Du Miên
Thảm đỏ của Met Gala 2021 tuy vắng bóng ngôi sao nổi tiếng Nicki Minaj, nhưng lại có thể đón chào nữ chính khách cực tả Alexandria Ocasio-Cortez. Sự hoán đổi vị trí này tưởng chừng chỉ do trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, những thông điệp mà 2 nhân vật này truyền tải xoay quanh sự kiện khiến người ta nhận ra rằng, những tiêu chuẩn kép và xung đột giá trị đạo đức đang dần xóa nhòa những giá trị nền tảng cốt lõi của nước Mỹ.
Met Gala thường được giới truyền thông mô tả như là sự kiện “Oscar” của giới thời trang với người phụ trách chính là Anna Wintour – vị tổng biên tập quyền lực của tạp chí thời trang hàng đầu Vogue. Sự kiện này thường quy tụ rất nhiều các ngôi sao giải trí, ca sĩ, diễn viên hàng đầu xuất hiện trong các bộ trang phục cầu kỳ, độc lạ theo các chủ đề nhất định.
Đáng chú ý là, trong sự kiện năm nay, nữ ngôi sao nhạc rap hàng đầu là Nicki Minaj không tham gia vì còn nhiều khúc mắc về các tác dụng phụ của vaccine COVID-19. Song vắng bóng nữ rapper, thảm đỏ của Met Gala lại được tiếp đón một nhân vật đặc biệt khác, là nữ Dân biểu thuộc đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez (New York) – người vẫn tự tuyên bố mình theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Sự hoán đổi vị trí của hai nhân vật với hai vai trò khác biệt tại cùng một sự kiện dường như là hình ảnh thú vị về sự giao thoa giữa 2 thế giới chính trị và giải trí tưởng chừng như đối lập nhau. Tuy nhiên, những lý do khiến cho 2 nữ nhân vật này lựa chọn tham dự hoặc rời xa hào quang thảm đỏ mới thật sự là điều khiến người ta phải lưu tâm.
Chính khách Mỹ xuất hiện trên thảm đỏ của giới giải trí
Xuất hiện trên thảm đỏ của Met Gala 2021 là nữ Dân biểu Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) (New York) trong bộ váy trị giá hàng ngàn USD có kèm dòng chữ đỏ sau lưng là: “Tax the Rich” (Hãy đánh thuế người giàu). Tại sự kiện, cô cũng chụp ảnh cùng với nhà thiết kế của bộ váy là cô Aurora James. Sự đối lập giữa thông điệp của nữ dân biểu so với sự hào nhoáng của sự kiện, cũng như trách nhiệm đạo đức trong việc cô chấp nhận tấm vé mời miễn phí khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.
Sự tham gia của nữ chính khách tại một sự kiện dành cho giới giải trí đã vấp phải sự phản đối khi nữ dân biểu cánh tả lại chấp nhận tấm thiệp mời có trị giá từ khoảng 35.000 USD đến 50.000 USD. Trong một bản khiếu nại về vấn đề đạo đức (pdf), nhà sáng lập tổ chức Trách nhiệm Giải trình Hoa Kỳ (American Accountability Foundation – AAF) là ông Thomas Jones đánh giá, việc làm này của Dân biểu Ocasio-Cortez đã phá vỡ các nguyên tắc của Hạ viện Mỹ về việc chấp nhận quà tặng, theo The Epoch Times.
Ông Jones gọi tấm vé tới Met Gala 2021 là một món quà xa hoa và khẳng định Dân biểu Ocasio-Cortez đã vi phạm khoản 5 của Quy tắc XXV trong Quy định của Hạ viện Mỹ. Trong bản khiếu nại, ông nêu rõ: “Những quy tắc này tồn tại là có lý do. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt, chúng ta có nguy cơ xảy ra tham nhũng trong hội trường Quốc hội và các quan chức công phục vụ những người khác trong khu vực bầu cử của họ. Chính phủ có trách nhiệm với công dân của mình, và tính liêm chính và trách nhiệm giải trình phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi”.
