Hồi xưa lúc còn học trung học, cứ mỗi lần thầy cô mình xổ mấy câu tiếng Pháp thì tui khoái chí và khâm phục lắm, dù lúc đó chia động từ (verbe conjagulation) còn sai lên sai xuống. Câu nói mà tôi thường nghe là “Le coeur a ses raisons que la raison ne connait pas” của Pascal (Trái tim có lý do của nó mà lý trí không biết.), và tôi làm bộ như mình thấm hiểu câu này… nhưng thật ra vẫn còn ‘tơ lơ mơ…
Sau này khi dạy học ở Đại Học Tasmania, tôi được dịp nghe một sinh viên trong lớp, Emma, trình bày về đề tài ‘sức mạnh của cảm xúc’ trong đời sống và học đường, tôi cảm thấy ước chi mình được học về đề tài này liên hệ đến giải quyết xung đột (conflict resolution) từ khi còn bé. Hồi đó, mỗi lần hai đứa học trò cãi vã và đánh đá nhau, thầy phạt hai đứa quỳ gối mấy tiếng đồng hồ, không cần biết ai đúng ai sai. Một giải quyết xung đột rất ‘hiệu quả’, bình an như trên mặt nước hồ thu.. nhưng dưới đáy nước, cảm xúc vẫn còn là sóng thần Tsunami.
Ở Úc, giáo dục để ý nhiều đến giải quyết xung đột (conflict resolution) và thường khuyến khích học trò phản ảnh cảm xúc của chính mình và chia sẻ với người khác (emotional intelligence). Thầy cô thường là người hòa giải xung đột thay vì phán đoán ai đúng ai sai, dùng những câu hỏi như: Do you think Tim purposely stepped on your foot? How would you feel if someone ‘calls names’ to you? How do you feel towards Tim now? Should we give him a second chance?
Theo emotional intelligence, cảm xúc có hai lối đi (pathways): Tích cực và tiêu cực:
– Cảm xúc đưa đến thiện cảm, rồi đưa đến thỏa thuận, và hiệu quả là hợp tác.
– Cảm xúc đưa đến ác cảm, rồi đưa đến bất đồng, và hiệu quả là xung đột.
Tuy hồi xưa không được dạy giải quyết xung đột (conflict resolution) ở trường, nhưng tôi thích nhất là vào đầu giờ hay cuối giờ học, thầy cô cho cả lớp hát thật to, như là một cách ‘xả hơi’ … như bài ‘Khỏe vì nước’ hay ‘Quyết tiến’… Hát xong, lớp học vang đầy tiếng nói cười dễ thương… Tưởng vậy là vui cả nhà ai ngờ, lúc hát bài ‘Quyết Tiến’, có mấy ‘thằng quỷ’ lợi dụng đám đông ca, nên nghịch ngợm đổi lời: “Quyết tiến, ta giống dân làm biếng,” vậy là cả lớp bị ‘cấm túc’, tức ơi là tức.
Nếu bạn còn sức và muốn sống lại cảm xúc tích cực thời đi học, xin cùng nhau hát thật to bài ‘Khỏe vì nước’ của nhạc sĩ Hùng Lân:
“Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia.
Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam…