Liên Hiệp Châu Âu công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương
Thu Hằng
Ngày 16/09/2021, chỉ vài giờ sau khi Mỹ, Úc và Anh thông báo liên minh ba bên AUKUS, Liên Hiệp Châu Âu cũng công bố chi tiết chiến lược riêng về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để xác định và tăng cường quan hệ với các nước trong vùng. Liên Âu khẳng định « không được thông tin », cũng như không được tham vấn về thỏa thuận giữa ba nước nói trên.
Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
« Đối với Liên Hiệp Châu Âu, vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là 12.000 tỉ euro đầu tư hàng năm, có nghĩa là gấp đôi Hoa Kỳ, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Liên Hiệp Châu Âu. Nói tóm lại, đó là khu vực của tương lai, theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel.
Còn người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell khẳng định trọng tâm thế giới giờ đã dịch chuyển về khu vực này. Đối với ông, liên minh mà Mỹ, Úc, Anh vừa công bố đến đúng lúc để chứng minh cho việc Liên Hiệp Châu Âu cần có một chiến lược độc lập ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ông nói : « Liên minh này chỉ càng nhấn mạnh thêm rằng vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng đối với an ninh của chúng ta, đối với năng lực kinh tế của chúng ta. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc cần phải nâng cao hơn sự tự chủ chiến lược châu Âu ».
Chiến lược của châu Âu dựa vào nhiều sáng kiến, trong đó đặc biệt có các hiệp định thương mại tự do với Úc, New Zealand và Indonesia, hay các thỏa thuận đối tác với Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra còn có nhiều thỏa thuận đối tác về quản lý đại dương, về kỹ thuật số, chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu hoặc về y tế, theo hướng giúp cho các nước châu Âu hiện diện lâu dài trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ».
Phát biểu sau buổi giới thiệu chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell « lấy làm tiếc » vì Bruxelles không được thông báo trước về liên minh AUKUS. Theo ông, « một thỏa thuận quan trọng như vậy không phải là được chuẩn bị từ hôm trước, mà phải mất nhiều thời gian ». Tuy nhiên, ông trấn an rằng « việc này sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Hoa Kỳ ».
Theo AFP, trong cuộc họp ngày 18/10 ở Luxembourg, 27 ngoại trưởng Liên Âu sẽ « phân tích tình hình và tác động của liên minh (AUKUS) này ».
Liên minh AUKUS : Thủ tướng Anh hoan nghênh chiến thắng “hậu Brexit”
Thùy Dương
Ngày 16/09/2021, sau khi Hoa Kỳ, Úc và Anh thông báo thành lập liên minh AUKUS nhằm tăng cường quan hệ đối tác an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh quan hệ đối tác này, được xem là thành công ngoại giao đầu tiên của ông kể từ khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Phát biểu trước các dân biểu, thủ tướng Anh khẳng định Liên minh AUKUS sẽ củng cố vị thế của nước Anh và tạo thêm hàng trăm việc làm trình độ cao.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Claire Digiacomi cho biết thêm chi tiết :
« Với liên minh này, chính sách đối ngoại hậu Brexit của Vương quốc Anh sẽ được hình thành … Hay nói đúng hơn, đó là chính sách mà Boris Johnson mong muốn, cùng với khái niệm « Nước Anh toàn cầu », một nước Anh gây được ảnh hưởng trên sân khấu quốc tế và thoát khỏi gánh nặng của các định chế châu Âu, điều mà từ trước đến nay thủ tướng Anh đã không thể áp đặt, nhưng nay đã được thực hiện với quan hệ đối tác này.
Đây là một chiến thắng ngoại giao chống lại việc cô lập Anh Quốc sau khi nước này rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Theo phủ thủ tướng Anh, điều đó cũng chứng minh là Anh Quốc không cần Liên Âu.
