Hoa Kỳ và Úc ủng hộ việc ngăn chặn TQ tham gia các dự án cáp ngầm dưới biển

Gia Huy

Hồi tháng 6, báo chí đưa tin vòng đấu thầu do Ngân hàng Thế giới chủ trì về một dự án cáp truyền thông ngầm dưới biển đã bị dừng lại vì những lo ngại về an ninh đối với gói thầu của công ty Trung Quốc HMN Technologies, trước đây gọi là Huawei Marine Networks.

Công nhân của Huawei Marine lắp đặt hệ thống cáp Liên kết Nam Đại Tây Dương (SAIL) dài 6.000 km nối liền Cameroon và Brazil (Ảnh: The Epoch Times)

Dự án có tên gọi hệ thống Cáp Đông Micronesia này nhằm tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các quốc đảo ở Thái Bình Dương bao gồm Nauru, một trong 15 đồng minh ngoại giao của Đài Loan dân chủ; Kiribati, một đồng minh ngoại giao của Đài Loan cho đến năm 2019, và Liên bang Micronesia. Dự án cũng bao gồm việc kết nối đã lên kế hoạch với lãnh thổ Guam thuộc Hoa Kỳ, nơi đặt các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ.

Ông Nigel Cory, phó giám đốc về chính sách thương mại của Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF) thuộc một tổ chức tư vấn đặt tại Washington, D.C., nói với The Epoch Times, lĩnh vực cáp truyền thông ngầm dưới biển là một mặt trận quan trọng trong nỗ lực của Hoa Kỳ, Úc, và các quốc gia dân chủ tự do khác nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông quan trọng (CNTT-TT) trước mối đe dọa an ninh tử Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)

Ông Cory chỉ ra việc Úc hoàn thành các tuyến cáp ngầm dưới biển cung cấp internet tốc độ cao cho các quốc gia ở Thái Bình Dương bao gồm Papua New Guinea và Quần đảo Solomon vào năm 2019 nhằm cản trở nỗ lực thực hiện dự án của Huawei. Ngoài ra, trong năm nay, Facebook cũng đã quyết định từ bỏ kế hoạch thiết lập một tuyến cáp ngầm dưới biển nối California với Hồng Kông vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Ông Cory, trước đây từng là nhà ngoại giao của Úc đã kinh qua các chức vụ tại Malaysia và Afghanistan, nhấn mạnh rằng ngày càng có nhiều lo ngại về an ninh đối với các cáp ngầm dưới biển.

Ông giải thích: “Úc đã chú ý chặt chẽ và ngày càng quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt bởi vì nó liên quan đến cơ sở hạ tầng cáp trong khu vực của mình, Nam Thái Bình Dương. Các cáp ngầm dưới biển, về cơ bản, chúng là hệ thống ống dẫn cho internet toàn cầu.”

Liên quan đến việc doanh nghiệp Trung Quốc HMN Technologies không đấu thầu thành công dự án Cáp Đông Micronesia, ông Cory nhận định: “[Hệ thống này] truyền tải dữ liệu, [do đó] có khả năng xảy ra sự truy cập ác ý đối với thông tin mà hệ thống đó truyền tải. Và vì vậy, Úc và Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác hiển nhiên nghĩ rằng không thích hợp để một công ty Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu này, do bản chất của thông tin có thể được truyền theo đường cáp này, do nó liên quan đến lãnh thổ của Hoa Kỳ và cũng liên quan đến lợi ích của Úc tại Nam Thái Bình Dương.”

Ông nói thêm: “An ninh quốc gia là tác nhân chính, nhưng có lẽ không phải là tác nhân duy nhất, trong đó còn có yếu tố cạnh tranh không công bằng từ một công ty được nhà nước hỗ trợ và tài trợ.”

Ông Cory nhận xét rằng các công ty Trung Quốc được nhà nước cộng sản trợ cấp như HMN Technologies được cho là đã nộp hồ sơ dự thầu cho dự án Cáp Đông Micronesia với giá thấp hơn 20% so với giá thầu của các đối thủ cạnh tranh khác như Alcatel Submarine Networks (ASN) thuộc tập đoàn Nokia của Phần Lan và công ty NEC của Nhật Bản, và do đó họ có thể thực hiện các cuộc đấu thầu cạnh tranh bất thường đối với các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế.

Ông nói với The Epoch Times: “Các công ty Trung Quốc được cung cấp nguồn tài chính do nhà nước hỗ trợ với chi phí bằng hoặc thấp hơn chi phí chung của thị trường. Vì vậy, nguồn tài chính giá rẻ là một công cụ quan trọng để nhà nước cộng sản Trung Quốc hỗ trợ cho các công ty công nghệ cao hàng đầu của nước này mở rộng ra toàn cầu.” Ông cũng lưu ý rằng việc Trung Quốc trợ cấp cho sự tăng trưởng quốc tế của các công ty nước này đã mở rộng sang các ngành khác, bao gồm cả đường sắt cao tốc.

Ông Cory cho biết thêm, Hoa Kỳ và Úc đều cảnh giác và hợp tác với nhau để bảo vệ cơ sở hạ tầng CNTT-TT quan trọng và bảo vệ chống lại sự xâm nhập của nhà nước độc tài Trung Quốc vào lĩnh vực này.

Ông khẳng định: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi Úc sẽ tìm cách hợp tác với đồng minh thân cận của mình là Hoa Kỳ trong việc xem xét các kế hoạch này [như gói thầu của HMN Technologies cho dự án Cáp Đông Micronesia], cũng như đánh giá những rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn, và sau đó rõ ràng do các mối quan hệ của Huawei và chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc … cuối cùng [Úc] quyết định rằng đó là một rủi ro an ninh không thể chấp nhận.”

“Sự giám sát ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng đối với mạng lưới riêng của từng quốc gia, cả trong nước và quốc tế, đang dẫn đến … sự giám sát gia tăng về việc ai cung cấp nó [cơ sở hạ tầng], ai tham gia vào nó, và liệu sự tham gia của họ có làm gia tăng rủi ro an ninh không thể chấp nhận hay không bởi vì nó có thể hoạt động như một điểm truy cập bất ngờ cho một chính phủ nước ngoài.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Related posts