Đối mặt với những phản ứng lên án gay gắt trên, văn phòng Dân biểu Ocasio-Cortez khẳng định cô không hề vi phạm các quy định của Hạ viện Mỹ. Để biện hộ cho việc xuất hiện tại thảm đỏ Met Gala 2021, nữ dân biểu khẳng định cô tới đây nhằm truyền tải thông điệp tới giới thượng lưu của Mỹ. Sự kiện thời trang thường niên Met Gala là nơi hội tụ của các ngôi sao giải trí nổi tiếng của Hollywood và thế giới, những ca sĩ, diễn viên và những cái tên danh tiếng trong ngành thời trang.
Đến ngày 16/9, Daily Caller cho biết, đã có thêm một tổ chức giám sát khác là Trung tâm Chính sách và Pháp lý Quốc gia (National Legal and Policy Center – NLPC) của Hoa Kỳ đâm đơn khiếu nại (pdf) về việc AOC tham gia Met Gala 2021. Hãng tin cho biết, tổ chức giám sát khẳng định, sự vi phạm của nữ dân biểu thuộc đảng Dân chủ không chỉ dừng ở tấm vé mời tham dự sự kiện. Theo tổ chức này, nữ dân biểu cũng đã tiếp nhận một món quà cấm kỵ từ một người tham dự Met Gala, đó là vị trí ngồi tại chiếc bàn được tài trợ với giá trị lên đến 300.000 USD.
Trong đơn khiếu nại của NLPC, cố vấn của tổ chức là ông Paul Kamenar khẳng định: “Dân biểu Ocasio-Cortez có thể đã vi phạm Quy tắc Nhận Quà tặng của Hạ viện khi chấp nhận tấm vé vào cửa miễn phí cho bản thân và bạn trai tới sự kiện Met Gala, và nhận những món quà liên quan trước, trong hoặc sau sự kiện, bao gồm cả việc sử dụng trang phục được thiết kế riêng, dịch vụ xe limousine, việc sử dụng Khách sạn Carlyle, các dịch vụ trang điểm và làm tóc chuyên nghiệp cũng như bất kỳ dịch vụ hoặc hàng hóa liên quan nào khác”.
Sau buổi tối tham dự Met Gala 2021, Dân biểu Ocasio-Cortez đã giải thích trên tài khoản Instagram cá nhân của cô rằng, cô đã mượn chiếc váy từ Brother Vellies, nhãn hiệu thời trang của nhà thiết kế Aurora James. Nữ chính khách với niềm tự hào về lý tưởng xã hội chủ nghĩa của mình cũng tuyên bố, việc cô ấy tham dự buổi dạ tiệc phù hợp với “trách nhiệm của cô ấy trong việc giám sát các tổ chức văn hóa phục vụ công chúng của thành phố” New York.
Tuy nhiên, đơn khiếu nại của nhà sáng lập AAF lập luận, tuyên bố của nữ dân biểu rằng việc tham gia sự kiện này nằm trong những nhiệm vụ của cô vốn không có cơ sở. Trên thực tế, tấm vé mời của AOC không thuộc về bất kỳ trường hợp đặc cách nào được nêu trong phần Quy định 25.5(a)(4) của Hạ viện Mỹ. Tính chất sự kiện của Met Gala không thỏa mãn yếu tố là một sự kiện có sự tham gia của số đông hay sự kiện mang tính từ thiện, vốn là những trường hợp ngoại lệ theo quy định của Hạ viện Mỹ, ông Jones cho biết.
Ngoài ra, phía NLPC cũng nhấn mạnh, nếu bạn trai của AOC cũng nhận vé mời miễn phí với tư cách là người đi cùng nữ dân biểu, thì đây tiếp tục là một vi phạm khác của cô. Bởi lẽ, bộ quy tắc của Hạ viện chỉ cho phép các nhà lập pháp tặng một tấm vé thứ 2 cho một nhà vận động quỹ từ thiện, hoặc cho người bạn đời hay trẻ em phụ thuộc vào họ, với điều kiện 2 trường hợp sau phải có giấy tờ pháp lý chính thức, theo Daily Caller. Đối với việc chiếc váy có thể được mượn, NLPC lập luận việc này vẫn vi phạm quy định của Hạ viện Mỹ, vì lý do nhà thiết kế vẫn phải cống hiến “các dịch vụ chuyên nghiệp có giá trị trong việc thiết kế và làm ra chiếc váy độc nhất vô nhị này”.
