới ngồi ở một cái ghế đặt ở gần máy vi âm (microphone), và anh thường giúp anh em, lên hát mở màn, để tránh cho anh chị em còn ngại ngùng, e lệ. Giọng anh ca tha thiết, quyện tâm hồn vào từng chữ, từng câu. Chị lắng nghe, nét mặt thản nhiên và bàn tay nhịp nhịp theo lời ca, điệu nhạc. Rồi chợt hứng, anh nâng dìu chị tới đứng cạnh, sát máy vi âm, chị choàng tay vô cổ anh, hai đầu chụm gần nhau, anh mỉm cười nhìn chị. Chị cũng cười hát theo, rất thuộc lời, đúng giọng, đúng nhịp, khiến mọi người ngạc nhiên, nghe thích thú, đâu có biết chị đã học hát theo anh nhiều lần trên xe. 

Chính phủ Úc đã gởi người tới giúp anh chị trong việc nấu ăn, lau chùi quét dọn phòng ốc, lái xe đưa anh chị đi khám bịnh hoặc đi chợ búa, và nhất là giúp trong việc săn sóc chị. Anh dìu chị ra ngồi cạnh để giới thiệu cặn kẽ với người đến giúp, một phần để chị quen mặt, bớt sự phản ứng nóng giận khi người đó tới gần. Phần khác, anh dặn dò chi tiết về cách anh đã săn sóc chị, cũng như tính tình của chị, để người mới tới giúp, được dễ dàng hơn. Và nếu bất chợt, chị lớn tiếng đuổi họ ra khỏi nhà, với những lời lẽ khiếm nhã khó nghe, thì mong người giúp thông cảm.

Bây giờ, những khi Covid không bị dãn cách, anh thường mời bạn bè tới nhà để sinh hoạt văn nghệ, ca hát với nhạc sống gồm keyboards, guitar và violin, thưởng thức các món ăn do anh nấu, và ngắm khu vườn bonsai hiếm quý, đầy tính nghệ thuật của anh. 

Chúng tôi thấy gia đình anh chị đã vượt qua được biết bao chông gai, bịnh tật, khó khăn để có được mái ấm, cũng như anh chị đã vượt qua chướng ngại, hoàn cảnh éo le, quyết tâm lấy nhau thuở ban đầu hơn 50 năm về trước.

Với mối tình và sự xây dựng được hạnh phúc trong đời sống tình cảm này, anh chị rất xứng đáng tổ chức lễ vàng kỷ niệm 50 năm đám cưới. Nhà hàng đã đặt, chương trình đã lên khuôn trong sự sắp xếp rất khó khăn, vì quá nhiều bè bạn quý mến, thương yêu, hơn 40 người xin lên sân khấu ca để chúc mừng. Không biết cách nào xếp cho đầy đủ để tránh làm buồn lòng bạn. Cắt cắt, xén xén, thêm thêm, bớt bớt, sau bao suy nghĩ đắn đo của anh Nhu và người bạn MC gần gũi, rồi cuối cùng cũng ổn. Chỉ còn một vài ngày nữa là gia đình và bạn bè thân quen được tham dự một buổi lễ hằng mong đợi. 

Chợt COVID-19 từ Vũ Hán lan rộng, số người bị dương tính gia tăng ở Sydney. Bà Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian phải ra lệnh dãn cách, đóng cửa các nhà hàng và những sinh hoạt không cần thiết. Thế là bao công trình chuẩn bị cho buổi lễ vàng kỷ niệm phải tạm ngưng. Và không ngờ tình trạng tạm ngưng kéo dài mãi, nên chúng tôi đã mạo muội viết ít câu để mừng anh chị trong lúc dãn cách ở nhà, và cũng như một lời kết thúc cho những cảm nhận của chúng tôi về mối tình đáng quý này:

     Chúc mừng Lễ vàng 

                A/C Nhu-Minh 

Năm mươi năm chăm từng hơi thở,

Bình Minh hồng, sáng tràn khu phố, 

Gió xoay chiều nhè nhẹ êm Nhu,

Hong đời Em, rực màu pháo đỏ.

Bẩy mươi xưa, Anh đã yêu Em,

Ánh bình Minh, Đà Lạt buông rèm,

Tính Nhu mì, lượn chân trời tím,

Nước cội nguồn đẹp phủ hoa sen.

Kính chào,

Trần Thiện Tích 

Sydney 12-9-2021

Related posts