Trước các dân biểu, thủ tướng Boris Johnson đã không giấu giếm niềm tự hào. Trước tiên, ông nêu lên những lợi ích đối với chính sách đối ngoại. Theo ông Boris Johnson, quan hệ đối tác này sẽ « củng cố vị thế của đất nước là một siêu cường quốc về khoa học và công nghệ ». Về lợi ích trong nước, ông đưa ra một lập luận về kinh tế. Thủ tướng bảo đảm là « hàng trăm việc làm trình độ cao sẽ được tạo ra trên toàn quốc ».
Đối với thủ tướng, liên minh này chỉ là « sự khởi đầu » của một chính sách ngoại giao mới về quốc phòng. Vương quốc Anh cũng tiếp tục công cuộc tìm kiếm các thỏa thuận thương mại trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và châu Mỹ ».
Trung Quốc chính thức nộp đơn gia nhập hiệp định CPTPP
Thùy Dương
Chính phủ Trung Quốc ngày 16/09/2021 cho biết đã chính thức nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương, được gọi là Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo Đài Nhật NHK, hôm thứ Năm 16/09, Bắc Kinh cho biết bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã thông báo như trên trong một bức thư gởi cho đồng nhiệm Damien O’Connor của New Zealand, một trong những nước thành lập CPTPP.
Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11/2020 đã từng nói rằng Trung Quốc dự tính tham gia CPTPP. Tuy nhiên, do Trung Quốc đang có nhiều tranh chấp thương mại với một số quốc gia thành viên CPTPP, chẳng hạn như Úc, nên hiện giờ chưa biết liệu Bắc Kinh có được sự chấp thuận của tất cả nước thành viên để có thể gia nhập hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương hay không.
NHK nhận định nỗ lực của Trung Quốc gia nhập CPTPP rõ ràng là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ không tham gia hiệp định này, bởi vào năm 2017, tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, tiền thân của CPTPP. Còn tổng thống Joe Biden thì có vẻ vẫn thận trọng về khả năng đưa Mỹ gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương.
CPTPP có hiệu lực từ tháng 12/2018 và quy tụ New Zealand, Nhật Bản, Canada, Singapore và 7 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, với tổng dân số hơn 500 triệu người và chiếm hơn 10% GDP toàn cầu. Anh Quốc cũng đã nộp đơn gia nhập vào tháng 02/2021.
Covid-19 : Ý áp dụng chứng nhận y tế tại nơi làm việc
Thùy Dương
Ý sẽ chính thức áp dụng chứng nhận Covid-19 tại nơi làm việc kể từ ngày 15/10/2021. Với quyết định này, Ý trở thành là quốc gia châu Âu đầu tiên cấm các công dân đến nơi làm việc, cả trong lĩnh vực công lẫn tư, nếu không có chứng nhận y tế (chứng nhận xanh).
Theo sắc lệnh mà chính phủ Ý thông qua vào hôm qua, 16/09, tất cả người lao động phải có, hoặc chứng nhận tiêm chủng, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc chứng minh đã khỏi Covid-19, thì mới được đến nơi làm việc.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir tường trình :
“Biện pháp mới không chỉ liên quan đến nhân viên của các cơ quan công quyền hay các doanh nghiệp tư nhân, mà còn liên quan đến cả những người giúp việc nhà. Hiện nay chứng nhận y tế đã được yêu cầu đối với nhân viên làm việc ở các trường học và cho những ai muốn đến những nơi như viện bảo tàng, viện dưỡng lão hay nhà hàng…
Đối với những người không thể biện minh cho việc vắng mặt ở cơ quan, nghị định dự kiến biện pháp đình chỉ công việc và tạm ngưng trả lương chừng nào họ vẫn không tuân thủ quy định. Ngoài ra, những người vi phạm còn bị phạt 600 – 1.500 euro. Những ai được miễn tiêm chủng thì phải làm các xét nghiệm, phải trả phí và sẽ được cấp giấy chứng nhận.