Động thái này của AOC cũng khiến nữ dân biểu phải đối mặt với sự chỉ trích từ cả những người từng ủng hộ cô trước đây, như nhà báo gạo cội Glenn Greenwald. Khi Ocasio-Cortez tổ chức chiến dịch vận động tranh cử của mình vào năm 2018, ông Greenwald đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho nữ dân biểu theo tư tưởng cực tả này. Tuy nhiên, có lẽ ông đã thay đổi sau khi thấy những bức ảnh của AOC tại Met Gala 2021.
Trong một bài xã luận đăng tải trên Substack, nhà báo Greenwald viết: “Ngay cả với tất cả sự lừa dối và thao túng này, vẫn có một điều gì đó đáng lo ngại độc nhất vô nhị — thậm chí là đáng sợ — về việc trở nên quen với việc nhìn thấy giới chính khách và tầng lớp cao trong văn hóa sống trong những thứ xa hoa mà không đeo khẩu trang, trong khi những người được trả lương ít ỏi để phục vụ họ theo nhiều cách khác nhau thì buộc phải giữ miếng vải trên khuôn mặt của họ. Nó là một biểu tượng mạnh mẽ của sự thối rữa ngày càng tăng ở cốt lõi của nền văn hóa và xã hội của Mỹ: một tầng lớp thượng lưu không khẩu trang được phục vụ bởi một tầng lớp đầy tớ vĩnh viễn không lộ diện”.
Các nhà báo cánh hữu thậm chí đã thẳng thắn nêu ra tính mâu thuẫn và tiêu chuẩn kép giữa thông điệp “Đánh thuế người giàu” của AOC, với việc cô lựa chọn tham dự một sự kiện xa hoa tốn kém vốn chỉ phù hợp với các ngôi sao giải trí.
Nhà báo Dave Portnoy của báo Barstool Sports đã trào phúng trên Twitter rằng: “‘Hãy đánh thuế người giàu’….. Nhưng trước hết tôi sẽ tận hưởng cuộc sống của mình bằng việc tiệc tùng với tất cả bọn họ, tại một bữa tiệc xa hoa nhất trong năm, về cơ bản vốn là một buổi lễ để tung hô sự giàu có”.
Còn nhà báo Jerry Dunleavy của Washington Examiner thì bình luận trực diện: “AOC muốn đi chơi với một loạt những người nổi tiếng giàu có trong một bữa tiệc hay ho mà không làm mất đi uy tín trong đường lối xã hội chủ nghĩa của mình, vì vậy cô ấy đã ném [dòng chữ] ‘Tax the Rich’ lên phía sau chiếc váy của mình và coi như vậy là xong. Nó không phức tạp hơn thế nhiều đâu”.
Biên tập viên cấp cao của hãng tin National Review là ông Jay Nordlinger thì đưa ra những số liệu thực tế để phản biện lại thông điệp của AOC, bởi lẽ những người giàu có nhất ở Mỹ mới là những người phải đóng thuế nhiều nhất tại nước này hiện nay. Trong bài đăng trên Twitter hôm 14/9, nhà báo Nordlinger cho biết: “Theo dữ liệu mới nhất, 1% những người có thu nhập cao nhất ở Mỹ phải trả 40,1% thuế liên bang; 90% [người có thu nhập] thấp nhất trả 28,6%. Thôi nào. Nếu các vị muốn có thêm thu nhập – hãy tìm đến [tầng lớp] ‘trung lưu’ đi”. Hãng tin Fox News đã xác nhận số liệu này từ dữ liệu thuế năm 2018 của Hoa Kỳ, trích dẫn nguồn dữ liệu từ Tax Foundation – tổ chức thuế độc lập phi lợi nhuận hàng đầu nước Mỹ.
Ngôi sao ca nhạc đối mặt văn hóa ‘hủy bỏ’ vì đặt câu hỏi về vaccine COVID-19
Trong lúc Dân biểu cực tả Ocasio-Cortez bước lên thảm đỏ Met Gala và trải nghiệm một sự kiện văn hóa theo phong cách Hollywood, có một ngôi sao nổi tiếng thế giới đã lựa chọn bỏ qua cơ hội là trung tâm của ánh đèn flash và sự ngưỡng mộ của công chúng toàn cầu, vì lý niệm và trách nhiệm của bản thân. Đó là nữ ca sĩ nhạc rap Nicki Minaj.
