Ngoan cố

Du Uyên

Thí sinh xếp hàng xét nghiệm tại một điểm trường sáng 3/7. Nguyên Loan

Cô giáo ra đề bài tập làm văn: Hãy tả con vật mà em yêu thích. Học sinh viết: “Con vật mà em yêu thích nhất là con rận…”

Và học sinh này bắt đầu tả con rận, chi tiết đến từng cọng lông, cái giò… Nhưng cô giáo không hài lòng vì con vật này không được đẹp, nên yêu cầu cậu học sinh tả con chó. Hôm sau cậu bé nộp bài:

“Con chó nhà em có rất nhiều lông, vì thế nó rất lắm rận. Sau đây em xin tả con rận…”

Hơi bực mình, cô giáo bèn cẩn thận chọn một con vật không có rận, là con cá, và bảo cậu tả lại. Cậu bé viết:

“Con cá sống ở dưới nước nên nó không có lông, nhưng nó có rất nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn thì chắc hẳn nó phải có nhiều lông. Mà nhiều lông thì sẽ có rận. Sau đây em xin tả con rận…”

Tức giận, cô giáo đưa ra yêu cầu chót: Hãy tả bạn gái ngồi cạnh em. Cô chắc mẩm cậu bé không thể nào gán cho cô bạn xinh xắn kia là có rận cho được. Cuối cùng cô nhận được bài làm:

“Bạn gái ngồi cạnh em rất xinh xắn và sạch sẽ, bạn có mái tóc bóng mượt, chắc bạn không có con rận nào. Tuy nhiên, em vẫn xin tả con rận…”

Quan ngoan cố, con em chúng ta lãnh hậu quả – Từ Facebook, thanhnien.vn

oOo

Cứ tưởng cậu bé “ghiền” rận trong câu chuyện chỉ là hư cấu, khó có thể xảy ra ở ngoài đời thường. Làm sao có người nào liên tục ngoan cố một cách hồn nhiên như cậu bé trên? Làm sao có người nào lại liên tục ngoan cố chấp nhận sự… ngoan cố của người khác như cô giáo được? Vậy mà có, không chỉ là một cậu bé mà có hàng triệu “cậu bé”… Không chỉ một cô giáo mà là cả trăm triệu “cô giáo”…

oOo

“Sài Gòn mỗi ngày có đến mấy ngàn ca dương tính. Nếu trong tình hình dịch bệnh như này mà Bộ Giáo Dục vẫn quyết cho các cháu ở TP.HCM tập trung thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) đợt hai vào ngày 7 và 8 (tháng 7) này, thì đó là một quyết định độc ác!”

“Năm nay nên xét tốt nghiệp theo học bạ. Vì mấy năm gần đây tỷ lệ tốt nghiệp toàn trên 98%. Tổ chức thi vừa lãng phí vừa không an toàn phòng chống dịch, vừa rất độc ác với công dân tương lai…”

“Một người nhiễm bệnh (Việt Nam đặt là F0) vào siêu thị, đi chợ, đi khám bệnh… chính quyền lập tức phong tỏa những nơi này để truy vết. Các ca nhiễm ngoài cộng đồng mỗi ngày vẫn tăng cao mà không rõ nguồn lây. Chuyên gia y tế thì cảnh báo “hãy xem người đối diện như F0”… Có ai nghĩ đến hậu quả lỡ sau kỳ thi mọi việc tồi tệ hơn không? Có ai phải chịu trách nhiệm không? Ðâu phải không còn phương án để chọn? Sự nguy hiểm của dịch bệnh này đâu khó tưởng tượng? Hãy nhìn ra thế giới đi để biết sợ?”Xem thêm:   Bên kia hàng rào

Ðó là một trong số rất, rất nhiều chỉ trích, đề nghị, phê phán khá nhẹ nhàng từ người dân gửi đến chính phủ, trước khi cuộc thi tốt nghiệp THPT đợt hai diễn ra vào ngày 7 và 8 tháng 7 vừa qua. Và việc nhân dân trông chờ chính phủ trả lời câu hỏi “có nên tập trung cho cả triệu thí sinh đi thi hay không giữa mùa đại dịch nặng nề?” đã là tranh cãi xen lẫn bất bình, phẫn uất của phụ huynh và học sanh từ kỳ thi này hồi 2020.

Chống dịch bằng sự ngoan cố, quan cố quá – dân quá cố – Từ Facebook

Câu trả lời của chính phủ là gì?

Là thi.

Cả năm 2020 và 2021. Dầu vướng phải không biết bao nhiêu sự phản đối, những kẻ cầm quyền vẫn ngoan cố đem hàng triệu thí sinh ra đường, khi họ khuyên người dân «ai ở đâu ở yên đó”. Và cách phản ứng của phụ huynh và học sinh trước câu trả lời từ chính phủ và Bộ giáo dục VN là gì?