Cho đến nay, 72% dân số Ý đã được tiêm ít nhất mũi đầu tiên, nhưng nhà chức trách cho rằng để tránh một đợt phong tỏa mới, tỷ lệ chích ngừa Covid-19 phải lên đến 90% trước tháng 11. Cho nên chính phủ phải ra sắc lệnh nghiêm ngặt nói trên. Thủ tướng Mario Draghi thậm chí còn phản đối việc cho xét nghiệm nhanh miễn phí đối với người lao động, biện pháp mà các nghiệp đoàn đề nghị.
Tuy nhiên, giá của các xét nghiệm này sẽ được giới hạn ở mức 8 euro cho trẻ vị thành niên và 15 euro cho người trưởng thành”.
Tại Hà Lan, bất chấp sự phản đối, chính quyền sẽ cho áp dụng « chứng nhận corona » kể từ ngày 25/09, ngày mà các biện pháp hạn chế xã hội được nới lỏng. Còn tại Pháp, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran hôm qua thông báo khoảng 3.000 nhân viên y tế đã bị đình chỉ công việc vì chưa tiêm ngừa Covid-19.
Nga : Bầu cử Quốc Hội và địa phương không có phe đối lập
Kỳ bầu cử tại Nga kéo dài 3 ngày chính thức bắt đầu từ ngày 17/09/2021. Những phòng phiếu đầu tiên mở cửa là tại các địa điểm bầu cử ở miền Viễn Đông Nga. Đây là kỳ bầu cử mà tất cả những người chỉ trích điện Kremlin đều bị cấm tranh cử.
Theo AFP, vài giờ trước khi bầu cử bắt đầu, tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi người dân Nga chứng tỏ tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước. Kỳ bầu cử 3 ngày lần này không chỉ gồm bầu cử Quốc Hội, mà còn có các cuộc bầu cử cấp địa phương. Theo dự kiến, những kết quả bỏ phiếu đầu tiên sẽ được công bố sau 18 giờ, giờ GMT, Chủ Nhật 19/09.
Ukraina tố cáo Nga tổ chức bầu cử ở bán đảo Crimée
Hôm thứ Năm 16/09, chính quyền Kiev tố cáo việc Nga tổ chức bầu cử Quốc Hội ở bán đảo Crimée của Ukraina mà Nga đã sáp nhập, cũng như cho người dân vùng đòi ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina tham gia bỏ phiếu. Lãnh đạo ngoại giao Ukraina coi đó là một sự “vi phạm luật pháp quốc tế”. Tại nước Cộng hòa tự xưng Donetsk, mọi việc đều diễn ra theo hướng thuận lợi cho phe cầm quyền ở Nga.
Từ Moscow, thông tín viên RFI Anissa El Jabri cho biết chi tiết :
“600.000 cuốn hộ chiếu được phân phát ở miền đông Ukraina ly khai, tại Donetsk cũng như ở Louhansk, chắc chắn mang lại 600.000 phiếu bầu hợp pháp phe cầm quyền. Đó là những phiếu bầu mà chính quyền Matxcơva nhất định phải quan tâm.
Những cử tri mới được công nhận là công dân Nga này sẽ có thể bỏ phiếu, hoặc trực tuyến, hoặc tại thành phố Rostov trên sông Don. Với 825 chuyến xe bus và 12 chuyến tàu chở khách giữa Cộng hòa Donetsk với thành phố Rostov trên sông Don ở phía nam nước Nga, việc qua lại biên giới sẽ được đơn giản hóa.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, chủ tịch ủy ban bầu cử Nga đã nhắc rằng không phải các vùng lãnh thổ được kêu gọi bỏ phiếu, mà chỉ có những người đã trở thành công dân Nga đi bầu. Thế nhưng, điều đó đã không ngăn cản người đứng đầu nước Cộng hòa tự xưng Donetsk hôm qua tuyên bố: “Cuộc bỏ phiếu này là một bước nữa trên con đường sáp nhập Donbass vào Liên bang Nga.”