Trong một bài đăng trên tài khoản Twitter với gần 23 triệu người theo dõi hôm 14/9, ngôi sao nhạc rap 38 tuổi cho biết, cô quyết định như vậy là do điều kiện phải tiêm chủng vaccine COVID-19 của sự kiện. Cô khẳng định: “Nếu tôi tiêm chủng thì đó không phải vì [sự kiện] Met. Đó là khi nào tôi cảm thấy tôi đã nghiên cứu đủ kỹ”.
Ở một bài đăng trước đó, khi một người hâm mộ đặt câu hỏi về việc nữ ca sĩ đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn một năm qua, Nicki Minaj khẳng định, cô không muốn dại dột để con trai mình đối mặt rủi ro sức khỏe chỉ để có được sự chú ý. Đặc biệt là trong thời kỳ COVID này, cô không thể tìm được người chăm sóc cho con trai thay thế mình, theo The Epoch Times. Nữ ca sĩ đã hạ sinh một bé trai vào tháng Chín năm ngoái.
Ở bài đăng nối tiếp sau đó, nữ ca sĩ nhạc rap giải thích rõ lý do vì sao cô muốn tìm hiểu kỹ vấn đề này trước khi đưa ra quyết định. Nicki Minaj nói: “Anh họ của tôi ở Trinidad sẽ không tiêm vaccine vì bạn anh ấy đã tiêm và trở nên bất lực. Tinh hoàn của [người bạn] đã trở nên sưng tấy. Chỉ còn vài ngày nữa là bạn anh ấy sẽ cưới, giờ thì cô gái đã hủy hôn rồi. Vì vậy, hãy cứ cầu nguyện và đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái với quyết định của mình, [chứ] không [phải vì] bị bắt nạt”.
Trong các chia sẻ sau đó trên tài khoản mạng xã hội của mình, Nicki Minaj vẫn khẳng định cô có dự định sẽ tiêm vaccine COVID-19 vì các kế hoạch lưu diễn trong tương lai, và hiện thời rất nhiều nơi đều yêu cầu người lao động phải chích vaccine. Lý do khiến cô còn băn khoăn là vì những tác dụng phụ khi tiêm vaccine, cũng như việc người tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm COVID-19.
Trao đổi với CNN hôm 15/9, cố vấn COVID-19 của chính quyền ông Biden là Tiến sỹ Anthony Fauci tuyên bố, không có bằng chứng cho thấy xảy ra các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine như Nicki Minaj đề cập. Ông còn nhắc nhở nữ ca sĩ cần suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải những thông tin kiểu này trực tuyến.
Sau những chia sẻ về tác dụng phụ gây vô sinh của vaccine COVID-19 từ Nicki Minaj, các quan chức y tế tại Trinidad – một quốc gia thuộc vùng vịnh Carribe – tuyên bố đã điều tra nhưng không phát hiện bất kỳ báo cáo chính thức nào về trường hợp như vậy, theo The Guardian. Họ thậm chí coi những tuyên bố của nữ ca sĩ là những thông tin thiếu chính xác và làm lệch hướng dư luận về tác dụng của vaccine.
Vì những tuyên bố này, ngôi sao nhạc rap 38 tuổi đã phải nhận một lượng chỉ trích đáng kể và bị chế nhạo trên các nền tảng mạng xã hội, theo News AU. Hãng tin The Epoch Times cho biết, Nicki Minaj “khẳng định bản thân hiện là mục tiêu của một đám đông theo phong trào ‘văn hóa hủy bỏ’ vì những bài đăng về vaccine của cô trên Twitter”. Hiện tượng này khiến cô liên tưởng đến cách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt thông tin và ngôn luận từ phía cả người ngoại quốc và các công dân Trung Quốc.
Trong một video phát trực tiếp trên tài khoản Instagram của nữ ca sĩ, Nicki Minaj bày tỏ, cô thấy lạnh sống lưng khi trở thành mục tiêu tấn công chỉ vì đặt câu hỏi trái chiều về vaccine COVID-19. Cô khẳng định, ai cũng có quyền đặt câu hỏi về những thứ họ sẽ đưa vào cơ thể mình, nhưng giờ đây việc này lại đang trở thành điều bất thường khó chấp nhận ở Mỹ. Cô nhận thấy ngay tại Mỹ – nơi tưởng chừng có những luật lệ tự do cởi mở khác hẳn với chế độ Trung Quốc – thì giờ đây người ta lại bắt đầu quay lưng lại và cô lập những người không đồng tình với số đông.