Cũng là thi.

Dầu là 2020, dịch ở Việt Nam chưa thực sự nặng nề. Hay là 2021, mỗi ngày đã có số ca nhiễm là hàng ngàn người. Dầu không thi thì năm sau, nếu hết dịch, các em có thể ôn thi lại, còn ngoan cố đi thi giữa mùa dịch, thì có thể nguy hiểm tính mạng. Con virus Vũ Hán này “độc thân vui tính” (theo lời một bác sĩ), chính nó còn không biết nó “hợp” với ai?

Kết quả cho sự ngoan cố trên không chỉ “lòi ra” những học sanh bị “nhốt” (cách ly) do nhiễm bệnh hay từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh – có thể là các thí sinh khác, rồi nhiều phụ huynh cũng bị “nhốt” vì tiếp xúc với các em (dầu trước khi thi, tất cả đã buộc bị xét nghiệm coi có âm tính hay không). Không biết kết quả thi thế nào, nhưng chắc chắn các em sẽ có những tổn thương tâm lý về sau, khi bị “nhốt” ở các khu cách ly tập trung, có học sinh còn bị cách ly ngay tại lớp học trong trường, để tiếp tục thi – như 23 thí sinh thi chung phòng với nam sinh ngất xỉu trong giờ thi Ngữ văn, sau đó nam sinh này có kết quả dương tính với cúm Vũ Hán.

Ngoài ra, ngay sau khi buổi thi môn tiếng Anh ngày 8-7, cũng là môn thi cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Chính quyền TP.HCM đã “đánh úp dân” bằng cách áp dụng ngay chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9-7, thời gian áp dụng ban đầu nói là 15 ngày, nhưng đến nay –  hết tháng 8, người dân vẫn còn bị “nhốt” trong nhà, ngày càng nghiêm ngặt hơn. Ðến nay, vẫn còn nhiều thí sinh và phụ huynh ở tỉnh xa lên thành phố này thi tốt nghiệp và bị kẹt lại (vì những chuyến xe hồi hương khá hiếm, khó đăng ký), ai tự ý về rất có thể bị phạt hoặc không được chính quyền tại «quê hương» nhận. Nhiều người không có chuẩn bị (nghĩ là thi xong rồi về) hoặc gia cảnh khó khăn, coi như cực trần thân. Khi chính người Sài Gòn chính cống, có tiền còn khó khăn trong việc mua đồ ăn và bảo vệ bản thân…

Sai lầm nào rồi cũng phải trả giá, nhưng vì sự ngoan cố của kẻ khác mà phải trả giá như vậy, kể cũng đau đớn lắm! Vầy mà dân Việt mình hình như không biết rút kinh nghiệm, cứ ngoan cố chấp nhận những sự… ngoan cố từ chính quyền hoài, dầu kẻ trả giá đầu tiên luôn là nhân dân, con cháu nhân dân, tương lai dân tộc. Còn họ (chính quyền), con cháu họ, tương lai của gia tộc/đảng phái của họ? Chắc không phải cùng chỗ với nhân dân, dân tộc này rồi!

Và chúng ta lại bất bình… – Từ Facebook

Nói đến tương lai một dân tộc, cái đầu tiên phải kể là giáo dục, tiếc thay, nó cũng là thứ được giới trí thức cho là nát bét nhất trong những thứ đang nát bét tại đất nước này. Chúng ta hãy tìm xem, giữa hàng triệu phản ứng với nội dung sách giáo khoa, cách giảng dạy và cách nhìn của người dân với các Bộ trưởng giáo dục tại VN, với các “đề xuất/quyết sách” mà bộ này đưa ra – có bao nhiêu lời khen ngợi? Như “đề xuất” mới tinh gần đây – cho tất cả học sanh từ lớp một học online, các bé mầm non được miễn (có văn bản, các bài báo đàng hoàng cho điều dĩ nhiên này luôn).

Cũng là một quyết định “đánh úp” dân. Thứ nhất, giữa mùa dịch, toàn dân TP.HCM bị nhốt, các shipper bị phạt vì giao tủ lạnh, cục sạc, bình gas… (vì không thiết yếu) thì ai dám giao laptop cho gia đình nào có con chuẩn bị học online bất ngờ theo yêu cầu của Bộ giáo dục?

Chưa kể, Việt Nam là đất nước không nhiều người giàu, qua mùa dịch này thì càng nhiều người nghèo hơn. (Tuy Việt Nam là đất nước hiếu học, cha mẹ càng nghèo thì càng ráng lo cho con ăn học để mong nó có tương lai tốt hơn.) Trong cái may có cái rủi, các gia đình nghèo tại Việt Nam lại đông con, trong khi người giàu lười đẻ… Chính vì vậy, Việt Nam chưa hợp để học online phổ biến và có chuẩn bị (chứ chưa nói là bất thình lình như vầy).

