Phân tích: Hợp tác quốc phòng Anh-Mỹ-Úc, quân đội Hoa Kỳ có thể đánh thẳng vào yếu huyệt của Bắc Kinh

Vũ Dương

Lãnh đạo 3 nước Anh, Úc, Hoa Kỳ (ảnh: Youtube/7NEWS Australia).

Hoa Kỳ, Anh và Úc trong tuần này đã đã ký kết một quan hệ đối tác an ninh 3 bên mới nhằm phát triển hợp tác quốc phòng và công nghệ cao. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là cơ sở quan trọng để Hoa Kỳ ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giành ưu thế quân sự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trang Epoch Times cho hay.

Cơ chế hợp tác này được gọi là “Đối tác an ninh ba bên Úc-Anh-Hoa Kỳ” (AUKUS), cho phép Hoa Kỳ, Anh và Úc chia sẻ các công nghệ kỹ thuật cao như trí tuệ nhân tạo, mạng lưới Internet, hệ thống dưới nước và các khả năng tấn công tầm xa. 

Điều đáng chú ý nhất trong trong đó là việc Mỹ và Anh sẽ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Úc để giúp nước này xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Trước đó, Hoa Kỳ chỉ ký một thỏa thuận với Vương quốc Anh để chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân vào năm 1958, và từ đó đến nay chưa bao giờ xuất khẩu công nghệ nhạy cảm này cho bất kỳ đồng minh nào.

Mặc dù các quan chức của ba nước đều tuyên bố rằng hợp tác ba bên giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc “không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào”, tuy nhiên ngoại giới lại có nhìn nhận chung rằng quan hệ đối tác mới có thể tăng cường khả năng răn đe của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ một cách hiệu quả.

Tờ “Financial Times” của Luân Đôn chỉ ra rằng thông qua thỏa thuận này, Hoa Kỳ có thể thiết lập sự hiện diện quân sự mạnh mẽ bên ngoài vòng vây tên lửa của ĐCSTQ.

Ông Euan Graham, một nhà phân tích an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, cho biết: “Úc không chỉ là một đồng minh chính trị, nước này nằm ở một vị trí thuận lợi. Ngoài tên lửa tầm xa nhất của Trung Quốc, Úc nằm bên ngoài vòng vây của tất cả các tên lửa”.

Ông Graham nói: “Hoa Kỳ có thể đã thiết lập một căn cứ tấn công ở đó và để nó phát huy các chức năng của mình vào đầu những năm 1940, đến nay công nghệ đã có sự thay đổi rất nhiều, nhưng môi trường địa lý kia vẫn sẽ không thay đổi”.

Ông đang đề cập đến thực tế là Hoa Kỳ và Úc đã cùng nhau chiến đấu chống lại Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, khi Úc là một thành trì quân sự quan trọng của Hoa Kỳ.

Tờ Financial Times chỉ ra rằng, Không quân Hoa Kỳ có thể bố trí các máy bay ném bom có ​​khả năng mang tên lửa chống hạm ở Úc, điều này có thể đe dọa các tàu hải quân Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích cũng tin rằng Hải quân Mỹ có thể sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ hải quân Stirling ở thành phố Perth của Úc. Quần đảo Cocos của Úc ở Ấn Độ Dương cũng rất thích hợp để giám sát các hoạt động quân sự của ĐCSTQ trên Biển Đông.

Ông Alexander Neill, một chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á, tin rằng đối với Hoa Kỳ, AUKUS có thể “nâng cao năng lực của các đồng minh và sử dụng các mối quan hệ mới nhiều nhất có thể để gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ”.

Ông Neill nói: “Điều này có nghĩa là tích hợp các đối tác và đồng minh của họ vào chiến trường của họ, điều này có thể nhân lên sức mạnh của liên minh và ngăn chặn các quốc gia như Trung Quốc. Đây chính là vai trò của AUKUS”.

Theo Financial Times, ĐCSTQ đang liên tục mở rộng kho vũ khí tên lửa, gia tăng hạm đội tàu ngầm, phát triển khả năng tác chiến điện tử và không gian. Những uy hiếp quân sự này đang dần đe dọa khả năng hoạt động tự do của quân đội Hoa Kỳ ở châu Á.

Trong hơn một thập kỷ, các quan chức quân sự Hoa Kỳ đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để đối phó với việc mở rộng khả năng quân sự của ĐCSTQ. Điều này bao gồm việc thay đổi việc triển khai Lực lượng Thủy quân lục chiến, thiết lập hoặc mở rộng các đường băng sân bay trên các đảo Thái Bình Dương như Đảo Midway, và tăng cường hiện diện quân sự ở miền bắc Australia. Tuy nhiên, AUKUS có thể tăng cường hơn nữa những nỗ lực này.

Ông David Santoro, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, một Viện chính sách của Mỹ, cho biết: “Tôi nghĩ nó xác thực đã lấp đầy khoảng trống về sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực”.

Ông Santoro cho biết: “Chúng tôi hiện đang thực hiện một hoạt động củng cố quan hệ đồng minh rất nghiêm túc với Úc trong bối cảnh Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Liên minh 4 nước”.

Ông Santoro ở đây là chỉ quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong những năm gần đây, cơ chế này được gọi là “Đối thoại An ninh Bộ tứ”, đã dần trở thành một liên minh quan trọng của Hoa Kỳ và các đồng minh Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Có nhà phân tích chỉ ra rằng khi Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng về kinh tế và quân sự, tổ chức này có thể phát triển thành một phiên bản Thái Bình Dương của liên minh quân sự “NATO”. Bốn nước cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển ở Malabar vào cuối tháng trước.

Tuần tới, Bộ tứ sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh, giới quan sát bên ngoài phỏng đoán rằng họ có thể cố gắng làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng và điều hành tổng thể việc phát triển các khí tài quân sự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Cốt lõi của chiến lược quân sự Hoa Kỳ là một loại phương pháp được gọi là răn đe toàn diện, tích hợp các khả năng trong các lĩnh vực khác nhau của quân đội Hoa Kỳ, bao gồm các hệ thống và công nghệ vũ khí tiên tiến nhất, các khái niệm chiến đấu mới nhất và hoạt động phối hợp liền mạch giữa các loại quân chủng như hải quân, lục quân, không quân, vũ trụ và mạng lưới Internet. Đồng thời, quân đội Mỹ cũng sẽ phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với quân đội các nước đồng minh. Điều này cho phép Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động gần lãnh thổ Trung Quốc hơn và bảo vệ hiệu quả tài sản của Mỹ khỏi bị tấn công.

Theo thỏa thuận AUKUS, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân. Hiện chưa rõ khi nào các tàu ngầm hạt nhân này có thể được triển khai.

Các quan chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng ba nước sẽ dành 18 tháng để tham vấn về các thỏa thuận tiếp theo.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, John Schaus, nhà nghiên cứu cấp cao của Dự án An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết, theo Liên minh Ngũ Nhãn trước đây, trọng tâm của nó là chia sẻ thông tin tình báo, còn Quan hệ đối tác an ninh ba bên mới này  thì liên quan đến quốc phòng và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Ông tin rằng cơ chế hợp tác ba bên mới có thể cung cấp một mô hình mới cho mối quan hệ hợp tác trong tương lai giữa Hoa Kỳ và các đồng minh nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung.

Ông nói: “Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn những thỏa thuận như vậy, các quốc gia có cùng giá trị, lợi ích và mục tiêu tương tự, sẽ cùng tìm đến các phương thức hợp tác có tính nhắm thẳng”.

Related posts