Sau những băn khoăn này của Nicki Minaj, nữ ca sĩ có thông báo tới người hâm mộ rằng, Nhà Trắng của ông Biden đã liên hệ với cô và mời cô đến nói chuyện với Trưởng bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy và cố vấn COVID-19 của chính quyền là Tiến sỹ Anthony Fauci về vaccine. Tuy nhiên trong video đăng tải trên tài khoản Instagram của mình, Nicki Minaj chia sẻ, ngay khi cô đăng thông tin về lời mời của Nhà Trắng, một quan chức giấu tên đã gọi lại và tỏ rõ thái độ tức giận khi nữ ca sĩ làm như vậy.
Trong chương trình “Tucker Carlson tonight” phát sóng trên đài Fox News vào ngày 15/9, người dẫn chương trình Carlson đã nêu lên vấn đề của những ồn ào và tranh cãi xoay quanh quan điểm của Nicki Minaj về vaccine COVID-19. Ông Carlson đã chỉ ra một sự thật rằng, nữ ca sĩ không hề tuyên bố phản đối việc tiêm chủng, mà cô chỉ muốn có quyền tự đưa ra quyết định của mình sau khi đã tìm hiểu đủ kỹ càng, với tư cách là một công dân Mỹ.
Ông nhận định, các quan chức y tế và giới chính khách giận dữ không phải vì việc Nicki Minaj đề cập đến tác dụng phụ gây vô sinh của vaccine COVID-19, vốn chưa có bằng chứng cụ thể. Trên thực tế, theo Carlson, các nhà chức trách Mỹ nổi cơn thịnh nộ vì nữ ca sĩ đã khuyến khích người dân Mỹ có can đảm đưa ra sự lựa chọn mà bản thân tin tưởng, chứ không phải vì sự ép buộc. Lời trích dẫn từ Nicki Minaj mà ông đề cập đến là: “Vì vậy, hãy cứ cầu nguyện và đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái với quyết định của mình, [chứ] không [phải vì] bị bắt nạt”.
Một người khác đã lên tiếng ủng hộ Nicki Minaj là nữ diễn viên Rose McGowan. Trong bài đăng trên Twitter của mình hôm 17/9, nữ diễn viên tuyên bố: “Tôi chung vai sát cánh với Nicki Minaj & tất cả những người nhìn thấy những gì đang xảy ra”. Cô McGowan lý giải, những lo ngại của công chúng khi không tin tưởng vào những chia sẻ của Nicki Minaj, rất có thể bắt nguồn từ việc người dân đang sợ hãi việc phải xem xét và suy ngẫm kỹ lưỡng về một vấn đề hay hiện tượng bất kỳ. Cô cũng khuyến khích mọi người cần suy xét kỹ càng hơn, và kết luận rằng: “Chỉ vì bạn muốn tin vào những gì mà các nhà lãnh đạo bạn sùng bái nói, cũng không biến nó thành sự thật”.
Tiêu chuẩn kép đang bào mòn các giá trị cốt lõi của nước Mỹ
Hollywood từ lâu vẫn luôn là biểu tượng cho sự xa hoa của giới giải trí và những bữa tiệc lộng lẫy hào nhoáng hội tụ các ngôi sao nổi tiếng tại đây luôn là tâm điểm chú ý của thế giới. Đồng thời, các nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng được coi là giới tinh hoa của nền chính trị và kinh tế toàn cầu, với lý tưởng và trách nhiệm dẫn dắt vì lợi ích của mọi người dân. Song, chỉ từ những sự xuất hiện hay biến mất trong một buổi tiệc, ranh giới giữa hai thế giới này đang dần bị xóa mờ, cùng theo đó là những giá trị đạo đức và những quyền lợi thực tiễn của xã hội đang dần nhạt phai.
Nữ Dân biểu Dân chủ Ocasio-Cortez bước lên thảm đỏ Met Gala 2021 với lời tuyên bố vì trách nhiệm với cộng đồng cùng thông điệp “đánh thuế người giàu”. Song trên thực tế, việc cô tham dự vào một buổi tiệc hoa lệ của giới giải trí đang vấp phải các vấn đề đạo đức của một nhân viên chính phủ Mỹ. Và bản thân thông điệp cô mang đến cho buổi tiệc cũng dễ dàng khiến công chúng hiểu sai vấn đề về sự phân biệt lợi ích giữa người giàu và người nghèo tại Mỹ, trong khi số liệu thực tế cho thấy người giàu tại Mỹ mới là những người phải đóng thuế nhiều nhất. Mà, một phần tiền đóng thuế đó là để chi trả tiền lương cho các nhân viên công vụ và các chính khách của chính phủ Mỹ, cùng với những hoạt động vận động và tuyên truyền của họ.