Thứ nhất là do laptop là xa xỉ đối với nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ vô đại học còn chưa có laptop. (Chưa kể đang dịch, kiếm đâu ra – nếu chưa có sẵn). Ngay cả khi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mua được một cái laptop, hay bỗng có các nhà hảo tâm tạo ra ATM laptop 0 đồng (như ATM gạo, ATM oxy 0 đồng… từng có) để tặng laptop cho học trò nghèo, thì mỗi gia đình cũng chỉ được tặng một cái thôi. Rủi ba má xưa ham vui, nhà ba đứa, ba độ tuổi thì mần sao mà học bằng một cái laptop? Ðừng nói lên tivi lãnh thêm laptop nha?

Ngay cả khi có chương trình “62,000 cái laptop cho học sinh khó khăn” thì cũng hên xui may rủi. Chỉ có dân giúp dân vô điều kiện thôi, chứ nhà nước chỉ vô điều kiện khi ép dân làm điều gì đó. Dân luôn vô điều kiện đóng thuế, vô điều kiện khi đi bầu mà không biết bầu ai, vô điều kiện khi làm theo những mệnh lệnh thay đổi nhanh còn hơn tâm tình sáng nắng chiều mưa trưa thần kinh của Du Uyên nữa…

Nội cái vụ quân đội hay shipper chuyên nghiệp đem đồ ăn đến BÁN cho dân thôi mà cũng chằn ăn trăn quấn, ngay cả báo chí cũng phải thừa nhận người dân không có đồ ăn “nhờ” Ðảng và nhà nước. Trích báo zingnews.vn ngày 30-8: Kế hoạch «đi chợ hộ» đang quá tải tại nhiều quận, huyện của TP.HCM. Người dân lo lắng khi chờ nhiều ngày chưa được giao hàng trong khi thực phẩm dự trữ dần hết.»

Ước mơ của đa số học sinh và phụ huynh VN thời nay – Từ Facebook

Thứ hai, ngoài điều kiện máy móc thì những gia đình nhỏ, con cái không phòng riêng hay không có không gian riêng rất khó học online. Không phải ông bà cha mẹ ai cũng biết lịch sự né camera latop. Nhiều hình ảnh không hay về trang phục cha-mẹ khi con học online đã bị đưa lên mạng trước đó, thật sự thấy tội tụi nhỏ hơn phụ huynh. Nhỏ cũng biết quê, biết buồn, biết mặc cảm, tủi thân chứ người lớn ơi.

Thứ ba, phải kể tới chuyện học online của các “tấm chiếu mới” (chưa từng trải) lớp 1 – những đứa bé vừa “tốt nghiệp” trường mẫu giáo. Các bé chưa từng được dạy cách cầm viết, chưa hiểu kẻ ô ly là gì, chưa quen với chuyện ngồi yên nghe giảng mà giờ bắt các bé ngồi học với máy, nhìn thầy cô qua bên kia màn hình thì liệu học được gì? Lớp một là lớp để làm quen với những điều căn bản, cần sự rèn giũa tận tay từ thầy cô.

Cuối cùng, phải nói đến những chập chờn của đường truyền mạng Việt Nam. Các em lớn còn có thể hiểu bài học do có sự suy luận chứ các bé nhỏ thì sẽ ứng đối thế nào? Khi cô đang đánh vần cái mạng rớt, khi cô đang nói 1 + 1 nhưng mạng lag/giật, khiến các em tưởng 111111+1 bằng… 2.

Thú thiệt, những điều trên tôi có nói trên trang cá nhân ở mạng xã hội, nhận được nhiều sự đồng tình từ các phụ huynh trong và ngoài nước. Ðây là phản hồi của một phụ huynh ở Ðức: “Quá đúng. Con chị bên này học online, nó vào phòng riêng đóng cửa học. Ðức là nước giàu mà khi kêu gọi học online vừa rồi còn bị chửi quá trời luôn, chính phủ phải chi tiền mua thêm tablet cho nhà trường để cấp cho học sinh nghèo…”

Một phụ huynh ở Úc: “Nói đúng quá! Ở Úc đây, con chị có phòng riêng để học online live. Vậy mà nó phải ra luật không ai được nói chuyện ồn ào hoặc cười to gần phòng nó. Môi trường VN sao học online cho tất cả con nít?”

Và đây là một phụ huynh trong nước: “Ðúng là không ổn nhưng không lẽ cho con thất học? Hay là chúng ta nghĩ kỹ xem sao, ví dụ như “vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức HCM” hay là “vận dụng sáng tạo phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin..” hay là “phát huy những bài học kinh nghiệm của cách mạng tháng tám..” trong cuộc chiến học online này của con em chúng ta, xem sao?”

Related posts