Một mặt khác, người sẽ phù hợp hơn để xuất hiện tại Met Gala 2021 là ngôi sao nhạc rap Nicki Minaj lại lựa chọn không tham gia, vừa để tuân thủ yêu cầu tiêm vaccine COVID-19 của sự kiện, mà vừa để bảo vệ quyền tự do tìm hiểu và đưa ra lựa chọn của riêng mình với tư cách là công dân Mỹ. Song, chỉ vì không cùng ý kiến với số đông, cô liên tục bị công kích và nhạo báng trên mạng xã hội. Thậm chí, chính quyền ông Biden cũng ngỏ ý muốn giúp đỡ cô nhanh chóng tìm hiểu về vaccine, phải chăng để nữ ca sĩ sẽ sớm thay đổi chiều ý kiến?
Từ trải nghiệm lần này, chính Nicki Minaj và nhiều nhà quan sát khác đã nhận thấy một vấn đề, nước Mỹ từ một đất nước đề cao quyền con người, quyền tự do tư tưởng và ngôn luận, thì giờ đây đang dần trở thành một xã hội khép kín, một xã hội sẵn sàng cô lập và bắt nạt những người không có cùng ý kiến với số đông mà không cần suy xét đến tính hợp lý của luồng tư tưởng trái chiều. Điều này đã khiến Nicki Minaj liên tưởng đến kiểu kiểm duyệt ngôn luận và tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một chế độ cầm quyền theo kiểu độc tài tưởng chừng như hoàn toàn đối lập với một nước Mỹ tự do, cởi mở.
Rõ ràng, công chúng Mỹ đang áp dụng tiêu chuẩn kép trong việc tiếp nhận thông tin, ít nhất là với thông điệp “đánh thuế người giàu” của Dân biểu AOC và thông điệp về vaccine COVID-19 của Nicki Minaj. Với tuyên ngôn điển hình của tư tưởng cực tả nhưng phù hợp với trào lưu văn hóa “thức tỉnh” và “hủy bỏ” hiện thời ở Mỹ, thông điệp của nữ dân biểu vẫn được công chúng Mỹ đón nhận dù đã có nhiều người lên tiếng chỉ ra những lệch lạc của thông điệp kiểu này. Ngược lại, dù không phản đối mà chỉ kêu gọi mọi người tìm hiểu kỹ về vaccine, Nicki Minaj lại trở thành mục tiêu công kích vì đi ngược lại số đông.
Phải chăng giờ đây, nước Mỹ đang ngày càng trở thành hình ảnh phản chiếu của ĐCSTQ? Theo giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại nhóm vận động mang tên Đại hội Uyghur Thế giới là ông Ilshat H. Kokbore, những khác biệt cơ bản về giá trị giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc là: Hoa Kỳ vốn luôn nhấn mạnh quyền con người, trong khi trọng tâm của chế độ ĐCSTQ là quyền lực tuyệt đối. Song, Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher (Wisconsin) nhận định, tại Mỹ hiện thời đang tồn tại một “hệ tư tưởng thức tỉnh điên rồ” bóp méo nhận thức của người dân Mỹ về lịch sử và những giá trị đích thực của quốc gia này, khiến cho họ sợ hãi bóng ma quá khứ mà chối bỏ những lý tưởng và giá trị phổ quát tốt đẹp mà các Tổ phụ đã gầy dựng cho Hoa Kỳ.
Có lẽ, đã đến lúc để cho người dân nước Mỹ, và cả người dân toàn thế giới cần dừng lại để nhìn nhận và suy xét về các sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh chúng ta. Tại mỗi sự kiện lớn của giới giải trí hay giới chính khách đều có những tấm thảm trải sang trọng, ánh đèn flash bóng bẩy của giới truyền thông, những bộ trang phục đắt đỏ và những thông điệp hoa mỹ bắt tai. Nhưng ẩn đằng sau đó, mục đích thật sự của họ là gì?
Du Miên